BỐN CỨU CÁNH CỦA ĐẠO SĨ BÀ-LA-MÔN & THƠ
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
chịu chơi cả trong đau khổ.
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, NXB Hội Nhà văn, H., 2002)
Tôi biết Sài Gòn lần đầu qua trang sách Phạm Công Thiện: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Năm đó tôi đúng mười lăm tuổi. Phạm Công Thiện môi giới tôi lần mò tìm đến F.Nietzsche, M.Heidegger, W.Faulkner, Thiền,… Lang thang đất nắng Phan Rang, tôi mơ tưởng ngày làm sinh viên sẽ mặc sức bay nhảy khám phá thế giới bao la ngoài kia, sau hàng rào làng quê Chăm lặng lẽ, hiu hắt.
Nhưng không. Lịch sử đã khác. Và cuộc đời tôi bẻ sang hướng khác.
Một phần tư thế kỉ qua đi…
Mãi mùa Hè năm 1999, khi cầm trên tay tập Thơ tự do, lần thứ hai tôi biết đến sinh hoạt chữ nghĩa Sài Gòn. Nguyễn Thị Minh Thái nói: – Bạn cần đọc và làm quen những người này. Trước đó, không! Dù tôi đã qua bảy năm làm dân thành phố. Tôi không nhu cầu đăng hay in thơ. Cả sau tập thơ đầu tay Tháp nắng (1996) ra đời, tôi không nhu cầu quen biết giới văn nghệ. Nhóm thơ tự do hay tụ càphê ở hẽm cạnh chung cư đường Cao Thắng hoặc quán Trống Đồng đường Lê Quý Đôn. Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Phạm Mạnh Hiên, Vũ Trọng Quang,… các tên tuổi quen thuộc nhưng tôi chưa một lần giáp mặt.
Ngay tức thời, tôi nhập cuộc chơi với họ. Và đi từ ngạc nhiên này sang khác.
Nguyễn Quốc Chánh, sau Đêm mặt trời mọc (1990) – tình cờ tôi mua được từ hiệu sách cũ đường Nguyễn Chí Thanh – ngồn ngộn suy tưởng soi rọi vào bề trái hiện tượng xã hội, đột ngột quay về Khí hậu đồ vật (1997) hay Của căn cước ẩn dụ (2002) với bao ẩn dụ bí bức, để mãi ba năm sau mới trở lại với cái chất đích thực của mình với Ê tao đây (2005), khi nhận ra rằng: “Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vây. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép”.
Hay Trần Tiến Dũng, sau hai lần dừng lại ngưỡng siêu thực và chịu khép mình núp bóng cơ chế xuất bản nhà nước ở Khối động và Hiện, đột ngột in toàn tập Bầu trời lông gà lông vịt (2003) tận Tienve.org, sau đó là các bài thơ bề bộn bụi bặm cuộc sống thực Sài Gòn, với sức mang chứa và tinh thần phản kháng mang tính xã hội ngày càng quyết liệt hơn.
Tôi, hoàn toàn khác – gần như đi theo chiều ngược lại. Nên, dù mươi năm qua rất muốn viết về sự phát triển tinh thần của họ, tôi mãi lưỡng lự. Cái khác, tôi nghĩ, bắt nguồn từ thẳm sâu tinh thần văn hóa. Mà một khi chưa nắm được tinh thần văn hóa, nói đâu sai đó là cái chắc! Chớ nghĩ dại: chúng ta tự do khỏi mọi “tập khí” văn hóa và ngôn ngữ ta chịu đựng và sử dụng. Dù ta có quyết liệt từ chối nó, thậm chí tố giác hay miệt thị nó.
Trần Tiến Dũng chẳng hạn, viết từ dư hưởng văn hóa Đại Việt bị phủ bóng bởi tinh thần triết học Trung Hoa; trong lúc tôi, sáng tác như đứa con của văn hóa Champa chịu tác động bởi tinh thần tư tưởng Ấn Độ. Cách nghĩ có bao khác biệt, cả lối làm thơ và thái độ với thơ ca.
Dân tộc Chăm hoàn toàn không biết đến khái niệm: tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ của Khổng Mạnh. Không phải họ không có. Họ có, nhưng khác!
*
“Năm đó tôi đúng 22 tuổi, cũng là năm ông bỏ làng ra đi. Tôi hiểu môn võ yoga kia thất truyền ngay bước chân đầu tiên của ông bước khỏi làng Chakleng quá ư lắm sự này. Cùng ra đi với ông là hòm gỗ chất đầy bản chép tay cổ gồm mấy chục bài phù chú dài riêng ông có, hình vẽ các thế võ, bài chữa bệnh bằng lối đọc mẫu tự từ dưới ngược lên, tên và tính cách (không kê tiểu sử) các võ sư thuộc môn phái, từ vựng thần bí hay kiêng kị, các bài thơ trời ơi, vân vân và vân vân. Chúng ra đi không để lại dấu vết. Và vĩnh viễn…
Ngài giáo sư Trần Hùng gọi ông là Arhat quái dị.
Con người lí tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lí tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ. Các tri thức tinh túy nhất của tài năng Chăm (tài năng thực thì luôn hiếm) không được phổ biến rộng trong quần chúng mà chỉ truyền dạy cho rất ít người hay như Dhan Than, sống để lòng chết mang lên giàn lửa đã đốt cháy thi thể còn săn chắc ông vào một trưa nắng năm xưa cùng ít giọt nước mắt nuối tiếc của tên đồ đệ duy nhất là cái thằng tôi trót phản bội lí tưởng ông bất đắc dĩ.
Nhưng đây chưa phải là hạt giống Arhat cuối cùng. Ông chết, Chế Khan đã là một kẻ kế vị xứng đáng”.
(Chân dung cát, tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2006)
Triết học Ấn Độ minh định rõ bốn cứu cánh hay mục đích đời người. Cứu cánh đầu tiên: Artha có nghĩa là đại diện cho, thay thế cho, vì, nhằm vào, “là những sở hữu vật chất… để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”. Bạn bị ném vào đời, hoàn toàn không do chọn lựa của bạn. Không ai hỏi ý kiến bạn trước: nơi chốn và ngày tháng năm sinh. Bất ngờ có đó, bạn học cách chấp nhận nó, không thể chối bỏ. Bạn cần bảo toàn sự có mặt ấy, bằng thấu hiểu đối tượng bạn theo đuổi, phương tiên đạt đến nó nhằm thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống bạn. Không thể khác. Kinh tế, chính trị, tòa án, công sở,… nằm ở khu vực này.
Ở một bình diện khác, Kama hay dục, lòng ham muốn, “là sự khoái lạc và tình yêu thương”, là cứu cánh thứ hai. Bạn học cách thỏa mãn lòng ham muốn [dục tính] của bạn và người bạn tình. Bạn hãy biến chúng thành nghệ thuật, nghệ thuật yêu đương. Cao hơn, bạn nâng nó lên thành kinh – kinh dục lạc.
Nhưng nếu chỉ có thế, khốn khổ cho loài người biết bao: bạn chỉ là thú vật đơn thuần không hơn! Sống là sống trong tương giao, với cộng đồng. Để tránh cho cộng đồng khỏi đổ vỡ, suy đồi, cứu cánh thứ ba: Dharma, nghĩa là pháp có mặt. Đạo sĩ Bà-la-môn khép mình vào khuôn khổ, tận tụy phụng sự công cuộc đó. Công cuộc gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức” với vô số khế ước xã hội và nghi thức cần tuân thủ.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, cả “tam chúng” trivarga đó. Chúng chỉ là những “theo đuổi thế gian” với bao triền phược, bổn phận với nghĩa vụ, trách nhiệm và gánh nặng. Ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Người Ấn sử dụng các hạn từ Mokca, apavarga, nirvrtti, và nivrtti để chỉ mục đích này. Chính tại đây, triết học Ấn Độ ghi nhận những thành tựu oanh liệt nhất trong lịch sử tri thức nhân loại.
Mokca, nghĩa là “buông, thả, trả tự do, phóng thích; ra đi, từ bỏ, rời khỏi”; hay apavarga, là “ngăn chặn, tiêu diệt, xua duổi; dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời; hoặc nirvrtti, là “sự biến mất, sự hủy diệt, sự nghỉ ngơi, sự thanh tịnh, sự hoàn tất, sự hoàn thành, sự giải phóng khỏi sự tồn tại của trần gian”; và nivrtti là “sự ngừng lại, sự chấm dứt, sự biến mất; sự từ bỏ, sự chừa bỏ, sự thoái vị; sự đình chỉ những hành vi hay cảm xúc thế tục; sự tĩnh lặng, sự cách biệt với thế gian; sự nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc”.
Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid.
(Xem: Heinrich Zimmer, Triết học Ấn Độ, một cách tiếp cận mới, Lưu Văn Hy dịch, NXB Văn hóa – Thông tin, H., 2006)
Nhưng để đạt được bốn cứu cánh đó, người Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn cuộc đời. Ngay buổi đầu làm đời môn đệ antevāsin, bạn tự buộc tuân thủ nguyên tắc: vâng lời và tuân phục. Sống “dưới chân thầy”, và chỉ biết có thầy guru. Đó là giai đoạn tìm học đầy hứng khởi. Truyện cổ Chăm:
*
Đi tìm học bán vợ
Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai mười hai tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bàlamôn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:
– Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.
Không chần chừ, người nông dân bảo:
– Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.
– Ta không có trâu để cày.
– Con có cặp trâu đã thuần.
– Ta cũng không có người chăn trâu.
– Con có đứa con trai khỏe mạnh, người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.
– Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.
– Con nguyện lo cho guru.
– Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.
– Nhà ngươi có vợ chứ? Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.
Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.
Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bàlamôn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.
Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bàlamôn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:
– Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lý Bàlamôn.
Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:
– Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.
Nửa năm sau, vị sư nói:
– Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.
Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:
– Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.
– Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.
– Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.
Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.
Người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, họ dám hi sinh, cả cái tưởng như không thể. Học, không phải mưu lợi. mà để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức đúng nghĩa. Học như thế, ta mới có thể đạt đến minh triết thật sự. Thầy, không buộc trò nô lệ mình, nô lệ vật chất và nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã to cẳng cồ vai praung pha praung bira, hãy bỏ thầy mà đi. Đi một mình. Cả thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.
“Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng”.
Giai đoạn môn đệ vừa kết thúc, người đàn ông lao vào cuộc sống gia đình. Bạn là một chủ hộ grhastha, nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha,… Do đó, dù Ấn Độ nổi tiếng hướng vọng cõi tâm linh nhưng chớ mong họ tha thứ cho kẻ ăn bám, nếu kẻ ấy chưa qua nấc thang cuối cùng của triết lí sống. Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.
Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia,… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia không phải là tôi. Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng tối ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc, đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy trong thoáng sát na, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan, nhưng đạo sĩ Bà-la-môn phải dũng mãnh lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn khất sĩ bhiksu. Làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!
Chính lúc đó, thi sĩ ra đời và thơ ca có mặt.
Như Dhan Than hay Chế Khan xưa. Hoặc như Trà Vigia, Hàm Bộ, Trần Wũ Khang của thế giới hiện đại. Họ là Arhat-nghệ sĩ trong xã hội Chăm mang vẻ thanh bình bề ngoài nhưng bên trong thẳm sâu đựng chứa nhiều biến động.
*
“Hành vi, cử chỉ, cuộc đời Dhan Than vừa làm xa lạ đồng thời lôi cuốn và gây cho tôi nỗi hứng thú đau đớn. Không phải ở bí ẩn hay kì lạ đến quái lạ của nó mà là ý hướng vô danh, vô danh đến không còn manh mún nào có mặt.
Không một ai hiểu ông. Có lẽ ông cũng không cần ai hiểu mình, chia xẻ cái mình sở đắc hay tin tưởng. Con người có hành vi như thế hoặc hắn hèn nhát hoặc phải bản lĩnh chai lì. Không ít kẻ tu kín xuất thế luôn để lại chứng minh thư. Sự khuếch trương bản ngã kín đáo ấy chỉ có thể dọa được kẻ yếu bóng vía trong khi nó không đáng Dhan Than nhếch mép. Với thế hệ con cháu Glơng Anak hôm nay, ông ném cái nhìn trên ngó xuống. Kiến thức chỉ trở thành tài sản khi nó có khả năng khống chế, điều động xã hội. Trong khi cái ông biết là thứ vô bổ nhất trong các thứ vô bổ. Đã không ai hiểu ông.
Khi hành vi, lối xử sự của ông bị thế hệ đàn anh lứa chúng tôi những năm 60 đưa lên sân khấu nhà quê bỡn cợt (sự vụ gây cho mẹ tôi không ít tủi hổ) hay khi Cao Xuân Hoang tự tuyên đồ đệ chân truyền của ông qua khoa xem gò bàn tay hướng nghiệp, họ cũng không tí ti nào hiểu ông. Cả khi vào mùa xuân năm 1979 ông bỏ ra miền Trung lang thang ăn xin cho đến khi thân tàn ma dại trở về tháng 11 năm 1981 để chết vào cuối năm đó, cũng không một ai hiểu ông. Chắc chắn đây là hiện tượng siêu cá biệt trong xã hội Chăm hiện đại. Mẹ, các dì tôi đã khóc và tức tốc chạy tiền xe giục ba ông anh họ tôi lục tìm ông khắp mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành đến khi bắt gặp và cho ông biết ý định thì bị ông cầm roi mây dài đến bảy sải đuổi chạy thấy ông bà.
Ăn mày! Đấy là khái niệm gây kinh hoàng, nghĩ tới thôi cũng đủ khiến chế độ mẫu hệ Chăm tái mặt chứ đừng nói làm. Mà ông lại là Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng. Tại sao? … Không ai hiểu ông, mà chỉ lo cáo buộc ông ngông cuồng vô lối. Chính ngài giáo sư Trần Hùng nhận định Chăm mang tinh thần ẩn cư, gần như khuynh hướng tự hủy. Tự hủy khả năng mình, sự nghiệp và chính con người mình… Ngài giáo sư đã nói qua một lần rồi, Việt ẩn cư là để chờ thời hay, sau khi cống hiến sức lực tài trí cho cộng đồng để nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, còn Chăm thì ẩn cư từ tổ kén, khi mở mắt nhìn mặt trời đến lúc xã hội nuôi cho to cẳng cồ vai lại chực chạy trốn xã hội.
Không công danh thà nát với cỏ cây (Nguyễn Công Trứ).
Chăm thà nát với cỏ cây chứ không cầu công danh. Lối nói khủng này dễ gây phản bác từ nhiều phía, bởi hôm nay không hiếm kẻ vô tài bất tướng tranh giành địa vị như mảnh xương thừa được vứt ra. Xung quanh và hàng ngày. Nhưng chúng ta đang nói về Chăm xịn, kẻ mang tinh thần Chăm, Chăm tính. Hình tượng hơn: Chăm bị dính nước miếng rồng”.
(trích đoạn Chân dung Cát)
Trà Vigia. Sinh cùng năm, đồng hương, cùng dòng họ, đồng môn, nhưng hơn nửa đời hư bạn thân nhất trần đời quàng vai gác chân hắn muôn năm chê tôi. Thế rồi bỗng chốc vào buổi tối tháng 3 năm 2008 đẹp trời tại góc quán cóc nhà quê trong cơn ngà ngà men bia, hắn nổi hứng khen tôi một tiếng để đời: “Mình nghĩ khuôn mặt văn hóa Champa hôm nay sẽ ra sao, nếu trời không sinh ra Sara?”
Ba năm nằm Trại Thái Lan, tháng 6.1994, hắn thư cho tôi gởi gấp báo thể thao cho hắn xem tạm World Cup qua lời bình. Cho đỡ buồn. Buồn quái gì chứ! Ba loại báo cả thảy. Mà cắt từng bài photocopy thì hải quan Việt Nam có chịu đâu. Phải mua nguyên tờ, chỉ để cho hắn xem mục thể thao. Cả tháng báo, với tiền phí gửi trên trời, đau như té trâu! Nhưng tôi đã chiều được hắn. Trại sắp đóng cửa, ai không đủ tiêu chuẩn sang nước thứ ba định cư sẽ bị trả lại. Tôi nhắn hắn: bồ về đi, cùng làm tạp chí Chăm với mình. Hắn về và… nằm dài. Tôi thúc tới, vẫn không hề hấn gì. Tôi kéo hắn [và cả Trầm Ngọc Lan] vào nằm lì nhà tôi thuê tại Tân Bình trọn tuần bao cơm, càphê, bia bọt, chữ nghĩa hắn mới chịu vọt ra. Thế là mấy năm sau đó liên tù tì hắn ném cho tôi bao nhiêu là thơ với truyện ngắn:
– Sara toàn quyền sử dụng!
Tội vậy chớ. Trầm Ngọc Lan hai mươi năm trước hay Trần Wũ Khang mấy năm qua đều xử sự với tôi vậy cả – một giuộc. Làm như tôi là thứ kho lưu trữ tuyệt tác [hay rác rưởi] họ không bằng! Đạo sĩ Bà-la-môn không xem tác phẩm nghệ thuật như một thành quả phala để hưởng thụ, danh hay lợi hoặc gì gì khác. Một bài thơ xảy ra như nó phải xảy ra. Nó đến và ở lại với đời hay biến mất khỏi trần gian cũng do cơ duyên. Nó cần có mặt như nó phải thế, đúng lúc, dẫu đó là giờ phút muộn màng. Chớ có khờ mà mang tâm thế bồn chồn, chộn rộn với bèo nhèo, khi tuổi đời ta còn chưa kinh qua ba cứu cánh “tam chúng”, nhất là khi ta tác thi chưa sạch nước cản!
Có những kẻ vĩ cuồng đến độ
Chưa mọc răng khôn mà đã sợ đời quên
(Nguyễn Quốc Chánh, Đêm mặt trời mọc)
Nhưng tâm tính Sara có khác “ba Tr.” kia đâu cơ chứ. Làm thơ từ thuở còn ngồi ghế Trung học, mãi tuổi tứ thập tôi mới in tác phẩm đầu tay và chịu gởi thơ đăng báo. Cũng chỉ do cơ duyên mang tên Nông Quốc Chấn. Vậy mà bọn họ không chừa trừ ai cứ nhè tôi mà đề cử chức thủ kho!
Tôi đã chẳng từng mấy bận ném bỏ hay mang cho bao nhiêu là sách quý, để cuộc lên đường được nhẹ nhõm sao? Cả ngàn cuốn sách tôi tặng thư viện làng để bị mất tiêu. Rồi trăm cuốn đóng bìa dày được thằng bạn ở Phước Nhơn biếu không cho loài mối đánh chén. Vân vân… Chúng có được từ mồ hôi mồ kê tôi bỏ công ra cày thuê hơn năm trời. Cả hàng đống bản viết tay văn bản Chăm tôi còng lưng ra chép suốt mùa Hè ở không sau tháng Tư Bảy lăm nữa, tôi đã đem cho tất. Đến khi cần làm việc, thiếu tư liệu, tôi phải làm lại từ đầu.
*
“Bất chợt anh đổi giọng.
– Đù mẹ, thật muốn điên cái đầu lên được. Chả có lấy mống nào ra hồn để mà gửi gắm lí tưởng. Trọn ổ bọn chút tài còm đổ xô đi làm chuyện trời ơi. Sao cái ông trời thiên vị không nhỏ vào tâm linh Chăm lấy một giọt tế bào thực tế do thái hay khôn ngoan tàu khi nặn ra thứ nòi giống này!? Chúng không biết, không thèm biết cái giá của chúng nữa. Cả mầy cũng thế. Đù mẹ thằng Thuman nói mầy đồ hèn. Biết mà không dám. Chỉ cần ý tưởng lớn đó sượt qua đầu thôi cũng đủ khiến mầy vãi ra quần. Thằng Saman bạn nối khố mầy làng tao cũng thế. Ý tưởng Cộng đồng mở giá chót phải trăm ngàn USD chớ có đùa. Hãy tưởng tượng chương trình đó mà kết hợp với Thủ đô trên Sao Cày của Glơng Anak! Nhưng hắn có chịu cụ thể hoá nó đâu. Tư tưởng biết đi ấy hiện đang đứng canh chòi dưa tận núi Chàbang! Chăm đúng là nòi phung phí. Phung phí ngu xuẩn không Chúa, Phật nào thèm độ lượng cúi xuống chạy chữa!
Phá sản! Nát bét rồi.
Im lặng.
– Cả tao cũng chả hơn gì, mẹ khỉ. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố lần chót. Ba năm nữa không rục rịch gì tao cũng chuồn, đi trước, như Chế Khan bày thế. Một lúc lâu:
– Mầy biết tao sẽ đi đâu không? Qua Cambốt mà làm bộ trưởng giáo dục bên đó.
Tôi cười. Anh cười theo, mặt méo như khỉ bóc phải cứt gà. Là sự vụ hiếm hoi lắm mới thấy xuất hiện trên khuôn mặt luôn tràn đầy vẻ phởn chí của nhà đại cố vấn họ Cao”.
(trích đoạn Chân dung Cát)
Hơn năm ngồi giảng đường rồi quay lưng với đại học; hai năm kế toán trưởng hợp tác xã rồi rời hợp tác xã; bốn năm chui vào Ban biên soạn sách chữ Chăm để chối bỏ biên chế; sáu năm còng lưng đánh vật với chữ nghĩa tại đại học sau đó bái bai đại học,… Tôi đã từng buông bỏ, chối bỏ, cắt đứt, thả đi, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi, triệt tiêu, xua đuổi, dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời… như một đạo sĩ Bà-la-môn chính hiệu con nai vàng.
Nhưng ngó qua ngó lại, đã không ai làm cả, buộc tôi phải ra tay bất đắc dĩ.
Thế rồi mươi năm sau, đứng nhìn Tủ sách INRA trưng bày sản phẩm mình đẻ ra trang trọng trịnh trọng tại quê nhà, tôi giật thót mình kinh hãi: là tôi đấy ư?
Như ta đứng nhìn kiêu hãnh xót xa
Chính bản thân ta trong viện bảo tàng
(Tô Thùy Yên)
Dường như trời sinh tay Trà Vigia ra là để hành tôi. Nhưng dẫu sao cũng phải nhận rằng, Tagalau không có Trà coi như mất đứt một nửa giá trị, nếu không nói là tắt khói padơm athak. Chính điều này không ít bận làm khó tôi. Bài “Mĩ Sơn đường về” có giấy thưa lên tận Trung ương, khiến Tuyển tập suýt tắt đài ngay số 2. Rồi truyện ngắn “Ăn chữ” của hắn ở Tagalau 8 nữa, cũng bị hành lên hành xuống. Tất tần tật tôi giơ đầu ra gánh chịu.
Tôi hiểu hắn, yêu hắn và cả… mê hắn. Từ Thái Lan trở về, hắn tiếp tục chương trình kinh niên đói… theo đúng à la mode khất sĩ Bà-la-môn.
Chấm phá Trà Vigia
Không bình thường chút nào kẻ hai lần mổ thận tại Chợ Rẫy với hai bận tận Sikhiu vẫn cứ chơi rượu gạo như chưa hay chẳng có gì xảy ra
Không bình thường chút nào kẻ năm ngày học tập cải tạo tại Việt Nam rồi bốn năm nằm trại Thái Lan vẫn cứ Phan Rang đẹp, cuộc đời & tình yêu đẹp hát vào những đỉnh trời
Không bình thường chút nào kẻ giữa trận trường kì ăn độn cứ tìm cho ra gói Jet phả khói trầm tư về cõi hủy phá & sáng tạo, hủy phá để sáng tạo, hủy phá @ sáng tạo, anh chàng Shiva thiên kỉ xưa chịu chơi thế là cùng
Không bình thường chút nào kẻ đào lên lấp lại cơ man lần vẫn ao đất đó không trồng hay nuôi thứ gì cả cho nắng Phan Rang vắt cạn giọt mồ hôi cuối cùng, kẻ bày ra phong thái uống rượu cao cường tiên sinh Lí Bạch sống lại cũng bái phục, kẻ tuyên ngôn người uống rượu lọc bằng thận ta bằng trái tim không hề chịu cũ
Không bình thường chút nào kẻ đột hứng làm chuyến Mĩ Sơn đường về tung bụi mù môi trường văn nghệ tỉnh lẻ đìu hiu banh ngực trần mang cuộc đời vào cuộc chơi nhỏ & lớn, tối & sáng, vô danh hay rền tiếng, kẻ xem nhẹ giải Hội Nhà văn Việt Nam với Nobel, Nhóm Mở Miệng hay Bill Gates được/bị đặt ngang nhau, khinh thường đồng thời tôn thờ tất cả đàn bà con gái
Không bình thường chút nào kẻ khả năng ngày đẻ ba bài thơ dẫu không xu dính túi vẫn từ chối gửi đăng báo, kẻ vĩnh viễn lãng phí tài năng, sức khỏe & cuộc đời thực của mình cho mục tiêu mơ hồ nào đó
Cũng rất là bình thường…
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006).
Khác Trà Vigia, tôi thường xuyên bị đặt trong tầm ca tụng của Trần Wũ Khang. Cái gì tôi làm với hắn cũng nhất. Tôi gặp hắn lần đầu vào tối Trình diễn thời trang thổ cẩm Lega-Minh Hạnh tại Sài Gòn. Đang nói chuyện với Hani để làm cái phỏng vấn (“Một phụ nữ Chăm thành đạt nhờ thổ cẩm”, báo Thanh niên, 23.12.1995), thấy tôi đứng chơ vơ một mình, hắn trờ tới:
– Cừ lắm, cừ lắm! Hắn nắm chặt vai tôi bằng hai bàn tay thô ráp, lắc lắc. – Chắc chắn sẽ tìm lại ông.
Thế thôi, hắn biến gần cả năm mới gặp tôi làm cuộc phỏng vấn khác, sau khi tôi về từ Trại sáng tác Đải Lải mùa Hè năm 1996. Tháng sau tại Qui Nhơn, hắn dúi vào tay tôi bài “Trở lại Chakleng” và bảo ông tùy nghi sử dụng. Hắn lại biến, cho tôi địa chỉ mơ hồ: mình ở Núi Xám, nhớ tìm mình nhé. Bẵng đi gần mười năm, đột ngột mùa Xuân 2004, hắn gửi mail cho tôi loạt tiểu luận và thơ, liên tù tì. Rồi lại bặt tăm! Cho đến một tối kia hắn xuất hiện như ma để nói lời chia buồn vào mùa Katê 2007 ngày mẹ tôi mất.
– Có kẻ muốn in mấy thứ ông viết đó!
– Tùy ông muốn làm gì thì làm.
– Nhưng ông hãy viết khác mình đi…
– Làm như ông chưa từng đạp cứt Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Heidegger…
Hắn gườm gườm tôi rồi khép nhẹ cánh cửa phòng, biến. Tôi muốn chỉ cho hắn thấy các đoạn hắn viết giống tôi, cả các bạn thơ trẻ [và không trẻ] đụng hàng Inrasara. Tôi bảo bạn trẻ khi họ đưa bản thảo nhờ tôi xem giúp: hãy loại bỏ Sara ra, thơ bạn sẽ khác hẳn.
Nhưng hắn đã không có đó rồi. Lạ! Khang với Trà tính khí hệt nhau, nhưng cả hai chưa bao giờ biết nhau. Tôi nghĩ, ví họ có gặp, xung đột chắc khó tránh. Kinh nghiệm dạy tôi thế, dù họ có là đạo sĩ Bà-la-môn. Tôi thì khác: chịu đựng được tất! Hãy làm công việc của mình đi, còn thì – mặc xác họ. Tâm tính với cá tính.
Đạp cứt jwak aih hay ăn nước miếng nhau bbơng ia pabah gơp, tôi nghĩ thành ngữ Chăm này rất ứng với tôi và Trà Vigia. Hắn viết “Mĩ Sơn đường về” sau chuyến hành hương tập thể cùng bà con vượt cả ngàn cây số đến Thánh địa Mĩ Sơn; cùng thời gian, tôi viết bài thơ “Hành hương về bên kia đêm tối” in trong Lễ tẩy trần tháng Tư. Truyện ngắn và bài thơ trùng tên “Ăn chữ”, chúng tôi sáng tác gần như cùng ngày giờ!
Lạ vậy chớ!
Tất cả họ là đạo sĩ Bà-la-môn chân tính, nhưng chưa bao giờ ngồi lại trà đạo, dẫu chỉ một lần. Tôi như thể dấu gạch nối, cũng không kịp nối liền họ, trước khi họ luân lạc vô định. Trà với Khang thì khỏi nói rồi, ngay Hàm Bộ – guru của tôi, Trà có quen biết nhưng vẫn chưa có cơ duyên “ngồi lại”.
Không như Trà Vigia, với tôi hay than thở nỗi văn chương triết lí, Hàm Bộ anh họ, câu chuyện chúng tôi tuyệt không liên can đến chữ nghĩa. Công việc làm ăn, chuyện ruộng nương, cây trồng hay con giống, võ thuật với yoga,… tất tần tật, ngoài văn chương. Từ vào Sài Gòn làm việc, tôi hiếm có dịp ghé thăm anh. Một lần, anh bảo:
– Klu làm việc với Ywơn có quan hệ khác, cần giữ quan hệ, ít ghé anh là chuyện thường… nhưng thế nào rồi anh cũng vào Baigaur thăm nhà chú nó…
Và anh đã vào Baigaur thiệt. Nhưng không phải qua nhà tôi mà được chở thẳng bệnh viện trên chiếc xe cấp cứu. Anh nghèo, quá nghèo mà phải gồng gánh gia đình bảy miệng ăn nheo nhóc, rẫy núi anh em hay lên luyện võ mấy năm khan nước không thu hoạch được gì, anh chuyển sang học thú y. Suôn sẻ được vài tháng, tưởng yên, đột ngột một sáng, rất sớm, anh một mình vào chuồng bò tiêm ngừa thì gặp nạn. Anh bị dính đòn sừng bò ngay đốt xương sống thứ ba. Nghe tin, tôi hối hả đạp xe vào bệnh viện Chợ Rẫy.
– Anh không chết được – tôi nói – trời không thể bất công với anh như thế. Định mệnh không thể bất công với Chăm như thế!
Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy nước mắt chảy vào trong. Nước mắt tôi hay nước mắt Hàm Bộ, khi anh nhìn tôi, không lời? Nó như một dòng sông câm lặng, cuốn trôi linh hồn tôi chìm vào một miền xa tít. Tôi quay mặt đi, bước nhanh ra khỏi phòng cấp cứu. Tối hôm đó, anh tắt thở. Không ngờ ngày anh bị nạn rơi đúng vào sinh nhật tôi. Triệu trẫm nào đây?
Một đạo sĩ Bà-la-môn đã mất, một Vivekananda Chăm vừa chấm dứt hành trình dang dở. Hàm Bộ chưa viết bài thơ nào, chưa để lại gì trên mặt đất đau thương này. Anh sống mà không để lại dấu vết.
CHUYỆN NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG
Chuyện3. Hàm Bộ – giấc mơ triển hạn
Giấc mơ bị giam cầm từ rất sớm
dẫu bé con
Đã chết những dấu chân
dấu chân vẫn con đường mòn ấy
từ làng lên đồi và ngược trở về
làm quen thuộc hơi gió
đã chết cơn mưa đầu đời
chết
câu thơ chưa kịp khai sinh
chết
những khoanh rừng
Với ngọn gió, ngọn đồi quen thuộc
với khoảng rỗng trần gian nơi ý tưởng chưa đầy tràn
anh ở lại
với hơi thở và hơi thơ câm nín
với giấc mơ triển hạn và
cuộc sống mãi mãi làm triển hạn
Khi hơi thở cuối cùng đã hết hạn chờ đợi
anh đi
Ở lại
dấu chân bị xóa
tên sông đã chết
lang thang những câu thơ trì hoãn.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006).
Thơ – theo cái nhìn Việt Nam luôn đi kèm với thơ thẩn, thơ mộng, thơ ngây, nên thơ,… Nghĩa là nó mơ hồ và đèm đẹp, nó dễ thương và vô tội, nó ít trí tuệ và cư trú sát sườn bản năng nên, làm thơ ở Việt nam là rất phụ, bất cứ ai cũng có thể làm được (ra ngõ gặp nhà thơ là vậy). Và, hầu hết các nhà nho qua trường thi đều học làm thơ, sau đó đều sáng tác thơ, vịnh thơ, thù tạc với thơ, ứng đối bằng thơ. Người ta có thể dùng thơ vào mọi việc: cưới vợ được có khi nhờ thơ hay, đối giỏi, nhanh nhẩu và nhặm lẹ. Vân vân… Nên ở Việt Nam, rất ít hay hầu như không có nhà thơ chuyên nghiệp.
Nguyễn Du kết Truyện Kiều: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nguyễn Huy Tự về già đã nhận sai lầm khi sáng tác Hoa Tiên truyện! Ta tự coi mình “không phải là người” (Chế Lan Viên), kẻ “sinh nhầm thế kỉ” (Vũ Hoàng Chương), hay một sinh thể “ru với gió, mơ theo trăng” (Xuân Diệu). Nói chung lập dị nên, không thể hòa đồng với người, với đời! Vì thơ, ta làm của nợ cho gia đình, ăn nhờ sự tần tảo của bà vợ (Trần Tú Xương), hay hút xách tạo gánh nặng xã hội. Dẫu truyền thống cha ông có cảnh giác “lập thân tối hạ thị văn chương”, nhưng hôm nay, không ít nhà thơ biến thơ ca và chữ nghĩa thành một thứ cầu vượt, một phương tiện để đạt mục đích cụ thể nào đó. Nói theo tinh thần triết học Ấn Độ, từ cõi tinh thần và tâm linh, ta làm cuộc đi giật lùi về cứu cánh “tam chúng” tệ hại và tai hại.
Trong khi đó ở phương Tây, chữ “văn chương” đều có nguồn gốc chung là “chữ” littera. Nhà văn là kẻ đọc nhiều, quan trọng hơn: kẻ lao động trên con chữ, xem chữ là mục đích tối hậu. Từ đó, họ đòi hỏi rất cao ở người viết trong lao động trên con chữ. Thơ, bắt rễ từ chữ “poiesis” trong tiếng Hi Lạp, vốn hàm nghĩa nguyên động lực của sự sáng tạo. Nhà thơ gắn liền với tri thức và kĩ thuật tinh luyện chuyên biệt trong phạm vi ngôn từ.
Truyền thống Ấn Độ còn đòi hỏi thi sĩ tôi luyện ở một cấp cao hơn nữa. Kinh Bhagavad-Gita cho rằng: đấng tối cao đầu tiên là thi sĩ. Nhà thơ là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Muốn thành nhà thơ, người làm thơ phải trải qua sáu bậc tôi luyện:
– Svabhava: cảm tính thuộc bản năng.
– Carana: cảm tính hướng thượng.
– Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ.
– Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế.
– Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp.
– Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường (nói như ngôn ngữ hiện đại: được ân sủng đứng trên vai các người khổng lồ). Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa. (Xem thêm: Hoàng Ngọc-Tuấn / Nguyễn Hưng Quốc, “Viết, giữa truyền thống và nhu cầu sáng tạo”, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn (h) iện đại, NXB Văn nghệ, 2000).
Chăm, tiếp nhận văn hóa Ấn Độ, ít nhiều ảnh hưởng nền nếp ấy. Cộng đồng Chăm những năm năm mươi trở về trước, nhà thơ thực sự là kẻ được trọng vọng như thể một tiên tri thấu thị. Thế hệ ấy, người Chăm từ “trí thức” cho đến nông dân, không ai là không biết chữ. Dù Chăm tổ chức dạy kiến thức theo lối bí truyền: học nhóm với số lượng rất hạn chế, có khi chỉ một thầy một trò, khá bất tiện. Thế kỉ thứ XI, các sứ giả Tàu thử du nhập lối tổ chức theo trường quy Trung Hoa vào Champa, nhưng thất bại. Quan niệm về kiến thức của Chăm hoàn toàn khác: kiến thức không phải thứ mang chia sẻ đồng đều. Học “nhóm” như vậy, nhưng thế hệ chú bác làng Caklaing quê tôi, tuyệt không có kẻ mù chữ… mẹ đẻ, như đa số trí thức Chăm hôm nay! Phần lớn họ được đào tạo để có khả năng chiếm lĩnh tri thức khá căn bản. Nên, một nông dân chân đất vẫn có thể tiếp nhận các tác phẩm kinh điển đầy tính triết lí và khó hiểu như: Pauh Catwai, Hatai Paran,… không chút trở ngại.
Cha tôi, nông dân rặt, sau buổi cày nhọc mệt, vẫn có thể nằm lên gối cỏ, đọc ngâm Akayet Dewa Mưno. Các bác nông dân, trong những tối lễ lạc, thường xuyên mang sách cổ nhân ra thảo luận từng chữ, từng câu. Họ xem tác giả Ariya Glơng Anak như kẻ thoát trần một gót, các lời lẽ trong thi phẩm như lời thần thánh truyền lại. Ariya Glơng Anak [và toàn bộ tác phẩm trong nền văn học viết Chăm] không có tác giả, Chăm đơn giản gọi nó: Ông Glơng Anak! Kẻ sáng tạo đã sang bờ bên kia và nói vọng lại. Nói rồi bỏ đi, không ngoảnh lại. Không cầu tuổi tên, bất cần lợi lộc từ tác phẩm mình.
Từ lò đào luyện chữ (giai đoạn dưới chơn thầy) sang lò luyện tội cuộc đời (giai đoạn chủ hộ) đến giai đoạn khất sĩ bhiksu làm kẻ lang thang “phong phanh giữa trời đất”, là cuộc hành trình chiến đấu dài dặc, cực nhọc để đi đến chiến thắng tối hậu. Krishnamurti đã như thế như thế. Khi ở ngưỡng tứ thập, ông đã phủi tay từ bỏ danh vị “Phật Di Lặc tái sinh” được người đời gán cho mà ông mang vác mấy chục năm, chối bỏ hàng vạn mẫu đất dễ biến ông thành vị đứng đầu một tôn giáo giàu sụ, rời bỏ chức vị giáo chủ Thông Thiên học với hàng chục triệu tín đồ dưới tay,… Để lên đường du thuyết. Chỉ với ít bộ quần áo vài cuốn sách.
Nhưng tuổi trẻ Chăm hiện này hành xử thế nào?
Họ có còn giữ “truyền thống” cốt cách kia? Như Dhan Than, Mưdwơn Jiaw xưa hoặc Hàm Bộ, Trà Vigia,… đã và đang? Đây là một câu hỏi lớn. Hay họ toan “học đòi” Sara lưu lại thật nhiều dấu vết? Họ có hiểu “hiện tượng Inrasara” chỉ là một tai nạn văn hóa? Hắn cư ngụ trên đường biên đầy tạm thời. Như kẻ tình nguyện hoặc bị đẩy ở lại hay, – khác đi: một mắc kẹt. Nhưng luôn ngóng vọng, khao khát, nhớ nhung bờ bên kia.
Nhớ nhung nhưng vẫn vui vẻ ở lại. “Đi – như là ở lại”.
Tôi đã “ở lại” như thế trong cặm cụi phục dựng “Tủ sách văn học Chăm” mười tập, qua hành trình gập ghềnh khổ ải chín số Tagalau, với điều tra-tường trình “Vấn đề văn hóa – xã hội Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng”, và cộm hơn – trong “Vụ Kiều Minh Vũ”. Cuộc này, tôi là kẻ duy nhất lên tiếng, có lẽ. Bốn bài liên tục. Rạch ròi và kịp thời. Sự vụ khiến ông anh Phutra Noroya kính mến của tôi nhắc: “Anh nghĩ em nên tập trung vào nghiên cứu văn hóa Chăm mình đi, ngoài kia xã hội rối rắm lắm, anh e em không kham nổi đâu”. Hay ý kiến bà con từ quê: “Tại sao người như Sara trong Chăm thì quá ít; quá ít này lại không chịu “phấn đấu” lên cao hơn để có thể giúp đỡ bà con hiệu quả hơn?”
Một khuyên răn thiện ý hay “tại sao” đầy ưu tư này đã không nhận được phản hồi. Không thể có. Bởi, khi thành “người biết”, đạo sĩ Bà-la-môn đã sang bờ bên kia. Trở lại cứu cánh “tam chúng”, chẳng những hắn không ơn ích gì cho cộng đồng mà còn nguy hại cho chính con đường hắn nữa. Các giai đoạn đó đã qua, thật sự đã qua.
Đấy chính là sự khác biệt cả vực thẳm giữa triết lí Khổng Mạnh và tinh thần Ấn Độ giáo. Người quân tử bỏ cả đời lo chuyện trị quốc-bình thiên hạ, tôi luyện ngày càng thâm áo, tinh vi hơn, do đó – hiệu quả hơn. Đời ta không thành còn di chúc cho con cháu mấy đời sau kế tục. Đạo sĩ Bà-la-môn thì – không! Không, không, và không. Ông đã phủi nợ trần khi hoàn tất giai đoạn chủ hộ grhastha ở ngay đời mình! “Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt…”.
Inrasara, Trà Vigia, Trần Wũ Khang,… cần trở lại học tập làm “đấng trượng phu” ư? Không, bởi chắc chắn, họ sẽ là học trò kém! Đó là một thế kẹt văn hóa mang tính định mệnh.
Bạn trẻ Chăm, các bạn đang ở đâu, làm gì hôm nay? Các bạn có đang rơi vào tâm thế của không ít người làm thơ, với bao “nỗi hôm nay”?
Tôi đã cười méo miệng khi một bạn thơ thân mến của tôi kể chuyện anh đã nộp 250 ngàn đồng cho năm bài thơ chọn vào tập thơ tuyển ở trung ương, sau đó được chủ biên thông báo mỗi tác giả có quyền mua hai mươi bản nữa để biếu bằng hữu yêu thơ. Trời đất, bạn làm cái quái quỷ gì kia chớ!? Mới đầu tháng Tư này thôi, một bạn thơ đã lôi bài “Tháp nắng” vào thi tuyển thế kỉ dày 800 trang in đẹp, phone kêu tôi tới nhận sách biếu kèm nỗi nguyên văn “anh nhớ mang theo tiền mua năm quyển nhé, khéo hết” hai lần lặp lại. Ơ hay! Tôi có coi “Tháp nắng” là tài sản mang danh vọng chi mô mà chư vị tuyển lui tuyển tới đến mười lăm bận rồi còn réo tôi mua nó nữa. Tập thơ đầu tay này đã hết từ khuya tôi còn không buồn tái bản nó nữa là.
Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không như Krishnamurti đã – không vấn đề! Khi đạo sĩ Bà-la-môn mang máu thi sĩ, hắn càng đi bạo hơn.
Thơ ca nẩy sinh và rớt lại trên con đường vừa đi qua đó.
Chưa đặt một chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Triết học Ấn Độ hoài nghi ngôn ngữ, cả thứ ngôn ngữ đã được nạo bỏ các thứ lớp sơn giả tạo, ý đồ. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa.
Bước sang bờ bên kia, nếu bạn một đi không ngoảnh lại, bạn không thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, khuất phục māyā, vượt qua māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Đấy là hành động cao cường của một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!
Không sáng tác bằng tiếng dân tộc, bạn không xứng đáng là nhà thơ, một nhà thơ mang cảm thức hậu hiện đại với châm ngôn: Suy nghĩ toàn cầu – hành động địa phương. Nói một cách hình tượng: dù phiêu du trên đường nhưng đạo sĩ vẫn ưu tư, lo lắng cho kẻ ở lại quê nhà. Glơng Anak thuyết ưu tư tức phi ưu tư thị danh ưu tư!
Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt
hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình
thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.
(Hành hương em, NXB Trẻ, TP HCM, 1999)
Thế nhưng…
Dù đã chạm mặt với cứu cánh cuối cùng trong tinh thần văn hóa Chăm ngày nay chỉ còn là những mảnh vụn les ruines vương vãi, tôi vẫn mang khát khao tìm biết. Biết – để tự giúp và giúp bạn bè Chăm vượt qua hố hang nỗi người trong xã hội Việt Nam đầy bất trắc, rủi ro.
Thế hệ tôi rủi ro và may mắn đồng thời. May mắn bởi ngay từ tuổi tìm học, tôi đã biết đến tên tuổi Heidegger, Faulkner trước khi “được đào tạo [dang dở] dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”; rủi ro: sau 1975, vừa khởi sự đi vào con đường tư tưởng, tôi bị cắt đứt mọi đường dây liên hệ với thế giới chữ nghĩa bên ngoài. Tôi toan an phận cóc ngồi góc mâm, sống đời học giả tận tụy. Thế rồi bất ngờ, một bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn: “Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại” trên tạp chí Việt số 07.2000 tình cờ rơi vào tay tôi.
Thế là một lần nữa, qua đường dây dẫn này, tôi làm cuộc phiêu lưu mới. Những M.Foucault, J-F.Lyotard, R.Barthes, J.Derrida, G.Deleuse, J.Lacan,… trở lại, cùng tôi làm cuộc tượng thoại. Vui vẻ.
Cuộc sống luôn luôn có bất ngờ mới.
Sài Gòn, 10.04.2008.
Đọc bài bốn “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”, em muốn trao đổi với anh Inrasara một số suy nghĩ:
Đạo học Ấn Độ có lẽ là tổng hợp hơn bao gồm “Đạo Khổng + Đạo Lão” của Trung Hoa. Tất nhiên chỉ nói Đạo: Tu, Tề, Trị, Bình của Khổng Mạnh thì chưa đủ chiều sâu. Em vẫn thích Đạo Lão hơn.
Em đã có suy nghĩ, con người thời hậu hiện đại học đạo phải biết tìm ra tinh hoa của ba đạo Phật, Lão, Khổng mà học và theo từng giai đoạn đời người thích hợp như còn thanh niên thì theo đạo Khổng, Trung niên thì đạo Lão, về già thì đạo Phật. Điều đó có tương đương với bốn cứu cánh của đạo sĩ Ba-la-môn không ???
Nếu theo suy nghĩ hiện thời, tuổi anh Inrasara với công việc đang làm là sứ mạng dân tộc chứ không phải là bị kẹt. Anh làm việc với sự vô vi thì là Đạo. Vả lại tài hoa là nguyên khí dân tộc thì luôn có sứ mạng (Thiên mạng ???).
Bạn Tamthuc thân
– Đạo học Ấn Độ không là tổng hợp… đâu. Đó là cách suy tư ở chân trời khác. Đức Phật xuất hiện đã phản bác Bà-la-môn. Bà-la-môn bị đẩy vào tình thế buộc phải thay đổi, để thành Hindouism.
Có lẽ 2 cứu cánh đầu của Bà-la-môn gần với Khổng Tử hơn. Các nhà Nho cuối đời lui về ở ẩn, nhưng không tuyệt đối “phong phanh giữa trời đất” như cứu cánh cuối cùng của Bà-la-môn.
Bàn về chuyện này thì lâu dài lắm.
– Cá nhân Inrasara gần với Phật Đại thừa hơn.
Trong bài tưởng niệm Phạm Công Thiện, tôi có đoạn:
“Tôi biết, cả khi làm bộ Văn học Chăm, soạn Từ điển Chăm, viết Tự học tiếng Chăm để dạy chữ và văn hóa dân tộc, chủ biên đặc san Tagalau cho cộng đồng, lên tiếng về mọi vấn đề xã hội Chăm… Mặc cho mình bị dồi tung giữa mênh mông nỗi đời như thế, nhưng tôi dường đã hết thuộc về chúng. Từ rất lâu rồi…
Dù làm gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt… (Rilke)”
Tu giữa chợ đời là vậy.
– Xin đừng nói Sara gánh vác thiên mạng hay sứ mệnh gì gì đó.
Đã không ít người nghĩ mình sinh ra làm anh hùng dân tộc, cứu nhân độ thế gì gì đó… Sara từ chối mấy sứ mệnh vinh quang đó. Dù cá nhân đã làm được cái gì đó có lợi cho dân tộc Chăm hôm nay, nhưng nếu muốn ai đó định danh mình là gì, gọi Inrasara là thy sỹ hay Bồ tát nghệ sĩ, là hay hơn cả.
Vậy là đã quý hóa quá rồi, phải không bạn?
Chào anh Inrasara!em rất vui khi được anh phản hồi.
Em không nghĩ Đạo học Ấn Độ là sự tổng hợp hơn về hình thức đâu. Mặc dù có điểm chung về Đông phương nhưng quá khứ Ấn Độ và Trung hoa đã là hai nền văn hóa tầm cở.Chỉ có điều em phải tìm hiểu thêm về Bà-la-môn và quan hệ đến Phật giáo về Hindouism.
Tại em tâm đắc với bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc trong tờ báo xuân 2011 “Về Thăng Long và lên Yên Tử”.Vua Trần Nhân Tông sau khi hiểu thế sự (Trần Thủ Độ) đã nhường ngôi lên Yên Tử tu thiền.
Cho em hỏi Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ là hai hay một?. trong bài viết cố….Phạm Công Thiên có nhắc đến “Thiền Sư Không Lộ ở thời Lý của quê hương một lần kia cô đơn bước lên tận một đỉnh núi chót vót và sực kêu lên một tiếng bơ vơ làm lạnh cả bầu trời xanh lơ đầy mây trắng; dưới kia là hố thẳm hoang sơ, hố thẳm của quê hương” và cá nhân em thích DKL hơn vì có lẽ Ngài ít để lại vết chân, Giống như em thích Lão hơn Khổng.
Anh Inrasara đã là “thứ 1 tu nhà, thứ 2 tu chợ, thứ 3 tu chùa”
Sứ mạng hay Thiên mạng của anh là do em cảm nhận về mặt tinh thần. Được tự do thoải mái phát biều. (ok?). Cái cao quý nhất về tâm linh dân tộc là anh giúp mọi người (có em) được điều kiện tìm hiểu về Chămpa có chiều sâu. Cũng tại lý trí của em mách bảo tài hoa “nghệ sĩ” không phải nghiên cứu,tích tập kiến thức là thành mà là bẩm sinh – tố chất – nguyên khí. Em thật sự nghĩ anh chả cần những gì là định danh, ca ngợi, tôn vinh – cứ sống dòng sông đời của mình như nghệ sĩ và tặng đời những tác phẩm như chính anh sống là đáng quý lắm rồi. Nghệ sĩ đời sống hay Bồ tát nghệ sĩ mới thật sự là điều em cảm nhận hiện nay.
Có tham không?. Những điều còn nông cạn (chưa sâu về kiến thức, cảm nhận, trãi nghiệm, nội tâm )trong bài phản hồi này anh chú ý để kích thích em trong quá trình học Đạo.
Thân mến gửi tamthuc2000!
Theo hiểu biết của mình, các cứ liệu lịch sử về Nguyễn Minh Không và Không Lộ, cho đến thời điểm này vẫn còn có nhiều điểm chưa được làm rõ. Lịch sử, nhất là lịch sử cổ – trung đại và nhất là những nhân vật lịch sử có công trong các giai đoạn lịch sử này hầu hết đều được gắn liền với những giai thoại, xen lẫn cả những truyền thuyết, thậm chí là những truyền thuyết hoang đường và kỳ bí.
1/. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Lý Quốc Sư (15 tháng 10 năm 1065-1141) là tên gọi chức danh pháp lý cao nhất của thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không. Tên gọi này để chỉ ông là một cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo sau này là những nhân vật lịch sử có thật được người Kinh tôn sùng là đức thánh Nguyễn, đức thánh Trần. Trong dân gian, Nguyễn Minh Không còn được coi là một vị thánh trong tứ bất tử ở Việt Nam và ông tổ nghề đúc đồng.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Gia cảnh hai vợ chồng ông Nguyễn Sùng rất nghèo nhưng luôn luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. [1]
Cha mẹ mất sớm, cậu bé phải mò cua, bắt cá, sinh sống qua ngày. Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo và kết nghĩa anh em với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình)… để tu hành, lấy vị hiệu là Minh Không. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt.[2]
Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Khi ông mất rồi, rất nhiều đền chùa được dựng lên để thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.”
Pháp sư chữa bệnh vua Lý “hóa hổ”Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Từ Đạo Hạnh giả hóa hổ dọa, Người nói: “Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế.” Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi tôi sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với tôi có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu tôi.” Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, trẻ con ca rằng:
“Muốn trị bệnh Thiên tử
Phải có Nguyễn Minh Không”.
Vua bèn sai sứ tìm khắp dân gian mới gặp được Sư. Khi Sư đến, Tôn túc thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy Sư ăn mặc quê mùa, họ khinh khí không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột, lên tiếng nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng”. Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: “Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?” Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi tắm vua trong đó. Bệnh liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Trong quốc sử còn ghi rằng: “Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh là thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này.” [3]
Ông tổ nghề đúc đồng
Đình thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không ở Ngũ Xá – Hà Nội. Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước Việt thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng phật Quỳnh Lâm và Vạc Phổ Minh. Những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên Xá,[4] Tống Xá[5] ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố Lò Đúc (Hà Nội) [6], phố Ngũ Xã Ba Đình, Hà Nội; Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa)[7] đều thờ ông là ông tổ đúc đồng. [8] Còn theo đền thờ tổ nghề đồng ở làng nghề đúc đồng Đông Sơn, Thanh Hóa và đền thờ sư tổ nghề đồng ở số 5 phố Châu Long – Hoàn Kiếm[9] thì Tổ sư nghề đúc đồng là ông Khổng Minh Không. Trong các tài liệu lịch sử không có tên Khổng Minh Không. Dân gian đã hoà nhập Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không làm một thành Khổng Minh Không. Nhân dân những vùng này coi hai ông là tổ sư nghề đồng của Việt Nam. Đây cũng là một sự tích của Không Lộ dân gian nhập vào với Minh Không. Điều này còn tìm thấy trong văn bia chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Hành Thiện – Nam Hà), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều – Quảng Ninh), chùa La Vân (Quỳnh Phụ – Thái Bình).
Đức Thánh Nguyễn
Đền Thánh Nguyễn trên quê hương ông – Gia Viễn – Ninh Bình là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng… Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Quốc sư triều Lý. Dân gian có câu:
Đại Hữu sinh Vương
Điềm Dương sinh Thánh
Trong hai câu ca trên thì vương ở đây chỉ vua Đinh Tiên Hoàng, Thánh chỉ Nguyễn Minh Không. Hai ông được sinh ra ở hai làng liền kề nhau thuộc huyện Gia Viễn. Trong tín ngưỡng Việt Nam, phần lớn ý kiến cho rằng có 4 vị thần trong nhóm tứ bất tử đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa. Tuy nhiên, thực tế trong tứ bất tử có số lượng các vị thần bất tử nhiều hơn 4 và trong đó còn có Lý Quốc Sư và Từ Đạo Hạnh.[10] Kiều Oánh Mậu người làng Đường Lâm là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục[11] có viết:
“Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.” [12]
Đồng nhất với Không Lộ trong tâm thức dân gian, Thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau[13][14][15], còn trong các tài liệu, thư tịch cổ lại có các quan điểm khác nhau: Một số tư liệu, thư tịch cổ và ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai ông đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. [16]
Một số tư liệu, thư tịch khác thì đồng nhất Dương Không Lộ với Nguyễn Minh Không, cho rằng Không Lộ chỉ là tên ngôi chùa mà nhà sư Minh Không từng ở. [17]
Một vấn đề nữa là tuy cả 2 vị thiền sư này cùng sống vào thời Lý, lại đã từng chữa khỏi bệnh cho 2 đời vua kế tiếp nhau, song Đại Việt sử ký toàn thư không nói về Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không. [18]
Các nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Không Lộ vốn là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hoá để trở thành một ông Không Lộ – có yếu tố của một anh hùng văn hoá. Từ sự tích của thiền sư Dương Không Lộ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hoá, lịch sử hoá, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hoá Phật giáo để một nhân vật “vốn có lẽ không có thật” trở thành một thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 của dòng thiền Vô Ngôn Thông với tiểu sử, hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị Thánh.
Tên tuổi của Nguyễn Minh Không đã gắn liền với nhiều truyền thuyết hoang đường và kỳ bí. Rất nhiều đền, chùa ở Việt Nam thờ vị quốc sư này. Trong số các chùa, đền thờ quốc sư, tập trung nhiều nhất là các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình… Trong dịp lễ hội ở các đền thờ này, thường có tục bơi chải vào ngày hội, tục này chắc liên quan đến giai thoại nhà sư đi thuyền một đêm mà đến được Kinh đô. [19]
Tại quê hương Ninh Bình có đền thờ đức Thánh Nguyễn trên mảnh đất sinh ra ông thuộc địa phận hai xã Gia Thắng – Gia Tiến, Gia Viễn. Xưa đây là chùa Viên Quang, sau khi ông mất nhân dân biến Viên Quang Tự thành đền thờ. [20]. Đền thờ Nguyễn Minh Không ở khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính là nơi ông đã phát hiện ra các động và biến chúng thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Tại chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn, nơi được mệnh danh là “Nam thiện đệ tam động”, tức động đẹp thứ 3 của trời Nam cũng có đền thờ và tượng của ông. Khu di tích động Hoa Lư thì phối thờ tượng ông cùng với tượng vua Đinh Tiên Hoàng trong ngôi đền cổ. Lý Quốc Sư còn được thờ ở đình Ngô Đồng, xã Gia Phú, Gia Viễn và đền thờ Tô Hiến Thành ở bên sông Hoàng Long, chùa Nhất Trụ và động Am Tiên ở cố đô Hoa Lư. Tại đền Thượng xã Khánh Phú và đền Tam Thánh ở xã Khánh An, Yên Khánh ông được suy tôn là đức thánh cả.
Ở Nam Định cũng có khá nhiều chùa thờ đức thánh Nguyễn là chùa Cổ Lễ, tương truyền chùa do Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Ông cũng được thờ tại chùa Keo ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Lễ hội chợ Viềng hàng năm gắn liền với việc thờ ông Nguyễn Minh Không, ông tổ đúc đồng, nên trước đình ông Khổng, người dân thường bày bán đồ đồng, đồ sắt.[21]
Ở Thái Bình có ngôi chùa Keo (Vũ Thư) thờ Nguyễn Minh Không. Chùa Am ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cũng có thờ thánh Nguyễn và lễ hội suy tôn. Đức thánh Nguyễn cũng được lập đền thờ ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình hay ở đền, chùa La Vân, xã Quỳnh Vân, Quỳnh Phụ và đền Soi ở thôn Đồng Mỹ xã Quỳnh Lâm Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Ở Hà Nội có đền thờ Lý Quốc Sư trên con phố mang tên Lý Quốc Sư. Chùa Quán Sứ ở phố Quán Sứ hiện là trụ sở giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thờ vị cao tăng này. Đền Thần Quang (Ngũ Xã) cũng thờ ông với tư cách tổ nghề đúc đồng[22]
Ở Quảng Ninh, Nguyễn Minh Không là sư tổ chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Ở Bắc Ninh có chùa Phả Lại, Quế Dương, Quế Võ được Lý Quốc Sư dựng lên để tu hành. Ở Hải Dương cũng có chùa Trông (Long Hưng – Ninh Giang) và chùa Kính Chủ ở xã An Sinh, huyện Kim Môn là nơi thờ Nguyễn Minh Không.
2. Theo phatgiao.vn, Cũng ở địa bàn xã Vũ Tây, đã sưu tầm được một quyển sách chữ Hán chép tay, giấy bản khổ 21x12cm, gồm 28 tờ, được chép chữ trong 48 trang, trung bình mỗi trang 170 chữ.
Nội dung sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất, tên sách đề chính giữa bốn chữ to: “Quốc sư bảo lục”. Phía trên phải đề “Hoàng triều Bảo Đại tam niên, Mậu thìn, mạnh thu, phụng sao”. Phía trái đề: “Lại Trì xã phụng tự”.
1. Lý triều quốc sư tích lục, gồm 10 trang. Lạc khoản có ghi “Bính thìn khoa đồng tiến sĩ, Tuần phủ trí sỹ thiện Đình Đặng Hy Long tiên sinh khảo lục”. Phía dưới bên trái viết bốn chữ nhỏ: “Quán Hành thiện xã”.
2. Phụ lục Minh Không thiền sư sự tích, gồm sáu trang.
3. Thiện Đình tuần phủ Đặng tiên sinh khảo bạt, gồm sáu trang.
Phần thứ hai của cuốn sách cũng gồm ba bài:
1. Quốc sư sự tích ký ngữ lục, gồm 17 trang.
2. Đạo Hạnh biệt truyện, gồm 5 trang.
3. Từ điển khảo đính, gồm 4 trang
Nhìn vào bố cục cuốn sách, chúng ta thấy phần đầu gồm 22 trang, là sách của Đặng Xuân Bảng, hiệu Hy Long, được một nhà nho người làng Đại Trì sao chép lại năm 1928. Phần thứ hai gồm 26 trang, là phần do người sao chép ấy biên soạn, gồm sự tích của các vị thánh thờ ở Đình Am, sự tích của Từ Đạo Hạnh và một bài khảo đính.
Phần sách của Đặng Xuân Bảng đã phân biệt rõ sự tích hai vị cao tăng triều Lý, đại lược như sau:
1. Dương Không Lộ, huý Minh Nghiêm, người làng Giao Thuỷ, huyện Hải Thanh, đạo hiệu Không Lộ, làm nghể đánh cá; mẹ họ Nguyễn, người làng Hán Lý, Hải Dương. Dương Không Lộ sinh ngày 14-9 năm Bính thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất bảy đời Lý Thái Tổ (1016). Sự tích ngày 6-3 năm Giáp tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba, đời Lý Nhân Tông (1094), thọ 79 tuổi. Năm 42 tuổi, theo học Thảo Đường thiền sư. Năm 44 tuổi, tu ở chùa Hà Trạch. Bạn cùng sư Giác Hải, sau về tu ở chùa Diên Phúc. Năm 46 tuổi, dựng chùa Nghiêm Quang. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1066), Không Lộ cùng Giác Hải trừ được hai con tắc kè kêu ở điện Liên Mộng. Không Lộ được vua thưởng 1000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và phong làm Quốc sư. Giác Hải được phong quốc tính.
2. Nguyễn Minh Không huý Chí Thành, đạo hiệu Minh không, quê làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, phủ Trường An, sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1066). Minh không tu ở chùa Quốc Thanh, theo học Từ Đạo Hạnh 40 năm. Sau lại tu ở chùa Diên Phúc. Sư tịch ngày 1-8 năm Đại Định thứ hai, đời Lý Anh Tông (1141), thọ 76 tuổi.
Năm Bính thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ tư, đời Lý Thần Tông (1136). Minh Không chữa khỏi bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông, được phong quốc sư.
Chú thích:
1. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 – NXBKHXH. H, 1983 Tr 322)
2. Lý Quốc Sư – ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam
3. LỊCH SỬ CHÙA LÝ TRIỀU QUỐC SƯ
4. Làng đúc Yên Xá
5. Làng nghề 900 năm tuổi và… nỗi lo bệnh tật
6. Phố Lò Đúc
7. Sự hình thành làng xã ở đồng bằng sông Mã
8. Quốc sư Nguyễn Minh Không
9. Ông tổ nghề đúc đồng
10. Những phát hiện mới nhất về Tứ bất tử Việt Nam
11. (AB.289, tờ 4a), in năm Canh Tuất 1910
12. Án: Ngã Tứ bất tử chi danh, Minh nhân dĩ Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đương chi nhiên; thử thời Tiên chúa vị giáng, cố vị cập thế nhân sở truyền, văn hiến khả trung. Kim tục chi.
13. sách Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Ty Văn hóa Thái Bình xb 1974, Thơ văn Lý – Trần, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991
14. Dương Không Lộ (1016-1094)
15. Về các lớp văn hóa trong sự tích Thánh Dương Không Lộ
16. Tác giả Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật, trong công trình “Chùa Keo” của mình khẳng định: Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật của đời nhà Lý. Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh. Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn giữa Không Lộ và Minh Không vì sự tích hai nhà sư này có những điểm tương tự như nhau: Cả hai người để chữa bệnh chu vua nhà Lý, Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng Tắc kè kêu của Lý Nhân Tông còn Minh Không thì chữa bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông. Cả hai người đều được nhà Lý phong làm quốc sư. Minh Không cũng tu ở chùa Viên Quang nơi mà Không Lộ và Giác Hải trước đó từng tu. Lê Mạnh Thát trong “Thiền Uyển tập anh ngữ lục” cũng cho rằng Không Lộ và Minh Không là 2 thiền sư ở 2 thời kỳ khác nhau, nhưng dân gian đã lấy những truyền thuyết, công trạng của Minh Không để dùng cả cho Không Lộ.
17. Trong cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng thì hai vị thiền sư Minh Không và Không Lộ là một., tác giả viết: “Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự… là cảnh chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không tức Không Lộ lập ra từ khoảng đầu thế kỷ XII”. Còn tấm bia ký được lưu giữ tại chùa La Vân (Thái Bình) có nhắc đến vị thiền sư Dương Không Lộ được dựng vào năm Đức Long thứ 5 (1633) do sư Khuông Đạo Vũ trụ trì tại chùa La Vân, thuộc xã Quỳnh Vân, huyện Quỳnh Phụ soạn… cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một. Sách “Lĩnh Nam chích quái” thì lại chép chùa Không Lộ ở làng Giao Thuỷ có nhà sư Minh Không. PGS Đỗ Văn Ninh và cố PGS Trịnh Cao Tưởng cho rằng “Thiền sư Không Lộ có thể là nhân vật lịch sử. Song việc phân biệt Không Lộ, Minh Không là một hay hai người khác nhau thì các tác giả này chưa thể quyết đoán được. “Có thể coi thiền sư Không Lộ là một nhân vật có thật trong lịch sử? Nhưng lòng ngưỡng mộ vị thiền sư của nhân dân khi khoa học chưa phát triển, khi tôn giáo hãy còn là lẽ sống hàng ngày, đã thêu dệt cho sự tích những điều thần bí thì sự tích trở thành truyền thuyết. Đời truyền đời về sau, sự tích Không Lộ trở thành một Phật thoại ly kỳ. Cái cốt lõi lịch sử chỉ còn là đôi nét ẩn sâu trong cái vỏ hoang đường nhưng vô cùng lý thú. Truyện về vị quốc sư triều Lý có thể đúng sai khó bề khảo đính”.
18. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” phần kỷ nhà Lý, không có đoạn nào chép riêng về sự tích Dương Không Lộ, chỉ thấy có 3 đoạn đề cập đến thiền sư Minh Không mà thôi. Ví dụ “khoảng tháng 6 năm Tân Hợi, niên hiệu Thiên Thuận thứ 4 (1131) dựng nhà cho đại sư Minh Không”; hoặc có đoạn chép: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Khi đại sư Minh Không hoá, “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép “mùa thu tháng 8 (13), Quốc sư Minh Không chết (sư người Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên) rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn, lụt, cầu đảo đều nghiệm cả, nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ.
19. Minh Không
20. Đền thờ Đức Thánh Nguyễn
21. Đi “bán rủi, mua may” chợ Viềng
22. chùa Thần Quang
Một vài thông tin sưu tập và đọc được và trích lại, tuy chưa phải là những nghiên cứu háy tìm tòi gì của chính cá nhân mình nhưng hy vọng cũng có thể chia sẻ được phần nào vấn đề mà bạn đã đạt ra với website này.
Thân mến
JA
Cảm ơn Jalau Anưk rất nhiều!
Với những thông tin sưu tập tổng hợp, rõ ràng đã giúp mình định hình được chân dung hai(1) vị Thiền sư đặc biệt này trong lịch sử. Qua bài này, thấy bạn trích nguồn thông tin rất đầy đur. Thành thật mình chỉ là tay ngang tìm hiều theo nhu cầu và hay cảm nhận theo chủ quan.
Có đôi điều muốn trao đổi với bạn cùng mọi người:
1. Nếu lịch sử Việt Nam thời Lý có hai Vị Thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không thì thật là một niềm tự hào của tâm linh đất nước về số lượng. Niềm tự hào về quá khứ khi nước ta đã từng có những quốc sư danh chính mà các vị Vua phải tôn sùng. Điều đặc biệt ở đây là các Vị vừa đạo pháp cao siêu và pháp thuật tài giỏi đã tác động vào thực tế (chữa bệnh cứu vua, xây dựng chùa, truyền đạo và chấn hưng đạo Phật, ông tổ đúc đồng…). DKL còn để lại nhiều bài thơ tuyệt vời như “Ngư nhàn – Ngôn hoài” mà Phạm Công Thiện đã viết ở trên. Ngoài ra hiện nay còn nghi vấn bài tuyên ngôn – Nam Quốc sơn hà tác giả là chính Ông.
2. Tôi cảm nhận tuy hai mà một, tuy một mà hai ở chỗ. Là siêu nhân là rất hiếm, là hồng phúc của một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử (như Phật thì vạn pháp là biến hóa khôn lường). Lịch sử Việt Nam là tiếp thu, hội tụ tinh hoa của hai nền Đạo học lớn Ấn Độ và Trung hoa. Nguyễn Minh Không có qua Tây Trúc học đạo, thành đạo và pháp thuật cao siêu (quyền Năng??) chính đó là cái dụng thực tế của Đạo, làm theo vô vi nhưng luôn ẩn mình (nếu buộc vì sứ mạng phải làm thì vẫn ẩn mình hoặc biến hóa – Chân Nhân bất lộ tướng). Thực chất họ không muốn danh phận (mất tự do), cũng như lịch sử Gia cát Khổng Minh gặp Lưu Bị là tai nan (thế kẹt) của Khổng Minh.
3. Trong lịch sử của nhân loại chỉ xuất hiện gần như đồng thời Phật Thích Ca, Chúa jesu, Lão Tử, Khổng Tử…. là sự kiện đặc biệt trong tâm linh vũ trụ hình thành các Đạo lớn chính danh. Sau đó vẫn liên tục các vị khác được truyền thừa như Huệ Năng, Đạt Ma sư tổ, Trương Tam Phong, Dương Không Lộ, Long Thọ, Lạt Ma Tây Tạng…. và hiện đại những bồ tát nghệ sĩ Đông Tây Nietzsche, Henry Miller, Phạm Công Thiện và cả anh Inrasara… Họ chính là những con chim đầu đàn biết nói tiếng Phạn (trích-PCT) trong kỷ nguyên tâm linh hiện nay.
Trên đây chỉ là sự liên tưởng, suy ngẩm, cảm nhận cá nhân có dựa trên nhiều thông tin (ngoại sử )trao đổi ý tưởng để tiếp tục học hỏi thêm, mong mọi người xem là phiếm luận. Mong bạn Jalau Anưk cho thêm phản hồi nhất là thông tin liên quan đến chính sử để kịp thay đổi.