THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU?
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
NĐT: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ.
Inrasara: Thường thì tôi bắt đầu một bài thơ qua gợi hứng từ chữ. Tôi thấy một chữ hay, nắm lấy nó, tìm tứ và hình ảnh rồi khi bắt được nhịp thì bài thơ trào ra. Không có hoàn cảnh ra đời nào cả! Với tôi, một hoàn cảnh cụ thể nào đó ít khi cho ra đời một bài thơ. Có, nhưng nó phải là một ám ảnh. Ví dụ bài thơ thường được báo chí trích dẫn: “Những dấu chân ơn nghĩa” (Lễ tẩy trần tháng Tư).
Bài thơ được gợi hứng từ chữ “dấu chân”, “dấu vết”. Lần đầu vào Càphê Dấu ấn, tôi được cho biết, các dấu chân in trên nền ximăng được bọc lớp kiếng dày kia là của vài người nổi tiếng. Tôi chợt nhớ đến Phạm Công Thiện: “sống mà không để lại dấu vết”. Nhưng con người lại thich lưu lại cái gì đó. Điều này ám ảnh tôi: dấu vết vô ích và… vô thường! Có khi một dân tộc, một nền văn minh cũng chỉ mong để lại vài dấu vết trên mặt đất này thôi, cũng không thể. Thế là bài thơ ra đời.
NĐT: Tôi thích bài thơ của anh. Nhưng nói vậy chưa đủ, chúng ta có thể bàn thêm một chút về chuyện bếp núc của thơ được chăng? Tôi xin nói thẳng, nếu tôi là nhà thơ Inrasara, tôi sẽ bỏ chữ ơn nghĩa sau câu “Gốm nung làm dấu chân”, và cả cái tựa đề. Anh thêm vào như thế có thừa không, thưa anh?
Inrasara: Đồng ý, thế mới lạ chứ! Trước, tôi đặt tựa là: Lịch sử, nhưng không báo/người biên tập nào duyệt in cả. Thế là tôi tự ý thay. Cả khi bài thơ được đọc, hai câu cuối luôn bị “quên” đi. Thêm cái ví dụ: Trong tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi có loạt bài “Những ngày rỗng”. Nhà xuất bản chẳng những cắt bỏ 7 “Những ngày rỗng” của tôi mà còn bảo tôi thay “rỗng” bằng “trống”, mới chịu cho in. Nếu ở dưới là bị kiểm duyệt thì trường hợp trên phải kêu đích danh “tự kiểm duyệt” tệ hại!
NĐT: Đây có phải là bài thơ vừa ý nhất của anh không? Nếu là, tại sao? Nếu không phải, và buộc phải chọn một, đó là bài nào?
Inrasara: Đó là bài thơ đề cập vấn đề khá to: sự mong manh của định mệnh một dân tộc, một nền văn minh,…Mà tôi lại không thích đề tài to tát cho lắm. Cái bấp bênh của thân phận một người/một thế hệ con người cụ thể, gần gũi với tôi hơn. Bài thơ sau là một ví dụ: “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay” (Lễ tẩy trần tháng Tư).
NĐT: Nói gì thì nói, tôi buộc phải xem bài này là bài vừa ý nhất của nhà thơ Inrasara. Vậy hãy quay lại với nó một tí: có ba khái niệm khác nhau sau đây: bài thơ (của mình) mà tác giả thích nhất, bài thơ mà tác giả vừa ý nhất, và bài thơ mà tác giả cho là hay nhất. Bài này anh nghiêng về phía thích nhất hay hay nhất? Cái gì làm cho anh nghĩ như thế?
Thú thật tôi không thấy bài này hay và nếu chọn một bài của Inrasara, tôi sẽ chọn bài “ Những ngày rỗng, ngày 8”, đã đăng trong tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại (2002):
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
…Sống chỉ một lần.
Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần…
Inrasara: Thật tình, tôi luôn lúng túng khi bị/được hỏi bài thơ hay nhất hoặc thích nhất? Nói chuyện về thơ, tôi luôn đọc thơ của bạn thơ đương thời tôi cho là hay, đúng hơn: bài thơ tôi có ấn tượng hơn cả trong năm. Còn khi bị yêu cầu đọc bài thơ “hay nhất” của mình, tôi luôn chọn bài ngắn, thật ngắn thôi.
Ở đây, lần nữa anh lại đúng: cả hai bài tôi đều thích!
NĐT: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? hình ảnh? âm nhạc? vần điệu? ngôn ngữ?
Inrasara: Nhịp điệu quan trọng hơn cả. Ngôn ngữ mới: cần, hình ảnh lạ: cần; nhưng chính nhịp điệu làm bài thơ tồn tại như là bài thơ.
NĐT: Anh muốn nói là âm nhạc?
Inrasara: Vâng. Nếu anh muốn dùng từ đó.
NĐT: Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, và muốn đọc cho mình nghe nhất?
Inrasara: Bài “Những ngày rỗng, Ngày đẹp nhất” (Lễ tẩy trần tháng Tư), có lẽ. Tôi cũng không chắc lắm.
NĐT: Cho tôi được lập lại câu thơ của anh: Vạn cánh chuồn chuồn tuổi thơ bay sáng căn phòng. Đẹp quá. Tôi muốn nói là hình ảnh. Nhưng còn âm nhạc thì sao? Còn có thể sửa được nữa không, thưa anh ?
Inrasara: Nếu có thể sửa được thì tôi đã sửa rồi.
NĐT: Trong thời gian gần đây, một tháng, một năm, năm năm, có một sự kiện xã hội, chính trị, văn học, lịch sử nào đã tạo nên cảm xúc làm nền cho một bài thơ của anh?
Inrasara: Năm ngoái, hạn hán tại Ninh Thuận quê tôi, kéo dài. Đến trâu bò, cừu dê,… chết hàng loạt vì thiếu cỏ và nhất là, thiếu nước. Hình ảnh bầy cừu xúm lại ngẩng đầu nhìn cậu chủ chăn cầm bình nước uống đăng trên báo Tuổi trẻ đã ám ảnh tôi kì lạ. Một năm sau bài thơ “Chuyện về bầy cừu” ra đời (Tienve.org).
NĐT: Nếu ngày mai có một cuộc tập hợp đông người, và người ta đẩy anh lên sân khấu: đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?
Inrasara: Tôi thường đọc bài “Tạ ơn” trước đám đông. Là một trong ít bài thơ mà tôi thuộc lòng. Tôi nghĩ, nó có một ý nghĩa nào đó.
NĐT: Tôi nghĩ là công chúng nghe thơ sẽ đặc biệt yêu mến bài thơ này. Ở Việt Nam, Inrasara có nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ (popular) không?
Inrasara: Nếu nổi tiếng nghĩa là được thông tin đại chúng quan tâm thì, tôi rất nổi tiếng nữa là khác. Ba lần ngồi chễm chệ trên trang đầu tờ nhật báo! Hơn trăm bài viết, 7 phim riêng về Inrasara, còn “chung” thì tôi không nhớ được; khoảng mươi luận văn tốt nghiệp lấy thơ Inrasara làm đối tượng; đó là chưa kể các Giải thưởng!
Này nhé: hết “hiện tượng thơ”, “xuất hiện như một huyền thoại” đến “kì nhân trong làng viết”, “đỉnh cao”, rồi thì “cây bút phê bình lỗi lạc”,… và cả “Chuyện tình của hai vợ chồng nổi tiếng nhất vùng Chăm (tít một bài báo Xuân)”, vân vân… Như thể sao ca nhạc đang lên vậy! Nổi tiếng, nghĩ lại: khá buồn cười. Và, phiền hà! Không ít lần tôi từ chối đọc thơ trên truyền hình, cộng tác làm phim [về Sara] không dính dáng đến chuyên môn (ví dụ: Chương trình Người xấy tổ ấm!) hay trả lời các phỏng vấn mục đích không gì hơn để thỏa mãn óc tò mò của độc giả.
Nổi tiếng – không phải bởi thơ tôi hay hơn sáng tác của các bạn thơ cùng thời, mà tôi may mắn/rủi ro hơn, có lẽ. Tôi hoạt động ở nhiều lãnh vực (nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Chăm là một trong những), lại là nhà thơ dân tộc thiểu số duy nhất không phải do Nhà nước đào tạo, nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất 2 lần nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Và vài thứ “đầu tiên và duy nhất” khác. Toàn món ăn khách không à! Ngoài ra, Sara còn được “ăn theo” nổi tiếng của bà xã (“Bàn tay vàng thổ cẩm”) nữa.
NĐT: Anh không làm thơ nữa, có được không?
Inrasara: Không! Tôi làm thơ từ 15 tuổi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, nhưng chưa bao giờ có ý định gởi thơ đăng báo nói chi in tập. Mãi đến tuổi 40 mới ra tập đầu tay. Nên với tôi, không thể không làm thơ.
NĐT: Anh làm thơ bằng tiếng Chăm nhiều hơn hay tiếng Việt nhiều hơn? Ngôn ngữ nào anh cảm thấy thoải mái hơn cả khi thể hiện trong thơ? Tôi đang tự hỏi trường hợp Inrasara có giống như trường hợp các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài, sử dụng thành thạo tiếng Việt lẫn tiếng Anh hay không?
Inrasara: Tôi thường được cho là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Chăm. Dạy tiếng Chăm từ năm 17 tuổi, cho đủ cấp, thành phần, lứa tuổi. Đến hôm nay tôi đã có 3 công trình về Từ điển Chăm – Việt (viết chung), Tự học tiếng Chăm và nhiều tiểu luận về ngôn ngữ này. Đó là chuyện “hàn lâm”, sách vở. Trong khi tôi say mê tiếng Chăm “sống” hơn, lo lắng cho sinh phận của nó hơn. Sáng tác thơ là để phụng sự nó.
Tôi chưa viết văn xuôi bằng tiếng mẹ đẻ, nên chẳng hiểu nó khó nhọc thế nào. Riêng làm thơ, tôi dùng tiếng Việt và Chăm khá thoải mái. Số lượng cũng thế: suýt soát nhau. Tiếc là các bài thơ tiếng Chăm của tôi chưa được in nên bị thất lạc nhiều.
Về vế thứ hai, tôi không hiểu hoàn cảnh và tâm thế các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài thế nào nên tôi chẳng hình dung được họ có giống tôi hay không.
NĐT: Anh thường đọc nhà thơ nào? Việt Nam? Nước ngoài? Anh học ở họ điều gì?
Inrasara: Tôi đọc tất! Không phân biệt cùng hay khác khuynh hướng sáng tác. Cũng chẳng dị ứng với cái mới lạ, cả cái bị xem là nhố nhăng hay quá khích. Tôi có thói quen dạo các hiệu sách cũ tìm mua sách. Xin kể vài nhà tôi đọc từ ba lần trở lên: Bùi Giáng, Tố Hữu, Chế Lan Viên đến Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện… của thế hệ trước. Các nhà thơ cùng thời với tôi: Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Quang Thiều, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Tranh, Nhóm Mở Miệng,… Nhà thơ nước ngoài: Jacques Prévert, Saint-John Perse, René Char, Bonnefoy, Rilke, Brodski (bản tiếng Pháp),… Mỗi người tôi học được vài thứ khác nhau.
NĐT: Xin cho nghe cụ thể hơn, ví dụ anh học được gì ở Bùi Giáng và ở Tố Hữu?
Inrasara: Tôi hoàn toàn mù tịt/không quan tâm đến các giai thoại về một tên tuổi nào đó. Bùi Giáng hay Tố Hữu không là ngoại lệ. Năm 1998, tôi có hỏi một bạn thơ ở Hà Nội: trong giai đoạn chiến tranh, Miền Bắc có hiện tượng nào như thể một Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng ở Sài Gòn không? Anh ta bảo: có, Tố Hữu. Tôi tin anh ta thành thật. Với tôi, ngôn ngữ thơ của cả hai nhà trên như thứ ma thuật. Khác điều: ở Bùi Giáng, nó phụng sự cho chữ, còn ở Tố Hữu: phục vụ cho một mục đích.
NĐT: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ Việt Nam khác đương thời mà anh chị thích nhất hay nhớ nhất.
Inrasara: Đó là bài “Gia tài” của Nguyễn Hoàng Nam (đăng ở Tạp chí Thơ tại Mỹ) và bài “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát (xem lời bình của tôi trên Tienve.org: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”). Tôi không đảm bảo nó hay, nhưng nó tạo cho tôi một ấn tượng sâu đậm! Cả hai bài thơ khả năng đánh tơi tả vào cái nghiêm nghị trịnh trọng đầy giả tạo của văn chương và xã hội Việt Nam.
NĐT:Thơ cần thiết cho ai?
Inrasara: Cho tất cả mọi người quan tâm đến cuộc sống tinh thần, không phân biệt giai cấp hay thành phần xã hội. Thật tình, tôi thích [và thường] đọc thơ mình cho các anh nông dân, cô bán quán nghe hơn đứng trên các diễn đàn đầy long trọng, trịnh trọng.
NĐT: Anh có tin rằng họ hoàn toàn hiểu thơ anh không? Ngoài ra, anh có nghĩ là họ cũng hiểu thơ của bạn bè anh như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo, nhóm Mở Miệng?
Inrasara: Lớp độc giả này không nghe thơ một cách hờ hững hoặc đọc với sự soi mói. Họ lắng nghe, thưởng thức và, tôi nghĩ họ hiểu. Thơ của bạn thơ như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo, nhóm Mở Miệng hay của Inrasara cũng thế. Nhiều lúc họ thắc mắc chỗ này chỗ kia, tôi gợi cho họ rằng: đừng tìm ý nghĩa thơ ở đâu xa cả, nó có mặt quanh quẩn đó thôi. Nếu nhà thơ bớt đi các ẩn dụ bí hiểm, tôi nghĩ người đọc thuộc giai cấp thấp không khó nhọc lắm khi đến với thơ. Có khi họ đến còn dễ dàng và bùng nổ hơn lớp độc giả được cho là sang trọng hay đặc tuyển nữa.
NĐT: Xin cám ơn anh. Mong gặp lại anh về thơ, trong một chủ đề khác.
*
Talawas.org, 06.2006