Nhà xuất bản Trẻ – Công ty Nhã Nam – Nhà xuất bản Văn học
Buổi nói chuyện
ORHAN PAMUK – GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY.
Tại Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh lần 5-2008.
Tại Nhà Hội thảo 1. công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Lúc 8 giờ, ngày 11.03.2008.
Gồm các diễn giả: dịch giả Phạm Viêm Phương, Lê Quang, Nguyễn Tiến Văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, nhà văn Mai Sơn và Nguyễn Danh Lam.
– Inrasara đề dẫn và MC điều hành Hội thảo.
Đề dẫn của Inrasara:
Kính thưa quý…
Đề tài chúng ta thảo luận hôm nay là: Orhan Pamuk, giữa Đông và Tây.
Orhan Pamuk, giải Nobel văn chương 2006, “một trong những tiếng nói mới mẻ và độc đáo nhất trong văn chương đương đại”, “là cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”,…
Nhưng trong 3 dòng chính: phương Ðông Ấn Độ [và văn hóa-văn minh Ấn giáo, Phật giáo], phương Ðông Trung Hoa [và văn hóa-văn minh Khổng – Lão] và phương Ðông Trung Đông và văn hóa-văn minh Hồi giáo, Orhan Pamuk thuộc phương Đông nào? – Đó là phương Đông Hồi giáo.
Istanbul từng là trung tâm của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Cầu bắc qua eo biển Bosphorus nối liền hai phía Âu châu và Á châu của Istanbul. Chính nơi này xảy ra cuộc va chạm giữa Đông và Tây trong nhiều thế kỉ. Orhan Pamuk sống ở Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời học viết và học văn chương ở Hoa Kỳ. Ông xem chiếc cầu là một ẩn dụ cho chính mình. Vậy ẩn dụ đó là gì?
Các vấn đề như:
– Vấn đề thần quyền và thế quyền.
– Ý thức hệ phi dân chủ và dân chủ
– Nghệ thuật truyền thống Hồi giáo và nghệ thuật phương Tây.
– Nếp nghĩ cộng đồng và tự do cá nhân.
– Nữ quyền luận.
là các vấn đề gây nên nhiều cuộc đụng độ lớn trong lịch sử, để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra hàng ngày trong thế giới chúng ta đang sống và, chưa biết bao giờ ngưng. Chúng được thể hiện thế nào qua tác phẩm ông?
Orhan Pamuk giải quyết nó như thế nào? Ông có làm đầy đủ sứ mệnh của một nhà văn? Tại sao mấy năm qua ông phải sống bán lưu vong? Orhan Pamuk là một dấu hỏi lớn. Một nhà văn thuộc thế giới ngoại vi đột ngột xuất hiện lồng lộng trên diễn đàn văn chương thế giới. Ở Việt Nam, ba tác phẩm quan trọng của ông vừa được chuyển dịch và cho ra mắt bạn đọc – là một hiện tượng hiếm hoi trong sinh hoạt chữ nghĩa.
Nên có thể nói, giải mã hiện tượng Orhan Pamuk, chúng ta sẽ rút tỉa được kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống ta và, cho sáng tạo văn chương Việt Nam hôm nay và tương lai.
*
Tham luận của Inrasara: “Orhan Pamuk, lưu vong như là một định mệnh” sẽ được đăng lên inrasara.com trong vài ngày tới.