Tôi say mê dân tộc của mình

TÔI SAY MÊ DÂN TỘC CỦA MÌNH
Khánh Phương thực hiện.

Thông qua cuốn sách của ông, chúng tôi nhận thấy, không những chỉ Chăm, mà cả cộng đồng Việt Nam, cũng đang đứng trước yêu cầu phải tự soi lại mình, nhìn rõ diện mạo tinh thần – văn hoá của bản thân để bước tiếp chặng đường sắp tới. Từ vị trí một người con, một nhà văn, nhà văn hoá của dân tộc Chăm, đồng thời cũng là của đất nước, ông nghĩ gì về những thách thức văn hoá đối với cộng đồng lớn?
Inrasara: Sinh thành, phát triển và suy tàn của sự việc, ý tưởng, con người là chuyện không thể tránh. Nó tạo cảm thế mong manh, bấp bênh nơi tâm thức con người. Của kẻ sáng tạo, nhất là nhà thơ. Từ Trần Tử Ngang: Tiền bất kiến cổ nhân,… cho đến Huy Cận. Rồi, cả các triết gia hiện sinh nữa. Các vương quốc, các nền văn minh tưởng vĩnh cửu, nhưng rồi cũng tiêu vong. Vương quốc Champa, vương quốc Khmer, văn minh Angkor hay thánh địa Mỹ Sơn,… huy hoàng là thế, ai ngờ từng bị nhân loại bỏ quên suốt mấy thế kỉ. Trong lòng đất miền Trung Việt Nam thôi, còn bao nhiêu khu tháp Chàm nữa chưa được khai quật, ai biết được? Bởi nền khảo cổ chúng ta chưa phát triển. Và chiến tranh, mất mát.
Văn học Chăm cũng vậy. Một dân tộc có chữ bản địa đầu tiên, có bia tiếng Sanscrit đầu tiên Đông Nam Á, thì chắc chắc nền văn học viết của dân tộc đó phải sáng giá chứ; nhưng trong văn học sử Việt Nam, hỏi có một dòng nào về nó?
Tôi là kẻ say mê dân tộc mình. Và, ý thức sâu thẳm điều đó. Tôi không quan niệm bản sắc là cái gì tĩnh mà là thực thể động. Con người hôm nay phải sáng tạo phần mình để đóng góp vào kho văn hóa dân tộc. Nhưng nhìn lại kho đó, chúng ta đã có gì? Đã thu lượm được những gì để lưu kho? Trong khi thách thức là rất lớn, với tốc độ phát triển của thời hiện đại, văn hóa internet đã biến quả đất thành làng toàn cầu? Chưa có hành trang quá khứ, chưa trang bị hành lí hiện tại, thì làm sao chúng ta có thể nói chuyện ĐI?

Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của mình với lòng yêu tha thiết nền văn hoá Chăm. Bản thân ông là người nghiên cứu văn hoá lâu năm, và cũng từng tham gia khôi phục nghề dệt thổ cẩm Chăm cùng một số lĩnh vực văn hoá nghệ thuật khác. Nhưng có vẻ như với cuốn tiểu thuyết này, ông muốn đi sâu “chẩn bệnh” những thói tật tinh thần của Chăm hơn là quảng bá cho những giá trị văn hoá đồ sộ và rực rỡ Chăm?
Inrasara: Tôi gọi đó là “lập biên bản” tinh thần. Dân tộc Chăm là con người ham chơi, làm chơi, làm để chơi. Hãy cứ tưởng tượng, sống trên dải đất miền Trung khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi với hết hạn hán đến lũ lụt, giao thông hiểm trở, nhưng họ đã xây bao nhiêu là tháp, sáng tác bao nhiêu là văn thơ. Sau biến cố Lê Văn Khôi, khi vua Thiệu Trị xuống chiếu kêu gọi dân Chăm từ khắp vùng rừng núi trở về với cuộc sinh hoạt bình thường, dân số Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận lúc đó chưa tới 10.000 người! Vậy mà không gia đình nào không có Ciet sách chứa đựng các kinh văn, bài tụng, nhất là các sử thi, gia huấn ca, trường ca trữ tình,… Mà văn hóa Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn, mới lạ chứ. Các tác phẩm đều hiện hữu qua bản chép tay. Sáng tác được chừng ấy tác phẩm đã khó, giữ được [dẫu một phần nhỏ thôi] chúng qua giai đoạn lịch sử bi đát như thế ngàn vạn lần khó hơn. Vậy mà họ đã làm được! Một tinh thần Dionysos đúng nghĩa!

Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa/đốt rừng làm rẫy
yêu nhau/sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gởi Mĩ Sơn ở lại
.

Hủy phá và sáng tạo, hủy phá để sáng tạo và, huỷ phá trong sáng tạo, đó là tinh thần thoát thai từ tư tưởng Shiva. Đó chính là nét đẹp của tâm hồn Chăm, cái làm nên giá trị thực của nó. Chứ không phải kê biên bản sắc mang tính thủ kho. Nhìn ở bề ngoài như thể chúng là thói tật, nhưng ở bề sâu bề xa, là những phẩm giá đáng tuyên dương. Tính cách tạm bợ/vĩnh cửu, an phận/phiêu lưu, nhát hèn/dũng cảm,… tất cả như là sự song trùng của tinh thần cốt cách Chăm.

“Đoạn tuyệt” với lối kể lể dài dòng, từ đầu tới cuối nhưng ông vẫn bị ám ảnh bởi những thân phận cụ thể, mang trong mình cái éo le, phi lí, bi thương, sầu tủi… Khi xây dựng những câu chuyện bằng cách “cắt, dán” những mảnh hiện thực thuộc nhiều không gian thời gian khác nhau, phạm vi hiện thực khác nhau, trong lối miêu tả “ngoa dụ, thậm xưng” để khắc hoạ tinh thần Chăm, ông có nghĩ nhiều đến sự sinh động gần gũi (với đời thường) của các nhân vật và cả cuốn sách không? Ông đã dung hoà hai đặc điểm đó như thế nào?
Inrasara: Chúng là tinh thần Chăm xưa và nay. Xin nói qua hành trình Chân dung cát. Ban đầu tôi dự định sẽ là bộ tiểu thuyết sử thi 1.000 trang, 9 tập, với cái tên: Con đường vô tận. Tôi viết nó vào buổi tối sau những ngày ngoài ruộng. Xong 2 tập vào năm 1989, rồi ngưng. Năm năm sau, viết lại, tôi thay đổi truyện thành một tiểu thuyết kí sự xã hội, mỗi chương là một mảnh văn hóa Chăm, lấy tên là: Đi tìm chân dung Chăm. Thế rồi, năm 2001, tôi viết nó lần thứ ba, ở hình dạng như chúng ta đang có. Nghĩa là tôi xào xáo cả 2 cách viết hoàn toàn khác hẳn nhau. Các nhân vật và sự kiện làm và nghĩ như tiểu thuyết hư cấu đồng thời như chúng có mặt trong công trình nghiên cứu xã hội học.
Một chi tiết: cắt lúa về, chất đống đó, ca hát và nhảy múa, …cả tháng mới xổ bó ra hạt, là thực. Rất nhiều chi tiết thực ngoài đời tôi đưa vào tiểu thuyết, dĩ nhiên qua lò chế biến của bút pháp hậu hiện đại. Những con người hành xử và suy nghĩ như thế, tôi gọi là tín đồ của triết lí hổng chân. Trong Tuyển tập Tagalau7, tôi còn viết cả một tiểu luận: “Hãy học …chơi” nữa là!
Những nhân vật trôi dật dờ giữa mộng và thực, ở đường biên huyễn tưởng và thực tế lôi cuốn tôi kì lạ. Hay nghĩ đến “Cao Xuân Hoang, kẻ vô thần sa đọa”, anh ta chính là cái bóng của tôi-tác giả! Hay nhân vật rất đẹp là Sara-Nguyễn Thị Loan, có mặt đầy mơ hồ như một ám ảnh từ đầu chí cuối tiểu thuyết. Không thể nắm bắt các nhân vật như thế bằng lối xây dựng tiểu thuyết “cổ điển” được. Tôi cũng không có ý dung hòa các tính cách song trùng này, mà muốn đẩy chúng tới đầu mút của tính cách, thân phận. Chỉ như thế, tinh thần họ mới bật ra một vẻ quyến rũ đậm đà bản sắc! Còn tôi có làm được hay không, tùy. Và, nên dành cho sự đánh giá của người đọc nữa.

Trong Chân dung Cát có một nhân vật không lộ diện nhưng lại ẩn hiện bàng bạc khắp tác phẩm, vừa tươi sáng vừa buồn rầu. Đó là văn hoá Chăm. Theo quan điểm của ông, văn hoá Chăm vẫn còn là những giá trị bị che phủ, khuất lấp hoặc bị “kế thừa” một cách lệch lạc nửa vời. Tóm lại nó còn trong vòng bí ẩn? Bí ẩn này liệu có thể giải đáp? Phải chăng con đường tồn vong của Chăm chính là tìm lại những giá trị này để chống lại những mai một, phôi pha, và trụ vững trên mảnh đất của mình? Hay đó là việc phải học một cái nhìn thực tiễn, đức siêng năng cơ chỉ từ những hành vi nhỏ nhất? Ông có tin rằng một dân tộc bảo tồn được văn hoá của mình thì sẽ tránh khỏi bị phụ thuộc kinh tế, chính trị, đời sống… vào kẻ mạnh hơn không, nói cách khác, tự dân tộc đó đã là dân tộc rất hùng mạnh, dù không giàu có về tài nguyên?
Inrasara: Văn hóa Chăm là bí mật. Hôm qua, là bí mật tráng lệ ồn ào; hôm nay, tôi gọi nó là “bí mật câm”. Bí mật ngay khi nó còn hiện hữu hay đang sinh thành, bí mật cả khi nó suy tàn hay tiêu vong. Ngôi tháp tôi ưa ngắm hơn cả có lẽ là Tháp Ppo Rome ở Ninh Thuận được xây vào hậu bán thế kỉ XVII, nghĩa là khi Champa đã vào hồi chung cuộc. Một hấp lực ma quái, hấp lực của mong manh và suy tàn. Gắng gượng khẳng định sức mạnh lần cuối, dù không để làm gì cả!
Có bao nhiêu đứa con Chăm hôm nay biết trong kho cha ông có gì, nói chi nắm được linh hồn văn hóa Champa? Rất ít và có thể nói, cực ít! Từng mảng, từng mảnh bị đổ vỡ, vùi chôn. Đâu chỉ riêng các mảng lộ thiên như kiến trúc, điêu khắc không đâu, mà ngay các phần chìm như ca-múa-nhạc, văn chương, triết lí,…cũng khuất lấp trong đêm mờ lịch sử. Cả ngôn ngữ sống (không phải ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ của từ điển) hôm nay cũng vậy: lai tạp đến 50-60%.
Tiêp nhận một cách thiếu khuyết và méo mó, nhưng họ hãnh diện biết bao về nền văn hóa đó, về mình là Chăm! Cao Xuân Hoang một chữ K đeo tai cũng không, nhưng rất nhiệt tình bảo vệ chữ truyền thống dân tộc. Là một bí mật nữa, và đó chính là thần hồn của tính cách Chăm! Như là một phần của triết lí hổng chân. Nhưng không phải tất cả Chăm đều vậy, vẫn có người tuổi trẻ hôm nay miệt mài lượm nhặt các mảnh vương vãi của văn hóa dân tộc để nhập kho lưu trữ.

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế
!

Tôi nghĩ, khi mỗi đứa con Chăm còn trang bị cho mình tinh thần như thế, họ sẽ không bao giờ bị đánh đổ trước bất kì làn sóng văn hóa nào, cám dỗ vật chất nào. Sẵn sàng thâu thái và sáng tạo…

Có thể hiểu, văn hóa của một cộng đồng là những giá trị trong lối xúc cảm, tư duy và hành động của cộng đồng đó, thể hiện trong những công trình nghệ thuật đỉnh cao, và các mặt của đời sống xã hội. Bản thân ông gìn giữ tinh thần Chăm trong mình như thế nào? Có bao giờ ông cảm thấy chính mình bị “phôi pha”, mất “phương hướng”? Với tư cách nhà văn và nhà nghiên cứu văn hoá, ông có lạc quan về văn hoá Chăm?
Inrasara: Lạc quan hay bi quan, ai biết được! Mục tiêu thì xa tít tắp, vốn liếng trong tay hầu như không có: Bắt đầu từ con số không, từ con số âm – có lẽ! Nhưng tôi biết cách đi từng bước một. Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm (viết chung); rồi là Tự học tiếng Chăm. Ngay thuở 18, tôi cùng vài bạn học mở lớp dạy chữ Chăm ở quê, xóa mù cho 70 người. Trong khi một học giả nổi tiếng người Pháp: Paul Mus đinh ninh là văn học Chăm chỉ có thể tóm trong vài mươi trang sách, nghĩa là chẳng có gì đámg nói cả, tôi đã làm được bộ Văn học Chăm, khái luận-văn tuyển dày dặn! Sắp tới tôi còn chủ trì Tủ sách Văn học Chăm 10 tập, cả 5-6.000 trang nữa đấy (đã in 2 tập).
Nhưng lẽ nào nhắc đến văn chương Chăm hiện đại lại cứ mỗi Inrasara? Trong khi Chăm rất “ham chơi”, ham văn chương nghệ thuật. Thế là Tuyển tập Tagalau do tôi chủ biên ra đời, tập hợp sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu Chăm. Rồi, sau 6 năm miệt mài, đã có 7 tuyển tập ra đời, trình làng không ít thơ văn đáng giá, cùng hàng chục khuôn mặt hứa hẹn.
Con người giữ kho và kẻ sáng tạo trong tôi có mặt cùng lúc và song hành. Nhiều lúc mất phương hướng, thường trực nữa! Nhưng cứ làm tới thôi. Biết ra sao ngày sau! Dúm công trình dày cộm kia với mấy tập thơ mỏng tang này, có thể rồi cũng tiêu vong như ngôn ngữ sống Chăm hôm nay đang dần tiêu vong. Nhân loại đi xa, nhân loại cần mang theo cái gì rất nhẹ. Trong kho văn học Chăm, có vài tác phẩm như thế: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Bini-Cam,…
Tuổi nhỏ tôi nhiều lần chen lấn xem điệu cuồng vũ (múa đạp lửa) của Ong Ka-ing trước cửa Kajang, được mẹ dẫn qua sông Lu tham gia cuộc lễ tẩy trần tập thể. Hôm nay, tôi muốn đặt các tác phẩm của mình trước đống lửa kia, sau đó lôi xuống sông Lu, nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một. Để cái còn lại phải là tinh ròng, đáng cho nhân loại cầm tay (đó là bắt chước Chế Lan Viên mà nói to con thế).
Biết đâu Sara sẽ không còn lại một mảnh nào cả!

*
Báo Xã hội và Gia đình, 08.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *