HỌP BAN CHẤP HÀNH HỘI VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM VÀ TỔNG KẾT TRẠI SÁNG TÁC
tại Nhà sáng tác Nha Trang.
Sáng ngày 13.03, lên xe đi Nha Trang, làm cuộc lang thang mới. Lần đầu tiên trong đời, tôi dự phiên họp chính thức. Nghĩa là – làm to! Trời đất, lạ vậy chớ. Từ nhỏ mình có bao giờ cơ hôi hay bị/được làm to đâu. Buồn cười!
*
Ngày 15&16.03.2008 tại Nhà sáng tác Nha Trang, Ban chấp hành Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam họp lần thứ hai.
Tham dự cuộc họp có: nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà văn Tùng Điển, Thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam; ông Trần Bình, chuyên viên Ban tổ chức Trung ương Đảng và Trần Phương Lan, chuyên viên Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.
Chủ trì cuộc họp là nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội.
Đây là cuộc họp quan trọng, 18 Ủy viên Ban chấp hành (vắng mặt bốn người) bầu ra Hội đồng Nghệ thuật khóa IV, gồm 14 người: Mai Liễu, nhà thơ, Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch gồm ba ông: Y Phương, Vi Kiến Thành và Lò Minh; cùng 10 Ủy viên khác là: Vương Anh, Cao Duy Sơn, Inrasara, Lưu Xuân Lý, Lò Giàng Páo, Nông Quốc Bình, Krajan Dick, Mã Thế Anh, Trần Hoàng Minh và Mã A Lềnh.
Riêng “nhà thơ Inrasara, Ủy viên Ban chấp hành, theo dõi phong trào và lực lượng sáng tác văn học, lí luận phê bình văn nghệ dân tộc; tham gia Hội đồng nghệ thuật và Ban thơ”.
Oách chớ!
Còn thành viên 7 Ban chuyên ngành được thành lập theo thời vụ cần thiết. Đó là điều khác biệt so với các khóa trước.
Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội đọc Dự thảo công tác Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam bầu Hội đồng Nghệ thuật nhiệm kì 2007-2012. Cạnh đó, Quy chế làm việc của Thường trực Hội, của Ban chấp hành và cả việc phân công công tác của Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam bầu Hội đồng Nghệ thuật khóa IV được trình bày và thảo luận thấu đáo.
Hai điều mới lạ khác là: Đề án thành lập Trung tâm bồi dưỡng sáng tạo Văn học – Nghệ thuật Dân tộc thiểu số, Đề án phụ trương tạp chí Văn học – Nghệ thuật Dân tộc thiểu số, mỗi quý một kì được Ban chấp hành thông qua và phân công bộ phận chuyên trách lên kế hoạch cụ thể.
Sau cùng, hơn 50 Hội viên mới được kết nạp vào ngôi nhà Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Lạ là: không có hội viên mới nào dân Ninh Thuận, ngoài Đàng Quang Dũng đã sống ở Sài Gòn hơn chục năm nay.
Song song với việc hội họp, toàn thể thành viên Ban chấp hành cùng khách mời cũng đã dự Tổng kết Trại sáng tác văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số tại Nha Trang, khai mạc từ ngày đầu tháng. 13 trại viên, do nhà văn Mã A Lềnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội, làm Trưởng trại. Nhiều tác phẩm: văn, thơ, nhạc, họa hoàn thành tại Trại được các trại viên báo cáo vào buổi tổng kết.
Tiếc rằng, như Inrasara đã nêu trong hôm tổng kết: Hầu hết trại viên dự trại đợt này thiếu vắng khuôn mặt trẻ. Trẻ nhất đã là U50! Ngoài ra đều là những người đã thành danh: Y Điêng, Vương Trung, Amư Nhân,… Trong khi chính những người trẻ sẽ làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật ngày mai. Và Trại sáng tác là nơi họ có điều kiện học tập và nhận sự kích thích sáng tạo.
*
Xong, tôi dành nguyên buổi chiều 16.03 bảo anh xe ôm đèo dọc bãi biển Nha Trang. Phải nói: cực kì. Sáng thứ 17.03, bỏ phần ăn sáng, tôi liền đón xe đò về quê. Caklaing vừa lên đời Làng nghề truyền thống. Vậy mà hôm đi xe ngang qua tôi không xuống được, là có lỗi với làng xóm lắm lắm. Tôi làm cuộc vòng quanh palei chiêm ngưỡng quê hương đang thay đổi. Rồi Cauk, Dana, Padra, Tanran, Rơm,…chỉ trong vòng 10 tiếng đồng hồ. Trưa hôm sau tôi lại nhảy xe đò lên Đà Lạt. Có Trại sáng tác của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình ở đó. Bạn bè cả khối ở đó đang chờ.
Thêm, nghiên cứu sinh Xuân Quỳnh cần tiếp cận tác giả để làm luận án Cao học về Inrasara nữa! Trao đổi qua lại là được cho cả đôi đường.
Vừa ló đầu ra khỏi xe buýt, các bạn văn Phạm Quốc Ca, Thiên Sơn, Văn Đắc,… chộp ngay Sara đưa lên xe ôm. Cả bọn cùng kéo nhau ra ngồi quán mãi 9 giờ mới về đến Nhà sáng tác. Rồi ngày hôm sau cũng là cuộc lang thang. Lang thang và nhậu nhẹt bù khú, tán dóc chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện màu sắc với hình khối. Trong khi bao công việc đang chờ ở thành phố! Hani Triển lãm tại Phú Quốc chưa về; Jaka thì đang Campuchia…
Nên, khi giải mã xong chuyện bia rượu, ngay tối 19.03, đúng 11 giờ, xe Phương Trang chất lượng cao đưa bốn bạn văn xuôi xuống Sài Gòn. Để 25.03 còn vào Long An cùng Nhật Chiêu nói chuyện với Trại sáng tác ở đó nữa.