Lê Bảo Âu Long: Inrasara, đứa con tháp Chàm

Có một câu thơ tài hoa, đẹp như tưởng tượng của nhạc sĩ Văn Cao đã khắc khảm vào lòng người dân xứ Quảng như một niềm thỏa nguyện: “Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm”. Những giọt Chàm rớt xuống thung lũng Mĩ Sơn làm mọc lên những ngôi đền tháp huyền bí, rồi những quần thể đền tháp đó trở thành thánh địa huyền miên. Nhưng cái giọt Chàm cuối cùng rơi xuống đã không thể trở thành một công trình kiến trúc đẹp trác tuyệt bởi thần Shiva hoang sơ trong điệu Apsara với cong cong năm ngón ngũ hành đã đưa tay ra hứng lấy giọt Chàm cuối cùng ấy…
Ẩn phiêu trong vũ trụ thánh Chàm, giọt Chàm cuối cùng đó tới ngày 20 tháng 9 năm 1957 đã vươn hình hài thành một cậu bé Chăm “môi dày, mày dậm, tóc gợn, da ngâm, bắp tay săn chắc, mắt đậm buồn tháp hoang”. Cậu bé có tên Phú Trạm và mang trong mình những bí mật của tháp Chàm trầm phiêu, của những tia nắng chiếu nghiêng vào lòng tháp phiêu u. Thế nên sau này cậu đã trở thành một thi nhân nổi tiếng về những ngôi tháp Chàm và bản sắc Chăm đó…

Tôi cứ nghĩ về Inrasara như thế, không phải vì ông là người Chăm đầu tiên được nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2005, dù rằng đó là một giải thưởng danh giá (và ông cũng chỉ coi nó như một cái… “pittông đẩy tác phẩm đến với người đọc nhanh hơn, nhiều hơn chứ không làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm”), cũng không phải vì ông được bình chọn là Gương mặt tiêu biểu về văn hóa của năm, mà vì những tập thơ của ông viết về xứ sở quê hương mình: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư… thật nặng lòng với một tình yêu đau đáu và miệt mài như ân tình tự bao kiếp trước. Đã có khá nhiều bài viết về ông, người ta gọi ông là “cây xương rồng ngạo nghễ” trên triền cát Ninh Thuận, là người “nông dân” đích thực với bận bịu mùa màng và tận tụy cày bừa trên cánh đồng chữ mênh mông, là doanh nhân với một Công ty sản xuất và kinh doanh thổ cẩm ở Sài Gòn, là người lưu giữ văn hóa Chăm với việc chủ biên những công trình nghiên cứu về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ của dân tộc mình… Nhưng tôi thấy ông thật đúng là đứa con của tháp Chàm với dòng máu phiêu linh được chắt chiu từ tinh lực một câu thơ. Câu thơ tài hoa, đẹp như nước mắt:

Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
.

Thế nên Inrasara mới trở thành thi sĩ của những tháp Chàm uy phiêu. Còn ông thì tự nói về mình: “Tôi, / đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp /đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao / đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét / và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao…” Đôi mắt ông là đôi mắt của tháp Chàm bí ẩn. Đôi mắt phiêu diêu…

Sinh ra tại làng Cakleng (Mĩ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, một làng Chăm duy nhất có tên trên bi kí cổ Champa hơn ngàn năm tuổi), khi trời đất khô hạn nên cậu bé Inrasara còi cọc như một ngôi tháp “gầy mòn vì mong đợi”. Mong một cơn mưa bay bay trên tháp cổ… Lang thang vào nhiều miền đất, nhiều vùng văn hóa, nhiều ngôn ngữ, chất phiêu lưu trong Inrasara dường như vẫn chưa được thỏa. Làm nhiều nghề: dạy học, đốn củi, thú y, làm ruộng, buôn thổ cẩm, bán càphê, nghiên cứu… và cả kế toán nhưng tâm hồn thi sĩ vẫn vẹn nguyên thuở điệu múa dưới trăng của thần Shiva.

“Câu thơ đầu đời tôi vẽ bằng que khô lên vòm cát”, có khi đó chỉ là một kí tự Chăm, một mẫu tự chữ cái latinh hay chỉ là hình vẽ tháp Chàm? Tôi không rõ điều đó và chính ông cũng không nhớ nữa. Nó đã trở thành bí mật của riêng ông. Làm thơ từ năm 15 tuổi nhưng mãi đến năm 40 tuổi (1996) tập thơ đầu tay Tháp nắng mới ra đời. Và phải đến Lễ tẩy trần tháng Tư (2002) – một tập thơ ra đời sau bao nhiêu thao thức, trăn trở cùng dòng sông, đất đai quê nhà – Inrasara, đứa con sinh ra từ tháp Chàm, mới sừng sững lên như một ngôi tháp thơ phiêu hút những tâm tưởng của người đọc.
Tôi có cảm giác rằng bước vào thế giới thơ của Inrasara là bước vào một ngôi cổ tháp. Nhiều ẩn ngữ, tràn hạnh ngộ, thơ Inrasara vừa cô đặc vừa đầy ắp như là trường năng lượng phiêu huyền tích chứa trong lòng tháp, ở đó ngập tràn hình ảnh đời sống quá khứ và hiện tại cùng với vận động không ngừng về phía trừu tượng, luôn hủy diệt và làm mới theo cách dạy bảo của thần Shiva.
Lễ tẩy trần là lễ linh thánh đầy hân hoan của người Chăm, được tổ chức vào đầu năm Chăm lịch để tống tiễn cái xấu xa, tẩy rửa cái cũ ra khỏi plây, đón cái mới vào làng. Chúng ta tắm cho thân xác, linh hồn chúng ta và cho tất cả sinh thể, vật thể, cả những con chữ nữa, thứ được loài người sinh ra nhưng lại bị chính con người làm ô uế. Với Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã đạt tới niềm “khoái cảm tự do đầy bình tĩnh của một thi sĩ”. Đó là cuộc hành hương xuyên qua bóng tối và ánh sáng, quá khứ và hiện tại, cá nhân và cộng đồng, thiện và ác, thanh khiết và nhơ nhớp… để đi đến lễ tẩy trần.
Tập thơ với chủ đề bí hiểm nhưng đầy hấp dẫn ấy được khởi sự tại Phan Rang vào mùa mưa 2000, khi lắng lòng lại, nhìn vào thẳm sâu hồn mình, Inrasara đã tạo dựng một hệ thống thi pháp riêng. Một thi pháp được hiệu ứng từ sự pha trộn của bóng tối và ánh sáng nhưng bóng tối có lẽ chiếm phần nhiều hơn, thế nên ánh sáng lọt vào trong lòng tháp mới càng trở nên u phiêu hơn, huyền ảo hơn. Sự pha hòa đó giống như cảnh tượng lúc hoàng hôn hay lúc ban mai. Và tháp Chàm thật sự đẹp nhất khi ban mai vừa chớm hay khi hoàng hôn vừa buông, chứ không phải lúc trăng lên hay lúc đón nắng trời hừng hực. Còn tháp thơ Inrasara đẹp nhất khi ta đang ở trong trạng thái phiêu miên. Khi đó sẽ có thật nhiều giấc mơ phiêu mị. Và thời gian trong ngôi tháp thơ Inrasara sẽ chậm trôi hơn thời gian thực nên dẫu không trở thành một công trình kiến trúc trác việt, điêu khắc tuyệt mĩ trong thung lũng Mĩ Sơn, cái giọt Chàm cuối cùng từ trời xanh rơi xuống là Inrasara cũng đã trở thành một ngôi tháp thơ của đồng bào mình chỉ với một tình yêu tháp Chàm thuần túy.

Tôi còn buồn là tôi còn sống
tôi còn viết là tôi còn yêu
tôi hết yêu là tôi đã chết
.

Đúng vậy, chỉ tình yêu mới là bất tử trong đời sống này dù thời gian có hóa giải những ẩn số của linh hồn tháp Chàm (“bởi những kẻ vắt kiệt mình cho vang vang đời tháp” đã “ra đi mang theo điều bí mật” rồi “lẫn vào vô danh”), những bí ẩn của cuộc sống, những không gian cong trong giấc chiêm bao thi sĩ hay không?

Chuyện tình của Inrasara cũng bắt đầu từ… văn chương. Thuở thiếu thời cô Hani cán bộ Phòng giáo dục phụ trách mầm non huyện Ninh Phước đã mơ ước trở thành nữ nhà văn. Năm 1984, mấy năm sau khi Inrasara rời bỏ ghế giảng đường về quê dạy chữ cho lũ trẻ làng Cakleng, cô tìm đến để học cách viết văn. Học được 3 buổi, thầy trò rủ nhau đi xem đá banh. Ngược gió, thầy đạp xe lên dốc không nổi. Trong ánh chiều, Inrasara thấy cô học trò của mình đi bộ ngược nắng đẹp lạ lùng. Tối ấy, anh ngỏ lời: “Tôi muốn cưới chị làm vợ”. Cả làng chăm Mĩ Nghiệp cũng không chấp nhận được ấy chứ. Chị thì góa bụa, 2 con, hơn anh 9 tuổi. Còn anh là chàng trai 27 tuổi, độc thân, tài hoa của làng. Inrasara đành cưới trộm Hani trong mùa gió cát lặng lẽ của plây Cakleng. Thế là thành đôi đũa lệch…
Inrasara nói ông sống chông chênh giữa đường biên của tiếng Việt và tiếng Chăm, giữa nền văn hóa Champa và Đại Việt, giữa phương Đông và phương Tây, giữa cổ điển và hiện đại, giữa sáng tác và nghiên cứu, giữa thơ ca và kinh doanh… nhưng tôi lại nghĩ dòng máu tháp Chàm đang chảy trong huyết quản Inrasara. Dòng máu ấy cực Chàm:

Con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(Và còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ ra tiếng khóc)
Khi con cắm rễ nơi đây
Hay khi con lang bạt đến tận cùng trời
Con cứ là Chăm cả lúc con cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời

Nên dù tình cờ hay ý thức bước vào ngôi đền thiêng thi ca thì thơ Inrasara cũng có bóng dáng của tháp Chàm cho dù nó phế tích hoang lạnh: “Người Champa đã đến đất này / đào mương trồng lúa, đốt rừng làm rẫy / yêu nhau sinh con đẻ cái / làm thơ rồi ra đi / gởi Mĩ Sơn ở lại”, “Tháp ngậm im lặng màu tro”, “Ngọn tháp đổ/ tiếng kêu dội vào thành đêm/ dội vào trái tim com chim ngủ mê trong oanh liệt của lửa”. Và thi sĩ thấy tháp là chim, “Tháp đứng nắng / ngày mai tất cả cùng bay”, “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”. Chỉ có điều thơ Inrasara không in bóng tháp Chàm với lộng lẫy của kiến trúc và kì ảo của hoa văn điêu khắc, cũng không phải là nỗi hoài nhớ về miền kí ức xưa xa mà là niềm chới với. Chới với giữa ánh sáng và bóng tối, chới với giữa chân phương và biểu tượng, giữa mặt đất và bầu trời, giữa linga và yoni, giữa sáng tạo và hủy phá. Chới với như một cánh chim bay những đường gấp khúc về phía thời gian:

700 năm tháp thét gào với bão
300 trăm năm tháp lãng du thế giới cỏ cây
ngàn sau tháp chuyện trò cát bụi

Quả thực tôi muốn lí giải điều gì khiến Inrasara đến với thơ và điều gì khiến Inrasara tâm huyết với thơ ca sau bao lăn lộn của cuộc sống chứ không chỉ chuyện trò cùng tháp Chàm về thơ và thi pháp Inrasara, về câu thơ đầu đời ông “vẽ bằng que khô lên vòm cát”, về tình yêu của ông? Thơ đã phiêu hút ông hay tháp Chàm phiêu hút ông? Nếu bí ẩn của tháp Chàm, huyền thoại về tháp Chàm là chất kết dính giữa những viên gạch, giữa “từng phiến Champa” với đá sa thạch thì có lẽ dòng máu tháp Chàm chắt chiu từ tinh lực câu thơ xưa chính là thứ gen tinh thần của Inrasara, kết nối Inrasara vào thơ, kết nối thơ Inrasara vào tình, kết nối tình Inrasara vào vẻ đẹp đời sống này, có phải không tháp Chàm?

*
Tạp chí VTV, tháng 04.2006.

4 thoughts on “Lê Bảo Âu Long: Inrasara, đứa con tháp Chàm

  1. chao nha tho dan toc
    em hien dang hoc truong nong lam nhung em rat dam me ariya cham cac bai tho cua moi nha tho cham em deu doc va em rat muon doc nhieu hon nua doc nhung loi binh va bai tho cua anh em cam thay hon anh va em rat giong nhau va em rat thich bai tho cua lanh mong anh co the gui loi nhan de chia se cho dua con cham dang cu tru sai goc nhu em va tat ca sinh viem kcac em cam on

  2. Goc cham la toi, nguoi mo uoc lam duoc dieu gi do cho dong bao cham cua minh. Nhung gio toi chi la mot sv khong the lam duoc gi khi dang ngoi tren ghe nha truong. Toi mong nhung dong toi viet co the gui den nha tho cham cua dan toc cham Inrasara, con cua nguoi Cham

  3. Hay ong chinh la vi con cua than linh gui ve ngoi Cham chung con. Ong da lam sang len va khoi lai nhung vet tich ma nguoi cham xua kia cua ta da bo quen o mien dat la. Neu co co hoi chau se gap ong va tro chuyen voi ong ve nguoi cham xua cua minh. Sv truong dai hoc thuy loi co so 1

  4. Thiển nghĩ, Inrasara xem các mảnh vụn của văn minh Chăm như kho tàng trân bảo chung của nhân loại hay nói hẹp hơn là của Việt Nam. Dân tộc Chăm là dân tộc đã dựng nên nền văn minh này, nhưng nền văn minh này đang có nguy cơ mất mát. Nhà thơ Inrasara phục hồi lại văn mình này vừa làm cho Chăm vừa cho cả Việt Nam.
    Nhà thơ Inrasara vừa làm về ngôn ngữ vừa làm về văn học, vừa sáng tác và ng cứu riêng của mình vừa lập nên Tagalau để cho mọi người Chăm lẫn Việt cùng tham gia bảo tồn nền văn hóa đó.
    Các mảnh vụn kia gom lại để cho mọi người thấy được sự lớn lao của tổ tiên Chăm. Chăm vừa hãnh diện. Đất nước Việt Nam cũng hãnh diện về nền văn minh này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *