Phong Điệp trò chuyện với nhà thơ Inrasara.
Bài này đã được đăng một phần ở báo Văn nghệ, 24.05.2008.
PĐ: Tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng một câu hỏi mà rất có thể sẽ làm anh phật ý: anh có phải là người thích gây “sốc”, thích “gây sự” bằng các nhận định, các tuyên ngôn? Ví dụ như cách đây ít lâu anh có cho rằng “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” khiến cho không ít người cảm thấy ngạc nhiên/bất ngờ/ thậm chí bất bình về phát ngôn này?
Inrasara: Không phật ý đâu!
“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Bế tắc trong sáng tạo”, “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, “Khủng hoảng thơ trẻ sài Gòn”,… Đó là thao tác chính danh trong/cho suy tư. Khi ta còn né tránh, nói trại, nói ẩn dụ hay ám chỉ gì gì khác mà, không chịu/biết gọi đúng tên sự thể thì suy tư của ta sẽ chẳng nhích tới đâu. Cuộc hành trình sẽ trở nên vô bổ ngay từ khởi sự. Liệu pháp gây sốc không phải không tác dụng, nhưng tôi không thích dùng nó. “Gây sốc” hay “gây sự” chỉ là phương sách của người viết thiếu tự tin. Còn chuyện “không ít người cảm thấy ngạc nhiên/bất ngờ/ thậm chí bất bình” thì đó không là vấn đề của tôi.
PĐ: Chủ đề mà hôm nay tôi muốn mời anh cùng trao đổi đó là chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam. Xin dẫn một nhận định cũng rất mạnh dạn của anh, khi cho rằng: “Gần mươi năm qua, từ khi “chủ nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism) xuất hiện trong thế giới chữ nghĩa Việt Nam, nó đã gây dị ứng không ít từ nhiều phía và kéo dài hơi… lâu.” Hai chữ DỊ ỨNG mà anh “kê đơn” liệu đã thật chính xác và thật đầy đủ về sự tiếp đón của chúng ta (chúng ta – trong tư cách những người sáng tác và độc giả) với chủ nghĩa Hậu hiện đại?
Inrasara: Chính xác và đầy đủ!
Đầy đủ, bởi dị ứng từ:
Người làm lí luận-phê bình: “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo (?) của một GS Mĩ (?) thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách (!?). Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta” (Báo Văn nghệ, 22.04.2006).
Dị ứng qua kẻ sáng tác: “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài (…) như hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” (…) hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó” (Báo Thế thao – văn hóa, số 84, 15.07.2006).
Cho đến tận người đọc: “Là người yêu thơ, chúng tôi không cần biết những trào lưu gì. Dù là hiện đại, hậu hiện đại, sau hậu hậu hiện đại là “hậu sự” gì đi nữa… miễn thơ phải hay!” (Tạp chí Thơ, số 09.2007).
Tôi đã lập hồ sơ hàng lô các tang chứng rất mực điển hình.
Qua các bài viết có đoạn văn vừa trích dẫn, người viết chứng tỏ không hiểu gì về hậu hiện đại cả, Hoặc có “hiểu”, nhưng hiểu sai. Không hiểu hay hiểu sai mà vẫn phản bác thì “dị ứng” là chính xác rồi còn gì!
Nữa: Bạn chú ý từ “không ít” trong câu: “nó đã gây dị ứng không ít từ nhiều phía và kéo dài hơi… lâu”. Nghĩa là vẫn có “ít” người dù chưa nắm được tinh thần hậu hiện đại vẫn tạm chấp nhận và, nỗ lực tìm hiểu hậu hiện đại.
PĐ: Theo anh các tác phẩm văn học theo chủ nghĩa Hậu hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa? Và nếu kể tên một (hoặc một số ) người tiên phong, thì anh sẽ nhắc đến ai?
Inrasara: Đã. Mỗi tác giả chuyên trị một/một vài thủ pháp hậu hiện đại khác nhau. Lê Anh Hoài (Chuyện tình thời tạp kĩ) và các bài thơ Bùi Chát nhuần nhuyễn thủ pháp giễu nhại (parody). Nguyễn Hoàng Nam tài hoa trong việc làm giảm thiểu tối đa cảm xúc thường có trong thơ, nhất là thơ lãng mạn, như thể một phản-lãng mạn. Phan Bá Thọ sáng giá qua lối viết siêu hư cấu sử kí (historiographic metafiction) trộn lộn các sự kiện hiện tại và quá khứ gần, còn Phạm Lưu Vũ hư cấu kiểu khác – chế tác sử liệu từ một quá khứ xa hơn, nhưng nội dung vẫn là của hôm nay. Trong khi Lý Đợi chuyên cắt dán và chế biến tin tức báo chí thì Đỗ Kh lắp ghép các mảnh rời từ ca khúc “sến”, để làm thành bài thơ. Nguyễn Vĩnh Nguyên (Khu vườn lưu lạc) dù mờ nhạt hơn, vẫn mang chứa khả tính giải thiêng bằng công phá vào lối nghĩ đại tự sự lỗi thời. Như Huy trong tập thơ mới in Những câu phức, đã suy tư len “giữa những khe hẹp và sâu của vô số lớp hiện thực” với bao phức hợp và trộn lẫn của chữ, nghĩa và hình ảnh, để cuối cùng đề nghị “một bộ ngữ pháp lạ lùng”, làm nên lối viết hậu hiện đại.
Ở đây có thể kể thêm Nhật Chiêu, Đặng Thân, Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng, Hoàng Long,… và cả Inrasara với Chân dung cát và Chuyện người đời thường nữa chứ!
Dĩ nhiên, bởi không phải tất cả tác giả nêu trên đều mang cảm thức hậu hiện đại nên, cho dù có sử dụng các thủ pháp hậu hiện đại mà họ chia sẻ được qua sáng tác của đồng nghiệp ở phương Tây, sáng tác này vẫn chưa thực sự là tác phẩm hậu hiện đại thập thành. Đơn giản: đa số chúng vẫn chưa mang chở đầy đủ cảm thức hậu hiện đại. Thế nhưng sự khởi động như thế vẫn cho tôi hi vọng ở các sáng tác tiếp theo của họ…
PĐ: Thế còn Bùi Giáng thì sao? Một vài người khi nói đến sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam đã nhắc đến ông như một người tiên phong…
Inrasara: Khi “hoài nghi khả năng ‘tái hiện hiện thực’ của ngôn ngữ” (Nguyễn Hưng Quốc), Bùi Giáng làm nhiều bài thơ hỗn độn những âm, vần, thanh điệu,… rất “vô nghĩa”. Đó là một khởi đầu cho cảm thức/sáng tác hậu hiện đại. Vài người đi trước tôi nhận ra điều đó, tôi cũng vậy.
PĐ: Khi bàn về việc chưa thể một cuộc “cách mạng thơ trong tương lai gần” anh có lý giải rằng chúng ta “chưa chuẩn bị gì cả”. Thế còn với sự xuất hiện của hậu hiện đại ở Việt Nam, theo cách đánh giá của anh, chúng ta đã có hay chưa có một sự chuẩn bị cần thiết?
Inrasara: Có, nhưng chưa đầy đủ.
Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết: họ là những kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ. Thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm mình. Thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập. Cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ. Cả bốn yếu tố đó, chúng ta đang thiếu, thiếu lớn!
Về hậu hiện đại, cùng lắm hôm nay ta có nhóm Mở Miệng với những tuyên ngôn và sáng tác của họ. Nhưng ở đó còn thiếu vài yếu tố. Ngoài ra, vẫn cứ là các nỗ lực đơn lẻ. Chưa tồn tại một trào lưu hậu hiện đại rộng lớn nên, thành tựu nếu có, chỉ là những thành tựu đơn lẻ, chứ Việt Nam chưa thể có nền văn chương hậu hiện đại đúng nghĩa.
PĐ: Giả sử có ý kiến phản biện thế này: không hậu hiện đại thì đã làm sao nào? Văn chương đâu phải là sàn diễn thời trang mà ở phương Tây có mốt gì ta cũng hối hả chạy theo? Anh sẽ phản bác ra sao?
Inrasara: Cái khác của văn chương so với thời trang là, khi nó đã hay thì nó thành cổ điển. Người đời sau vẫn thưởng thức cái cổ điển đó, rung động với nó. Nhưng đã là kẻ sáng tạo, bạn không được đi theo vết mòn vạch sẵn. Sự khác biệt [về phong cách, thi pháp, hệ thẩm mĩ] làm nên giá trị của văn chương.
Nhưng ở ta đâu đã kinh qua mọi trường lưu diễn của các “mốt” ngoài kia! Bao nhiêu là “mốt”, từ hậu hiện đại, nữ quyền luận – feminism, hậu nữ quyền luận – postfeminism đến thơ tân hình thức – new formalism, thơ mở rộng – expansive poetry, thơ tân truyện kể – new narrative poetry, thơ ngôn ngữ – language poetry, thơ hậu ngôn ngữ – postlanguage poetry,… nẩy nở và phát triển, trùng trùng điệp điệp. Vừa bởi các nhà lí thuyết, vừa bởi chính nhà thơ. Chúng được khai sinh, lan rộng và biến mất. Từ Âu sang Á, từ Nam Mĩ sang Bắc Phi, từ Pháp quốc sang Nhật Bản. Và cả… Việt Nam. Việt Nam ta mới nhập cảng có hai thứ hậu hiện đại với tân hình thức thôi mà! Tân hình thức, sau ba năm thử nghiệm, đã tắc. Nữ quyền luận thì èo uột. Thơ trình diễn còn chưa đến kì thôi nôi. Chỉ có mỗi hậu hiện đại – nhập làng ngôn ngữ Việt gần chục năm qua và “nguy cơ” vẫn còn kéo dài. Tại sao lại đối xử phân biệt kia chứ!?
Nhưng chớ có phản biện bằng giọng mỉa mai một cách ngây ngô như thế. Làm như ta chưa từng học Đường luật Tàu muộn mất ba trăm năm, học lãng mạn với tượng trưng Tây trễ đến gần thế kỉ. Không học, thì ta cứ thử đẻ ra các “mốt” đi? Xem thiên hạ có “chạy theo” ta không? Chớ nghĩ ta ngôn ngữ nhược tiểu! Hãy ngó sang Kierkegaard của Đan Mạch bé tí…
Các trào lưu văn chương, chúng không chết hay bị chôn vùi trong nghĩa trang văn chương chữ nghĩa, như lâu nay chúng ta từng dè bỉu. Cần xem chúng như là những cuộn sóng, những xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại. Chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Chúng tồn tại mãi mãi.
PĐ: Theo anh vì sao sự xâm nhập và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam lại chậm như vậy? Sự chậm này có phải là “chậm chắc” như cách người ta thường nói bấy lâu?
Inrasara: Không chậm chắc gì cả đâu!
Muộn, đúng lắm. Từ thập niên tám mươi của thế kỉ trước, trong khi hậu hiện đại “tạo thành cơn sốt trên khắp thế giới”, từ Mỹ cho đến Nga, từ Trung Quốc cho đến Nhật Bản, từ châu Âu cho đến châu Mỹ Latinh,… thì mãi khi văn học mạng hình thành vào đầu thiên niên kỉ này, hậu hiện đại mới thập thò ngoài cửa nhà ta. Mà cửa lại he hé, mới khổ chứ!
Muộn và chậm. Chậm từ trì trệ của cả bốn yếu tố cho cuộc cách mạng, như đã đề cập ở trên. Trong đó yếu tố diễn đàn độc lập và người đọc là nguyên nhân không phải là không quan trọng.
PĐ: Bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại, anh có đề cập đến nhiều yếu tố như cảm thức hậu hiện đại, viết hậu hiện đại, đọc hậu hiện đại, phê bình hậu hiện đại… Đây có phải là những yếu tố CẦN và ĐỦ cho sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam?
Inrasara: Ở đâu cũng thế, chứ không riêng gì Việt Nam.
Với người viết, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ, nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác. Một, một vài hay tất cả mọi thủ pháp thích hợp. Nhưng nếu ta có tác phẩm hậu hiện đại “hay” mà người đọc không đủ tri thức/cảm quan/cơ hội đón nhận, thì chúng sẽ đi về đâu? – Hư vô, chắc chắn thế!
Chớ nghĩ thơ không cần hiểu mà chỉ có thể cảm. Này nhé! Bạn thử quá bộ vào phòng triển lãm tranh cổ điển. Dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu. Sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái lập thể, bạn không thể thưởng thức thì chẳng có chi lạ. Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác! Trường hợp Thơ Mới của trào lưu lãng mạn và hiện thực cũng thế, người đọc thời đó đã được chuẩn bị từ ngồi cấp hai trường Tây!
Còn phê bình, theo sự hiểu của tôi: trống vắng! Đó là chưa kể nhà phê bình (người đọc chuyên nghiệp) không mặn mà với sáng tác hậu hiện đại. Trở ngại không chỉ ở tri thức mà còn ở gu thưởng thức nữa. Hãy nhớ lại vụ Hoài Thanh, Xuân Diệu ứng xử thế nào với thơ Hàn Mặc Tử [hậu Gái quê] hay Đinh Hùng, cũng đủ thấy. Ai dám cho là hai khuôn mặt văn học tài hoa này chưa được trang bi tri thức về trào lưu tượng trưng, siêu thực?
Cuối cùng, báo chí và phương tiện thông tin đại chúng các loại có nhiệt tình giới thiệu tác phẩm hậu hiện đại chưa? Câu trả lời thật lòng là: – chưa! Ngay các bài thơ tân hình thức của tôi, bao nhiêu lần gởi đi là bấy nhiêu bận bị thải. BBT luôn yêu cầu tôi thay bằng chùm thơ “hiện đại” khác. Thì làm sao sáng tác hậu hiện đại có thể tạo nên một trào lưu rộng khắp?
PĐ: Nếu câu giải thích anh nhận được là: những tác phẩm ấy bị loại vì nó chưa hay nên báo chí buộc phải từ chối đăng tải thì sao? Văn chương của anh – anh có thể mặc sức thể nghiệm nó. Nhưng báo chí thì luôn có những tiêu chí đánh giá nhất định mà chất lượng của tác phẩm là một trong những yêu cầu tiên quyết…
Inrasara: “Chưa hay” – đúng lắm. Đó là vấn đề chất lượng. “Tiêu chí đánh giá” – càng đúng nữa! Đây là chuyện thuộc phạm trù mĩ học. Câu hỏi phải được đặt ra ở đây là: làm sao có thể đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học này bằng/qua tiêu chí của hệ mĩ học khác? Để từ đó thẩm định hay/dở của nó? Đứng bên này bờ hệ mĩ học lãng mạn để đánh giá thơ tân hình thức hay hậu hiện đại, có thể được không? – Sức mấy!
Cứ nhớ lại bức họa Bữa ăn sáng trên cỏ của Eduard Manet xuất hiện vào năm 1863 gây ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa người bênh vực truyền thống kinh viện và các văn nghệ sĩ trẻ, hay xem các họa sĩ ấn tượng chê lối vẽ lập thể thế nào, thì đủ biết. Mà đó là chuyện của muôn năm cũ rồi. Chúng thuộc các hệ thẩm mĩ đã được lưu kho từ thế kỉ trước rồi.
Còn nếu năm loại báo [chuyên văn chương] đồng loạt không đăng thơ tân hình thức của tôi [và không chỉ riêng tôi], thì vấn đề mĩ học cần được đặt ra. Còn cứ để cho các nhà thơ “mặc sức thể nghiệm” để mình mình biết mình mình hay, thì nền văn chương sẽ đi đến đâu?
Đâu phải cái mới nào cũng hay. Sao cứ đòi thơ tân hình thức, hậu hiện đại phải “hay” ngay từ buổi đầu nó chập chững ngơ ngác? Cái mới nào cũng thế, cần qua bao nhiêu trải nghiệm, sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học văn chương đó, đánh giá hay/dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua thẩm định của thời gian nữa. Nhưng đòi hỏi trước tiên là chớ loại trừ các sáng tác khác lạ kia ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ mĩ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó đòi hỏi một môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.
Trong bài “Góp nhặt sỏi đá, hay Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay” in ở báo Văn nghệ, 20.9.2006, tôi có đề nghị báo Văn nghệ trẻ thử làm [mới] về mỗi trào lưu:
– Dành 2 trang trình bày lí thuyết – phê bình về trào lưu văn nghệ đương đại trên thế giới. Trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều. Để thế hệ nhà văn trẻ của ta bớt đi nỗi lạc hậu tình hình văn chương người thiên hạ.
– 2 trang giới thiệu các sáng tác tiêu biểu, khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, về trào lưu đó. Để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương thế giới, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm.
– Và 1 trang giới thiệu các sáng tác trong nước “chạy theo” trào lưu này. Để người đọc làm quen và nhận chân giá trị của các sáng tác đó.
Mỗi trào lưu dành 3-4 kì báo liên tục. Chỉ khi đó, nhà phê bình và độc giả mới cơ hội đánh giá chính xác nó. Nhưng, đề nghị đó bị duyệt cắt bỏ và, chìm.
PĐ: Trong bài trò chuyện gần đây, nhà văn Lê Anh Hoài có cho rằng Hậu hiện đại đã và đang được Việt Nam hoá. Quan điểm của anh về vấn đề này?
Inrasara: Tôi đã đọc bài trả lời phỏng vấn khá lí thú của Lê Anh Hoài, nhưng nhà văn này vẫn chưa diễn đạt rõ luận cứ với các dẫn chứng cụ thể và đầy đủ về “hậu hiện đại đã và đang được Việt Nam hóa” (có lẽ do hạn chế về dung lượng chữ của một bài phỏng vấn chăng?), nên tôi không có ý kiến. Chỉ đồng ý với anh là “đi sau không có nghĩa là ăn theo, nhai lại”.
PĐ: Anh tâm sự: “Trong nỗ lực tìm hiểu tinh thần thời đại [trong nước lẫn thế giới], tôi đã dấn mình vào hậu hiện đại. Và thử lập biên bản các sáng tác của người cùng thời”. Có điều gì thú vị trong quá trình “lập biên bản” ấy mà anh có thể chia sẻ với tôi, trong cuộc trò chuyện cởi mở này?
Inrasara: Tôi say mê triết học từ khá sớm. Khi đất nước thống nhất, tôi bị đứt nguồn thông tin. Những tưởng tôi mãi sống đời học giả tận tụy với ngôn ngữ và văn học dân tộc. Bỗng, Internet ra đời với bao điều mới lạ ngoài kia. Tôi say sưa “truy tìm triết học”. Ba năm như thế, bất chợt tôi nghĩ: tại sao không tìm hiểu tâm hồn người cùng thời, mà văn chương là phương tiện thể hiện đầy đủ hơn cả. Thế là cuộc “lập biên bản” ra đời. Không phân biệt trung tâm hay ngoại vi.
Đang ngon trớn với những Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Lương Định, Dương Thuấn…, một hôm tôi ngộ ra mình đang phê bình “lặp lại”. Tìm nguyên do, tôi thấy bởi chính các nhà thơ Dân tộc thiểu số này đã lặp lại – lặp lại cái sáo mòn của người khác và chính mình. Thế là tôi thu gom, biên tập các bài phê bình lại thành tiểu luận: “Thơ Dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”. Bài viết mà Hoàng Ngọc Hiến cho là “có thể đặt ngang hàng với Một thời đại mới trong thi ca của Hoài Thanh”, tạm mượn uy danh nhà phê bình này “giải quyết khâu oai” như thế.
Cũng chưa là gì cả! Điều thú vị hơn có lẽ khi tôi tình cờ đọc một tiểu luận về hậu hiện đại, qua đó tôi lần tìm các tác phẩm nền tảng của M.Foucault, J-F.Lyotard, R.Barthes, J.Derrida, G.Deleuse,… cùng vài sáng tác tiếng Việt mang yếu tố hậu hiện đại. Tôi hào hứng lao vào “lập biên bản” tiếp. Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) rồi Song thoại với cái mới (2008) ra đời từ thao tác đó…
PĐ: Tôi tò mò muốn hỏi, tại sao lại là “lập biên bản”? Dường như anh thường xuyên sử dụng cách thức này?. Nhưng cá nhân tôi thì chỉ mới bắt đầu chú ý và thấy ấn tượng nhất từ một cuộc hội thảo văn học trong TP HCM – khi mọi người đua nhau viết bài tường thuật cho báo chí, lồng ghép các đánh giá chủ quan của mình vào đó thì anh làm một công việc khác hẳn: lập biên bản cho cuộc hội thảo đó – và tuỳ mọi người đánh giá thành công – hiệu quả… của nó.
Inrasara: Sau mỗi hội thảo, báo chí đều đưa tin, bình luận. Lạ! Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai. Như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản: cụ thể, chính xác, đầy đủ. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước/trong/sau và cả ngoài hành lang hội thảo. Để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo trí nhớ của vài người tham gia.
Về “phê bình”, tôi không quan tâm đến lối phê bình được mệnh danh phê bình bắt sâu hay thưởng hoa. Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” các sự biến văn chương đang xảy ra, những con người làm việc và sáng tác cùng thời. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Giữ nguyên hiện trường, diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của hệ mĩ học đó đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.
Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế.
PĐ: Theo anh, liệu có mối liên quan nào không giữa việc tác phẩm đi theo một khuynh hướng sáng tác mới với chất lượng của tác phẩm đó? Ở đây là câu chuyện giữa hình thức và nội dung. Sở dĩ tôi đặt câu hỏi hơi “kì quặc” này là bởi vẫn tồn tại quan điểm cho rằng: nhà văn cứ lo viết hay đi, hậu hiệu đại hay không hậu hiện đại thì đâu có nghĩa lý gì?
Inrasara: Rằng thơ văn không phải cách tân, chạy theo trào lưu này nọ chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay, là nhận định sai lầm đầy ngộ nhận mà không tự biết. Bởi, nói quyết liệt như E.Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay hai mươi năm!
Thử điểm qua vài giọng thơ Việt của thế kỉ qua và phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ, nhà thơ hàng đầu nữa? Giả dụ nếu ta cứ “viết sao cho hay” như Thơ Mới mãi đi thì văn học sử ta làm gì có [cách tân, đổi mới như] thơ tự do không vần? Vậy đó, cái hay của Thơ Mới hoàn toàn khác cái hay của thơ tự do hoàn toàn khác cái hay của thơ hậu hiện đại…
Riêng việc sáng tác theo hệ mĩ học nào đó không dính dáng đến chất lượng tác phẩm. Đâu phải tất tần tật sáng tác hậu hiện đại đều hay? Cũng như trước đây hơn nửa thế kỉ, phải đâu mọi bài Thơ Mới đều là tác phẩm đáng đọc? Hoài Thanh – nếu ta tuyệt đối tin vào nhà phê bình này – đã làm cuộc loại bỏ 99 bài mới chọn ra được một bài “hay” đấy chứ! Nhưng cái hay hôm nay chắc chắn hết còn là cái hay của lãng mạn, hiện thực, tượng trưng, siêu thực,… thậm chí – hiện đại rồi!
PĐ: Không thiếu những người viết của chúng ta hiện nay – đặc biệt là những người trẻ – viết theo bản năng, cảm tính. Họ có thể viết những tác phẩm theo cảm thức hậu hiện đại nhưng chính bản thân họ lại không ý thức về điều đó. Và nếu đặt một câu hỏi chung: hậu hiện đại là gì thì tôi đồ rằng nhiều người sẽ lúng túng. Ở đây đặt ra một vấn đề thế này: người viết trẻ thích cách tân, thích tiên phong trong các trào lưu sáng tác mới, nhưng chính họ lại thiếu sự hiểu biết cần thiết về con đường mình đang theo đuổi. Anh nghĩ sao về điều này?
Inrasara: Đúng lắm! mới đây, tôi hỏi ba nhà thơ đã in hơn một tập thơ rằng có đọc Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy chưa? Tất cả đồng thanh: – chưa. Trước đó hai năm, có bạn văn trẻ còn kiêu hãnh tuyên không đọc manh sáng tác nào trong nước nữa là! Đó là chuyện tác phẩm. Riêng lí thuyết thì có đến 95% nhà văn ta mờ mờ nhân ảnh.
“Viết theo bản năng, cảm tính” thì sẽ đi đến đâu? Thực tế, các nhà văn lớn trên thế giới, chẳng những sáng tác thôi mà còn [ý thức sâu thẳm hay làm] lí luận nữa. Apollinaire nhà thơ song hành Apollinaire nhà lí luận phê bình; ông cũng không chỉ phát ngôn cho thơ mà còn cho cả hội họa. Rồi Paul Valéry, J-P.Sartre, Y.Bonnefoy,…
Có ba dạng sáng tác: dạng viết hoàn toàn theo cảm tính, dạng song hành với hay đi sau lí luận [của kẻ khác], và cuối cùng là dạng lí thuyết đi trước sáng tác. Cézane bậc thầy ấn tượng, nhưng sau một thời gian ông từ chối chính trường phái đó để lao mình vào hậu ấn tượng. Ông lớn thế nào thì khỏi bàn.
Christofer Fredriksson: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình. Họ cho rằng tự tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng ở trường chúng tôi lại khác, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lí luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học. Do đó khi một người nghệ sĩ ra trường có nghĩa là họ đã có một năng lực lí luận nhất định” (báo Thể thao – Văn hóa, 28.11.2006).
Ít bàn, ông nói, nhưng thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì, không khả năng bàn, thậm chí – dị ứng với lí luận. Người làm văn học-nghệ thuật chúng ta luôn dừng lại ở phong trào là vậy. Đa phần nhà thơ Việt Nam luôn chịu định mệnh một bài, một tập, là thế. Không thể đi xa… Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”. Một nhà thơ ăn may, thì nó sẽ đến đâu?
Sài Gòn, 05.05.2008.