Nhã Thuyên thực hiện.
Nhà văn cần biết tự phản tỉnh
1. Song thoại với cái mới nối tiếp/ khác biệt như thế nào với Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo? Chủ đề, tinh thần, hay những từ khóa cơ bản trong quan điểm tiếp cận của anh là gì?
Inrasara: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo là một hụt hẫng của suy tư nền tảng và toàn diện về vấn đề trung tâm/ ngoại vi của văn chương Việt hôm nay. Song thoại với cái mới làm đầy đủ nó. Song thoại lật mở mọi khía cạnh phân biệt đối xử đó: văn học dân tộc thiểu số/ đa số, nam/ nữ, trung ương/ địa phương, chính lưu/ ngoài luồng, trong nước/ hải ngoại, Đông Nam Á/ thế giới… Có quá nhiều phân biệt, nhưng tôi nhận ra đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Cần phải đánh sập mặc cảm đó.
2. Cái mới mà anh muốn “song thoại” cụ thể là gì? Anh có nghĩ nếu chỉ là những cái tên (mà chưa minh giải) e rằng đôi/ nhiều khi chỉ là những cái mới bề ngoài mà thôi?
Inrasara: Cụ thể đấy chứ! Đó là thơ dân tộc thiểu số, thơ Chăm, thơ nữ quyền luận, hậu hiện đại, nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời, sáng tác của các nhà văn hải ngoại,… Tôi thấy chúng mang cảm thức mới-khác hay nảy ra từ một nền văn hóa khác, qua lối biểu hiện mới bằng các thủ pháp mới. Tôi song thoại với chúng, sòng phẳng. Còn cái cũ không cần và tôi không nhu cầu song thoại với nó. Nó đã “khẳng định” mình trong quá khứ xa và gần. Hệ mĩ học của nó cũng đã được lưu kho. Cả cái có vẻ mới cũng thế.
Mỗi mảng đề tài được tiếp cận bằng nhiều lối khác nhau, và có thể nói – thể hiện qua hình thức hoàn toàn khác nhau. Khi thì bằng hình thức đối thoại trực tiếp (“Khai mở bế tắc sáng tạo”) hay đối thoại giả tưởng (“Góp nhặt sỏi đá”), hoặc nhận diện từng khuôn mặt (“Thơ dân tộc thiểu số, tờ một hướng nhìn động”) hay từng cụm tác giả (“Thơ nữ trong hành trình cắt đuối hậu tố ‘nữ’”) từ đó đưa ra nhận định mang tính khái quát. Mỗi cái mới có khi được minh định chặt chẽ như một tiểu luận khoa học (“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”), cũng lắm lúc nó có mặt như được bài báo (“Còn ai đọc thơ, hôm nay?”, “Bế tắc trong sáng tạo”) hay một tản văn đầy ngẫu hứng (“Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”). Có khi nó công phá như thanh đoản kiếm với đường chọc ngắn và dứt khoát (“Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu?”), nhưng lắm lúc cần đến tầm bao quát rộng lớn cả sự lí giải mang tính lí thuyết dông dài (“Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”). Nghĩa là linh hoạt, như thể một sáng tạo khác vậy.
3. Anh có nghĩ rằng sự hào hứng rộn ràng của anh với Hậu hiện đại sẽ biến nó thành một “từ rỗng”, (khi nó chưa ứng với tác phẩm/ tầm đọc) một thứ công cụ, đặc biệt là công cụ tuyên truyền (không phải tuyên truyền chính trị mà tuyên truyền cho chính nó)? Hậu hiện đại, trong nhiều trường hợp là một thứ vỏ ngụy tạo dễ dãi với một số tác phẩm khoác áo cái mới. Và những hào hứng quá sẽ “lộng giả thành chân”…
Inrasara: Đúng! Nhưng hãy gạt sang bên tầm [đón đợi của người] đọc, bởi người viết không trách nhiệm về khoản này. Riêng tác phẩm: đâu phải cái mới nào cũng “hay”. Tôi đã làm cuộc sàng lọc kì khu mới có được những tác phẩm sáng giá. Bởi chính tác phẩm [hậu hiện đại] nói lên cảm thức nông hay sâu, sự vận dụng thủ pháp nhuần nhị hay thô thiển của nhà thơ hậu hiện đại. Và cả tài năng nữa chứ. Nhưng làm sao người đọc có thể thấy như thế, nếu nhà phê bình né tránh chúng, và nhất là tâm lí hãi sợ, dị ứng của các thế lực đủ dạng luôn ngăn chúng có mặt sòng phẳng và công bằng? Hãy đưa chúng ra ánh sáng, cho những gì là “thứ vỏ ngụy tạo” lộ mặt. Khi đó chính chúng sẽ “tự hủy” mà không cần bất kì cấm đoán hay trù dập nào!
4. Anh đã bao giờ “tự nhìn lại” những đánh giá của mình với các hiện tượng văn chương anh đã hào hứng? Thực tế có rất nhiều nguy cơ ảo tưởng: Ảo tưởng về một cộng đồng văn chương toàn cầu hóa, ảo tưởng về cách tân, v.v…?
Inrasara: Tôi luôn “tự nhìn lại”, nên chưa bao giờ ảo tưởng về cái gì đó bất kì. Nhà văn hậu hiện đại thường trực mang trong mình ý thức phản tỉnh, tự thức (self consciousness), nếu không thế, anh/ chị ta sẽ chết với ảo tưởng tự sản sinh mang vác suốt hành trình. Nhưng chết với ảo tưởng về cái mới không oanh liệt hơn ngồi lì lại với cái cũ sao?
5. Vậy điều gì làm anh chú ý nhất ở thơ ca? Ngôn ngữ hay “thái độ xã hội” của nó hay…?
Inrasara: Đây là câu hỏi đòi hỏi một kiến giải rất rộng. Tôi tạm trưng dụng câu nói nổi tiếng của Heidegger: “Ngôn ngữ là ngôi nhà an cư của Tính thể. Thi sĩ và tư tưởng gia là kẻ canh giữ ngôi nhà ấy”. Khi được ngôn ngữ kêu gọi cư ngụ tại nhà, thi sĩ canh thức ngôn ngữ. Mọi thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động của con người đều xuất phát từ trung tâm phi trung tâm đó. Lúc ấy, Thi sĩ là Ngôn ngữ là Tư tưởng là Hành động. Không còn phân biệt đâu là thái độ hay ngôn ngữ nữa.
6. Anh có nói rằng nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn hay lập thuyết. Vậy phát ngôn của anh có thể gọi là…?
Inrasara: Trả lời phỏng vấn là đáp ứng lại câu hỏi trước đó. Từ câu hỏi ”nhà văn chúng ta chỉ giỏi lập ngôn chứ chưa bao giờ lập thuyết nổi” mới bật ra đáp ứng đó. Việt Nam [và rất nhiều dân tộc khác] không truyền thống sản sinh triết học hay mĩ học, là chuyện không bàn. Càng không vấn đề, nếu ta khiêm cung học tập thiên hạ. Phiền nỗi là ta mang phức cảm khá lạ: vừa lớn tiếng phản bác đồng thời len lén học lóm sau lưng! Về phần tôi, tất cả “phát ngôn” chỉ là một cách học tập hoặc nền tảng hơn nữa, một dọn đường cho học tập.
7. Anh muốn lập biên bản thơ Việt Nam đương đại và không áp đặt lối nhìn, bằng ngôn ngữ đơn giản nhất. Điều này tôi thấy nghi ngờ. Có chăng một kiểu “biên bản văn chương” thuần túy không một lối nhìn riêng của anh, và một “ngôn ngữ phê bình” của anh?
Inrasara: Tôi chưa dùng từ “thuần túy” trong lập biên bản bao giờ và ở đâu cả. Lập biên bản “các sự biến văn chương đang xảy ra”, nghĩa là không chừa trừ, không phân biệt hay xử ép với bất kì “sự cố” nào. Chúng có đó, không thể chối bỏ. “Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Giữ nguyên hiện trường, diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của hệ mĩ học đó đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa”. Ở đó vẫn có cái nhìn của chủ thể quan sát, nhưng tôi nhận định chúng qua hệ mĩ học của chính sáng tác đó. Chứ không từ lập trường hay định kiến của tôi.
Phê bình để “xô đổ” vách ngăn văn chương
8. Thư mục sách tham khảo của anh có thể làm nhụt chí các nhà phê bình (ở Việt Nam). Với anh, lý thuyết văn học có vai trò như thế nào với phê bình văn học hiện nay?
Inrasara: Phê bình thiếu lí thuyết, thiếu tư tưởng nền tảng chỉ là thứ cảm nhận đầy cảm tính. Qua đó việc khen chê luôn bắt rễ từ cảm tình, tùy hứng và tùy tiện. Phê bình như thế chẳng những làm rối mò khí quyển văn chương mà chính nó cũng sẽ chẳng nhích lên tới đâu.
9. Nhưng ở Việt Nam, những lí thuyết (không được hiểu/ dùng) đúng chẳng cũng đang làm rối mù khí quyển văn chương đó thôi?
Inrasara: Không sai! Nhưng lẽ nào chỉ vì lí do đó mà ta mãi phê bình hay sáng tác bất cần lí thuyết? Từ chối hay dị ứng với lí thuyết?
10. Anh có cảm thấy những phát ngôn của mình như muối bỏ bể? Sau những nỗ lực của anh, anh có thấy được ủng hộ, có nhiều người tiếp nối anh “song thoại với cái mới” hay/ và song thoại một cách thẳng băng với anh chưa?
Inrasara: Không như muối bỏ bể đâu. Ít ra nó cũng mức độ nào đó đánh thức bộ phận kẻ sáng tác đang ngủ mê nơi căn chòi hệ mĩ học cũ, cảnh giác những cái mới giả mạo hay đang lặp lại mình mà không biết và nhất là, khích lệ những bước chân tìm tòi, phiêu lưu vào những miền đất mới. Song thoại như thế kêu đòi các song thoại khác tương thoại với nó. Tương thoại như thể các tư duy đã trưởng thành chứ không thái độ quy chụp thô thiển hay né tránh trẻ con. Chỉ khi đó ta mới cơ may đẩy nền văn học dấn tới.
11. Trả lời nhiều phỏng vấn, anh có cảm thấy chính mình bị truyền thông làm nhiễu không? Tôi cảm thấy nhiều khi anh cũng luẩn quẩn và “chưa đủ cô đơn” để nhìn các hiện tượng một cách điềm tĩnh hơn?
Inrasara: Truyền thông chưa hề làm nhiễu tôi ở đâu cả. Tôi vẫn đủ đầy cô đơn cho mọi sự việc, trước mọi trang viết. Vẫn còn vài hiện tượng văn chương khác đang trong tầm lập biên bản của tôi. Trên dưới 30 trào lưu/ khuôn mặt sẽ có mặt đề huề trong Từ hiện đại đến hậu hiện đại (phê bình). Có thể gọi đó là Song thoại với cái mới (thuyết lí) tập hai. Khi ấy, bạn mới thấy tôi “điềm tĩnh” như thế nào trong hành trình tư tưởng và chữ nghĩa.
Sự điềm tĩnh này – nếu bạn lưu ý – đã thể hiện ngay ở phần “kết”: “Thơ như là con đường” trong Song thoại với cái mới rồi. Và ít nhiều sáng hơn ở một tiểu luận mới của tôi: “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & Thơ”.
12. Cuốn sách của anh nhắc đến nhiều hiện tượng người ta vẫn kiêng nhắc. Vậy, nó bị/ được nhà xuất bản ứng xử ra sao?
Inrasara: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo được nhà xuất bản đề nghị tạm hoãn nhiều bài, trong đó có bài mang tính bản lề. Còn Song thoại với cái mới sau gần một năm mới được cho ra lò. May mắn nó mẹ tròn con vuông, như người đọc đã thấy.
13. Dù sao, từ “song thoại” vẫn đem lại cảm giác “to tát” trong văn hóa tranh luận văn chương ở Việt Nam hôm nay. Anh nghĩ sao?
Inrasara: Đó là người ta “cảm giác” chứ không phải tôi. Văn chương là chuyện cá thể. Nhà phê bình chỉ có thể nói chuyện với cá thể người hay từng xu hướng sáng tác. Nó không quan tâm đến “đối thoại” hội đoàn, bè nhóm. “Song thoại” còn nói lên phê bình “song hành” chứ không đi trước hay sau, đứng cao hay thấp hơn sáng tác.
14. Điều quan trọng nhất anh muốn/ đã làm được ở cuốn sách này hoặc những điều anh muốn nói thêm.
Inrasara: Đó là ý hướng nhận diện và ý muốn xô đổ bức vách ngăn văn chương [bị cho là] ngoại vi và trung tâm qua quyết tâm phá tan nỗi mặc cảm hậu thuộc địa và ngoại vi tệ hại và tai hại. Riêng cá nhân tôi, khai vỡ mọi khía cạnh trung tâm/ ngoại vi trong văn chương Việt đương đại là một thách thức lớn. Nó đòi hỏi tầm bao quát vấn đề chưa từng được đề cập trước đó, khả năng thẩm định tác giả, tác phẩm, xu hướng hoàn toàn mới và nhất là, thường trực vượt bỏ sự thỏa hiệp.
Điều cần nói thêm ư? Độc giả sẽ thấy nó đủ đầy ở tập tiếp theo.
Xin cảm ơn anh.
Sài Gòn, 26-7-2008.