Vĩnh Quyên thực hiện
Giải thưởng Văn học ASEAN 2005 cho tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư.
Inrasara được bình chọn là Gương mặt tiêu biểu về văn hoá của năm.
*
Sara sinh ra từ một làng Chăm nghèo. Nỗ lực theo đuổi được đến năm thứ hai Đai hoc Sư phạm TP Hồ Chí Minh rồi bỏ học theo đuổi sức hút của thơ ca. Dù làm thơ từ năm 15 tuổi nhưng 25 năm sau mới in được tập thơ đầu tay: Tháp nắng (1996)… Xuất hiện muộn mằn nhưng đủ để được gọi tên “hiện tượng Inrasara “. Một Sara thi sĩ, một Sara kinh doanh, 10 năm vẫn nặng lòng vì một lần bội tín… Cuộc đời ông luôn chông chênh giữa những đường biên và có thể chính điều đó tạo nên sức sống riêng cho thơ Sara và một nền tảng kinh doanh cũng rất… Sara.
1. Anh bắt đầu bước vào con đường kinh doanh khi nào?
Inrasara: Rời Đại học vào năm 20 tuổi, tôi được ông chú mời làm kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp, chú giữ chức chủ nhiệm. Trời đất! Trong khi tôi bỏ giảng đường chủ yếu là để dấn hết mình vào con đường sáng tạo. Làm kế tóan thì phải học, tham dự khóa kế toán được 3 tháng, thấy không cần thiết nữa, tôi lại bỏ dở; thế nhưng tôi luôn được cho là kế toán trưởng xuất sắc của tỉnh.
Được gần hai năm, Ban biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Thuận Hải mời tôi về vừa làm kế toán vừa nghiên cứu; tưởng chỉ phụ trách tạm ai dè, phải bốn năm sau mới dứt được đời con số! Bỏ biên chế của Ban, tôi lao vào làm nông dân và làm thơ, nghiên cứu tự do.
2. Tại sao anh và gia đình lại chọn kinh doanh mặt hàng thổ cẩm Chăm? Thổ cẩm Chăm có điểm gì khác biệt so với thổ cẩm Thái?
Inrasara: Tự do. Cho đến khi tôi thấy thổ cẩm Chăm có cơ hội góp mặt với đời. Chúng tôi bàn nhau bán căn nhà duy nhất ở quê để hành phương Nam (miền Tây) đưa thổ cẩm – lúc đó còn sản xuất lẻ, nhỏ – đến với dân Khmer. Sai lầm là chỗ đó! 8 tháng cả gia đình 6 miệng ăn lang bạt miền sông nước, chúng tôi mất trắng. Quy hồi cố hương tay không. Tôi rút ra kinh nghiệm: thổ cẩm chỉ có thể bán cho người giàu chứ không phải cho người nghèo. Thật giàu càng tốt!
Về, tôi thuê đất HTX mở quán càphê và tạp hóa. Vào Sài Gòn ôm về cả trăm cuốn sách kinh doanh, tóm tắt làm 100 trang trong cuốn vở học sinh dạy vợ con buôn bán. Sau một năm rưỡi, chúng tôi phất mạnh. Mua nguyên lô đất đó, xóa sổ nợ cho bà con 40 triệu (chính tay tôi đốt sổ nợ) và, thừa 8 cây vàng để mang vào Sài Gòn. Lúc đó tôi nhận giấy mời vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu VN-Đông Nam Á (Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh).
Chúng tôi hợp đồng cửa hàng ngay Trung tâm thành phố, mở Cơ sở sản xuất, rồi Công ty TNHH sau đó 5 năm.
Hoa văn thổ cẩm Chăm phong phú hơn Thái rất nhiều, tinh vi hơn và dễ chế tác thành sản phẩm nhỏ hơn.
3. Nhà thơ thì lãng mạn trong khi nhà kinh doanh thì tỉnh táo. Có bao giờ sự mâu thuẫn giữa hai tính cách này gây cản trở khi anh làm thơ hoặc kinh doanh không?
Inrasara: Tôi đâu phải chỉ làm thơ. Chập cheng mất thôi! Lãng mạn thì lỗi thời rồi. Bản thân chưa bao giờ làm nổi bài thơ tình ra hồn. Ngay thuở 15 đã lẩm cẩm thơ thẩn triết lí.
Trí óc tôi có nhiều ngăn hộc: làm thơ, nghiên cứu, làm ruộng, thú y, trồng nho, buôn bán lẻ, kinh doanh sỉ, câu cá, phê bình văn học, dạy học,… tất tần tật nghề. Chưa bao giờ chúng mâu thuẫn hay chống đối nhau cả! Hỗ trợ nhau đề huề nữa là khác.
4. Chuyến xuất ngoại sang Thái Lan vừa rồi với “nàng thơ” có gì khác so với những lần xuất ngoại làm ăn với đối tác kinh doanh thổ cẩm trước đây?
Inrasara: Vui là chính. Không vấn đề gì cả. Bà xã đi với Sara luôn vui vẻ chứ không nặng nhọc và cực khổ như đi một mình. Hãy làm việc một cách vui vẻ, dù điều ta biết kinh khủng hay bi thảm!
5. Nếu được chọn một chức danh thì anh thích được gọi là nhà thơ hay nhà kinh doanh?
Inrasara: Tôi khoái người ta gọi tôi là Sara. Đơn giản vậy thôi, chứ nhà hay sĩ làm gì kia chứ! Còn nếu cần nhãn hiệu để gắn mác, cùng lắm thi nên là thi sĩ. Trong các hội nghị, có ai kính thưa thi sĩ đâu, nếu nhà đó không kèm chức vụ nào đó! Để người ta kính thưa mất công lắm.
6. Trong tình hình nền kinh tế của khu vực nói chung và của VN nói riêng có nhiều biến chuyển, bí quyết để kinh doanh thành công là gì?
Inrasara: Tôi còn phải học nhiều nữa là khác, chứ có bí quyết gì đâu mà truyền cho thiên hạ! Còn nếu ép quá, tôi có một từ [cũng chẳng mới mẻ gì] để nói: TÍN. Nhớ một lần, tôi đã bán cho bà Pháp tấm chăn silk. Nó không là chất silk [thật] như người Pháp hiểu, mà dân gian Chăm và Việt quen kêu đó là silk, tôi cứ vậy mà gọi. Không phải dối mà thành lừa. Tôi hối không kịp nữa, đến 10 năm sau vẫn còn hối.
7. Câu hỏi cuối cùng: nếu bạn đọc muốn ghé thăm cơ sở kinh daonh của anh thì có thể đến địa chỉ nào?
Inrasara: Câu này mang hơi hướng… quảng cáo đấy nhé! Vậy thì đây: Thuận Thị Trụ, 205/38 Thoại Ngọc Hầu, Phường Tân Thạnh, Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Hay nếu có ra Ninh Thuận thì ghé: Cơ sở thổ cẩm Inrahani, làng Mỹ Nghiệp, Thị trấn Phước Dân, Huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
*
báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 18-1-2006