Phát hiện thêm phế tích tháp Chăm trên đất Gia Lai
ThS. Nguyễn Quang Tuệ
(Bảo tàng tỉnh Gia Lai )
A. Sơ lược về tháp Chăm ở Tây Nguyên và Gia Lai
Từ khá sớm, một số tài liệu trong nước và ngoài nước (chủ yếu là của người Pháp) đã đề cập tới các vấn đề liên quan đến di tích Chăm trên đất Tây Nguyên. Theo đó, những cái tên Yang Mum (Ayun Pa, Gia Lai), Kon Klor (Kon Tum), Yang Prong (Ea Súp, Đak Lak),… vẫn thường được nhắc lại nhiều lần.
1. Tổng hợp nhiều nguồn thư tịch có giá trị khác nhau một cách có hệ thống, theo tác giả sách Sons of the mountains (Những đứa con của núi rừng) thì cái mà người ta từng thấy (qua một văn bản mô tả của một cha đạo) ở Kon Klor khoảng trước năm 1886 chỉ là một “pho tượng làm bằng kim loại cao một mét, có chân tay được tạc rất nghệ thuật”. Vẫn sách trên cho hay, đến 1923, một học giả Pháp khác đến vùng này khai quật và họ đã tìm thấy một vài hiện vật có chứa đựng chữ viết trên đó. Nội dung các kí tự vừa nêu liên quan đến tư tưởng Phật giáo Đại thừa và niên đại của hiện vật (bia?) mang kí tự này là 914. Năm 1967, tác giả cuốn sách đang dẫn đã trực tiếp đến di chỉ Kon Klor và thấy nó “chỉ gồm có mấy hòn gạch, hầu hết đã vỡ”1. Kế thừa hợp lí nhiều nguồn tài liệu nước ngoài, các tác giả Việt Nam cũng đã có những lưu ý trùng hợp với những gì đã được nêu từ trước về Kon Klor.
Những thông tin nêu trên đã được nhiều tài liệu dẫn lại.
2. Về Yang Prong, vẫn theo tác giả sách Sons of the… thì năm 1901, Viễn Đông bác cổ đã có thông tin về ngôi tháp ở gần sông Hleo, thuộc Bản Buôn Đôn này. Ngày 9/3/1904, Odend’hal (người sau này đã bị Vua Lửa giết chết) đã thăm nó và ông ta phải chờ đến năm ngày để đuổi hết dơi ra khỏi tháp. Tháng 7/1906, H. Maitre cũng đến xem Yang Prong… Cả hai người Pháp vừa kể đều thấy trong tháp này khi đó, có “cái tượng dương vật có đầu Siva ở chỗ bàn thờ”… H. Parmentier cho rằng tháp trên được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 142 còn theo các nhà nghiên cứu Việt Nam, khoảng thời gian sau 1285, khi vua Chăm là Chế Mân lấy em gái vua Đại Việt Trần Anh Tông là công chúa Huyền Trân, và ông ta chết ngay sau đấy, thì trước đó, Chế Mân đã cho xây dựng Yang Prong3.
Yang Prong từng bị tàn tạ nhưng nay thì đã được tu bổ lại.
3. Cheo Reo là địa danh từ lâu đã gắn liền với tháp Yang Mum (Ayun Pa, Gia Lai hiện nay). Theo Sons of the… thì từ 1901, Viễn Đông bác cổ đã có thông tin về hai cái tháp Chăm ở gần Cheo Reo; vị trí của chúng cận kề với buôn Chu, thung lũng sông Ayun… Tháng 6/1902, H. Parmentier đã đến và thấy các tháp ở khu rừng gần đấy bị che phủ bởi cây cối rậm rạp. Tháp được xây dựng trên nền đất đá ong; còn có một có bia, chữ còn đọc được và một hình Siva cưỡi trên con Nandin… Tháng 3/1904, H. Parmentier và Odend’hal quay lại thăm tháp và lúc này nó đã có tên là Yang Mum (theo cách gọi của người Jrai tên Yă H’Mum, từ cái tên Rcom H’Mum, một bà tổ của thị tộc Rcom, tác giả sách dẫn lời J. Dourner). Tại Cheo Reo, Drang Lai cũng thường được nhắc đến như là một dấu tích về đền tháp của người Chăm. Tuy vậy, vẫn theo tài liệu đang dẫn thì vào thời điểm đó, Drang Lai đã là một phế tích (cái còn lại là “một cái nền đá ong và một chồng gạch”), cách Yang Mum chừng 4 km về phía tây, gần buôn De (Buôn Đê, thị trấn Phú Thiện, Ayun Pa ngày nay – NQT). Dù vậy, tác giả Sons of the… dẫn lời các nhà khoa học Pháp cho rằng những kí tự mà người ta tìm thấy ở hai ngôi đền tháp trên đều cho biết niên đại của các kiến trúc này là thế kỉ 154.
Hiện nay, cả Yang Mum và Drang Lai đều không còn hiện hữu ở Ayun Pa, Gia Lai với những dấu vết rõ ràng của đền tháp.
4. TS. Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên cán bộ Bảo tàng Gia Lai, hiện làm việc tại Sở VHTT tỉnh) cho biết, từ cuối 6/1996, chị đã có những thông tin thực địa về các di tích Chăm ở Ayun Pa, Gia Lai5. Liên tiếp trong các năm 1993, 1996, 1999, TS. Vân đã lần lượt có các bải viết được công bố trong Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức. Đó là các bài “Bức phù điêu Phật ở Gia Lai”, “Dấu tích văn hóa Chăm ở thị trấn Ayun Pa” và “Bức phù điêu Chăm ở chùa Bửu Tịnh”; trước đó, cùng với Bùi Minh Trí, TS. Vân cũng đã công bố tại Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992 bài “Về bức phù điêu Chăm lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai”…
Chúng tôi chú ý nhiều đến bài viết “Dấu tích văn hóa Chăm ở thị trấn Ayun Pa” của Nguyễn Thị Kim Vân. Vào thời điểm 14/8/1996, ngoài việc dẫn các đoạn viết liên quan từ Sons of the…, tác giả còn cho biết cụ thể về hiện trạng của từng đền tháp ở nơi đây:
– Yang Mum xưa nay thuộc mảnh đất trồng mì của gia đình ông Phu trên đồi 52, xóm 4, thị trấn Ayun Pa. Tại đây, trên nền đất “có rất nhiều mảnh gạch Chàm dùng để xây tường và rất nhiều mảnh đá ong thường được dùng để xây chân tháp nhưng không tìm thấy viên gạch nào cũng như đoạn chân tháp nào nguyên vẹn. Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn cho tôi xem 2 viên gạch còn nguyên vẹn mà ông nói là đã tìm thấy ở Yang Mum. Cả 2 viên gạch đều có màu nâu đỏ, một viên hình vuông và một viên hình chữ nhật. Viên thứ nhất có kích thước 20 x 20 x 2,5cm. Viên thứ hai chúng tôi đo được: 24 x 12 x 7cm”.
– Về Drang Lai (TS. Vân viết là Drang Glai): Nay nằm trong nền nhà của ông Hà Văn Hồng (70 tuổi), khu phố 1 thị trấn Ayun pa. Khu vực này nay dân cư đã ở kín. Người viết đã tìm thấy tại đây “9 viên đá ong khá nguyên vẹn, trong đó có 2 viên có 1 cạnh dọc được cắt lõm vào chừng 4cm để tạo gờ nối với những viên khác. Các viên đá ong này có kích cỡ tương đương nhau: 70 x 40 x 22cm. Theo chủ nhà, nền tháp này có diện tích 11m x 7m. (Ngày 19/10/2006 vừa qua, chúng tôi đã cùng TS. Vân đến địa điểm vừa nêu. Chúng tôi đã xin chị Rơlan Hmrit (cư trú tại mảnh đất phía sau, sát nhà ông Hồng 3 viên gạch Chăm đang được gia chủ dùng làm đầu rau bếp mang về Bảo tàng Gia Lai; viên còn nguyên vẹn nhất, khoảng 85%, có kích cỡ rộng: 13cm; dài: 32cm; dày: 7,5cm; nặng: 5,5kg. Các viên đá ong lớn khi xưa nay đã bị xẻ ra làm nhiều mảnh nhỏ hơn, hiện được kê lại làm nơi giặt giũ, tắm rửa…).
– Ngoài ra, người viết còn để cập đến một đền tháp mang tên Quai King. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Vân, J. Dournes (người viết không nêu nguồn tài liệu dẫn – NQT) từng cho rằng đây là “một vị trí hành chính của người Chàm” và “nếu xét về vị trí thì Yang Mum nằm ở phía Đông, Drang Lai ở phía Tây còn Quai King thì ở phía Nam, tạo thành một thế chân kiềng mà mỗi cạnh cách nhau khoảng 1km. Quai King còn lại dấu vết rõ nét của một cái thành, hiện nằm trong vùng đất thuộc khu phố 8 thị trấn Ayun Pa”…
5. Dựa trên tư liệu thành văn về văn hóa Chăm ở Gia Lai hiện có mà chúng tôi biết được, có thể nhận xét rằng:
– Các tư liệu được cung cấp từ địa phương (chủ yếu qua TS. Vân) có vai trò quan trọng không chỉ đối với việc “thông báo phát hiện khảo cổ” mà còn là cơ sở, dẫn chứng cho một số bài viết, công trình liên quan đến đền tháp Chăm tại Gia Lai, Tây Nguyên được thực hiện từ Trung ương hoặc tỉnh bạn;
– Đền tháp Chăm tại Ayun Pa, Gia Lai sau những phát hiện của người Pháp hồi đầu thế kỉ 20 đến nay gần như không có gì thay đổi, về thông tin. Có chăng đó là các văn bản, những hình ảnh mô tả sự tàn lụi không gì cứu vãn nổi của những Yang Mum hay Drang Lai thiêng liêng một thời.
– Krông Pa (hiện nay) là một khu vực chưa từng được nói đến với những phát hiện về đền tháp của người Chăm.
B. Về phế tích tháp Chăm trên đất Krông Pa
Tại Gia Lai, nếu như các tài liệu của Pháp và giới nghiên cứu trong nước chỉ nhắc đến một vài tháp Chăm cụ thể ở Ayun Pa, một huyện liền kề với Krông Pa hiện nay thì những nghiên cứu của tất cả họ về Phú Yên cũng không đả động gì đến Krông Pa với tư cách là một mảnh đất liền kề, có khả năng có tháp Chăm.
Nằm giữa Ayun Pa và Phú Yên, cũng là nằm giữa Kon Tum và Đak Lak (những nơi đã phát hiện dấu vết, tháp Chăm), trên con đường cổ nối liền cao nguyên với đồng bằng miền Trung mà tại sao Krông Pa lại không có tháp Chăm? Hơn thế, chính tại xã Đất Bằng của địa phương này cách nay 20 năm, người ta đã từng tình cờ tìm thấy một bức phù điều Chăm… Nhiều năm mang theo thắc mắc ấy, chúng tôi đã cố gắng để ý đến các yếu tố văn hóa dân gian, nhất là đền tháp Chăm ở đây nhưng chưa gặp. Cho đến một ngày:
1. Ngày 10.10. 2006, buôn Jú, xã Krông Năng:
Sau nhiều ngày điều tra bằng nhiều cách tại các buôn của xã Đất Bằng (nơi được “nghi ngờ” nhất) mà vẫn không mang lại kết quả, chúng tôi (Nguyễn Quang Tuệ, Nguyễn Giác – Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Gia Lai và Ngô Tuyến – Phó Trưởng Phòng VHTT-TT Krông Pa) quay sang Krông Năng – xã giáp giới với tỉnh Phú Yên.
Tổng hợp các nguồn tin, chúng tôi được ông Ksor Jônh (ama Quang) Chủ tịch UBND xã này xác nhận tại địa bàn buôn Jú có một tháp Chăm có tên gọi là Bang Keng, từng bị đào bới và nay thì hoang tàn. Lúc đó đã hơn 10h trưa, chúng tôi vội vàng lên đường theo sự chỉ dẫn của anh Nay Yut (tức ama Trăng, cán bộ văn hóa xã). Từ trung tâm xã, có thể đi xe máy chỉ hết chừng vài chục phút là đến buôn Jú (khoảng 2km) nhưng từ đó đến tháp Chăm thì không dễ dàng chút nào (khoảng 1,5km). Chúng tôi liên hệ và mời được ông Ksơr Tak (ơi Trinh) 80 tuổi, người buôn Jú dẫn đường đi tiếp. Chặng đường đi bộ tiếp theo dài hơn 1 km nhưng khá quanh co, khó đi. Buôn Jú ở bên này còn Bang Keng thì ở bên kia sông Krông Năng. Ông Trinh đồng ý cho thuê thuyền và mặc dù là người đã bạo gan, từng mang hai viên gạch Chăm ở đây về kê dưới chân thang nhà sàn nhưng lúc này lại sợ, không dám qua nơi ấy. (Tất cả mọi người Jrai ở đây đều coi Bang Keng là nơi linh thiêng, có yang). Anh Nay Yut phải làm người chèo thuyền bất đắc dĩ. Thuyền nhỏ, sông rộng, có chỗ nước xoáy khá mạnh, mỗi lần chỉ có một người qua được bờ bên kia..
Bang Keng (bang: hang, hầm; keng: tên một loài chim trước kia thường ở khu vực này) nằm ngay trên bờ bắc Krông Năng ở vị trí cao nhất (một tuần sau, chúng tôi được cán bộ địa chính của huyện cho biết đây là nơi có độ cao 103m, ở kinh độ 024764 và vĩ độ 1448764) nhưng khuất lấp trong một lùm cây rậm rạp, nhiều dây leo chằng chịt. Một mặt hướng sông, ba bề còn lại của di tích đều là những rẫy lúa, đậu, chen lẫn những cây điều. Ngay từ dưới triền sông đi lên, nơi đất bùn còn nhão ướt, đã nhìn thấy ít nhất một hàng gạch đỏ được xếp đặt theo một trật tự nhất định. Vạch cỏ cây, tiến sâu vào trong (thực ra là leo lên khu vực cao hơn), cái đập vào mắt người đến đây là một đống gạch lớn bị vỡ đôi, vỡ ba được xếp chồng lên nhau một cách lộn xộn – hậu quả của những cuộc đào bới đã xảy ra từ trước đây khá lâu (phù hợp với thông tin mà người dân địa phương cung cấp). Từ đây, có thể nhìn thấy một cái hố sâu chừng 1,5m – 2m, gần với hình chữ nhật, một cạnh có độ dài khoảng 7m, cạnh còn lại chừng 4m. Bốn xung quanh cái hố nói trên đều được xây bằng gạch (đa phần còn nguyên vẹn) và vẫn còn hết sức chắc chắn. Gạch xây tháp có kích thước chủ yếu là rộng: 21,2cm; dài: 40,9cm; dày: 8,5cm; nặng: 14kg, nhưng đôi khi cũng có những viên nhỏ, mỏng hơn chút ít. Bằng mắt thường có thể nhận ra hai loại đất làm gạch khác nhau: loại thứ nhất pha cát nhiều hơn, viên gạch trắng, thớ có vẻ xơ; loại thứ hai được làm bắng đất đỏ, da mịn hơn và lòng trong đỏ. Quan sát kĩ vị trí của các khối gạch, có thế nhận ra những vách ngang, chứng tỏ lòng tháp từng được chia ra làm nhiều phần nhằm những mục đích khác nhau. Giữa lòng đáy di tích, có một hố sâu khoảng 1m, đường kính chừng 0,5m đã bị cỏ cây, đất đá che lấp nhưng vẫn có thể nhận ra sự đào bới của con người ở vị trị trung tâm di tích này. Nhiều khả năng đây vốn là vị trí của một bệ thờ, nay đã bị mang đi. Chúng tôi không đào bới thêm trong lòng tháp và cũng không tìm thấy những viên đá tảng nào ở khu vực này. Toàn bộ bề ngoài của tường thành tháp vẫn bị vùi trong đất cát, bị bao phủ bởi cỏ cây.
Để xác minh việc phát hiện tháp Chăm, ngày 19.10.2006, chúng tôi trở lại buôn Jú, xã Krông Năng. Đoàn đi hôm ấy còn có ông Giám đốc Sở VHTT Gia Lai, ông Chủ tịch UBND huyện, TS. Nguyễn Thị Kim Vân cùng một số cán bộ liên quan của huyện. Nước sông đã cạn nhiều nhưng người ta vẫn phải dùng thuyền để đi qua chỗ sâu nhất. Các thông tin về ngôi tháp cổ này thêm một lần nữa được xác nhận lại. Có một điểm cần lưu ý là theo những người dân địa phương thì đất của khu vực này thuộc buôn Jú, xã Krông Năng (Chủ tịch xã cũng xác nhận điều này) song mảnh đất có ngôi tháp hiện tại lại đang thuộc quyền khai thác và sử dụng của ông Nay Siêm, buôn Jrông, xã Ia Dreh (thông tin được Nay Jút, Trưởng ban Văn hóa xã cung cấp và khẳng định).
2. Ngày 13.10. 2006, buôn Dúi, xã Ia Rmok:
Sau khi mang một vài hiện vật (gạch Chăm và đồ gốm) về gửi tại huyện, chúng tôi đến xã Ia Rmok. Đêm đó, tôi và Nguyễn Giác ngủ tại nhà Kpă Nik (ama Pléch), buôn Thiơl, anh nguyên là cán bộ Văn hóa của xã. Trong câu chuyện, tôi đề cập đến người Chăm, tháp Chăm… Và kết quả là 6h sáng hôm sau, chúng tôi đã có mặt tại nhà già làng buôn Dúi mới. Giống như ama Pléch từng nghe ông bà xưa kể về nơi này, ông Ksor Bhuar/ Bhoar (tức ama Breh, 75 tuổi) cho biết từ xưa ông đã nghe ông bà nó về nó. Nhưng nó không phải là tháp mà chỉ một cái… lò gạch xưa(?). Lập tức chúng tôi cùng ông ra bờ bắc sông Ba, đoạn chảy qua buôn Dúi cũ (đối diện với chỗ này ở bên kia sông là đất buôn Thiêm, xã Phú Cần). Trong mưa, giữa những lùm cây rậm rạp, chúng tôi vui mừng nhận ra những viên gạch có hình thù và kích cỡ gần giống với các viên gạch đã được biết đến ở buôn Jú, Krông Năng. Gạch (đa phần không còn nguyên vẹn) được phân bố rải rác nhiều nơi trong một khu vực rộng hàng trăm mét vuông, cạnh bờ sông. Các viên gạch thu nhặt được ở đây (1 viên nguyên vẹn khoảng 95%) có kích cỡ hiện tại như sau: rộng: 20cm; dài: 30,8cm; dày: 7,5cm; nặng: 8kg. Một viên gạch nhỏ hơn cũng thu được tại lại có kích cỡ khác, cụ thể là rộng: 7,8cm; dài: 9,5cm; dày: 6,5cm; nặng: 2kg. Mắt thường có thế thấy chất đất làm nên các viên gạch ở đây gần như là một loại: khá mịn và đỏ tươi.
Theo già làng Breh thì xưa kia, ông bà vẫn còn nhìn thấy rất rõ nhiều phần của cái “lò gạch” này nhưng nay do sông Ba ăn sang bên này nên đã “nuốt” mất nó. “Lò gạch” xưa nằm gần với lối đi xuống sông lấy nước, đi tắm của buôn Dúi cũ. Lối đi ấy nay đã mất và cũng chính vì sự bồi, lở của dòng sông nói trên mà cộng đồng này đã phải di chuyển đến một địa điểm khác, cách xa nơi cũ khoảng hơn một cây số, trên một ngọn đồi cao. Sau khi thu nhặt thêm một số đồ gốm vương vãi xung quanh khu vực, chúng tôi trở về huyện và tiếp tục công việc của mình.
C. Mấy nhận xét bước đầu
1. Về Bang Keng: Quá trình khảo sát thực địa, đối chiếu với tài liệu chuyên ngành hiện có, chúng ta có thể khẳng định Bang Keng là tháp Chăm lần đầu tiên được phát hiện tại huyện Krông Pa. Cho đến nay, đây cũng chính là di tích Chăm duy nhất còn sót lại với hình hài khá nguyên vẹn, đã được tìm thấy ở Gia Lai, Kon Tum. Vấn đề niên đại, qui mô,… của tháp chắc chắn sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Cũng như vậy, tên của tháp cũng sẽ được tìm hiểu lại thay vì “Bang Keng” như hiện nay.
Tại sao cho đến nay Bang Keng mới được biết đến? Vì sao người Pháp đã biết tường tận hầu hết các tháp Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên nước ta mà lại không nhắc đến Bang Keng?
Thứ nhất, theo chúng tôi, có lẽ ngôi tháp này đã được xây dựng ở một vị trí không thuận lợi về giao thông nên không nhiều người (hiện đại) biết đến nó. Việc các tháp Chăm vùng Ayun Pa sớm được nhắc đến rất có thể là do chúng ở những nơi gần dân cư, gần đường đi lại?
Thứ hai, có thể trong lịch sử đã xảy ra những biến cố nhất định khiến người Jrai ở quanh khu vực này rất sợ Bang Keng. Họ (người dân buôn Jú và những vùng phụ cận) gọi đó là yang sang ia – nhà (của) thần nước. Tin theo tín ngưỡng cổ truyền, không chỉ có những người thuộc lớp tuổi trên 50 (trường hợp ơi Trinh) mà ngay cả những người còn trẻ, có học vấn, nhận thức nhất định (ama Trăng, 34 tuổi, cán bộ xã) cũng đều sợ hãi, kiêng dè khi nói đến hay đi qua Bang Keng. Phải chăng vì vậy mà những thông tin về Bang Keng không được phát tán rộng từ đời này qua đời khác.
Thứ ba, quan sát hiện trạng của tháp, có thể nêu thêm một giả thiết rằng, từ lâu (chẳng hạn 300 hoặc 400 năm) Bang Keng đã từng bị đất bồi (từ sông) lấp kín rồi cây cỏ mọc trùm lên và rồi nó mất dấu hẳn khi người Chăm rời bỏ châu Thượng Nguyên xưa.
2. Về lò gạch ở buôn Dúi: Những di vật còn lại ở khu vực này chưa cho phép khẳng định chắc chắn rằng từng tồn tại một đền tháp Chăm ở đây. Chúng tôi xin nêu mấy giả thiết ban đầu:
Thứ nhất, tổng hợp các thông tin từ những người dân địa phương (đặc biệt là từ già làng đã nêu) có thể cho rằng ở đây từng xuất một cái “lò gạch” – sang chuh lon. Cũng theo nguồn tin này thì các thế hệ trước kia của họ từng kể rằng, khi gạch làm vừa xong thì đám “người ấy” (“người ấy”: có người nói đó là người Chăm, có người nói đó là người Việt, có người nói đó là người Pháp…) lại bỏ đất này ra đi (hình như là vì chiến tranh). Lò gạch xưa tồn tại một thời gian dài rồi bị sông Ba cuốn trôi, đến nay đã mất dấu hẳn. Những gì còn sót lại – gạch, gốm – là thứ vương vãi, không gần với lò gạch.
Giả thiết trên tỏ ra phù hợp khi biết rằng dân buôn Dúi không hề sợ hãi hay kiêng dè khi nói về cái “lò gạch” ấy. Điều này càng có lí hơn khi mọi người đều đã thấy dân buôn Jú sợ Bang Keng ra sao. Do đó, cũng có thể nghĩ đây là một lò gạch của người Chăm (làm để phục vụ việc xây tháp) nhưng công việc xây dựng chưa hoàn thành thì bị dừng lại vĩnh viễn. Đó là lí do khiến người Jrai không sợ lò gạch Chăm, như sợ tháp Chăm.
Thứ hai, có thể ở khu vực đang bàn từng tồn tại một tháp Chăm nhưng nay đã bị nước cuốn trôi. Có thể vì một lí do nào đó, việc “định danh” của đồng bào Jrai đã bị nhầm từ tháp sang lò gạch. Điều này có thể xảy ra nếu những người cung cấp thông tin cho chúng tôi cũng không có được những thông tin phù hợp với thực tế khi xưa.
Như vậy, vấn đề đặt ra là những di vật còn lại ở vị trí nêu trên nếu đúng là gạch Chăm thì câu trả lời vẫn còn thiếu là: chúng đã được làm ra nhằm mục đích gì? Câu hỏi này cũng như các giả thiết trên sẽ được tiếp tục tìm hiểu trong thời gian đến. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn nghiêng về ý kiến cho rằng nhiều khả năng nơi đây đã từng có tháp Chăm.
3. Cuối cùng, có thể nhận ra một số điểm chung giữa Bang Keng xã Krông Năng và “lò gạch” xã Ia Rmok, là: chúng đều được tìm thấy ở bên bờ sông; hình thức, kích cỡ và chất liệu gạch gần giống nhau. Quan trọng hơn, nếu sự so sánh của TS. Vân (đã dẫn ở trên) là đúng khi chị thấy Yang Mum, Drang Lai và Quai King ngày xưa đã tạo thành một “thế chân kiềng” thì rất có thể những gì hiện hữu ở Krông Pa ngày nay cũng sẽ là một gợi ý khiến người ta nghĩ đến mối liên hệ giữa Bang Keng – “lò gạch” và một (vài) điểm đền tháp nào đó nữa quanh đây. Giả thiết này không phải là không có cơ sở khi mà cách đây 20 năm, người dân địa phương ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa đã từng sở hữu bức phù điêu Chăm (Bảo tàng Gia Lai hiện đang lưu giữ). Phù điêu ấy hẳn là có nguồn gốc từ đền tháp, nhưng đó là đền tháp nào (có phải của Krông Pa, Gia Lai hay không) thì vẫn còn là điều cần tiếp tục lí giải.
Sử liệu, những di vật được tìm thấy và cả các câu chuyện dân gian Jrai, Bahnar nữa đều cho biết dấu chân của người Chăm đã in trên đất trên Tây Nguyên từ hàng ngàn năm trước. Việc phát hiện thêm những phế tích tháp Champa tại Krông Pa, Gia Lai hi vọng sẽ cung cấp thêm được chút ít tư liệu cho những người quan tâm đến vấn đề này. Trong khi chờ đợi sự thẩm định của giới khoa học chuyên ngành, các cơ quan chức năng địa phương đã có những động thái tích cực đối với việc bảo tồn những di tích văn hóa vật thể hiếm hoi còn sót lại này và nếu không có gì thay đổi, năm 2008 tới đây, phế tích Bang Keng sẽ được khai quật. Chúng ta cùng chờ đợi những câu trả lời chính thức từ trong lòng đất.
Chú thích:
1, 3, 4. Gerald Cannon Hickey, Sons of the mountains, New Haven and London Yale University Press, 1982, pp. 78 – 120.
Trong bài viết này, chúng tôi không dẫn ra tên của nhiều tác giả, tác phẩm liên quan, khi mà chúng đã được G. Hickey liệt kê, phân tích, chú dẫn một cách khá đầy đủ, hợp lí. Dù vậy, để chắc chắn hơn, chúng tôi đã vẫn đối chiếu lại khi nguồn tài liệu gốc và khả năng cho phép.
2. Lưu Trần Tiêu, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Quốc Hùng, Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr. 64.
5. Nội dung phần này được chuyển dẫn từ các tài liệu đánh máy (đã công bố trên báo chí) do TS. Nguyễn Thị Kim Vân nhiệt thành cung cấp.
Pingback: VĂN HÓA CHAMPA « Hoàng Tuyền Lộ