Hoài Thiên Tử: Truyện cổ

CHUYỆN TÌNH PPO PAK VÀ NÀNG NAI PATRI

Nhân ngày Rằm tháng tốt, Ppo Pak và đoàn tùy tùng vi hành săn bắn từ vùng Phước Nam – Cà Ná thuộc Ninh Thuận trở về đến một số làng Chăm giáp ranh Phan Rí – Bình Thuận. Trong lúc ham mê đuổi theo một con nai rừng bị thương, nhà vua và đoàn tùy tùng lạc sâu vào một căn chòi có sân phơi lúa thuộc làng Minh Mị, tổng Ninh Hà, huyện Phan Lý Chàm, tình Bình Thuận ngày nay (quê hương nàng Nai Patri).
Khi vua và đoàn tùy tùng dừng chân tại một ven rừng gần chòi sân phơi lúa, vua dừng quân nghỉ và sai một anh lính lệ vào sân xin lúa cho chim câu ăn. Khi bước vào sân, người lính gặp ngay một nàng thiếu nữ xinh đẹp trong chòi bước ra. Anh cất tiếng “cô em cho tôi xin một nắm lúa để chim câu ăn”. Nàng trịnh trọng trao cho anh lính chỉ vỏn vẹn có bốn hạt lúa đem về. Vua mới ngạc nhiên hỏi: “Sao chỉ có bốn hạt lúa, làm sao cho đủ chim câu ăn trong ngày?”.
Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, mới đích thân vào trong chòi xin lúa. Gặp dáng vua bước vào, cô gái từ chòi bước ra, chấp hai tay cúi xuống lạy: “Xin ngài tha thứ cho tiện nữ, gia đình tiện nữ gần đây thôi, xin mời ngài ghé thăm cho biết”. Vua đỡ tay cô gái dậy với lời trần tình: “Ta xin cảm ơn nàng, từ đây ta coi nàng như em gái”. Cô gái e thẹn cúi đầu. Sau vài phút trao đổi lời tâm sự ngắn ngủi, Vua hẹn ngày tái ngộ; để lại sau lưng một lớp bụi mù của đoàn vó ngựa. Hạt lúa mà cô gái trao cho vua đem về cho bồ câu ăn trong ngày mà không hết. Nhà Vua coi đây là một phép nhiệm mầu, một hiện tượng lạ trong đời.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, từ một thiếu nữ ngây thơ, giờ đây cô gái trở thành một thanh nữ xinh đẹp tuyệt trần, không kém gì vương phi Mị Ê hay hoàng hậu Mị Lan Hương của vương quốc Champa thời trước.
Ông Bac Xư là một vị quan đại thần trong triều đại Ppo Prak về hưu rất hãnh diện về sắc đẹp và đức tính của con gái. Các vua quan trong triều, cũng như hàng quốc thích công tử gần xa ai cũng muốn cưới nàng làm vợ để xây dựng hạnh phúc trăm năm.
Đến nay, ông Bac Xư đã chọn xong ngày lành tháng tốt cho cuộc lễ thành hôn con gái ông. Đám cưới được tiến hành rất linh đình và sang trọng. Phần gia đình chuẩn bị đón rước khách đàng trai vào rạp cùng chung vui hai họ bên mâm cổ dọn sẵn hai hàng. Các vị chức sắc hành lễ theo lễ nghi tôn giáo Bàni. Bên trong nhà đã sửa soạn xong giường chăn gối để đưa cô dâu về phòng trước giờ hợp hôn.
Nhưng không ai ngờ rằng, trong giờ phút trang trọng đó lại có sự ngấm ngầm tổ chức của Ppo Prak và người yêu đã hẹn trước. Trong phòng tân hôn thời điểm đó chỉ có cô dâu Nai Patri là duy nhất, không có ai canh giữ ngoài phù dâu.
Thế là, Vua sai một người đi vòng ngõ sau nhà vào trong bắt cóc cô dâu dẫn ra sau nhà có Vua và ngựa chực sẵn lên yên phóng nhanh về triều đình như không có gì xảy ra. Hiện trường còn lại từ phòng cô dâu ra sau nhà hiện ra nhiều vết máu chảy dài theo dấu chân cọp. Để lừa rằng nàng đã bị cọp vồ vào rừng mất tích (vua cắt tiết chó có máu và giả chân cọp).
Đám cưới của Nàng hôm đó đã biến thành đám tang. Cuộc vui biến thành cuộc tình sầu. Họ hàng đều thương tiếc cho kiếp của Nàng hồng nhan bạc mệnh. Đám tang Nàng được tổ chức theo nghi thức tôn giáo. Các vị chủ lễ đã hóa thân nàng như chết thật bằng một hình nộm bó vải xô được khâm liệm và đọc kinh cầu, được làm giàn khiêng đi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Dù năm tháng trôi qua ông Bac Xư và gia đình vẫn thương tiếc vì mất con. Mặc dầu đã bỏ công tìm kiếm mọi nơi về con gái mình, nhưng vẫn bặt tâm âm tín.
Rồi bỗng một hôm Ppo Prak đã ra thông báo cho các văn võ trong triều kể cả về hưu đến dự họp về tình hình quốc thái dân an. Trước khi vào họp – Vua sai nữ tỳ bưng khay trầu và các quan trong triều trà đạo. Trong lúc đưa trầu vào miệng ông Bac Xư bất ngờ thấy lá trầu têm. Ông trịnh trọng hỏi: “Tâu hoàng thượng, sao miếng trầu têm này sao giống trầu têm con gái hạ thần?” Hiểu ý, Vua nở nụ cười phân trần: “Miếng trầu têm này đúng là miếng trầu têm của con gái quan và cũng là vợ của trẫm, mong quan thứ lỗi…”
Sau một lời truyền lệnh, trên khung gác lầu của tòa cẩm đình gần đó, Nàng từ từ bước xuống bậc thang trong bộ xiêm y rực rỡ màu hồng của một bà hoàng hậu bên cạnh Vua và cha Nàng. Chưa kịp định thần, Nàng bước đến ôm chầm lấy cha trong tiếng nấc ngẹn ngào trong ngày đoàn tụ.
Một câu chuyện tình đẹp muôn thuở của Ppo Prak và nàng Nai Patri vẫn sống mãi trong cộng đồng người Chăm vùng Phan Rí. Từ đó, Vua và Hoàng Hậu trị quốc bình thiên hạ nhân dân sống trong cảnh thanh bình hoan lạc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *