Đây là tham luận tại Hội thảo: Orhan Pamuk, giữa Đông và Tây
Cty Nhã Nam tổ chức tại Hội chợ sách lần V TP Hồ Chí Minh.
Trả lời phỏng vấn báo Das Magazin (Thụy Sĩ), Orhan Pamuk lên tiếng về vụ ba mươi ngàn người Kurd (ở Anatolia) bị sát hại và cuộc diệt chủng một triệu người Armenian (1915-1917) tại Thổ Nhĩ Kì. Nhưng tất cả đều chìm trong im lặng. Orhan Pamuk đã không im lặng về sự im lặng này. Hậu quả là ông bị hai hội đoàn luật gia chuyên nghiệp Thổ khởi tố trước tòa vào ngày 16.12.2005. Vụ án bị Hội Ân xá Quốc tế cùng nhiều nhà văn, trí thức nổi tiếng trên thế giới phản ứng quyết liệt, Orhan Pamuk mới tạm thoát.
Orhan Pamuk may mắn hơn nhân vật Ka – Tuyết của ông bỏ xác dưới đáy giếng! Ông có thể thoát mãi không? Vấn đề nào của thế giới đã đẩy nhà văn đối mặt với hoàn cảnh oái ăm đó?
Đông phương và Tây phương là khái niệm gây ám ảnh nhiều thế hệ trí thức ở hai đầu trái đất. Nhân loại mặc nhiên công nhận có sự khu biệt lớn giữa chúng. Về tư tưởng, văn minh và cả các lĩnh vực khác. Khu biệt và xung đột.
Từ hơn hai thế kỉ qua, hai bên thử tìm hiểu nhau. Từ Leibniz cho đến Hegel, Schopenhauer, Heidegger hay Francois Jullien; từ Nishida, Nishitani Keiji, Nishitani cho đến Suzuki; từ Vivekananda cho đến Krishnamurti, qua nỗ lực tìm hiểu và đối thoại của họ, tư tưởng xuất phát từ các nền văn minh Âu châu (và văn minh Thiên Chúa giáo), Ấn Độ (và văn minh Ấn giáo, Phật giáo) và Trung Hoa (và văn minh Khổng – Lão) có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Từ đó, nhân loại hi vọng vượt qua rào cản suốt hơn hai ngàn năm phân cách. Một nền văn hóa không thể bị phủ nhận hay triệt tiêu bởi một nền văn hóa khác, chúng có thể được soi sáng bởi lối nhìn mới mẻ và bao dung hơn, để qua đó có thể làm cuộc dung hợp và tiếp biến. Hơn nửa thế kỉ qua, các trí tuệ lớn phần nào đã làm được trách nhiệm của mình.
Thế nhưng, giữa cuộc giao ngộ đó, tư tưởng Hồi giáo và và văn hóa-văn minh Trung Đông ở đâu, trong thế giới nhiều biến động này. Khác đi: các tư tưởng ngoài Hồi giáo đã làm gì cho cuộc đối thoại kia? Chưa gì cả!
Và nhà văn nữa, họ đứng ở đâu?
*
Nedim Gursel cho rằng “lưu vong theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta”. Lưu vong chính trị, lưu vong văn hóa và lưu vong ngôn ngữ ở thế kỉ XX, cả ba không thể tách rời.
Thử điểm qua vài khuôn mặt: Joseph Conrad, rời Ba Lan lúc bốn tuổi, sáng tác bằng tiếng Anh. Vladimir Nabokov, sang Mĩ vẫn có vài tác phẩm bằng tiếng Nga, sau đó mới chuyển hẳn sang tiếng Anh từ đó nổi tiếng. J. Brodsky: nhà thơ Nga sống ở Mĩ, viết tiểu luận bằng tiếng Anh nhưng làm thơ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Gần hơn, Cao Hành Kiện sống ở Pháp vẫn sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, còn Salman Rushdie chỉ viết bằng tiếng Anh,… Tất cả họ là nhà văn lưu vong. Có thể mỗi người chịu một định phận khác nhau, bởi lí do và quan điểm khác nhau. Kẻ hoài hương và hoài cổ, kẻ chống lại chế độ đương quyền của đất nước mình, kẻ phản kháng văn hóa chính lưu nơi cố quốc: Salman Rushdie bị coi là kẻ thù Hồi giáo là điển hình. Cạnh đó, vẫn có người mang tham vọng làm một dung hợp, Orhan Pamuk là một.
Thổ Nhĩ Kì nằm ngay bản lề của xung đột Đông Tây, chịu sự phân tranh liên miên giữa chủ nghĩa thế tục và chế độ thần quyền ở đó vị thế tôn giáo luôn đóng vai trò trung tâm đời sống tinh thần của cộng đồng, trong thế cuộc đối kháng giữa văn minh Âu Mĩ với [một phần] thế giới Hồi giáo mà biểu hiện tai hại nhất của nó là chủ nghĩa khủng bố lan rộng hơn thập niên qua. Orhan Pamuk đứng ở đâu?
Rất dễ nhận ra: ông đứng ngay đường biên sự luân chuyển của hai luồng tư tưởng và các biến cố.
“Tương tự, sự thù địch ngoài mặt đối với Mỹ, như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tạo điều kiện để những người quản lý đất nước lãng phí tiền bạc họ nhận được từ các tổ chức tài chính thế giới qua việc tham ô và do thiếu trình độ quản lý, cũng như giúp cho họ có thể che giấu được khoảng cách phân hóa giàu – nghèo mà ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đã vượt quá ngưỡng có thể chấp nhận được”.
“… Giờ đây, khi nghe người ta hô hào một cuốn chiến tranh giữa phương Đông và phương Tây, tôi lại e sợ rằng phần lớn thế giới này sẽ trở nên giống như Thổ Nhĩ Kỹ, nơi mà tình trạng thiết quân luật đã tồn tại dai dẳng. Tôi sợ rằng chủ nghĩa dân tộc tự thoả mãn, tự cho mình là đúng đắn của phương Tây sẽ dồn phần còn lại của thế giới đến một cuộc đấu tranh ngoan cố chống lại thế giới phương Tây”.
(“Cơn giận của những người dưới đáy”, Hải Ngọc dịch, Damau.org, 1.11.2006).
Như thế, ông luôn chịu sự ma sát giữa hai thế lực chính trị, văn hóa gần như bất khả hòa giải, luôn căng thẳng và chỉ chờ nổ tung. Có thể nói đó là thế đứng khả dĩ nhất của nhà văn “lưu vong” đến từ thế giới thứ ba. “Ở Đức tôi sống một cuộc sống rất cô độc”, như nhân vật Ka – Tuyết tự nhận. Theo cách nói của Albert Camus: nhà văn là kẻ bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại. Bạn phải sống trong và với nó, dù con tàu đó hôi rình tới đâu. Bạn không tự nguyện nhập cuộc mà là – bị đẩy xuống. Luôn luôn cô độc. Càng cô độc hơn khi ông [chọn] viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì, ngôn ngữ dân tộc không phải là phổ thông [hay trung tâm] trên thế giới. Nghĩa là ông chịu ở lại nơi bản địa, dù ông là người thân phương Tây.
Vậy, Orhan Pamuk sẽ viết như thế nào? Không thể “đầy bản sắc” để chiều chuộng thế lực chính trị mượn cớ truyền thống dân tộc để ru ngủ quần chúng ít học, càng không thể lấy lòng phương Tây (nhân vật Kahir – Tuyết là tiêu biểu) để bội phản tinh hoa văn hóa tổ tiên (hàng nghìn bức tiểu họa của các nhà tiểu họa đạo Hồi ở thế kỉ XVI – Tên tôi là đỏ). Ông nhận mình là hiện thân của văn học Hồi giáo cổ điển trong ý hướng sáng tạo một nền văn học hiện đại và hậu hiện đại. Nhưng Orhan Pamuk đánh giá nền văn học cổ điển của đế chế Ottoman, của người Ba Tư và của âm hưởng Hồi giáo hoàn toàn khác. Đó là văn học không lệ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, đạo đức cộng đồng hay ý thức hệ tôn giáo, mà chỉ quan tâm đến chính tác phẩm.
Đơn giản hơn, như lời nhân vật Muhtar – Tuyết: “Chúng tôi không theo thơ ca [cấp tiến phương Tây] thuần túy mà bận bịu với văn hóa dân gian và ‘vẻ đẹp địa phương’”.
Đó là nhìn nhận sự việc qua cảm thức hậu hiện đại: vô phân biệt và phi tâm hóa. Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể thử nghiệm thủ pháp thi ca mới nhất đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ trong dân gian.
Châm ngôn “Suy tư toàn cục, hành động cục bộ” là tính thực tiễn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa là đặc điểm dân chủ của hậu hiện đại. Hậu hiện đại tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, người nữ, da màu, phi phương Tây,… Phi đại tự sự khẳng định tư thế cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại.
“Có một ngờ vực song song ở Tây phương, nơi mà nhiều độc giả tin rằng những nền văn chương bản địa nên phải được giữ thuần khiết và sát cận với gốc rễ quốc gia: Hãi sợ thầm kín của họ là một nhà văn nhắm tới độc giả quốc tế và lấy chất liệu bên ngoài văn hoá của họ sẽ tự đánh mất tính trung thực của mình”.
(Orhan Pamuk, “Bênh vực cho độc giả lí tưởng”, Nguyễn Hoàng dịch, Damau.org, 21.10.2006).
Phát biểu không khỏi khiến ta nhớ đến quan điểm khá lạc hậu lâu nay rằng văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam cần trụ vững ở “đậm đà bản sắc”, ngưng lại đó mà không là gì khác. Từ đề tài, ngôn ngữ thơ hay cách biểu hiện.
Cư trú trên đường biên, Pamuk có được thế đứng và cơ hội để quan sát, từ đó ném cái nhìn sắc bén về cả hai phía. Ông thể hiện chúng qua khối lượng tác phẩm khá đồ sộ của ông. Có thể Tên tôi là đỏ đồ sộ hơn, và được cho là kì vĩ, lộng lẫy, bất hủ nhưng dường như thông điệp chính ông muốn gởi đến cho cả phương Đông lẫn phương Tây chính là tác phẩm đã khiến ông chịu rời bỏ tháp ngà của mình: Tuyết. Một cuốn tiểu thuyết mang tính chính trị đậm nét.
Tiểu thuyết vẽ lại hành trình tư tưởng của Ka [hay của Orhan Pamuk]: sống lưu vong nhưng chưa bao giờ bận tâm đến chính trị; nhân vật mà mọi đam mê, suy nghĩ dồn hết cho thi ca [hay nghệ thuật] nhưng rồi bị đẩy rơi vào các sự biến chính trị để cuối cùng nhận lấy cái chết”. Một hành trình vừa hiện thực vừa mang tính biểu trưng. Ở đó gồm thâu luôn đề tài đã được ông đề cập trong Tên tôi là đỏ. Ở đó có cưỡng ép, bạo hành, có khăn trùm đầu và phong trào đòi vứt bỏ nó, có cuồng tín và báng bổ, có nghe lén điện thoại, đặt máy ghi âm bí mật; ở đó có đàn ông hiến mình cho tôn giáo còn phụ nữ thì tự sát, có tị nạn chính trị, có ám sát, khủng bố, có cảnh sát, dùi cui và nhà tù, có phân hóa giữa truyền thống và hiện đại, có thơ ca cấp tiến theo phương Tây và văn hóa dân gian, có cái đẹp và sự xấu ác, hi vọng và tuyệt vọng,…
Tuyết là hiện thực một thế giới Trung Đông hiện đại thu nhỏ.
Tiểu thuyết của Pamuk có thể xếp vào nhiều thể loại: Sách Đen (nguyên tác tiếng Thổ, Kara Kitap 1990), Căn nhà tĩnh lặng (Sessiz Ev 1983), Lâu đài trắng (Beyaz Kale 1991), trong dòng hiện thực ma thuật như García Marquez, Jose Saramago, Carlos Fuentes.., bố cục phân chia thành hồi như Tuyết (Ka 2002), Tên tôi là Đỏ (Benim Adim Kirmizi 1998) kiểu H. Böll, G. Grass, phối hợp truyện và ảnh như Istanbul Hồi ức và Thành thị (Istanbul Hatiralar ve Şehir 2003) kiểu W. Benjamin, A.G.Sebald (tuy Pamuk xác nhận mình đọc và chịu ảnh hưởng những nhà văn như Tolstoy, Dostoievsky, Thomas Mann, Proust, Faulkner, Woolf, và cả những tác giả hậu hiện đại như Borges, Calvino, Paul Auster, Don Delillo, V.S. Naipaul song văn chương Đức vẫn là ngọn nguồn mà Pamuk thấm nhuần nhất – trong tiểu thuyết Tuyết, nhân vật chính của Pamuk là một nhà thơ lưu vong trên đất Đức và chính tại Frankfurt, nhân vật đã có cơ hội tìm hiểu, học hỏi nền văn hoá Tây phương…). Thuyết thoại của Pamuk kể lể dông dài như tiểu thuyết Nga của thế kỷ 19 nhưng phong cách mang dấu ấn hậu hiện thực.
(Đặng Phùng Quân, “Orhan Pamuk, văn chương từ miền Trung Đông mù ám”, Talawas.org, 25.11.2006).
Như thế, dù ý định sáng tác mang xu hướng hiện đại và hậu hiện đại, nhưng – ngoài trộn lẫn nhuần nhị giữa truyện vụ án li kì với tiểu thuyết lịch sử lãng mạn và cả ngụ ngôn, như ta đã thấy nó được thể hiện tài tình ở Tên tôi là đỏ – Orhan Pamuk vẫn viết trong truyền thống “cổ điển”. Hỏi: Orhan Pamuk góp gì vào tiến trình phát triển văn chương thế giới? Giải thưởng Nobel văn chương có phải là một ý đồ được tính toán trước của ông? Theo đó chỉ là động thái thuần màu sắc chính trị của Hội đồng Hoàng gia Thụy Điển [nghĩa là một phần của thế lực phương Tây]?
Sống tại đất nước Thổ Nhĩ Nhĩ, nằm ngay cửa ngõ phương Tây nhưng chưa thật sự mở ra với thế giới [phương Tây], ông không thể [hay không muốn] viết như Eco, Kundera hoặc xa hơn – Marqués. Ông thấy mình mang trách vụ cần “phản ánh” đúng hiện thực thế giới đó, với những bí ẩn đầy quyến rũ của nền nghệ thuật vùng đất chưa được khai phá, những nét đẹp văn hóa đa dạng hãy còn xa lạ với thế giới bên ngoài, những quan niệm tôn giáo – triết học, những xung đột chính trị – xã hội với bao bất công và khốn khổ mà kẻ dưới đáy xã hội hay dân tộc thiểu số phải gánh chịu mấy thế kỉ qua.
Ông muốn “phản ánh” chúng đúng và đủ. Ở đó, phương pháp hậu hiện thực đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Đó cũng là điều đòi hỏi ở văn xuôi Việt Nam lúc này, có lẽ. Lâu nay chúng ta hay trăn trở và than phiền về văn chương “chưa đứng ngang tầm thời đại”. Chúng ta đã chờ đợi, mòn mỏi chờ đợi. Thời gian qua, không ít nhà văn đã nỗ lực. Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ hay gần hơn – Dương Hướng qua Dưới chín tầng trời, biểu hiện rất rõ ý hướng ấy. Thế nhưng, nơi hai tác giả này, số lượng tác phẩm và dung lượng thông tin chưa lớn, và cả sự hấp dẫn của ngòi bút nữa. Nhà văn chúng ta hãy còn chưa động cập đến tâm điểm của tâm điểm vấn đề thời cuộc đất nước-dân tộc. Để có thể, nói một cách sáo mòn rằng: chỉ khi đi đến tận cùng dân tộc tộc, chúng ta mới gặp nhân loại.
Nhìn rộng ra thế giới, xét ở tiến trình phát triển văn chương, Orhan Pamuk chưa để lại dấu ấn đậm nét, nhưng xét ở cục bộ, ông đã thành công lớn. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn trân trọng tư cách nhà văn-công dân của ông, Tinh thần thế giới của ông, sự dũng cảm của ông, nhất là thông điệp ông muốn gởi đến cho chúng ta, trong thế giới mù ám này. Orhan Pamuk muốn “gắn liền với thành phố này bởi nó đã tạo ra tôi như con người tôi”. Và ông đã được toại nguyện. Dẫu ông có lưu vong đến đâu. Bởi đó là định mệnh của văn chương thế kỉ XX. Và cả XXI, có lẽ.
Sài Gòn, 23.02.2008.