Thu Ba – Trà Chân: Tháp Chàm bốn mặt

1. Inrasara-nhà thơ

Chúng ta hãy nghe Inrasara giới thiệu mình:

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao
.
(Inrasara, Tháp nắng)

Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu vào bóng tháp
luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu
lớn lên.

(Inrasasa, Hành hương em)

Sinh năm Đinh Dậu, ở làng Chăm Chakleng-Ninh Thuận trong một nhà nông dân nghèo nhưng hiếu học, con đường học vấn của Phú Trạm – Inrasara rất suôn sẻ. Thế rồi 1978, đang giữa năm thứ hai Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, anh đột ngột bỏ về với thần khí phờ phạc. Những tưởng cuộc đời anh chim nghỉm ở đây. Nhưng, như loài cây xương rồng của quê hương, anh đã gượng dậy:

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
.

Nắng quê hương đã vực anh dậy. Làm đủ nghề để sống, đi khắp các làng Chăm vừa làm thơ vừa sưu tầm các bản chép tay văn học cổ điển và văn học dân gian dân tộc, đọc cả ngàn cuốn sách để dựng nên toà lâu đài Văn học Chăm (3 tập) tôn nghiêm và quý giá:

Một dòng ca dao – một câu tục ngữ
nửa bài đồng dao, một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài mà một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế
!
(Inrasara, Tháp nắng)

Tâm tình Chăm ở Inrasara thể hiện ngay trong việc làm của anh. Trên những nẻo đường dẫn đến quê hương, anh đau đớn cái đau đớn của ngôi tháp hoang, phế tích một thời huy hoàng:

Tháp hoang
Khi bất chợt bác tiều phu nhớ
Dân buôn lậu, nhà viết sử nhớ
Hồn tháp đã bay xa
.
(Inrasara, Tháp nắng)

Trong hiện đại cuộc sống quê hương, anh càng đau đáu. Yêu quê hương yêu đến từng con người, từng cảnh ngộ nên mỗi lầm lạc của người anh em luôn khiến anh bị dằn vặt:

Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ
Mình cầu hên mà ai phải gặp xui

Buồn tẻ, đớn hèn, khốn khổ… Inrasara dám chấp nhận và biết chấp nhận. Để từ đó vượt qua định phận. Đoạn đầu bài “Ngụ ngôn của Đất”:

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
Có bao lăm, kẻ đọc, rồi sẽ còn ai nhớ?
Nhưng tôi muốn phí cả đời mình cho nó
Dù chỉ còn dăm ba người, dù chỉ còn một người
Hay ngay cả chẳng còn ai

(Inrasara, Tháp nắng)

Hơn ai hết Inrasara ý thức cái xuẩn động của tinh thần dân tộc hẹp hòi: “Ta không thể bay cao khi lòng ta còn trì nặng sâu mọt căm thù”. Như có lần anh nói với tôi là người Chăm không biết căm thù. Giận thì có nhưng không căm thù. Không một dòng thơ nào trong văn chương Chăm mang tâm thức căm hận. Nghiên cứu tinh hoa cha ông mà không để “hố hang quá khứ” cản bước tiến của mình:

Po Klong, Xah Bin – xin tháp ngọn nến, nén nhang
Hãy canh chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói
.
(Inrasara, Tháp nắng)

Đó là Inrasara-thơ với quan điểm khỏe khoắn, rõ ràng và lành mạnh, với các thi phẩm chinh phục người đọc ngay từ tập đầu tiên. Chúng ta thử làm cuộc điểm qua:

Tháp nắng – thơ và trường ca, Nxb.Thanh niên, H., 1996.
Sinh nhật cây xương rồng, thơ song ngữ Việt –¬ Chăm, Nxb.VHDT, H., 1997.
Hành hương em – thơ, Nxb.Trẻ, Tp.HCM., 1999.
Lễ tẩy trần tháng Tư – thơ và trường ca, Nxb.Hội Nhà văn, H., 2002.
Inrasara – Thơ cho tuổi thơ, Nxb.Kim đồng, H., 2003.
The Purification Festival in April, thơ song ngữ Anh – Việt, Nxb.Văn Nghệ, Tp. HCM, 2005.
Chân dung cát – tiểu thuyết, Nxb.Hội Nhà văn, H., 2006.
Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, Nxb.Hội Nhà văn, H., 2006.

Không phải đợi đến Tháp nắng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998, hay khi Lễ tẩy trần tháng Tư đoạt Giải thưởng văn học Đông Nam Á 2005, người Chăm mới tìm đọc thi phẩm của nhà thơ dân tộc mình. Chúng tôi đã đón nhận ngay khi chúng vừa ra khỏi nhà in, và có người còn thuộc chúng từ trong bản thảo nữa. Lúc đó có ai ngoài anh em bè bạn Chăm biết Inrasara làm thơ đâu! Sáng tác từ tuổi 15, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, mãi đến tuổi tứ thập anh mới in tập đầu tay hay gởi thơ đăng báo mà! Một cây viết đầy cá tính và bản lĩnh là vậy.

2. Inrasara-nhà nghiên cứu

Nhưng có lẽ bất ngờ hơn cả với người Chăm và dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam là một Inrasara-nhà nghiên cứu với các công trình văn chương và ngôn ngữ đầy tính khai phá. Trong đó bộ Văn học Chăm – khái luận, văn tuyển dày 1200 trang được giáo sư Lafont (Đại học Sorbonne) đánh giá là “có giá trị lớn về mặt khoa học”, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu văn hoá Champa nói chung.
Sau đó là loạt công trình nghiên cứu khác của Inrasara đã đánh động tâm thức người đọc. Chúng đã gây cho giới nghiên cứu chú ý hơn nữa về một nền văn học dân tộc lâu nay bị khuất lấp trong đêm mờ lịch sử.
Hãy lướt qua các đầu sách của anh liên tục ra mắt bạn đọc suốt 10 năm qua để thấy sức lao động phi thương của nhà thơ tự nhận là nông dân-thi sĩ này!

Văn học Chăm I – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
Văn học dân gian Chăm – Tục ngữ, câu đố, NXB Văn hóa Dân tộc & Đại học Tổng hợp Tp.HCM., 1995.
Văn học Chăm II – Trường ca, sưu tầm – nghiên cứu, NXB VHDT, H., 1995.
Từ điển Chăm – Việt (viết chung), Nxb.Khoa học Xã hội, H., 1995.
Từ điển Việt – Chăm (viết chung), Nxb.Khoa học Xã hội, H., 1996.
Các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm, tiểu luận, Nxb.Văn hóa Dân tộc, H., 1999.
Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận, Nxb.Văn học, H., 2003.
Tự học tiếng Chăm, Nxb.Văn hóa Dân tộc, H., 2003.
Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), Nxb.Giáo dục, H., 2004.
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, Nxb.Văn Nghệ, Tp.HCM, 2006.
Trường ca Chăm, sưu tầm – nghiên cứu, Nxb.Văn Nghệ, Tp.HCM, 2006.
Ca dao, Tục ngữ, Thành ngữ, Câu đố Chăm, sưu tầm – nghiên cứu, Nxb.Văn hóa Dân tộc, H., 2006.

Nhưng trở ngại chính trong việc nghiên cứu văn học dân tộc có bề dày gần 17 thế kỉ này chính là ngôn ngữ. Hãy nghe nhà thơ tâm sự:
“Như một ngôn ngữ dân tộc nào bất kì, ngôn ngữ Chăm cũng chịu sự biến động. Vốn từ cũ chết đi hoặc mặc vào nghĩa mới; vốn từ mới được sáng tạo, sinh thành. Nhưng với Chăm, bởi hoàn cảnh đặc thù, lượng từ chết nhiều hơn, nhanh hơn cái được sáng tạo. Mà sáng tạo lại èo uột, chắp vá.
Từ điển Aymonier được ấn hành vào đầu thế kỉ, đến đầu thập niên 70, G.Moussay đã tập hợp xung quanh mình các vị trí thức hàng đầu của Chăm lúc ấy để làm ra Từ điển Chàm – Việt – Pháp.” (Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận, Nxb.Văn học, H., 2003). Như thế vẫn chưa đủ, vì để đọc được các bản chép tay cổ anh phải theo học nhiều thầy khác nhau, tìm cách đọc chữ viết Chăm ở nhiều địa phương khác nhau. Ngôn ngữ Chăm sử dụng thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Dân tộc này đã có chữ viết từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đây là thứ chữ vay mượn từ Nam Ấn, qua nhiều biến thể, trở thành akhar thrah và được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng hôm nay hầu như chỉ có Chăm Panduranga còn sử dụng thứ chữ này.
Xưa, sách Chăm được chép trên giấy bản Tàu hay những miếng lá buông với lỗ để xỏ dây được xâu lại thành tập. Sau đó, họ dùng giấy xi măng, dù thô nhưng khá bền. Giấy, bút, mực hiếm và khá đắt nên mỗi trang giấy họ đều rất quý. Mới trăm năm trước, phải tốn một xe trâu thóc (800 kg) mới thuê được thợ chép sách để có nguyên tác sử thi Akayet Dewa Mưno dài 472 câu lục bát Chăm.
Sách được cất vào Ciet paung (như rương đan bằng tre lát) và treo trang trọng lên xà ngang ngay giữa nhà. Định kỳ hàng tháng, với lễ vật đơn sơ, người Chăm làm lễ rước nó xuống mang hong nắng. Sách lâu ngày không được dùng tới gọi là sách hoang (Akhar bhaw), rất không hay cho chủ nhân của chúng.
Ở tất cả các plây Chăm, các cụ vui lòng đãi cơm cho tôi được ngồi chép. Văn học Chăm chưa qua kỹ thuật in ấn nên tác phẩm không được nhân bản nhiều. Và rồi mất mát.
Vượt qua bao trở ngại tưởng không thể vượt, đến hôm nay Inrasara đã giới thiệu ra thế giới bên ngoài được chân dung văn học dân tộc đầy tính thuyết phục. Nên, không phải không lí do, khi Trung tâm nghiên cứu văn minh Đông Dương thuộc Trường Đại học Sorbonne (Pháp) quyết định tặng Giải thưởng cho công trình này. Và Gs.Nguyễn Tấn Đắc “tin rằng Văn học Chăm sẽ được đón nhận như một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Chăm, trong các tộc người trên đất nước Việt Nam, mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới” (Tựa: Văn học Chăm – Khái luận, Nxb.VHDT, 1994)

3. Inrasara-con người xã hội

Thành tựu của Inrasara đã được khẳng định và ghi nhận. Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Inrasara xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một huyền thọai”. Trần Nhã Thụy: “Thơ Inrasara góp phần làm thay đổi thế giới sống của chúng ta”. Nguyễn Hoàng Sơn: “Inrasara là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”. Trần Nghi Hoàng: “Inrasara đã chạm tới cái sâu thẳm nhất của bản chất thi ca”. Báo Cần Thơ cho Inrasara là “hiện tượng đa dạng của văn hóa đương đại”, vân vân….
Đó là các nhận định lượm nhặt được từ các trang báo. Nghĩa là cả trong sáng tác lẫn nghiên cứu, anh đã khẳng định được tên tuổi của mình. Nhưng theo tôi, Inrasara con là một con người xã hội đúng nghĩa: Năm 1975 chưa tới 18 tuổi, anh chủ trì vài anh em khác mở lớp dạy chữ Chăm tại quê cho 60 học viên trong 2 tháng. Và lớp học thành công tốt đẹp. Có thể nói Inrasara là tác giả Chăm đầu tiên in sách riêng, rồi 10 năm liên tục ra mắt 17 đầu sách. Bên cạnh đó anh còn viết cả trăm bài nghiên cứu phê bình, tiểu luận xã hội và văn chương nữa!
Hoạt động xã hội của anh thể hiện rõ nhất qua việc chủ biên Tagalau – Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm. Là Tuyển tập đầu tiên thuộc dạng này của riêng dân tộc tại Việt Nam, mỗi năm ra một kì, từ 200-240 trang. Trong đó hai phần là những người viết là dân tộc Chăm. Đây là việc làm thiên nan vạn nan trong giai đoạn hiện nay: không nguồn kinh phí, người viết Chăm hầu như không có, công tác phát hành lại muôn vàn trở ngại,… Qua 8 số Tuyển tập (năm 2000-2007), các dân tộc trên đất nước Việt Nam thêm hiểu biết về văn văn hóa và văn học Chăm, vài tác giả Chăm có cơ hội giới thiệu các sáng tác mới nhất của mình đến với cộng đồng dân tộc anh em khác.

4. Inrasara-nhà phê bình

Cuối cùng, chúng ta còn kinh ngạc nhận thấy khả năng thẩm định thơ của nhà thơ dân tộc này. Cho dù anh khiêm tốn nhận rằng “Nhìn lại hành trình thơ của mình và người đồng hành, là ý thức mang tính phản tỉnh việc làm của mình và người đồng hành. Nó giúp ta nhận mặt những nhàm cũ, lối mòn lâu nay ta từng đi và dẫm lên dấu chân kẻ đi trước hay của chính mình mà không biết, biết còn mơ hồ hoặc biết mà không cảm thấy cần/không nỗ lực tránh”. (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, Nxb.Văn nghệ, Tp.HCM, 2006). Nghĩa là viết phê bình là để tự cảnh giác là chính. Thế nhưng, chỉ qua một tập tiểu luận-phê bình vừa xuất bản đầu năm nay, tiếng nói của anh đã có tiếng vang nhất định:
Lâm Tiến viết: “Inrasara là người viết lí luận phê bình nghiêm túc, táo bạo, sắc sảo, đưa ra được những vấn đề mang tính lí luận và thực tiễn của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Ông quan tâm nhiều tới tiếng nói và chữ viết và vấn đề bản sắc dân tộc trong văn học. …Inrasara không bao giờ hài lòng với truyền thống của cha ông; ông muốn đập phá nó ra để lọc lấy tinh chất, tìm trong đó những chất liệu, phương tiện và kinh nghiệm nghệ thuật cần thiết cho mục đích sáng tạo nghệ thuật của mình để tái tạo lại trong tác phẩm mới hiện đại hơn: (“Mấy suy nghĩ về lí luận phê bình của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam”, Tham luận tại Hội nghị VHNT các DTTS, Hà Nội, 04.2006).
Còn nhà phê bình lão thành Hoàng Ngọc Hiến cho “Inrasara là một cây bút phê bình lỗi lạc. Bài anh viết về văn học của dân tộc thiểu số có thể đặt ngang hàng với bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh…” (Báo Thể thao-văn hóa, số48, 22.04.2006)

Có thể tạm kết rằng Inrasara là một nông dân Chăm vô danh, đột ngột xuất hiện trên diễn đàn văn hóa lớn, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió: trong biên soạn Từ điển Chăm, viết bộ Văn học Chăm giá trị, sáng tác cả thơ tiếng Chăm lẫn tiếng Việt có tên tuổi trên thi đàn rồi, ngoài ra anh còn là nhà phê bình đầy triển vọng nữa. Các sáng tác của anh góp một giọng thơ riêng làm phong phú nền thi ca tiếng Việt, công trình nghiên cứu của anh khôi phục nền văn hóa dân tộc có bề dày truyền thống, cống hiến vào nền văn học đại gia đình văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần vào sự hiểu biết chung giữa các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

*
Tài liệu Phim Truyền hình và đăng Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 147, 04.2007.

2 thoughts on “Thu Ba – Trà Chân: Tháp Chàm bốn mặt

  1. Tôi luôn luôn yêu quý con người này – một thi sĩ Chăm bé nhỏ nhưng luôn cất cao lời ca kiêu hãnh cội nguồn,làm lay động bao trái tim
    để cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương của lòng nhân bản trong tâm thức mới…

  2. “Nhìn lại hành trình thơ của mình và người đồng hành, là ý thức mang tính phản tỉnh việc làm của mình và người đồng hành. Nó giúp ta nhận mặt những nhàm cũ, lối mòn lâu nay ta từng đi và dẫm lên dấu chân kẻ đi trước hay của chính mình mà không biết, biết còn mơ hồ hoặc biết mà không cảm thấy cần/ không nỗ lực tránh”.

    Chân thực – dũng cảm – tự tin ở trong đoạn này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *