Văn xuôi 17: Nỗi [lảm] nhảm [về &] của thơ & Hạnh

Giã từ cõi mộng điêu linh
Anh về buôn bán với mình phôi pha
.
Bùi Giáng.
*
Khi Hạnh cho xe dừng lại trước hàng xương rồng nhìn xuống hồ nước sâu, lớn, tôi nói với Hạnh:
– Anh sắp viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại về nó.
– Tên là Hầm Mỹ. Tôi thêm.
Bóng tôi đổ lên mô đất nhỏ thấp hơn bóng Hạnh. Mô đất xưa tôi hay ngồi ngó lũ bò xuống hồ uống nước, đã bị khoét mất một phần. Nắng làm em chói mắt. Em không hiểu gì cả, có lẽ. Anh sẽ làm tập thơ vĩ đại về em – tôi nói. Và tôi biết tập thơ sẽ không bao giờ mở mắt chào đời. Đã nhiều nhà thơ dọa thế. Dọa, để rồi các tập thơ độc đáo kia mãi nằm trong bào thai ý định.
– Anh sẽ không bao giờ viết về sự nhảm của thơ hôm nay nữa. Anh sinh ra không phải để làm mấy thứ vớ vẩn đó. Nhìn đâu cũng thấy nhảm. Thơ người quen kẻ lạ, thơ bạn bè, thơ em và cả thơ anh. Nhảm tuốt. Đột nhiên tôi nổi hứng.
Hạnh nhìn tôi, ngờ ngợ. Tại sao anh lại phí giờ cho nỗi nhảm nhí kia chứ? Tôi tuyên dứt khoát. Ngay ngày mai anh sẽ rời bỏ mọi bàn tròn văn chương, những trang bản thảo, mấy tập thơ được tặng đang nồng mùi mực in, chục cuốn lí luận vừa được bạn văn gửi về từ bên kia đại dương. Cắt đứt mọi quan hệ văn chương với bao phiền toái, miệt thị hay vuốt ve, cáo giác với bênh vực.

Tại sao tôi phải vướng bận mấy của nợ kia chứ?
Trong khi hơi thở Hầm Mỹ đang cuốn hút tôi kì lạ. Hầm Mỹ của bao kỉ niệm thơ mộng, của biến đổi cuộc thế, dâu bể lòng người.
Hầm Mỹ – khi lính Mỹ khởi công xây dựng cơ sở huyện An Phước vào mùa Hè năm 1967. Trước, Caklaing quê tôi đường sá ôi là thảm hại, có cũng như không. Đi lại cực hết biết. Mỹ về. Loại đất phía Nam làng rất lí tưởng cho đấp nền. Thế là họ lấy đất, tạo thành hố, thành hầm – Hầm Mỹ. Dân làng tôi quen kêu vậy.
Lấy đất, họ buộc phải làm đường. Đủ rộng và chắc, cho thứ xe có cặp bánh sau to khiếp qua lại ngày mấy chục chuyến. Công việc kéo dài suốt năm. Rồi rác Mỹ. Bao nhiêu là rác, từ bánh trái hết hạn sử dụng đến mảnh ván ép vụn hay còn nguyên, thùng đạn lẻ thừa cho chí bao cao su chưa dùng. Mấy sắp bạn đồng môn tranh nhau giỏ táo lính Mỹ nghịch chọi đám nhóc chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy và xơi táo Mỹ. Thằng Lệ ngã lăn khi bị trúng đạn trái táo tay Mỹ đen ném. Mỗi sáng gần trăm công dân làng tôi chờ mấy chuyến xe rác Mỹ chạy xuống. Tôi với anh Đạm tranh thủ nghỉ hè làm đá bán lấy tiền mua sách vở để chuẩn bị vào Đệ Thất dưới tỉnh, nghe tiếng xe Mỹ rù rù từ xa là chạy chặn đầu. Tường thành xây táp-lô thay rào củi phía sau nhà bốn mươi năm còn vững chãi là phần xi măng xí từ rác Mỹ.
Hầm Mỹ làm thay đổi cuộc sống dân làng tôi. Việt cộng phục kích và giật mìn. Máy bay “bà già” rải truyền đơn kêu gọi đứa con lầm lạc “trở về với chính nghĩa quốc gia”. Tiếng Mỹ bồi với mấy ả điếm. Hầm Mỹ chứng kiến tên lính Pháp cuối cùng rời làng và lính Mỹ đầu tiên chết. Hơn chục trái canon bắn nhầm vào trường tôi học, một trái bay lạc làm dì Sớm bị thương, chú Bững khóc lăn lộn. Đại đội Bảo An đến và đi. Sư đoàn Đại Hàn mở trận càn quét. Tỉnh trưởng đi xe jeep về dự đánh trận giả. Việt cộng cuối cùng chiêu hồi. Bộ đội đầu tiên leo lên nóc đồn treo cờ Mặt trận giải phóng.
Hầm Mỹ làm chết đuối bạn học cùng lớp rồi sau Bảy lăm suýt nhấn chìm thằng Út tôi, cũng là Hầm Mỹ cung ứng nước tưới cho chục mẫu đất rẫy mấy nhà nông dân lân cận. Rồi, Hầm Mỹ góp phần làm nên vẻ đẹp thô ráp sần sùi của làng tôi. Nó là vai chính không thể thiếu trong các cuốn phim về tôi, về làng Caklaing tôi.

*
– Thôi, đừng quay gì về anh nữa em à. Tôi nói với Thu. Nhà thơ, quanh đi quẩn lại mấy thứ vặt vãnh, chán chết.
– Anh tin em đi, em có thứ độc mà các nhà đài trước đó chưa nhìn ra. Thu nói qua điện thoại di động.
– Nhưng anh đã có đến chín phim riêng rồi, còn manh nào đâu cho em khai thác với khám phá.
Trên đường về Ninh Thuận, Thu đưa cho tôi kịch bản đọc trước.

Làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi
Làm nghĩa trang chôn xác chữ
Ngày mai
.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006).

Tôi không nói gì. Đến khi Thu đòi xem nghĩa trang chữ, tôi dẫn em đến đứng trước Hầm Mỹ.
– Hôm qua mình quay cảnh này rồi mà.
– Em cứ cho máy chạy lượt nữa đi, nghĩa trang chữ nằm dưới đó đấy!

Nghĩa là đủ thứ chuyện trên đời xảy ra tại Hầm Mỹ, qua Hầm Mỹ, với Hầm Mỹ. Nửa thế kỉ qua. Soi vào Hầm Mỹ, tôi nhận mặt rõ hơn cuộc đời tôi, anh chị em bè bạn tôi. Ở đó tôi thấy cuộc chiến hai mươi năm, cải tạo nông nghiệp mười năm, đổi mới mười lăm năm và cả hậu đổi mới nữa.

*
Nhưng rồi, tôi vẫn không từ bỏ nỗi [lảm] nhảm [về &] của thơ được.
Cái gì không thể bỏ được thì khó bỏ được. Trừ phi có sự đốn ngộ, cuộc cách mạng hay trận dứt áo chia xé. Một câu thơ đọc thoáng qua cũng có thể làm nên định mệnh mình. Như câu thơ của Rilke. Như bức thư triết học dài của Heidegger.
Hay như sợi tóc đen một tối kia nằm vắt ngang màu mắt của Hạnh.

Hạnh hỏi: anh biết em nhớ anh nhất cái gì không?
– Môi anh. Một lát sau em nói – và mắt anh nữa.
Lan cũng đã bảo thế, khi em hôn tôi ở cầu thang một biệt thự cũ tại quận Năm – Sài Gòn. Tôi nhìn em, chằm chằm. Em không mở mắt. Biệt thự mùa thu mênh mông không bóng người. Em bước xuống cầu thang, từng bước, thật chậm. Đột ngột em quay phắt lại, chạy nhanh lên với tôi. Em úp mặt vào ngực tôi.
– Sao anh không qua Paris với em? Lan nói, và quay đi. Tôi đứng trân trân nhìn màu tóc em bay lãng trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn bên kia đường hất sang rồi bóng em mất hút sau cổng biệt thự trắng toát.
– Sao em lại bỏ anh đi? Tôi hỏi, khi Hạnh cúi xuống hôn tôi. Tôi không mở mắt nhìn em. Tôi loáng thoáng nghe em đi ra. Tôi nghe tiếng guốc em gõ và tiếng kẹt cửa đóng. Rất nhẹ.
Mười lăm năm bay vèo như chiếc lá. Lời lẽ và cử chỉ.
Lúc này tôi đang dịch Kinh Thánh sang tiếng Chăm. Đoạn cuối cùng chương Matthew, khi Chúa Jesus sắp trút hơi thơ cuối, Jesus đã kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? My God, my God, why have you forsaken me?”. Tôi dừng lại hồi lâu, rồi gõ lên bàn phím: “Ppo Lingik dahlak lơy! Ppo Lingik lơy! Habơr Ppo niga dahlak?”. Jesus biết trước chuyện gì phải đến, nhưng ông vẫn hỏi. Cũng như tôi, như Lan, như Hạnh. Câu trả lời đã được biết trước từ lâu, nhưng câu hỏi vẫn cứ xảy ra. Những câu hỏi định mệnh.
Liên hệ buồn cười!

*
– Sao thơ ai cũng bị anh cho là nhảm thế nhỉ? Hạnh hỏi.
– Bởi ta nhảm, ta muôn năm đụng hàng mà tưởng bở…
– Nếu thế, cả thơ anh cũng nhảm nữa. Để em tìm nhé…
– Anh có chối đâu! Mỗi xê dịch vần hay không vần, mỗi chọn tứ, lựa chữ đều đụng hàng. Không Việt Nam thì thế giới, không phương Đông thì phương Tây, không hôm nay thì là hôm xưa hay hôm sau. Đây là thời văn chương của sự cạn kiệt. Tôi nói: The literature of exhaustion. Mỗi nỗ lực là một hụt hẫng, thất thố.

Chùm thơ “Yêu nhau ba thì, 1. Thì lãng mạn hậu thời”, tôi bắt đầu bằng câu thơ:

Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ
Và chấm dứt với câu:
… Da em thơm như niềm vắng mặt

Tôi nói với Hạnh, đó cũng là loài thơ nhảm. “Môi” thì thiên hạ xài nát rồi, nhảm và nhàm rồi nên, anh thử thay nó bằng “da” xem sao; cạnh đó anh còn lôi cả “xe cộ đi ngủ”, “thơm như niềm vắng mặt” cho có vẻ siêu [hình] thực nữa. Để vơi nỗi nhảm đi. Nhưng thế nào rồi, dẫu có thay phụ tùng nhảm nhí này bằng phụ tùng nhảm nhí kia, nó vẫn cứ nhảm nhí. Không thể tránh.
– Dạ. Em nói nhỏ. Vậy thì phải làm sao?
– Phải nhảy.

*
Nhưng nhà phê bình ta đã không chịu nhảy, mà cứ ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng để mãi lảm [nhảm] về loại thơ đã lưu kho từ lâu lắm. Tiêu biểu cho [lảm] nhảm này là “Thơ có vần liệu đã lỗi thời” in trên tạp chí Thơ số cuối năm 09.2007. Thử lẩy ra mấy cái:

– “Dân tộc ta (mà có lẽ không chỉ riêng dân tộc ta) đã giao tiếp bằng lối nói có Vần. Đây có thể là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”. Mèng ơi, nếu “không chỉ riêng” dân tộc Việt thì đâu có gì đáng nói; còn nếu nó “là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”, thì đích thị là cảm tính rồi.

– Lục bát, song thất lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”. Có một cõi đi về đâu mô! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc cấu trúc mỗi khác nhau (đa âm/đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi! (xem thêm: Inrasara, “Đối chiếu – so sánh lục bát Chăm – Việt, những gợi ý bước đầu”, Tienve.org, 2004).

– “thơ không vần,… đã có từ những năm bốn mươi của thế kỉ trước… Từ đó đến nay không ai ngăn cấm, song nào đã được mấy tiến bộ?”. Thế là ông anh đang tự đóng cửa rồi. Trận đóng cửa này còn được ông lèn thêm cái khóa là: “chưa thấy sự tổng kết đánh giá của các nhà phê bình có tên tuổi để vạch cái hay cái dở của loại thơ vừa nói”. Mời ông thử ghé trang Google, nhập tên Thanh Tâm Tuyền xem. Riêng tác giả này thôi cũng có cả trăm bài, chứ đừng nói đến mấy chục tác giả thơ tự do không vần xuất sắc khác.

– Ông còn chưa chịu nhìn nhận một hiện thực lù lù đến chán ngắt nữa: “Mặc dầu được báo chí cổ xúy và đăng tải tràn lan…”. Lạ quá, thử giở bất kì số nào của tờ Văn nghệ, lượng thơ vần và biến thái thơ vần cứ là ở thế vượt trội! (xem thêm: Inrasara, “Để thơ đến với bạn đọc: Vần hay không vần”, Tạp chí Văn nghệ Vũng Tàu, số 71, 10.2004). Rồi “gần hai chục năm nay, người đọc vẫn đang chờ sự tỏa sáng của loại thơ này”. Thơ tự do không vần đã tỏa sáng [và sắp lụi] từ nửa thế kỉ rồi sao lại phải mãi chờ đến hôm nay?
– Cạnh đó, ông còn hơi bị lạc thời: ”Dù là hiện đại, hậu hiện đại, sau hậu hậu hiện đại là “hậu sự” gì đi nữa… miễn thơ phải hay!”.

Nghĩa là tất tần tật ông đều… sai. Cái sai lấn chiếm hết bốn trang đất tạp chí chuyên của Hội Nhà văn Việt Nam!
Nhưng,

“Thế nào là thơ hay? Tại sao các thế hệ/trường phái thơ không thể chấp nhận nhau? Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách mạng này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Cứ thế, tiếp tục chương trình…
Và đâu phải cái mới nào cũng hay! Phải qua bao nhiêu cuộc sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học đó, đánh giá hay/dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua sàng lọc của thời gian nữa.
Cứ ngoái lại nhìn xem các cụ đồ Nho đối xử với Thơ Mới như thế nào cũng đủ biết. Dám trách các cụ không? Thế hệ các cụ đồ chưa biết gì về thơ phương Tây. Qua lối nghĩ, lối nói hoàn toàn xa lạ với những gì các cụ từng biết, từng quan niệm về thơ. Và khi phong trào Thơ Mới nở rộ, thơ mới tràn lan mặt báo, để trong hơn mười năm thế hệ nhà thơ đó cho ra đời hàng mấy vạn bài thơ [mới], mấy trăm tập thơ được in để chỉ còn trăm bài sáng giá được Hoài Thanh – Hoài Chân cho đăng kí hộ khẩu thường trú trong Thi nhân Việt Nam.
Và, ngay thời Thơ Mới thôi, kinh nghiệm đọc của một nhà phê bình thơ bậc thầy như Hoài Thanh hay nhà thơ tài hoa như Xuân Diệu đã cho ta bài học. Không chấp nhận với sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình: tượng trưng [phần nào siêu thực] của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh. Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay gu thưởng thức thơ. Bởi, ai dám cho Xuân Diệu, Hoài Thanh chưa hề biết tới tượng trưng hay siêu thực?
Thử so đọ bên hội họa, bạn thử quá bộ vào một phòng triển lãm tranh cổ điển, dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu [không thật]. Nhưng rồi, sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái lập thể, bạn không thể hiểu, không thể thưởng thức thì có gì đáng trách đâu. Trách chăng khi bạn đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng bọn họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, cái nào cũng như cái nào, tôi chẳng hiểu gì sất!
Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác.
(Inrasara, “Góp nhặt sỏi đá, hay Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay”, báo Văn nghệ, 20.09.2006).

*
– Vậy đó, làm thế nào khi người về đồi cao, kẻ tìm vực sâu thế kia có thể gọi nhau qua vách núi để mà “cùng được trao đổi”, như ông đòi hỏi? Tôi nói với Hạnh. Và, làm sao có thể từ bỏ một sự chọn lựa, dù chọn lựa đó chả ra làm sao?
Như vậy, muốn tránh vỏ dưa săm soi trật đường ray rằng thơ tự do không vần hay thơ hậu hiện đại là “loại thơ tắc tị đánh đố”, thì chính người đọc cần thay đổi cách đọc thơ. Còn nếu mãi lãng mạn với hiện thực mà đè ra làm, cứ vần vè êm tai mà ru nhau hay “bản sắc dân tộc ta” mà bổn cũ xào lại, hỏi thơ Việt Nam sẽ nhích tới đâu? Nữa, các nhà tiền chiến ta chẳng đã từng học [đòi] của Pháp muộn gần thế kỉ đó sao? Nó đã chẳng từng làm nên cuộc cách mạng thơ lớn nhất của thế kỉ XX sao? Ý này một nhà phê bình nói rồi, tôi chỉ hót lại.

Thời thế thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Cứ tạm đóng thùng trịnh trọng ăn nói to con thế.
– Làm sao có thể quá độ sang hậu hiện đại khi thơ Việt chưa đi đến tận cùng con đường hiện đại? Ông Khổng Đức đã hỏi vặn tôi thế, tại góc khuất của quán Càphê 81 Trần Quốc Thảo một sáng tháng Tư đẹp.
– Khi chưa thể đi hết cánh đồng để qua bờ bên kia, và khi nước lũ đã tràn đến chân, để sống – chúng ta chỉ còn cách duy nhất: làm một cú nhảy.
– Ở đó mà nhảy với nhót!
– Nhảy hoặc chết. Lát sau tôi thêm: Mở Miệng đã nhảy. Sara cũng sắp nhảy. Bàn tròn văn chương là chuẩn bị cho mọi người nhảy…
Tôi liếc xéo ông bạn vong niên, bật cười thành tiếng.
Tiếc rằng mọi người đã hiểu sai tinh thần Bàn tròn văn chương, nên nó đã ngưng trệ và chết. Không ít bạn nghĩ Bàn tròn văn chương là nơi chốn để vinh danh một tác phẩm, một tác giả hoặc tệ hại hơn: lăng xê tên tuổi nào đó. Chứ không như là cơ hội bắt mạch chẩn bệnh thơ đương đại. Bởi, chỉ khi được chỉ đích danh căn bệnh, thơ Việt mới có cơ hội mở ra thế giới…

*
Tuổi đứng bóng mặt trời, bỗng nhiên tôi muốn thay đổi. Một cú gẫy. Hoặc biến mất khỏi thế giới tôi đã từng biết, từng sống.
Người Khmer, ngay từ tuổi thiếu niên, đi vào tu chùa. Vừa tu tập nhưng anh vẫn vô tư chọc gái. Đến trưởng thành, ngoài kẻ chánh tinh tấn đường tu hành, còn lại khi gặp cô nào ưng ý, anh có thể xuất chùa để lập gia đình. Chăm thì khác, ngay tuổi tìm học, anh bị vứt vào trường đời để trui luyện. Hoặc anh chết chìm trong đó, hoặc anh sẽ nổi lên như một sinh thể đã qua lò luyện tội cuộc đời.
A.Malraux nói đại để không phải chín tháng mười ngày mà, cần sáu mươi năm mới làm nên một con người; nhưng khi đã trở thành người, tốt hơn cả: anh nên chết đi! Chăm không chết đi mà, rời bỏ tài sản, gia đình, sự nghiệp, vân vân thứ để lên đường.

Tôi cứ tơ tưởng mình có hai cuộc đời. Làm lại từ đầu. Khi ta đã sở hữu cơ nghiệp, như thể làm xong chuyến buôn của đời (cuộc đời là một chuyến buôn – thơ Chăm) vào tuổi năm mươi. Ta có thêm cuộc đời hoàn toàn mới khởi đầu ở tuổi ba mươi. Không tên tuổi, không sự nghiệp, không thẻ căn cước, không vướng bận vợ con họ hàng thân thích. Lúc đó, chỉ cần mười năm là đủ. Vị chi ta có sáu mươi năm có mặt trên trần gian. Nhưng được cuộc đời hoàn toàn khác. Như thể hai hiệp của trận đấu, ở sân khác nhau: sân nhà, sân khách. Cuộc sống không phong phú hơn ư? Không hơn mãi kéo lê thất thập hay bát thập dẫu có dư niên ư?

*
Câu chuyện.
Đầu tháng 8.2006.
Hai bạn thơ trẻ Sài Gòn hẹn gặp tôi, quyết “bàn với ông cho ra nhẽ” về thơ đương đại. Tôi nhận. Chúng tôi gặp nhau tại Càphê 64 Trần Quốc Thảo.
– Các bạn cứ nói đi, thoải mái trong mười lăm phút. Tôi mở đề.
– Ông để cho bọn Mở Miệng kiếm việc làm để cha mẹ tụi nó đỡ tủi hổ với bớt gánh nặng về con cái chứ…
– Mình chưa hiểu ý các bạn…
– Ông ca quá khiến mấy đứa tưởng nó có tài thiệt, phiền lắm…
– Họ làm thơ kiểu mình, và thơ đó cần được đối xử công bằng…
– Anh cho mấy thứ vớ vẩn tục tĩu ấy là thơ thì ai mà chả làm thơ được…
– Làm như các bạn đã hiểu thơ là gì rồi…
– Gì thì gì, đó không thể là thơ được…
– Thì là ý kiến của bạn, họ có mĩ học sáng tạo khác. Người làm thơ cần tôn trọng quan điểm khác mình, cần tôn trọng nhau…
– Anh nói cho to đấy chớ, mĩ học sáng tạo gì mấy thứ rác rưởi đó…
– Các bạn chưa tìm hiểu họ, nên…
– Ông làm như tụi này kém cỏi lắm. Ở Đại học khả năng tụi nó tới đâu, tui biểt tỏng…
– Ở đây tri thức không là vấn đề, mà tâm thức…
– Nhưng ông không thể đi ca ngợi mấy loại thơ như vậy…
– Mình có ca tụng đâu mô! Mình chỉ ghi lại các hiện tượng văn chương hiện thời, mà mình tạm kêu là phê bình “lập biên bản”. Nó xảy ra, và mình ghi nhận, tìm cách lí giải nguyên nhân đẻ ra hiện tượng đó. Cả cố gắng chỉ ra cái hay lẫn điều bất cập của nó nữa! Tôi nín lặng hồi lâu.
– Các bạn thấy tình trạng của họ rồi. Họ đang cư lưu ngoài lề đấy chứ, chớ phải có mặt đầy trang trọng trên các tờ báo lớn đâu, mà làm điều. Họ bị phân biệt đối xử, thế mà các bạn, cùng một lứa bên trời lận đận cả, cũng toan tính đối xử phân biệt, là sao?
Viết về họ (mà đâu riêng gì họ), mình chỉ đòi hỏi sự công bằng…

Tháng 11.2006.
Chuyện xảy ra trong Chăm.
Thầy hiệu trưởng thuở Pô-Klong mai sớm về Mỹ, mời tôi cơm tối. Chỉ vài người quen thân gia đình thôi, thầy nói. Bởi thầy biết tôi rất ngán đám đông, lại đám đông Chăm, để bàn về vấn đề Chăm. Tôi đã tránh mấy lần trước, thầy hiểu. Sống đất Sài Gòn mười lăm năm, tôi chỉ dự Katê sinh viên đúng một bận! Nhà văn là kẻ nói qua trang sách chứ không phải ở diễn đàn.
Nhưng rồi chuyện đã khác. Hơn hai chục người có mặt và, lại bàn về Tagalau! Tôi thử ngăn thầy, nhưng không kịp rồi. Thầy bảo: ý hướng tốt, muốn giúp Trạm. Ngay mào đầu, có vị khách lên lời trách vài người có học vị Chăm không chịu tham gia viết cho Tagalau… Thế là vị TS Chăm lên tiếng phản bác:
– Anh nói thế sai rồi, tôi có quyền viết hay không viết, tôi có quyền tự do tôi…
– Anh nói đúng, rất đồng ý. Tôi nói. Chúng ta cần học nhìn vượt qua hàng rào “Chăm mình”, cần tôn trọng quan điểm của người khác…
– Theo tôi, Tagalau chỉ do một nhóm chứ không đại diện cho cả cộng đồng Chăm, không phải đại diện… Vị TS nói tiếp, hai lần lặp lại.

[Trời đất! Tôi có bảo Tagalau đại diện cho ai đâu? “Lời mở” Tagalau 1 nói rất rõ: “Tagalau là sân chơi để mọi người học hỏi, thể hiện và trao đổi”. Một việc làm vô vị lợi, ai muốn vào chơi thì tùy lòng. Nhưng có tạp chí nào mà chẳng do một nhóm người phụ trách? Ngay Inrasara, không ít nhà báo bảo hắn “nhà thơ đại biểu dân tộc Chăm”, tôi gạt phăng. Nhà thơ là tiếng nói cá thể, hắn đại diện cho cá nhân hắn chưa nên thân, nói chi đại biểu cả một dân tộc?].

Tôi gắng giữ im lặng, cầu trời phật cho cuộc này trôi qua nhanh nhanh đi.
– Nếu ai cũng nghĩ như chú nó, thì Chăm không tập trung được lực lượng, vì Chăm chỉ có mỗi Tagalau thôi… Vị khách nói.
– Tôi thấy Tagalau chỉ đăng mấy bài mà nhiều báo khác từ chối. Lại có bài phê phán gây dị ứng. Như cá nhân tôi viết cho các tạp chí quốc tế, vậy mà bảo tôi không đóng góp…

[Tagalau chưa bao giờ phê bình anh cả, anh nhầm đâu đó thôi. Còn bảo “Tagalau đăng mấy bài mà nhiều báo khác từ chối” là anh xem thường vài cây bút đồng tộc mình rồi. Tagalau có Trang văn thơ trẻ, có mục Cảm nhận văn hóa Chăm,… nghĩa là nó cũng dành phần đất cho cây bút mới. Nhưng Tagalau vẫn có không ít tên tuổi chuyên nghiệp góp mặt. Riêng anh, anh bảo các nghiên cứu của mình đăng tạp chí quốc tế, hỏi chứ tạp chí nào? Ta cứ ảo tưởng in ở đâu ngoài đất nước hình chữ S này là quốc tế! Nếu vậy thì Sara có đến nửa trăm bài tầm quốc tế, nếu kể luôn cả sáng tác thì con số lên đến 300!].

Nghĩ thế, nhưng tôi nhìn qua ông thầy, nhắc:
– Thầy cho qua đi, bàn chuyện khác đi…
– Anh nói bài viết tầm quốc tế, sao anh không làm tập san in các loại bài đó phục vụ đồng bào đi… Một vị khách khác ý kiến.
– Nhưng nếu vậy thì người ngoài cho là Chăm không đoàn kết. Vị khách trước lại lên tiếng.
– Anh nói vậy nếu có D. ở đây D. đánh đấy, đánh thật đấy… Vị TS hai lần lặp lại và nhấn.

Tôi khá bất ngờ về phát biểu này. Cả phòng nín lặng. Tình hình bệ rạc đến mức này ư? Sao lại nông nỗi thế chứ. Tagalau, dù tôi đã hết mình cho nó, cơ khổ vì nó, và có thể lắm sa lầy bởi nó, nhưng…, tôi luôn xem nó chỉ là cuộc chơi, nhẹ hơn – một trò chơi, có gì nghiêm trọng đâu mô! Tôi đã nhiều lần viết thế. Cũng hệt nỗi nghiên cứu văn chương – ngôn ngữ Chăm của tôi, hay như chuyện làm thơ, lí luận – phê bình nữa. Chẳng có gì trầm trọng cả! Tôi làm cái này, nếu bạn chưa chịu thì bạn làm cái khác, và chị – chị làm cái khác nữa. Cho tốt hơn, cho hay lên, cho phong phú vào. Để bà con vui, cô bác nhờ. Có gì mà làm điều, mà to tiếng cãi cọ nặng lời nhí nhố.
– Thôi bà con cho phép tôi nói xíu rồi bỏ quá đề tài này đi. Một tạp chí nào bất kì cũng có bài hay bài dở, có kẻ chê người khen. Chuyện thường tình. Dẫu sao đi nữa, Tagalau được dư luận trong và ngoài Chăm đánh giá khá cao. Tại Trại sáng tác Đại Lải cuối năm 2005, Tagalau giành được sự cảm phục từ hầu hết nhà văn thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Sự ra đời và trụ vững của Tuyển tập là điều lạ. Họ không ngờ giới trí thức và cộng đồng Chăm đã làm được việc [dù chưa là gì cả nhưng] mang nhiều ý nghĩa đến thế. Điều mà chưa có một dân tộc thiểu số nào làm được. Đó là người ta nhìn vào…

Cuộc “tra tấn” còn kéo dài mươi phút nữa, nhưng tôi nói:
– Sara buồn ngủ rồi. Và tôi buồn ngủ thật. Tôi thèm [chết như thèm] ngủ.
Tôi đã câm lặng chịu đựng suốt hai tiềng đồng hồ. Rầu muốn thối ruột. Lòng nhân của tôi là sức chịu đựng của tôi đối với đồng loại – ainsi parlait Nietzsche!
Đèo bà xã đến nhà, tôi vỡ cười một tiếng thật to. Rồi làm giấc ngon lành cho tới sáng.

*
Con người luôn xu hướng nắm giữ, bám chặt vào cái gì đó mà họ cho là quan trọng. Một đạo sĩ Bàlamôn ngược lại – buông bỏ. Ném tất cả sau lưng: tên tuổi cõi còm này, công việc bề bộn này, chiếc ghế mỏng manh [nếu có] này, cơ ngơi nhỏ bé này, trách nhiệm nặng trịch này. Tôi, ôi cái tôi nhỏ bé thảm hại, luôn thèm khát quay lưng rời bỏ. Tagalau với “Tủ sách văn học Chăm” đồ sộ vô thường này. Với bao khuôn mặt, sự việc cùng muôn hệ lụy của chúng.
Lên đường, một cách nhẹ nhõm…

Bổn phận tôi có phải để vực dậy ngôn ngữ – văn chương Chăm đã khuất lấp đêm mờ lịch sử? Có phải để giải minh bao thắc mắc cạn cợt hay chống báng ngốc nghếch? Tôi sinh ra có phải để làm thơ, thêm món phê bình nhảm nhí này nọ nữa? Tại sao tôi phải nhăn răng cười khi tôi không có gì để cười, tôi phải thò tay ra bắt tay kẻ tôi không muốn nhìn mặt? Hay tôi là kẻ có tâm hồn cao thượng?

Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng, – một nhân vật của Dostoievski nói thế. Câu nói ám tôi kì lạ. Ngay lần đọc đầu tiên vào tuổi mười bảy. Ba mươi hai năm vèo bay như huyễn thuật, như hoa mắt. Đoạn thơ viết vào mùa hè năm 1981:

Ơi, cuộc tình đã vỗ bay bằng hai cánh gẫy!
Giã từ em – con mộng bạc màu
Bình an cho vòng hoa tàn phai trên quan tài tình ái
Cùng những vần thơ xanh xao!

Ơi người anh em rớt lại nơi bờ quan san!
Ơi những bàn chân còn dọ dẫm con đường
Với cây đuốc
Mang trái chán chường – bỏ cuộc
Đang lê về trên đôi guốc cũ của viện bảo tàng!

Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen!
Mãi ngủ giấc lành dưới mốc bụi hành lang thư viện
Cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh
Mắc cạn bên này bờ cuộc chiến.

Bao giờ?
Chúng ta trút gánh nặng xuống – lên đường!
Con đường băng qua buổi chiều những thời đại
Gặp gỡ người tình nhân – cô đơn
Con đường vượt lên Đông phương, Tây phương
Giáp mặt với chiều sâu – bóng tối

Đây là bài thơ hô to.
Tôi vẫn chưa thoát khỏi ý hướng tính bài thơ đó. Dù đã nửa đời hư. Bài thơ nhảm nhưng nó vẫn cứ là định mệnh. Như một câu thơ của Ariya Glơng Anak, của Rilke. Như sợi tóc vắt ngang màu mắt của Hạnh vào buổi tối vô nghĩa kia.
Tôi sợ, nhưng cứ mãi chịu thân phận làm kẻ có tâm hồn cao thượng!

Phan Rang, 15.02.2008.
*
Những mảnh đời chắp vá (Tự sự h[ậu h]iện đại), chưa in.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *