Uống nước nhớ nguồn là chuyện đạo lý tất yếu, nhưng uống nước nhớ người lại là chuyện vừa mang tính đạo lý lại vừa mang tính nhân văn.
Tôi đã từng có thời gian ở Hội An, và đã từng ngạc nhiên với những giếng Chăm trong lòng đô thị cổ này. Một không gian không thể nói là lớn, chỉ bé bằng cái thị xã như tên gọi của nó lại có vô số giếng Chăm. Nghe đâu khoảng hai mươi giếng. Có cái được lợp ngói che chắn cẩn thận, có cái nằm ngay giữa đường đi như…không thể khác.
Những chiếc giếng Chăm lạ lùng hình vuông, được lát gỗ sát mép nước rồi ốp gạch hoặc đá từ dưới lên. Lòng giếng có cái hình vuông, cái hình tròn. Nhưng với riêng cảm nhận của mình, tôi vẫn cho rằng giếng Chăm vuông mới đúng là Chăm!
Giếng Chăm có mặt khắp nơi ở miền trung nước Việt, như ghi dấu tiền nhân xưa khai mở đất đai và để lại dấu tích. Mãi tận Cù lao Chàm, rồi Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hội An, Huế… cho đến tận đảo Phú Quý ngoài xa khơi Bình Thuận cũng vẫn còn dấu tích giếng Chăm.
Điểm đặc biệt của giếng Chăm là nguồn nước bao giờ cũng đầy ắp như tình người. Nước tựa hồ mang hồn người, ngọt ngào và trong vắt. Từ mạch nước thiêng trong lòng đất linh thiêng, nước bao giờ cũng tuôn tràn ân huệ, bất kể thời tiết hạn hán, khô kiệt. Giếng vẫn mở lòng nuôi nấng bao đàn con bằng nguồn nước trong lành dường như vô tận của mình.
Như nguồn sữa mẹ chẳng bao giờ cạn…
Người Hội An rất quý giếng Chăm. Nước giếng chỉ dùng để nấu ăn (và uống). Tuyệt đối không dùng tắm giặt. Ai đã từng đến Hội An và ăn món cao lầu nổi tiếng của xứ sở này mới biết nó ngon là nhờ gắn liền với một giếng Chăm cũng nổi danh không kém: Giếng Bá Lễ.
Không có nước giếng Bá Lễ, món cao lầu cũng chẳng còn hương vị thơm ngon đặc trưng rất riêng mà chỉ Hội An mới có. Một cảnh tượng ngộ nghĩnh chỉ có ở Hội An là lúc sáng sớm hay chiều tối, nước từ những giếng Chăm xưa vẫn tiếp tục tỏa đi khắp nơi trong thị xã bằng những phương tiện thô sơ, hay trên đôi gánh của những người mẹ tảo tần khuya sớm.
Được soi mình dưới bóng nước để cảm nhận công đức của người xưa thật là một cảm xúc kỳ lạ… Nghĩ về thời gian trôi, nghĩ về lẽ thịnh suy của đất trời bỗng bồi hồi thương cảm. Riêng tôi, được đi nhiều nơi ở miền Trung. Được thấy nhiều giếng Chăm ngàn năm tuổi vẫn chưa thôi ngưng nghỉ, vẫn cho đời dòng nước ngọt lành mà lòng không thể không cảm xúc biết ơn những đấng tiền nhân Chăm.
Chăm là thế, có mặt như vô danh, thầm lặng nhưng cao cả biết chừng nào…