Inrasara trên Internet…

Ảnh hưởng của một nhà thơ như Sara trong xã hội là chuyện tất yếu, thi thoảng tôi vẫn gặp những bài thơ, những nhận xét đầy thương yêu và cảm mến dành cho anh khi lang thang trên Internet.
Có những bài khá là ngộ nghĩnh, ví dụ một bài thơ của một Nick có tên Arsenal mà do đọc đã quá lâu nên tôi không còn nhớ rõ, viết về một tình yêu… vô vọng và không thiếu tưởng tượng với Sara. Cũng vui. Nhà thơ của chúng ta chẳng đã có lần nói những người nổi tiếng không sống bằng tác phẩm mà bằng giai thoại, huyền thoại quanh mình là gì…
Vì nghịch ngợm, và đôi lúc cũng khá rảnh rang, tình cờ tôi đi lạc vào một vườn thơ có tên Vườn Mai.
Khá vui vì anh chị em chưa hề biết mặt nhau và cũng chả có tên tuổi gì nhưng lại cư xử với nhau rất chân thành, rất vui vẻ, dù là người trong nước, người nước ngoài, già trẻ lớn bé xem nhau như bè bạn. Thật thú vị!
Ở đó, tôi có dịp khoe những bài thơ của Sara và được phản hồi khá tốt, tôi cũng được khoe những kiến thức về Chăm của mình, cũng chính nhờ nhà thơ mà tôi đã nghiên cứu khá nhiều, và từ đó biết yêu thương một dân tộc bé bỏng đầy huyền nhiệm…
Một chuyện vui: một cô bé trong nhóm ở mãi Tây Ninh có nick là mèo còm, cũng rất yêu văn hoá Chăm và mê thơ Sara, một ngày đẹp trời đã từ Tây Ninh ghé Sài Gòn, mua một lẵng hoa thật đẹp đến thăm nhà thơ mà… không hẹn trước. Chẳng biết cuộc gặp ra sao nhưng đã để lại kỷ niệm… không bao giờ quên cho cô bé. Chuyện này có lẽ nhà thơ phải lên tiếng phản hồi, nhiều khi chỉ vì sự ngưỡng mộ và muốn dành cho anh một sự bất ngờ, nhà thơ ơi…
Trong nhóm thơ Vườn Mai có một nick rất tài hoa: Tinahv ,một phụ nữ sống ở Georgia, Mỹ. Một người sống có tình, thông minh, làm thơ rất hay. Chị chân thành tâm sự rằng do ở nước ngoài khá lâu nên ít biết về thơ văn trong nước, và rất cảm ơn vì nhờ có tôi nên từ nay biết thêm một nhà thơ quá đỗi tài hoa có tên giống như… một câu thần chú (nguyên văn của chị): Inrasara.
Tôi thì chưa bao giờ nghĩ rằng tên nhà thơ giống… câu thần chú, nhưng mỗi khi gặp mặt anh em, tôi vẫn thích ngồi ngắm anh bởi cái vẻ đẹp trí tuệ luôn làm anh sáng lên một cách khác thường. Có lẽ là tôi khá ngưỡng mộ anh bởi câu thần chú Inrasara đã mở cho tôi cánh cửa kỳ lạ mà tôi chưa hề biết, để thấy một thế giới Chăm đẹp lung linh u uẩn như một giấc mơ….
Tôi chưa kể hết các bạn trong khu vườn ấy, những người tôi chưa hề biết mà lại rất quen: Dang Phuong, Thach thao,Tieu Ky, Tam tinh, Te Dien, Quynh Giao, Nu Cuoi… đặc biệt nhất là chủ vườn thơ TK tức Bùi Quang Tuấn, mà bài bình thơ sau đây của anh đã làm tôi thực sự kinh ngạc, xin gởi đến Sara và tất cả các bạn…

Bình thơ:

HỮU THỂ VÀ HƯ VÔ….

Và chia tay
cơn mưa trưa bất chợt
khuôn mặt không lạ / chưa quen
chia tay
như chia tay điếu thuốc hút dở
đôi giầy chưa cũ
bỏ quên.
xa hơn
cánh rừng đã cháy, dòng sông đã chết
chia tay vĩnh viễn hay tạm thời
vết thương, khối u, đau chưa tiêu hóa.
tưởng không thể rời bỏ / vẫn chia tay
dấu chân tuổi thơ lưu lãng
bước đi tuổi trẻ lạc lầm
cười gầy của mẹ, nhìn buồn của cha
nụ hôn đầu tiên, câu thơ đầu đời
mái nhà và ngọn đồi
chia tay
cơ hồ không ngoái lại.
vẫn còn yêu / đành chia tay
con đường bầu trời mặt đất
như là dứt áo
mãi mãi một lần.
chúng ta rồi đến lượt
bất ngờ không hẹn trước
chia tay.

Bài thơ này rất hay: đơn giản, xinh xắn. Tôi chưa có hân hạnh đọc nhiều thơ của Inrasara nhưng theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Chỉ cần bài này, ta có thể thấy Inrasara là một thiên tài, bởi chưng thiên tài biết cách nói về cái rất phức tạp, trừu tượng bằng những cái rất đơn giản, cụ thể.
Đơn giản đến mức tầm thường như chia tay một cơn mưa trưa lại còn bất chợt. Nó đến rồi nó đi, sự chia tay thật chẳng có gì phải nói.
Đơn giản như chia tay một khuôn mặt lạ/chưa quen. Rất thoảng qua, rất không đáng nhớ. Ngày nào chúng ta cũng gặp những khuôn mặt như thế và chia tay chúng thường xuyên.
Đúng như chia tay điếu thuốc hút dở, đôi giày chưa cũ. Hút dở và chưa cũ thì cũng có nghĩa đã sắp vứt được đi rồi. Chia tay không hề nuối tiếc.
Đó là những cuộc chia tay đơn giản đến tầm thường hóa của Inrasara. Tại bậc thang đầu tiên. Rồi thì là những cuộc chia tay buộc phải chia tay: cánh rừng đã cháy, dòng sông đã chết, vết thương, khối u,… những thứ đã hỏng, đã cạn kiệt, thậm chí, gây đau đớn. Những chia tay gần như là phải cắt đi, bỏ đi, nhưng cần thiết. Inrasara đã dắt chúng ta lên một bậc nữa trong cái thang nối từ đất lên trời của ông: chia tay không còn tầm thường nữa, đã có nuối tiếc, đớn đau, nhưng là có tương lai, có phát triển.
Rừng cháy rồi rừng sẽ mọc, sông cạn thì sông sẽ đầy, cắt khối u đi để khỏe mạnh, chữa vết thương cho lành lặn.
Lại một nấc thang mới: những cuộc chia tay không mong muốn nhưng buộc phải có, buộc phải xảy ra, buộc phải làm: tuổi thơ, tuổi trẻ, cha, mẹ, mối tình đầu, mái nhà, quê hương. Có thứ thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại như tuổi thơ, có thứ thì “cơ hồ không ngoái lại” như mái nhà, ngọn đồi. Có thể trở lại, nhưng trở lại thì đã khác trước rồi. Chia
tay và mất mát, mất hẳn.
Đó là những thứ: vẫn còn yêu/đành phải chia tay. Ngửa mặt nhìn trời, thẫn thờ nhìn đất, ngắm con đường dài trước mặt mà dứt áo ra đi. Cái nấc thang này nó đau đớn hơn, nó sâu xa hơn nhiều so với việc chia tay với rừng cháy, sông cạn, với vết thương, khối u. Tại nấc thang này, chia tay nhưng còn đau mãi mãi và mất đi mãi mãi.
Thế rồi cái thang của Inrasara sẽ dẫn ta tới đâu đây? Thì đây, ngay đây, đột ngột đây, kết thúc đây, không hẹn trước đây: chia tay. Đây chính là cuộc chia tay cuối cùng để tất cả những hữu thể như mưa, sông, bố, mẹ, nhà, tình yêu,… trở về với hư vô. Leo đến hết cái thang, tức là con người cũng đi hết mọi thứ hữu thể, để thực hiện cuộc
chia tay cuối cùng, đưa tất cả, kể cả bản thân về với hư vô. Bước qua cái nấc cuối cùng, không còn thang nữa, chơi vơi, chơi vơi rồi thành hư vô, lên trời.
Cái thang từ đất lên trời của Inrasara được bắc bằng những bậc thật đơn giản, không cầu kỳ nhưng có những sáng tạo nhẹ nhàng, lạ, làm cho người ta hiếu kỳ, thú vị, luôn muốn bước tiếp lên xem sao. Đây chính là nghệ thuật của ông. Kể cả ngay cái tiêu đề đã làm người ta phải suy ngẫm, rồi luôn tự hỏi những câu hỏi mà chỉ đọc hết bài thơ, leo hết chiếc thang kỳ lạ thì mới giải thích nổi:
– mưa trưa thì việc gì phải chia tay?
– khuôn mặt không lạ, chưa quen là gì?
– sao lại cười gầy của mẹ, nhìn buồn của cha?
– cứ chia tay mãi rồi thì dừng ở đâu?
Ông cho người đọc thấy những thứ rất đơn giản, rất thường gặp, nhưng thứ nào cũng bắt người đọc phải nghĩ lại, xét lại xem mình đã hiểu đúng chưa, có gì mới không?
Đến khi bước ra chơi vơi, trở thành hư vô thì người đọc mới ngoái lại, mới thấy cơn mưa trưa cũng quan trọng, điếu thuốc hút dở cũng quan trọng,… tất cả đã mất rồi, không bao giờ có nữa.
Tóm lại, leo hết cái thang, cũng như đi hết cuộc đời, ta nhận ra, ngộ ra cái điều chân lý giản dị: “hữu thể rồi sẽ hư vô”. Inrasara đã tóm cái chân lý ấy vào một bài thơ ngắn, bài thơ ngắn ấy lại là cả một cuộc đời con người, là cả một cái thang dài nối đất thực thể với trời vô hình. Đọc xong bài thơ, tuy tác giả chẳng lên mặt dạy ta điều gì, mà ta thấy cần phải yêu quý những giây phút đang có, từ những thứ tầm thường trở đi. Yêu quý, trân trọng và gìn giữ bất cứ những gì đang hữu thể mà ta có, vì nên nhớ, một ngày nào đó, rất bất chợt, không hẹn trước, tất cả chúng sẽ là hư vô. Kể cả bản thân ta.
Bình bài thơ này, kể ra phải làm một bài viết dài, nhiều trang, phải nghiên cứu kỹ về tác giả, thời gian, bối cảnh ra đời. Rồi thì liên hệ với các khái niệm hữu thể, hư vô của các nhà thơ khác, các bậc tiền bối, thánh nhân khác.
Tôi chưa có điều kiện làm được điều đó, chỉ dám nói theo cái luồng thơ nó thấm vào mình, theo cái thiển ý bột phát của mình mà chưa trau chuốt. Có gì, mong các bạn và tác giả bỏ quá cho.

Rất cảm ơn bạn Trần Can đã cung cấp bài thơ!
Trân trọng,
BÙI QUANG TUẤN

5 thoughts on “Inrasara trên Internet…

  1. Bạn Trần Can thân mến
    Công việc ập tới đến bù đầu, liên tục và liên tục nên, bạn nhắc tôi mới sực nhớ! Rất bất ngờ, một sáng đẹp trời có cô gái xinh đẹp mang một lẵng hoa xinh đẹp ghé nhà Sara. Khá lúng túng, bạn trẻ nói: “Cháu xin tặng nhà thơ để tỏ lòng ngưỡng mộ, rất mong nhà thơ nhận tấm lòng”.
    Bạn trẻ biết Sara qua Trần Can, và cũng qua Trần Can, Sara có thêm bạn mới, thơ Sara đón thêm một người đọc mới. Từ đó ta hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn giữa cuộc sống và cuộc văn chương bộn bề và bấp bênh này.
    Rất thân mến.
    SARA.

  2. Một bài thơ hay
    Như người bạn mới
    Trên đời bận vội
    May mắn nhận “Ra”

    Cảm ơn nhà thơ
    Cảm ơn người dắt
    Hoa cần có đất
    Đất lại cần người

    Chúc nhà thơ vui
    Luôn luôn đủ “Muối”
    Và luôn bận vội
    Dâng hiến cho đời

    Mộc mạc đôi lời
    Từ Bùi Quang Tuấn

  3. Gởi Sara :
    Mình thật bất ngờ và thú vị khi đọc bài bình thơ của Bùi Quang Tuấn-(một chuyên gia tin học hiện đang Hà Nội)nên viết bài này gởi anh.
    Bùi Quang Tuấn đã cảm nhận bài thơ ” Hữu thể và Hư vô ” của Sara một cách trọn vẹn đến mức lời bình đẹp phong phú và sâu sắc không hề thua kém bất cứ một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp nào…
    Quê Nam Định, làm thơ vì yêu thơ , Bùi Quang Tuấn có phong vị của một Tú Xương hiện đại, hi vọng là anh ấy sẽ còn đóng góp cho website những bài bình thơ Sara vô cùng hay và độc đáo …

  4. Một bài thơ hay
    Như người bạn mới
    Trên đời bận vội
    May mắn nhận “Ra”

    Cảm ơn nhà thơ
    Cảm ơn người dắt
    Hoa cần có đất
    Đất lại cần người

    Chúc nhà thơ vui
    Luôn luôn đủ “Muối”
    Và luôn bận vội
    Dâng hiến cho đời

    Mộc mạc đôi lời
    Từ Bùi Quang Tuấn

  5. lạ đến mức chưa từng lạ
    quen đến nổi rất thân quen
    bởi trang thơ, nhật ký trường đời
    gửi tặng anh những lời tốt đẹp
    như hoàng hôn chiêú rạng khắp muôn nơi.
    Tôi đọc tập thơ Lễ tẩy trần tháng tư của inrasara mà sao xuyến, lâng lâng bởi chất thơ mộc mạc nhưng thấm đẩm; trừu tượng nhưng có hồn; lãng mạn nhưng lôgíc.Nói chung là chỉ goíi gọn trong hai chữ”rất hay”.Một người luôn dành cả vật chất lẫn tinh thần cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và viết văn,làm thơ như Inrasara là một điều đáng trân trọng và đáng cho người khác ngưỡng mộ..trong số những người đó có bản tâhn tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *