tặng bạn Tina
Được hóa thân từ một giấc mộng. Sara rất dễ gần, và dễ mến. Hầu như ai tiếp xúc với anh đều có chung nhận định ấy. Sự giản dị và chân thành luôn làm anh có khả năng thu phục người khác một cách kì lạ, khó có thể lí giải nhưng tôi cho rằng đó chính là khả năng siêu (hồn) nhiên của một thiên tài. Một thiên tài đích thực luôn gây được ảnh hưởng với người khác dẫu không hề cố ý.
Lấy tôi làm ví dụ, chỉ vì lỡ… đọc thơ anh. Mà đã yêu Chăm đến lạ lùng. Để tự tìm và mở ra một cõi chìm khuất u huyền, nhưng đẹp lung linh: Cõi Chăm- Cõi buồn thương. Cõi nhớ. Cõi tâm linh huyền hoặc…
Chuyện kể: Tôi có một người bạn từ nơi rất xa xôi tận bên kia trái đất. Chị là một nhà thiết kế thời trang: Tina (Tinafashions) Georgia, Hoa Kỳ. Khi được tôi giới thiệu những bài thơ của Sara, chị đã rất thích thú với những bài thơ hay đến lạ lùng này. Chỉ mới đọc thơ, đã mến người. Đến lúc tìm về thăm anh đã hết sức cảm mến sau khi tiếp xúc. Tính cách Chăm kết tinh sâu sắc trong anh. Dung dị mà chân tình. Đẹp và trí tuệ. Hiền minh và minh triết. Thành một sự thu hút không thể giải thích, và không thể cưỡng lại. Cuộc gặp đã để lại một ấn tượng tuyệt vời, được nghe anh đọc thơ bằng một chất giọng… chỉ riêng Sara mới có, đã trở thành một kỉ niệm khó mà quên được với bạn tôi – Tina. Và, đã quý mến Sara thì không thể không yêu quý Chăm…
Thi sĩ đã trở thành chiếc cầu nối của yêu thương, như một thiên mệnh…
Ngày xưa người ta thường hay quan niệm: “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, thế nhưng tôi đã bắt gặp sự sâu thẳm nơi anh từ khi tao ngộ cái tâm hồn lớn lao và thơ mộng ấy trên chữ nghĩa, để rồi lúc “kỳ hình” thấy rất mực tuyệt vời trong tình anh em thân thiết, sẻ chia.
Gặp anh vài lần, nhưng chưa được ngồi nói nhiều với nhau. Về mọi thứ. Nhất là về Chăm. Bởi tôi hiểu, trong sâu thẳm, anh là một kẻ ưu tư siêu hạng. Đôi mắt rất sáng kia cũng rất buồn.” Viết không được câu thơ tiếng Chăm đã khóc. “Tâm hồn anh luôn chở nặng nỗi niềm dân tộc. Đau đáu với nỗi niềm Chăm. Làm sao níu giữ lại tinh tuý cha ông trước những tàn phai ào ạt? Chữ Chăm, tiếng Chăm rồi về đâu?
Thi sĩ được sinh ra như một giấc mộng để nhận lãnh, mang vác trọng trách này…
Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng làm việc của Sara. Anh viết rất nhiều, về mọi lãnh vực. Một sự hiểu biết sâu rộng đến kinh ngạc về văn học, tư tưởng, triết học luôn được anh trình bày bằng những lập luận chặt chẽ, rõ ràng. Tựa như trong nhà thơ có một triết gia đang ẩn náu. Và lúc nào cũng chực chờ cơ hội để phô bày.
Nói về Chăm thường dễ rơi vào tình cảm bi lụy, than khóc. Âu cũng là điều dễ hiểu, nó tự nhiên như khi ta đứng trước một tháp Chàm hoang phế, lòng bỗng ngổn ngang trăm nỗi trước bể dâu đời. Tôi thích cách nói của Sara. Cách nói yêu thương, minh triết. Chỉ có sự hiền minh mới thực sự đem lại cảm thông. Yêu thương và tôn trọng.
Và tôi đã yêu Chăm từ ấy…
Từ khi hiểu rằng Chăm không tuyền là một vết thương, mà là một viên ngọc. Một viên ngọc quý trong lòng nước Việt. Những đền tháp đã thành di sản nhưng vẫn còn biết bao áng văn thơ, ariya… với biết bao tư tưởng đẹp lạ lùng, ẩn chứa một tinh thần minh triết phong phú đến kì diệu, mà còn rất lâu, chúng ta mới khám phá và thưởng thức hết cái hay cũng như cái đẹp ẩn chứa trong đó.
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ… (Sara)
Nói vậy mà không phải vậy là một trong những điều thú vị của thơ ca Chăm. Tính ẩn dụ rất lớn trong câu chữ. Đặc biệt với hai Ariya Pauh Catwai và Ariya Glơng Anak. Chữ nghĩa nhiều tầng, nhiều lớp. Mênh mông như vô tận. Luôn được hiểu theo nhiều cách. Các học giả và trí thức Chăm vẫn… không ai nhường ai trong cách lý giải câu chữ, bởi mỗi người đều hiểu theo cách riêng của mình. Đây cũng là một điều hết sức thú vị mà tôi khám phá ra sau này…
Với riêng tôi, Chăm vẫn xa vời như một giấc mộng mà còn lâu tôi mới hiểu được dù rất khát khao tìm hiểu.
Trước mắt tôi, Chăm kết tinh trong một giấc mộng mang hình hài thi sĩ.
Giấc mộng mang tên: Inrasara.