Đây là nguyên văn phỏng vấn đã được trích đăng trên
báo Sài Gòn Giải phóng, số Tết 2008.
Tường Vân: Anh có cảm nhận gì về Giải thưởng Văn học Đông Nam Á? Theo anh, giải thưởng trên giúp gì cho sự phát triển của văn học TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung?
Inrasara: Trong buổi giao lưu gặp mặt Hội Nhà văn Thái Lan và sinh viên văn chương Thái, tôi quay sang hỏi tám vị đoạt Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2005: Các vị có ai biết tên ai không? Chưa phải không? Chưa biết tên nhau thì làm gì nói đến chuyện đọc của nhau. Có thể về kinh tế – chính trị, Đông Nam Á đã mở cửa, nhưng với văn chương thì không. Văn học chúng ta cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa! Tôi gọi văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới, là vậy.
Giải thưởng này là một trong những lối đi tích cực.
Nhưng các nhà văn từng đoạt giải, họ đã làm gì cho các nền văn học Đông Nam Á xích lại gần nhau? Chưa gì cả. Các nhà văn nhận giải mãi đóng cửa (nghĩa đen) với nhau, một tuần tại Bangkok và cả khi trở về nước. Đó là sự thật mà tôi đã kinh nghiệm. Phần tôi, khi nhận giải về nước, tôi đã liên hệ với Tạp chí Tia sáng dịch giới thiệu hai nhà thơ kèm theo ảnh, viết một bài tiểu luận: “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế Hậu thuộc địa” (Tia sáng số14, 20.07.2006); thế nhưng để tìm người viết về văn học Đông Nam Á đương đại thì… bế tắc! – Không ai cả! Cho nên số đặc biệt về nền văn học khu vực này đành dang dở. Chỉ thế thôi, mà khi tôi gởi đường link đến các bạn văn trên, họ ngạc nhiên vô cùng và nói: Lâu nay chúng tôi chưa ai nghĩ đến chuyện này, Inrasara có lẽ là người đầu tiên làm được thao tác cần thiết đó.
Tôi nghĩ nếu các bạn văn nhiệt tình hơn: giới thiệu nhau và giới thiệu các nền văn học của nhau đến với thế giới, thì văn học Đông Nam Á chắc chắn sẽ mang khuôn mặt khác hẳn.
– Anh có nhận xét gì về các sáng tác văn học hiện nay?
Inrasara: Tình trạng phân hóa của hệ mĩ học và quan niệm sáng tác xảy ra từ 5 năm trước, ngày càng trầm trọng. Mỗi năm, vô số sáng tác đăng báo, được in thành sách hay bắn lên mạng. Không ai tự nhận quán xuyến tất cả sáng tác phẩm khác lạ và cả khác nhau ấy. Nên, một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình.
Tôi là ngươi theo dõi khá sát sao sáng tác trẻ thời gian qua, nhất là thơ. không phân biệt vùng miền, dân tộc thiểu số/đa số, trong nước/hải ngoại, nam hay nữ,… Ở ngoài Bắc và các tỉnh thành khác, sáng tác theo truyền thống với nỗ lực làm mới từ truyền thống là thành tựu chính, rất đáng ghi nhận. Nhưng làm nên sôi động trên văn đàn mươi năm qua phải nói là các nhóm thơ, phong trào thơ ở TP Hồ Chí Minh. Bảy năm sau hậu đổi mới, văn học thành phố có những bước đột phá quyết liệt. Sẵn sàng mở ra nhiều chân trời mới lạ, chưa từng có trước đó, hứa hẹn bao nhiêu thành quả tốt đẹp. Văn chương mạng, Bàn tròn văn chương, trào lưu hậu hiện đại và tân hình thức, nhóm thơ nữ sáng tác theo xu hướng nữ quyền luận,… nở rộ. Chính chúng lôi kéo công chúng chú ý đến văn chương nói chung. Cho dù chúng chưa có thành tựu lớn như độc giả đòi hỏi, nhưng chính các trào lưu và nhóm thơ này đã mang luồng khí mới mẻ, dũng mãnh thổi vào khí hậu văn học Việt Nam hôm nay.
Nhưng tiếc là, Sài Gòn không đẻ nổi cây viết phê bình, một phê bình dám nhập cuộc vào dòng chảy của văn chương đang xảy ra. Phê bình mà phải cứ khép nép trong căn chòi khuôn phép, không dám xông pha khai phá [và dũng cảm đánh giá] các hiện tượng văn học đương thời, cứ mải ru nhau ngủ dưới vài hệ thẩm mĩ đã được lưu kho từ thế kỉ trước, thì làm sao có nền phê bình đúng nghĩa?
Và làm sao văn chương chúng ta có cơ hội vươn vai lớn dậy?