TA LÀ AI? LÀM GÌ? TA ĐI VỀ ĐÂU?
Thư cho bạn xa
Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó. Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật. Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương.
Inrasara.
Bạn thân mến
I. Ta là ai?
Ta luôn muốn tiến bộ, muốn đi, muốn “dọn đường cho mình lối đi mới” (như lời bạn trên Chamyouth.com). Nhìn khắp xung quanh, thiên hạ tiến tới ầm ầm. Cường quốc hay các nước đang phát triển, cả dân tộc một thời lưu vong như Do Thái nhìn đâu cũng thấy trừ cộng đồng đó nẩy nòi bao nhiêu là vĩ nhân: từ văn học, triết học cho đến tỉ phú, nhà khoa học. Còn mình? Mãi khuôn nhà và rào làng với “hủ tục” cũ như cách nói của anh bạn trên và nhiều người nữa. Có ai ưu tư về cộng đồng mà không bức xúc vấn đề đau lòng và rất thực ấy? Bạn và không ít anh chị em đã đặt ra câu hỏi đó
Nhưng trước khi đi, chúng ta cũng cần biết mình là ai chứ? Không ai xuất phát từ số không cả. Hành trang vật chất và tinh thần, dẫu sao cũng cần ít vốn lận lưng.
Có người thơ tấp tểnh đi buôn
Lận lưng ít nắng quê làm vốn…
(Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể…)
Tôi đã phác họa ông anh ruột mình, như thế. Nghèo, nhưng không mất gốc. Cả người Chăm tha hương cũng thế:
Giấu chút nắng quê hương vào túi
Làm hành trang mai mốt tìm về
(Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng)
Lấy “nắng quê” làm vốn để đi chưa lạ, quan trọng hơn là chính “nắng quê” ấy dọn đường soi lối cho ta tìm về ngày mai, một khi ta đã thành đạt. Không ít Chăm đã ra đi, nhưng khi công thành danh toại đã không “biết đường về”. Như vậy, biết hỏi ta là ai? rất quan trọng. Bởi mãi hôm nay, ta chưa trả lời xong câu hỏi cốt tử này. Ta hãnh diện về văn hóa tổ tiên, về kiến trúc điêu khắc Champa, một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, dân tộc có bia khắc tiếng Phạn đầu tiên, có chữ viết bản địa đầu tiên ở Đông Nam Á, vân vân… Nhưng nền văn hóa ấy to thế nào, thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn khá mù mờ. Nên, có chuyện „tìm về cội nguồn cách xa“, như cách nói của Dohamide.
Về nguồn để hiểu ta là ai. Cần biết ta là ai, để kiêu hãnh. Như vậy, câu hỏi là: giữa bao mảnh vụn (les ruines) của nền văn minh mà thế giới từng công nhận lớn kia, đâu là cái nên giữ, đâu là thứ đáng vứt đi? Biện biệt thực hư thì phải nhờ con mắt chuyên môn. Muốn có con mắt chuyên môn thì phải học, khiêm cung học. Vì chỉ có ta mới khả năng hiểu đúng ta, hiểu toàn diện hơn. Hiểu để giúp ta hiệu quả hơn.
Nên mới có những đứa con của đất không ngại khó khăn, đi vào các môn học khô khan để lần từng bước tìm về. Như bạn, như tôi, và nhiều đứa con khác nữa.
Chúng ta cần nhặt nhạnh các mảnh vụn dù bé mọn nhất, soi xét xem chúng có đáng cho ta hãnh diện không? Điều đó cần bao thời gian và công sức, trong lúc Chăm mình nghèo, quá nghèo.
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ…
Cần biết ta là ai để cho dù đi tới đâu ta vẫn còn biết lối tìm về. Còn nếu ta chưa hiểu ta, thì ta rất dễ chối bỏ ta: cha mẹ, tổ tiên ta, tiếng nói, cái “họ” của ta… để cuối cùng ta chối bỏ chính ta:
Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực
(Inrasara, Tháp nắng)
Tôi biết các bạn nóng lòng muốn Chăm tiến bộ, nóng ruột nên có hơi thiếu đôi chút bình tĩnh, trong nhận định hay cả hành động. Ai mà chẳng thế. Nhưng ta cần thời gian, cần tiền bạc, và nhất là cần tấm lòng. Cần rất nhiều thứ chỉ để biết ta là Chăm.
Xin lỗi đã dẫn chứng thơ hơi nhiều. Điều đó vừa vui cuộc đồng thời để nêu chức năng thi ca. Thơ không chỉ thuần giải trí. Bạn thấy: thơ chỉ cần vài câu để nói điều cần nói, trong khi văn nghị luận cần cả trăm trang.
II. Đứng ở đâu?
Trước khi muốn đi, ta cần biết mình đang đứng ở đâu?
1. Địa bàn cư trú.
Ở Việt Nam, Chăm sống rải rác trên mười tỉnh thành khác nhau. Năm năm trở lại đây, thanh niên (cả nam lẫn nữ) Chăm Panduranga tràn vào các thành phố kiếm việc làm, ngoài [ ít làm nghề bàn giấy, đa phần làm nghề tay chân (may, ở đợ, thợ phụ xe,…). Không ai biết họ đi đâu, làm gì tại các tỉnh thành nào (Inrasara, “Chăm Panduranga tại Thành phố. Hồ Chí Minh”, Tagalau 4).
Ở nước ngoài, Chăm vẫn cứ rải rác. Bà con cũng mơ sống cộng đồng, nhưng điều kiện không cho phép. Mức sống Chăm chưa khá, nếu không muốn nói là còn nghèo. Riêng Campuchia, dân số Chăm đông hơn cả, tập trung thành cụm dân cư đông đúc, nhưng cộng đồng đó chưa có khuôn mặt nào nổi bật trên trường quốc tế. Ở Thái Lan, dường như Chăm đã quên nguồn cội (chưa thấy Chăm – Thái Lan nào một lần về thăm cố hương), còn giới trẻ ở đây hoàn toàn quên tiếng mẹ đẻ. Chăm – Hoa Kì dường như (dường như thôi, bởi ngay bây giờ ta vẫn chưa có thống kê xã hội học về vấn đề này) tập hợp nhiều tinh túy hơn, có tinh thần cầu tiến, tình yêu văn hóa truyền thống cao hơn, nhưng thử hỏi hai thế hệ sau có còn như thế?
2. Về tín ngưỡng – tôn giáo.
Tại Panduranga, Chăm có Cam Ahier và Cam Awal; từ thập niên 60 của thế kỉ trước, Chăm có thêm Islam, rồi cuối thế kỉ lại có thêm Đạo Chúa [đủ hệ phái] đang phát triển mạnh. Ở Hoa Kì và Châu Âu, do yếu tố di cư mới, tín ngưỡng-tôn giáo Chăm có cả tín ngưỡng-tôn giáo Chăm Panduranga; dĩ nhiên số lượng phân bố tỉ lệ khác nơi cố quận. Còn các nước khác: đại đa số là Chăm Islam. Đó là cái nhìn tổng thể, chi tiết thì phải đợi một nghiên cứu sâu và chuyên hơn.
3. Ngôn ngữ.
Từ sự rải rác của địa bàn cư trú cũng như việc phân hóa về tín ngưỡng-tôn giáo từ đó, ngôn ngữ mỗi vùng bà con bảo lưu ngôn ngữ gốc và phát triển vốn từ vựng mới có nhiều khác biệt. Chăm Panduranga vay mượn tiếng Việt là chính (có khi lai độn đến bảy mươi phần trăm), Chăm Sài Gòn và Miền Tây thì vay cả tiếng Việt lẫn Mã Lai. Tại hai vùng này, bà con ta gặp nhau đều trao đổi bằng tiếng Việt! Riêng Chăm Campuchia thì vay mượn tiếng Khmer (và một phần Mã Lai, Ả Rập). Rồi Chăm cư trú tại các nước khác nữa,…
4. Chúng ta hiểu gì về văn hóa Chăm?
Câu trả lời thành thật nhất: Chưa hiểu gì nhiều cả! Về lịch sử, văn học, ngôn ngữ, mĩ thuật, khoa học,… Chuyện gần nhất, vụ việc tổ chức hàng năm: Katê, Rija Nưgar, Ramưwan ta cũng mơ hồ. Như vậy thì làm thế nào? Đâu là “lễ” quan trọng nhất của dân tộc? Đâu là cái thuần dân tộc? Lễ tục nào vừa dân tộc vừa tôn giáo hay chỉ thuần tôn giáo? Trả lời được câu hỏi này, không dễ.
Chẳng có cái gì bắt nguồn từ hư vô. Trong Phật giáo có nhiều yếu tố của Ấn Độ giáo và Kinh Vệ Đà; tư tưởng Hồi giáo mượn một số khái niệm của Tân ước, còn Tân ước lại thoát thai từ kinh Cựu ước. Trong văn chương hay triết học cũng vậy. Từ đó, ta biết rằng các yếu tố văn hóa Chăm cũng tuân theo quy luật thâu thái và tiếp biến đó. Với truyền thống văn hóa một dân tộc, không thể cắt đứt một lần cho mọi lần. Ta không thể nào từ chối truyền thống ông bà ta được. Dù nó lạc hậu tới đâu, ta vẫn phải chấp nhận nó, chấp nhận để cải biến.
Cũng vậy, Katê, Rija Nưgar, Ramưwan… là hiện trạng của tôn giáo – tín ngưỡng, nó tồn tại trong xã hội Chăm. Nó xảy ra ở quá khứ, kéo dài đến hôm nay. Nó có quan hệ mang tính lịch sử-xã hội chặt chẽ với nhau. Phân biệt được đâu là lễ – dân tộc với lễ – tôn giáo là điều rất quan trọng. Người Việt có Giỗ tổ Hùng Vương, có Tết Nguyên đán của dân tộc; nhưng mỗi bộ phận tôn giáo (Phật, Chúa, Cao Đài,…) có ngày lễ tôn giáo riêng của mình. Về ba lễ phổ biến trên thôi, hiểu biết văn hóa dân tộc của ta còn khá thiếu khuyết và mơ hồ. Không ai nắm trong tay chân lí cả nên, cần khiêm tốn nhìn lại hiểu biết của mình.
III. Làm gì?
Dù cần tiền, cần làm giàu cũng như rất thích phấn đấu để có chức, có quyền; nhưng có lẽ bởi định kiến văn hóa, với trật tự ưu tiên: sĩ – nông – công – thương, nên ta có vẻ quý trọng kẻ có chữ nghĩa hơn, từ đó coi trọng người “làm văn hóa” hơn. Đó là: ngành giáo, y bác sĩ, nhà nghiên cứu,… Tôi cho rằng định kiến ấy không được thực tế lắm. Xã hội là tập hợp nhiều thành phần, đỡ đần và hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển. Nhất là với cộng đồng Chăm hôm nay, ta rất cần người biết làm kinh tế, dù họ chỉ làm kinh tế cho gia đình thôi; nhưng bằng tác động qua lại, họ gián tiếp giúp cộng đồng. Người làm công chức các cơ quan hành chính cũng vậy. Ngành nào ta cũng cần nhiều người cộng tác, phấn đấu lên chức vị cao hơn, hiểu rõ chính sách của nhà nước sở tại, từ đó có điều kiện giúp cộng đồng. Lạ là, mãi đến hôm nay, Chăm chưa có ai tốt nghiệp Đại học điện ảnh, chưa có nhà báo hay nhà thể thao chuyên nghiệp,… trong khi chúng ta thừa kĩ sư, thừa bác sĩ, rất thừa giáo viên.
Nhưng ở đây, ta đang bàn về văn hóa dân tộc. Tạm nhận rằng: “Vốn hiểu biết của ta về văn hóa dân tộc mình còn quá sơ lược”. Vậy, phải làm gì? Thử nêu vài điểm, qua đó một số khía cạnh của vấn đề được sáng tỏ hơn.
1. Các điểm hạn chế.
Các thành tựu về nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm chưa nhiều. Tiếc là ngay cái “chưa nhiều” đó cũng không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Với đà phát triển của văn minh hiện đại, di sản văn hóa tổ tiên đang suy thoái nhanh, nếu không làm kịp thời, chúng mai một và biến mất một ngày không xa. Bởi yếu tố lịch sử, đa phần vốn quý ấy đang nằm ngoài tầm với của ta. Bên cạnh đó, phần đông Chăm nghèo, không đủ tiền đầu tư cho một chương trình toàn diện.
2. Các yếu tố tích cực.
Các thành tựu dù chưa nhiều, nhưng chúng là cơ sở bước đầu cho thế hệ trẻ tiếp bước. Thế hệ nào cộng đồng Chăm cũng sinh ra những đứa con yêu văn hóa dân tộc đầy nhiệt thành và vô vị lợi (dĩ nhiên vẫn có kẻ trục lợi bằng văn hóa). Thế hệ hôm nay có nhiều người học cao, thuận lợi trong tiếp cận tài liệu và phương pháp nghiên cứu tiên tiến. Thêm, văn hóa Internet phát triển cũng là một yếu tố thuận lợi khác.
3. Như vậy, làm thế nào?
Thứ nhất, xác định lãnh vực cần nghiên cứu. Dục tốc bất đạt. Không thể đi nhanh được, dù ta biết nếu không làm sớm thì mất hết! Đã có vài sản phẩm làm vội và làm hỏng, từ đó gây nhiều ngộ nhận tai hại. Những gì đã làm được (tương đối thôi), tạm thống kê: kiến trúc – điêu khắc, ngôn ngữ, văn chương, tôn giáo – tín ngưỡng,… Dĩ nhiên, tìm cuốn sách viết về các lãnh vực trên không khó, riêng chúng đạt chuẩn tới đâu thì cần xem lại. Nhưng dù sao, có còn hơn không. Các lãnh vực như: âm nhạc, y học, khoa đóng tàu, kĩ thuật xây tháp,… vẫn còn là khoảng trắng.
Thứ hai, khởi đầu từ cái nhỏ nhất.
Ví dụ: Ý định viết bộ Văn học Chăm là lớn, do đó tôi đã khởi đầu rất sớm và từ chuyện cực nhỏ: lang thang vào các làng Chăm thu lượm trong dân gian từ câu tục ngữ, nửa bài ca dao, mượn từng bản thảo ariya về chép. Đó là cách nghĩ mang tính hậu hiện đại. Suy nghĩ lớn, khái quát toàn cục vấn đề nhưng hành động phải từ cái nhỏ, mang tính cục bộ. Ví dụ về văn hóa Chăm: mọi người đều hiểu mơ hồ rằng âm nhạc Chăm phong phú, đa dạng, đặc sắc. Nhưng nó đặc sắc thế nào thì có ai nói cho chúng ta biết chưa? Chúng ta bắt đầu từ đâu? Ai khởi động công cuộc ấy?
Vậy, phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất.
Thứ ba, nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành. Lực lượng quá mỏng, nếu ta “thuần” quá, hay nói cách khác: “quá chuyên nghiệp” thì hầu như sẽ không có người làm. Ta mới có một/vài người ở mỗi lĩnh vực. Amư Nhân nhạc sĩ lấn Amư Nhân ca sĩ. Về mĩ thuật, Đàng Năng Thọ sáng tác là chính,… Các anh chưa thử dấn bước tới để nghiên cứu âm nhạc hay mĩ thuật dân tộc. Trong khi tầm vóc của một “nhà” được đánh giá qua ba khía cạnh. Về mĩ thuật chẳng hạn, bạn cần bao trùm:
– Sáng tạo của bạn phải nổi bật lên trong giới, chứ không phải chỉ bó hẹp cộng đồng.
– Khả năng nghiên cứu về nền mĩ thuật dân tộc, đủ viết công trình đầy uy tín về nó, như là chuyên gia đầu ngành.
– Kiến thức bao quát về các nền mĩ thuật thế giới để có thể làm lí luận-phê bình.
Ở đây không phải chỗ bình luận, mà là một ghi nhận thực tế đó trong xã hội ta, với mục đích duy nhất là: khích lệ thế hệ mai sau nỗ lực hơn nữa.
4. Hãy làm ngay đi!
Ý thức được mình là Chăm, nhưng ý thức đó cần đi với hành vi cụ thể để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Hô hào về nguồn là tốt, nhưng nếu hô cho to mà không chịu hành thì vô ích; còn hô hào cho kẻ khác làm cũng chẳng tới đâu. Đấy là nói những con người có tâm thành và thiện chí, chứ kẻ hô hào với ý định vị kỉ nào đó, thì không bàn.
Nhưng, làm gì?
Nói dễ, làm khó. Đó là điều mọi người đều biết. Ví dụ, việc tưởng rất dễ nhưng ít ai làm được: sưu tầm truyện cổ. Một người trình độ Đại học, chỉ cần chịu khó đi và ghi chép thôi cũng làm được, vậy mà đến lúc này Chăm vẫn chưa có bộ truyện cổ nào ra hồn. Các ấn phẩm hiện có chỉ là thành quả của sao đi chép lại từ những gì người đi trước. Ví dụ khác, damnưy Chăm. Không cần tài năng to lớn, chỉ cần học hết cấp phổ thông, biết dịch từ tiếng Chăm ra tiếng Việt là chúng ta có nguyên bộ sưu tầm giá trị. Vậy mà mấy chục năm qua, rất nhiều người nói mà chưa có ai chịu làm. Là sao?
Nữa: các trường ca Chăm giá trị đã được sưu tầm và xuất bản, ai sẽ là người học thật giỏi tiếng Anh (được đào tạo kĩ năng dịch thuật có bài bản) để có thể dịch chúng ra ngôn ngữ quốc tế phổ biến ra thế giới. Có ai tự định hướng chuyện đó cho mình chưa nhỉ? Có lẽ chưa!
Yêu cầu trước mắt: đừng lo nói hay kêu gọi nữa, mà hãy lo làm. Tùy thế đứng, khả năng hay điều kiện xã hội của mình. Không ai sinh ra là đã biết, hãy khiêm cung học tập. Không ai sinh ra là đã có sẵn, hãy thu nhặt từng viên sỏi nhỏ.
Đó là nói dễ, làm khó. Cạnh đó, nói khó, làm dễ là yêu cầu ở tầm cao hơn.
5. Dám làm cái mới
Trong bài viết trước, tôi có đặt câu hỏi: ariya Chăm đã được sưu tầm, dịch ra tiếng Việt kha khá; có ai trong Chăm tự định hướng cho mình ngành học để dịch chúng sang tiếng Anh, giới thiệu văn chương Chăm ra thế giới? Hôm nay, ta thử nêu vài câu hỏi thiết thực khác:
Tại sao mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có phóng viên báo chí? Báo chí là một chuyện tất yếu của phát triển, cực kì quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa, đến nỗi người ta đặt tên cho nó là: cuộc chiến thông tin. Trong khi ta cứ lo đầu tư nghiên cứu, đổ xô nhau làm khoa học!
Và, có ai trong chúng ta định hướng đào tạo để trở thành đạo diễn điện ảnh chưa? Chưa! Trong lúc chính qua điện ảnh, văn hóa dân tộc mới dễ dàng đi đến với thế giới hơn cả. Không cần thông qua “dịch thuật” của ngôn ngữ.
Tại sao chúng ta vẫn chưa có nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc? Đây là một nguy cơ mất mát oan uổng nhất. Mình cứ than phiền người này, kẻ nọ làm sai, nhưng tại sao mình không chịu làm. Không làm, lại đi phiền kẻ khác ư? Một ví dụ đau lòng: trong thời gian điền dã nghiên cứu, một cụ già Chăm quá tám mươi, đã kể truyện cổ Pháp, nhưng lại đinh ninh nó là Chăm! Hôm nay, các cô, các dì ở nhà quê đang hát dân ca theo lối hát của Đoàn bán chuyên! Như thế làm sao đòi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?
Thêm, cũng có người theo nghề báo chí hay học khóa điện ảnh; nhưng có ai dám từ bỏ tất cả để dấn thân trọn vẹn cho nghề nghiệp. Tham vọng trở thành kẻ xuất sắc trong lãnh vực của mình, ta chưa có quyết tâm đó.
Câu hỏi cũng rất đáng đặt ra: Chăm có nên làm nhiều thơ không? Bài vở gởi về Tagalau, số lượng thơ áp đảo. Nếu bạn muốn theo nghề viết lách, cần ưu tiên cho văn xuôi. Thơ rất khó. Sáng tác bài thơ trung bình để gọi là có đọc thì ai cũng làm được, miễn là học qua cách ráp vần, và năng khiếu chút đỉnh. Còn muốn chinh phục được người đọc rộng lớn, anh phải nỗ lực lớn lao và không ngừng. Làm luận văn tiến sĩ, chỉ yêu cầu siêng năng và cẩn thận, thêm giáo sư hướng dẫn là đủ. Còn để thành nhà thơ, anh phải tự đi một mình!
Có thành công, thơ cũng không nói được gì nhiều. Tiểu thuyết chuyển tải được nhiều điều hơn. Ngay tiểu thuyết, trong số báo mới nhất, Naipaul (Nobel 2001) ý định từ nay ông không bao giờ viết tiểu thuyết nữa, có lẽ. Bởi đứng trước hiện thực ngồn ngộn của thế giới hiện đại, thể loại này không bắt kịp đà chảy của thời đại. Ông viết:
“Thời đại của tiểu thuyết đã qua. Bây giờ chỉ có các thể loại phi hư cấu mới có thể bắt kịp nhịp sống phức tạp của cuộc sống hiện đại hôm nay. Tôi nhận thấy rõ rằng, nếu chỉ dành cả đời để viết tiểu thuyết, bạn sẽ bóp méo nguồn tư liệu mà mình có.
Bởi hình thức tiểu thuyết bắt buộc bạn phải nhào trộn chất liệu hiện thực, kịch hóa nó theo cách này hay cách khác. Tôi nghĩ các thể loại phi hư cấu cung cấp cho nhà văn khả năng khám phá thế giới hiện hữu hoặc một thế giới khác mà anh ta chưa hẳn đã biết một cách đầy đủ.” (The Hindustan Times)
Với tôi, thi ca không kham nổi trọng lực dòng chảy cuộc sống sôi động hôm nay. Thơ nói được “rất ít”, và chỉ dành cho tâm hồn đặc tuyển. Cần tìm cách biểu hiện khác qua thể loại khác.
Như vậy, qua lớp sương mù của quá khứ, các trí thức Chăm chưa giúp được quần chúng Chăm hiểu nền văn hóa dân tộc mình và từ đó, hiểu rõ mình thì làm sao người ngoài có thể hiểu đúng ta? Khi ta bắt đầu nhận thức và khiêm tốn học và làm, ta biết mình là ai, đang đứng ở đâu và làm gì. Rồi, ta đi về đâu? Ta tự hỏi: lúc này, thực sự ta muốn gì?
Một dân tộc Chăm nhận biết lịch sử – văn hóa dân tộc, ý thức được vị thế của mình trong lòng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập. Một dân tộc Chăm đủ ăn, đủ mặc đồng thời là một dân tộc đoàn kết, sống đầy tính trí tuệ và nhân bản. Các thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam hiểu nhau, xem nhau như ruột thịt để cùng xây dựng và tiến bộ.
Ta là ai? Ta ở đâu? Rồi, ta đi về đâu? Đây không phải là những ưu tư siêu hình hay là những vấn nạn muôn thuở của triết lí mà là các câu hỏi mang tính thời sự và thiết thực. Nó buộc ta phải tìm lời giải đáp cụ thể và thỏa đáng. Nếu biết đặt vấn đề một cách trung thực, chuẩn xác và nghiêm túc thì coi như ta đã giải quyết được một nửa vấn đề.
Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đất nước Việt Nam như một cỗ xe lớn đang lao về phía trước. Chăm đóng góp những gì? Từ chối thỏa mãn với thành tích cha ông ở quá khứ, không thể để bị tụt hậu với thời cuộc, ta cần đóng góp phần của mình trong cuộc sống sôi động này. Đất nước mở cửa, các lãnh vực văn hóa Chăm cần nghiên cứu đang mở rộng trước mắt ta, các vùng đất hoang đang chờ bàn chân ta in dấu. Tại sao các bạn không thử một lần lên đường khai phá?
“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nẩy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gách nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết” (Phạm Huy Thông, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học xã hội, 1998, tr. 161). Đó là sự thật lịch sử. Nhưng lúc này bạn chưa đứng ngang với tầm vóc đó của quá khứ. Và tương lai như muốn vuột thoát khỏi bàn tay bạn nếu bạn không ý thức đầy đủ vị thế và trách nhiệm của mình. Gìn giữ tinh thần bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc ¬¬– bảo bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc – hội nhập vào cuộc sống mới. Làm sao có thể đứng vững trên kiềng ba chân đó mà không cho nó lệch? Nói khác đi, làm sao ba yếu tố căn bản đó có thể phát triển một cách quân bình và hài hòa trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng các dân tộc?
Một sứ mệnh vinh quang và nặng nề biết bao!