Kể từ ngày Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, thắm thoát đã hơn mười năm (1997-2008).
Tôi cũng hơi ngạc nhiên và không hiều vì sao các đền tháp Chăm còn lại cũng đều rất đẹp mà lại… chưa được công nhận? Sao người ta không công nhận luôn một lần quần thể di tích tháp Chàm trên khắp dải đất miền Trung nhỉ? Chẳng lẽ cụm tháp Ppo Klaung Garai không phải là tuyệt tác của nhân loại? Ai lần đầu nhìn thấy Tháp Ppo Klaung Garai mà không khỏi sững sờ vì vẻ đẹp tráng lệ và không kém uy nghi?
Rồi còn biết bao nhiêu đền tháp rải rác khắp miền Trung nằm thơ mộng trên những ngọn đồi kiêu hãnh như chứng nhân của một nền văn minh vô cùng rực rỡ huy hoàng trong quá khứ…
Tháp Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Tháp Bạc (Bánh Ít), tháp Bình Lâm, Cánh Tiên, Thốc Lốc, Dương Long, Hưng Thạnh (Tháp Đôi), Tháp Nhạn, Ppo Nagar, Hoà Lai, Ppo Rome. Ppo Dơm, Phú Hài (Ppo Xah Inư), Yang Mum, Yang Prong… mỗi Tháp một vẻ đẹp khác nhau, có thể nói chỉ riêng về điêu khắc và kiến trúc, người Champa đã là một trong những dân tộc nghệ sỹ bậc thầy của nhân loại, không hề thua kém những nền nghệ thuật lớn thuở xa xưa…
Cái Đẹp không có biên giới, nền nghệ thuật Chăm cũng thế. Qua kiến trúc và điêu khắc – luôn cho ta những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế.
Tựa hồ nó có khả năng truyền cảm mạnh mẽ, đó là dấu hiệu của một nền nghệ thuật lớn lao và đích thực. Ta luôn bồi hồi và ngẩn ngơ trước vẻ Đẹp ấy mà không thể lý giải được – vì sao?
Qua bao dâu bể thời gian, không ít ngôi tháp đã hư hại, sụp đổ. Điều đáng mừng là vẫn còn những tháp rất đẹp và toàn vẹn. Rồi đây người ta sẽ trùng tu lại, cầu cho họ đừng làm hỏng tháp bằng sự vá víu thiếu hiểu biết…
Cảm ơn những người Việt đã biết giữ gìn và chăm sóc Tháp, đã thờ phượng chu đáo để Tháp còn mãi uy linh với đất trời. Cảm ơn những người con Chăm luôn gìn giữ nâng niu truyền thống, đã chịu đựng muôn ngàn gian lao khó nhọc để sinh tồn mà không hề đánh mất bản sắc quý giá của mình…
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm cho ta tin rằng, những tháp đền chẳng bao giờ hoang phế. Những ngọn Tháp luôn toả ra thứ ánh sáng huyền hoặc của một thứ tâm linh thanh khiết, làm con người luôn thấy bé nhỏ khi đứng trước Tháp.
Ôi Tháp Chàm, Người chẳng bao giờ hoang phế mà mãi mãi muôn đời bền vững với thời gian…