Baigaur, 4-9-2008.
Ppathuw mik wa adei xa-ai Cam ita!
Anh Chế Linh và bà con anh chị em kính mến!
Về danh sách
VINH DANH NHỮNG ĐÓA HOA CHAMPA CỦA CHẾ LINH
Vừa qua, tôi có đọc các bức thư trao đổi qua lại của anh chị em và bà con ta. Tôi không ý kiến. Tôi nghĩ, ý kiến cụ thể lúc này về vấn đề nào đó chẳng những không giải quyết được gì mà còn làm rối thêm tình hình. Sau đó ít hôm nhận được BinguChampa 5, tôi đọc lướt qua, save và để đó. Mãi khi thấy có vài thư phản ứng, tôi nghĩ: lại to chuyện rồi đây, tôi mới đọc kĩ hơn.
Xin góp ý sự việc Vinh danh những đóa hoa Champa. Tôi không đi vào chi tiết mà chỉ nhận định tổng quan.
1. Theo tôi, ý định của anh Chế Linh là giải nhiệt và giải hòa. Lâu nay chúng ta hay chê nhau, nay Chế Linh muốn làm điều ngược lại – vinh danh tên tuổi có công với cộng đồng. Thao tác này có 2 điều lợi: ghi nhận công ơn người đi trước, từ đó khích lệ thế hệ sau nỗ lực cống hiến cho dân tộc, cộng đồng.
Anh cắt lát thời điểm để “vinh danh”: thế kỉ XX và vài năm đầu thế kỉ XXI; khoanh vùng không gian: ưu tiên vùng Panduranga (trước 1975); lãnh vực chú ý: chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, giới khoa bảng,…
2. Nhưng việc làm này lợi bất cập hại.
– Thứ nhất, tiêu chí nhân văn (hay triết học). Người ta có thể đặt câu hỏi: Anh quán xuyến hết mọi lãnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội Chăm hơn thế kỉ qua chưa? Anh ưu tiên cho lãnh vực nào, thành phần nào, khu vực nào của Chăm? Tại sao?
Mỗi đứa con Chăm đều đáng quý. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, vị thế hay vai trò khác nhau. Dù ta đang quê nhà hay tha phương các thành phố xa xôi hoặc cư trú tận đất nước xa lạ nào trên trái đất. Mỗi người đều có giá trị như nhau. Đừng nghĩ là nhà khoa học xã hội thì thế giá hơn kĩ sư, nhà văn thì quan trọng hơn anh nông dân, ca sĩ có vai trò lớn hơn nhà doanh nghiệp,… Và bao nhiêu thân phận không tuổi tên nữa! Vì nếu không có quần chúng vô danh kia, nhà văn, nhạc sĩ hay tiến sĩ sống với ai và sống cho ai? “Núi chê đất thấp núi ngồi nơi đâu?”.
– Từ tiêu chí thứ nhất dẫn đến hệ quả thứ hai, tiêu chí xã hội (hay công trạng). Một vị tiến sĩ (với Chăm là hàng hiếm) chưa có công trình bên cạnh một võ sĩ (cũng hiếm hoi) mang huy chương vàng cá nhân về cho quê hương, ai giá trị hơn ai? Một vị chủ tịch huyện (nay) hay quận trưởng (cũ) mọi người đều biết tên tuổi nhưng đã không bảo vệ lợi ích địa phương so với một phụ nữ vô danh nhưng đã xin tài trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho hai làng nghèo dân tộc/ một Đại biểu quốc hội không có tiếng nói ở diễn đàn so với nhà kinh doanh đã thổi được sinh khí mới cho cả cộng đồng rộng lớn, ai đáng vinh danh hơn? Gần nhất: người lập nên website Chamyouth và người viết nhiều cho trang mạng này, ai cao ai thấp? Cả khi so đo ca sĩ với ca sĩ, bác sĩ với bác sĩ,… ai nắm được thành tựu mỗi nhân vật để vinh danh đảm bảo sự công bằng?
– Bất lợi thứ ba là anh Chế Linh “vinh danh” tên tuổi Chăm vào thời điểm nhạy cảm. Một cộng đồng luôn có vài nhân tố ưu tú, vài khuôn mặt nổi bật trong lãnh vực nào đó. Nhưng chưa phải lúc để làm cuộc vinh danh. Dù công nhận hay không, mọi người đều thấy Chăm đang bất đồng lớn về vài vấn đề, trong đó có vấn đề K, Kh, G…. Kéo theo bao nhiêu là hệ lụy.
3. Khác.
– Dĩ nhiên anh Chế Linh đã cảm nhận theo hiểu biết của anh, thế đứng và quan điểm của anh và cả cảm tình riêng của anh nữa (chuyện không thể tránh). Anh đăng danh sách đó lên website do anh chủ nhiệm. Nếu là website cá nhân như inrasara.com thì có lẽ ít có ý kiến, đằng này website đó mang tên BinguChampa, nên mới có vấn đề.
– Vài người vắng mặt trong danh sách không vui đã đành, ngay một số vị được anh “vinh danh” cũng vậy. Đã có thư phản hồi rồi. Tôi nghĩ anh chị em có lý do rất chính đáng.
[Ở đây xin ghi chú thêm: Không hiểu “luật chơi” Chăm thế nào, riêng trong xã hội Việt Nam, không ít trường hợp (ví dụ như Võ Văn Kiệt, nhà văn Nguyễn Mộng Giác,…) được cả người của Nhà nước lẫn “các thế lực thù địch” ghi nhận. Hay như cá nhân Sara, được cả báo chí chính thống lẫn nhiều tờ báo “phản động” nước ngoài xin đăng bài hay ngợi ca! Đó là nói về hai thế lực đã từng có nợ máu với nhau, đằng này Chàm mình chưa có gì gọi là trầm trọng cả].
4. Quan điểm của Sara:
– Phần cá nhân, tôi không quan tâm lắm đến việc có tên tôi hay không. Càng không quan tâm nó đứng sau hay trước, trên hay dưới. Chả có gì nghiêm trọng cả! Anh Chế Linh có quyền tự do của anh.
Chuyện vui: Chúng tôi có tác phẩm in chung 3 người, một vị đòi tên mình phải đặt trước tên Phú Trạm theo thứ tự abc, tôi cười lớn: “Tôi là Inrasara mà”! Thấy mặt ông ta trở tím tái, tôi tiếp: “Nhưng cứ để tôi đứng sau rốt đi, không hề gì, tôi còn thích như thế nữa mà!”. Ông ta tưởng tôi dỗi, tôi mới thêm: “Thuở Trung học tôi luôn nhận đùa tôi là Krat – Con cóc mà!”.
Tên tuổi quan trọng, đó là tâm lí chung, không sai. Ở đây, phải nói rằng sự vinh danh xứng đáng nhất là thuộc về thế hệ đi tới, thuộc về lịch sử. Ai biết lịch sử sẽ xoay vần thế nào? Ngay công trình sử học, ai biết nó sẽ được viết thế nào? Nói như nhà triết học thời danh của Pháp Michel Foucault: không có biên giới minh bạch giữa tự sự và hư cấu. Mọi kể lại luôn bị khúc xạ, chi phối bởi chủ quan, của cá nhân hay cộng đồng nào đó. Tiểu thuyết chắc chắn là hư cấu rồi, nhưng công trình sử học từng vỗ ngực xưng ta đây khách quan và chân xác, vẫn là thứ hư cấu trá hình, một thứ diễn ngôn (discourse).
– Mọi người Chăm đều yêu dân tộc mình, dù người đó lấy vợ ngoài tộc hay có “chối mình là Chăm”. Chỉ có kẻ liều lĩnh mới dám nhân danh dân tộc để phán xét. Chỉ có ngốc mới độc quyền yêu dân tộc, từ đó tố cáo người nào không “yêu dân tộc kiểu mình” là phản bội dân tộc. Tưởng tượng hay suy diễn một người Chăm nào đó phản bội dân tộc, rồi lên tiếng tố cáo “chính cái mình tưởng tượng hay suy diễn” đó, thì càng ngô nghê hơn nữa. Nói quyết liệt để hạ bệ hay triệt tiêu người khác là không cần thiết. “Giết người đi thì ta ở với ai?”, ta sống với ma à? Cố tình bôi nhọ sẽ khiến Chăm chán nản rồi quay lưng lại với Chăm, có nên không? Đã có không ít trường hợp này xảy ra rồi!
Nhìn từ chiều kích này, việc vinh danh của anh Chế Linh có giá trị nhất định của nó. Ariya Glơng Anak: Nước mất nhà tan, để “haniim yuh jang oh hai, nưm angan jang o hu” (phúc thọ đâu không hay, tuổi tên cũng chẳng có), nên việc ghi nhận tuổi tên những đứa con của bà mẹ Chăm giai đoạn sau đó, không phải là không cần thiết. Ít nhất để ta còn biết ta là Chăm. Hãnh diện làm Chăm.
Trong giai đoạn này, không ai đủ tư cách đứng ra làm quan tòa phán xử. Chúng ta có quyền phê bình, nhưng không được phép tự ban cho mình cái quyền kết án. Bởi thế, nếu không thể yêu nhau được (có khi chỉ bởi tính khí không hạp nhau) thì hay nhất là hãy im lặng hay tạm tránh vậy. Chúng ta là Chăm, tôi tin tất cả một ngày nào đó phải trở về. Với Chăm, giữa lòng bà mẹ Chăm.
Chuyện của tôi: Thuở mười tám, tôi ghét cay ghét đắng đàn ông Chăm lấy vợ Kinh. Gặp ngoài đường không thèm nhìn mặt. Quá khích vậy đó! Nhưng khi vào Sài Gòn học, tôi mới hiểu ra. Tôi cảm thông với phận người hơn, càng thương yêu anh em nhiều hơn.
– Một đời người, quan điểm vẫn có thể thay đổi. Không thay đổi mới là lạ. Thay đổi tích cực thì có ích cho dân tộc, ngược lại thì tai hại.
Chuyện có thật: Tôi với anh T1 bạn bè thâm tình (anh thâm niên một năm “đi Fulro”, tôi cũng ba ngày nau ngap Ikan Kwrak). Một đêm, anh tâm sự: “Không ngờ đồng chí cũ xưa nay trở thành đối thủ”. Ý anh muốn nói về anh T2 cũng là bạn tôi được Đảng cho đi Hà Nội học. – “Anh thật lòng nghĩ vậy sao?”, tôi hỏi. Anh im lặng. Nhưng chính anh T1 ấy, chỉ ba năm sau thôi, đã trở thành “đồng chí” của anh T2. Anh T1 cũng được Nhà nước cử đi học, rồi vào Đảng, tôi lúc đó làm nông dân. Sau này anh T1 còn hỏi tôi: “Sao Trạm không vào Đảng đi?”. Nhưng tôi chưa một lần hé môi phê phán hai ông anh bạn bao giờ cả! Không là ba phải mà là, thế của Chăm là vậy, đành vậy.
Cuộc sống mênh mông không biết đâu mà lần. Bổn phận của một nhà văn là tìm hiểu dân tộc, cho dù đó là một thân phận hèn kém nhất. Tìm hiểu và giúp mọi người cùng hiểu và cảm thông. Nếu có khả năng, hãy hỗ trợ. Làm được thế thôi cũng đã là nhiều rồi.
Ảo tưởng mình sinh ra đời để làm anh hùng dân tộc, hoặc vĩ nhân gì gì đó, thì thật buồn cười!
Thế giới đang thời kì toàn cầu hóa. Chúng ta không thể sống tách biệt với thế giới. Quá khích với một lối nhìn hẹp hòi nào đó, thì khá trẻ con. Xã hội Chăm hôm nay và ngày mai buộc phải hội nhập xu thế chung của thời đại: độc đáo trong đa dạng. Bổn phận của mỗi đứa con Chăm dù ở bất kì đâu là không quên nguồn cội, hiểu và góp sức bảo tồn văn hóa dân tộc, bên cạnh có đóng góp cá nhân vào văn hóa cộng đồng nơi ta đang cư lưu: Việt Nam, Hoa Kì, Malaysia, Thái lan, Campuchia,…
Còn nếu muốn cạnh tranh, thì hãy “khôn ngoan đối đáp người ngoài”. Hãy là nhà văn hàng đầu trong đất nước đó, kĩ sư xuất chúng ở lĩnh vực đó cạnh tranh sòng phẳng với tập thể mênh mông đó, hoặc chí ít là nhà kinh doanh khả năng giúp đỡ đồng bào. Vân vân. Chứ tại khu vực không có hoặc có rất ít Chăm, ta trở thành “chuyên gia” ngôn ngữ hay văn hóa Chăm, là chuyện rất ư bình thường.
Theo tôi, đó là phương cách tồn tại đúng đắn hơn cả.
Tạm kết. Từ khi dấn vào con đường văn chương chữ nghĩa, đến nay tôi nhận được gần 200 bài viết dài/ ngắn khen ngợi, mươi bài chê bai và chụp mũ từ các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình Kinh (tôi không kể Chàm mình ở đây). Đó là chưa nói đến phỏng vấn hay phim ảnh, luận án… Nên có thể nói, tôi bão hòa với mọi khen chê. Một bài phê bình thông minh về tác phẩm mình, tôi cần hơn cả.
Với tinh thần đó, không vỗ tay đồng tình hay phản bác, tôi mạo muội phân tích và nhận định Danh sách của anh Chế Linh như thế. Rất mong anh cũng “không đồng tình hay phản bác” [như thể phe phái] mà là nhìn lại vấn đề nghiêm túc hơn. Qua đó, hi vọng vấn đề phần nào sẽ được sáng tỏ thêm.
Hôm nay tôi tình cờ vào trang web của anh, chưa đọc gì nhiều; Đọc bài này tôi có suy nghĩ thế này, có thể là hơi “tự ái dân tộc” một tý, nhưng đó làcảm nhận của tôi !
Tôi nghĩ, ở làng quê chăm kia, không hẳn là thấp kém văn hóa như đã nêu (ở trên), có lẽ họ khó khăn về cái gì đó nên vậy; Ví dụ: hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thấp; Suy nghĩ cũng như anh, tôi cũng một thời lặn lội chân đất đó sao ? Và đặc biệt hơn là hiện nay vẫn còn có sự nhìn nhận chưa “thiện cảm” lắm của nhà lãnh đạo VN đối với người chăm chúng ta, họ vẫn xem chăm vẫn là “cái gì đó không tin tưởng lắm”, phải chẳng đó cũng là một trong những rào cản khó khăn để con em chăm thăng tiến trong mảnh đất này ?
(Nói thì vậy nhưng không biết làm thế nào, vì đấu tranh thì họ lại cho mình là “kích động” !)_không thuộc chủ đề trên.