Giải sân hận hay Sống dưới dấu hiệu Glơng Anak

GIẢI-SÂN HẬN
hay SỐNG DƯỚI DẤU HIỆU GLƠNG ANAK

1. Ariya Glơng Anak, dài chỉ 116 câu lục bát Chăm nhưng đã đựng chứa và cưu mang cả bể khổ cuộc người. Ngay từ lúc chưa cắp sách đến trường, tôi đã thuộc lòng nó. Và mãi hôm nay, khi tâm hồn mình bị xáo động trước thời cuộc và lòng người, bên cạnh Martin Heidegger, tôi luôn tìm đến Ariya Glơng Anak. Tôi hiểu được tại sao Nguyễn Du tự nhận trong đời, đã đọc và tụng Kinh Kim Cang hơn ngàn lần!
Cuốn sách cứu chuộc con người là vậy.

Chăm hầu như không biết căm thù. Thù đậm, thù dai, thù truyền đời. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – không, có lẽ. Lạ! Trong văn chương Chăm không có dấu vết căm thù. Lẽ ra với người Kinh, họ “cần” căm thù mới phải lí chớ, nhưng thực sự – không!

Tiếng Chăm:
– “căm” là janưk; “thù” là mưbai. Hai từ này hay đi chung với nhau thành cặp đôi mưbai janưk hay janưk mưbai: thù hận, hận thù.
– ở cấp độ khác, hanauh là “hờn”; nặng hơn xíu thành ginaung: “giận”.

Ariya Ppo Parơng được viết cách nay gần thế kỉ rưỡi, chỉ có giận là giận. Pháp bắt đi tận mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành dọc khắp Trung Bắc Nam, để tìm bi kí và khảo sát thực địa, bị chửi bới đánh đập, xa nhà xa ruộng nương, cơ khổ mọi bề; vậy mà họ không oán thù Pháp mà chỉ giận:

Tian dahlak mưtưh ruw mưtưh ginaung
Gwơn ppathuw nhu pah ataung khik inư lac gila
Bụng tôi nửa buồn nửa giận
Lúc đến báo cáo, họ đánh tát [với] chửi mẹ bảo rằng ngu

Với người Việt, đất nước về phần họ rồi, sao họ nỡ bỏ mặc bao nhiêu là tháp đền cho hoang phế (nghĩa là không biết thờ cúng – lối nghĩ rất ngây ngô nhà quê). Nhớ rằng đó là vào những năm cuối thế kỉ XIX. Tác giả Ariya Ppo Parơng cùng lắm chỉ oán trách chứ tuyệt không câu nào biểu hiện căm thù.

Cả Ariya Twơn Phauw (1830-1840) cũng vậy, tác phẩm thơ kí sự ghi chép cuộc chiến của Twơn Phauw với quân Minh Mạng, tuyệt không có bóng dáng căm thù ở đó.

2. Nhưng tại sao Ariya Glơng Anak, tác phẩm nổi tiếng nhất và được cho là nhân bản nhất suốt lịch sử văn học Chăm, chữ janưk, mưbai, janưk mưbai lại có mặt dày đặc?
janưk (hận; xấu ác, không lành) 6 lần xuất hiện ở các câu: 11, 37, 50, 57, 58, 65; mưbai (thù) 2 lần: câu 11 và câu 57.
– ngoài ra, mưbai janưk (thù hận) còn quàng vai đi kèm 3 bận: câu 46, 75, 115; hay janưk haniim (thiện ác) đi cặp 2 lần ở câu 51, 115 nữa!

Ariya Glơng Anak xuất hiện đầu thế kỉ XIX, khi Champa đã sụp đổ và tan rã. Khi dân Chăm đang hoảng loạn li tán. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây một đại khủng hoảng mang tính quyết định đến tồn vong [không phải đất nước nữa – đã mất rồi, mà] của sinh mệnh cả dân tộc.
Hận thù có mặt khắp xung quanh, bàng bạc trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng” ta, nó có mặt lù lù giữa anh em bà con bè bạn ta, và ẩn tàng ngay thẳm sâu lòng ta nữa. Kẻ thức giả cô đơn và cô độc: “Dauk sa drei sa nưgar di krưh hanrai / Di krưh tathik cwah jai, halei nưgar drei si nau: Ngồi một mình một vùng giữa cồn đất / Giữa trùng khơi cát bồi, đâu nơi mình sẽ đi?”

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Nhìn phía trước, ngó đằng sau đâu thấy ai người

Ariya Glơng Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. “Viết như là trối trăn” (thơ Inrasara). Đó là thông điệp cuối cùng của thức giả lớn cuối cùng trong ngày tàn cuộc cuối cùng.

Thế nhưng, bên cạnh mưbai, janưk, janưk mưbai tác giả Ariya Glơng Anak không quên haniim (phúc, lành, thiện – 6 lần) hay haniim ayuh (phúc thọ) hoặc haniim phwơl (thiện lành). Lặp đi lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên mà, như một ước vọng, như một mở lối thoát, một khai thông hướng đi.

3. Ariya Glơng Anak đã mở ra cho chúng ta, trước ngột ngạt của lịch sử, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, hé cho chúng ta thấy, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, một tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng:

Ngap rideh paga wal raung kabaw
Bilimưk khơng di nau, pajiơng jađun saung hatơm
Ppabơk banưk ppakwơc ribaung bidalam
Gan agha gan rơm, sa prưn sa hatai
Hadơng jan ia xwa laik mưrai
Liwa hamu drak padai, liwa puh pala tangơy
Blauh pala nhjơm paya saung plwai
Yah ơk cang thrwai, bbơng plwai saung dak
Đóng xe, dựng chuồng nuôi trâu
Cho thật béo mập để dùng vào việc chuyên chở
Đắp đập, khai nương cho thật sâu
Băng rừng băng sông, chung lòng chung sức
Đợi khi mùa mưa kịp xuống
Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy trồng ngô
Rồi trồng bí đỏ, trồng khổ qua
Ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín

Chỉ một đoạn thơ, với cái giản đơn í thơ, của ngôn từ nhưng ông đã nói lên được cả một tấm lòng. Đó là tấm lòng bao dung của người cha. Hãy tưởng tượng, khi tất cả bị đảo lộn, khi thân cây đạo đức đã trụi lá, khi tâm thiện chí mất đất đứng, khi bóng tối lan tràn và tất cả đã tuyệt vọng, một giọng nói chân thành và đầm ấm vang lên – khiêm cung nhưng dứt khoát, một bàn tay cứng cáp và nồng ấm đưa ra trong cơn hoảng loạn chung!
Đây không đơn thuần là lời khuyên đạo đức của một nhà luân lí trong xã hội đã rã mục. Đây là một lối nhìn, một quan niệm sống, một chiến lược hành động của nhà đại trí thức ưu thời mẫn thế, một con người còn bình tâm đi tìm con đường sáng khả dĩ đưa dân tộc thoát khỏi vũng lầy lịch sử.
Con đường trở về bản thể mình, trên một đức lí rất cơ bản, bằng những việc làm rất nhỏ bé và thiết thực .

4. Làm sao giải phóng tâm hồn khỏi căm thù?
Ở mọi thời điểm căng thẳng, buồn rã tim hay lo nát mật, tôi luôn trở về với Ariya Glơng Anak. Cảo thơm lần giở… Đọc lại từng câu chữ của Ariya, cho dù tôi đã thuộc lòng nó.

Cho nên,
Khi một nhà thơ khá tiếng tăm không dưng nổi hứng bảo thơ tôi: “khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược” in trên báo Văn nghệ (1998), tôi chỉ nhẹ nhàng trả lời bằng thơ:

Làm sao gọi em ngược về thế kỉ Huyền Trân?
làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử?
để em có thể tầm nguyên tâm hồn tôi
mà không phải đọc tôi qua sương mù dị bản
cho ngực trần tôi mãi là trang sách mở
để hai bàn tay lửa em vươn tới tự tin hơn

Thơ xong, tôi gửi đăng trên tạp chí Văn, TP Hồ Chí Minh, sau đó in ở tập Hành hương em (1999).

Rồi thì, khi một tập san do người đồng tộc tôi ở nước ngoài chủ biên (2003), hăng hái tố cáo Inrasara “đồng lõa với thế lực công an”, vân vân… Tôi chỉ “đính chính” một lần, đăng ở inrasara.com rồi thôi. Rồi quên. Mãi mãi! Thoát khỏi mọi vướng mắc làm nặng chĩu thêm cuộc sống vốn quá chĩu nặng này.

Hay mới nhất, đang lúc người thiên hạ chuẩn bị vui Tết, một tác giả viết trên tạp chí Hồn Việt rằng:

“… tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn không khó nhận thấy.”

Trời đất, hậu hiện đại mà có chi ghê gớm đâu! Nó là thứ trào lưu văn nghệ ngập tràn thế giới đã 30 năm qua rồi, với bao nhiêu tác phẩm to cồ ra đời sắp trở thành cổ điển rồi, gần lỗi thời rồi; vậy mà mình cứ không hay không biết. Ừ, bảo thủ cũng được đi, nhưng tại sao quý ngài muốn độc quyền mặt bằng thơ Việt? Chúng ta từng học Đường luật Tàu trễ ba thế kỉ, học Lãng mạn với Hiện thực Tây muộn tám mươi năm đấy thôi. Ví hôm nay không chịu học hậu hiện đại, không khéo chúng ta lại trễ chuyến tàu thời đại mất!
Viết về hậu hiện đại là mong góp một tay khơi gợi cho nhiều hệ mĩ học cùng tồn tại trên văn đàn, sòng phẳng và công bằng. Để văn học Việt Nam có nhiều món, nhiều vị hơn lên thôi. Chứ tôi có hàm ý sâu xa hay cạn cợt đâu mô! Vậy mà quý ngài quyết chụp lên đầu tôi cái mũ đại cà sa to đùng “ẩn ý kích động” này nọ. Ghê quá xá. Làm thế, ai mà không nổi quạu kia chứ? Thế là, tôi viết trả lời, nhưng không gởi cho tạp chí ấy, cũng không gởi đăng ở đâu cả! Ngay tại Website mình cũng không!
Viết để giải thoát mình khỏi thèm khát trả thù ai đó.

Để giải sân hận. Hận thù nếu có, chỉ nên cởi bỏ chứ đừng buộc.
Làm văn chương – chữ nghĩa, không dưng các vị cứ muốn đẩy tôi sang cõi chính trị cao xa tít tắp, là chuyện tôi vốn mù tịt. Mới khổ chứ.

Chuyện trẻ con! Khi muốn đóng dấu ai đó, chúng ta thích gán bừa hắn “làm công an” hay “cấu kết với công an”. Giới văn nghệ ta hay mắc phải lỗi này. Do nhậy cảm với chữ “công an” nên tốt hơn cả cứ đùn cho nhau món đó. Cho thêm sâu, cho thật đau. Thế là xong! Còn dân chữ nghĩa khuynh hướng quan chức thì nó “phản động”, “có ý đồ”. Riêng kẻ mang ít nhiều gien dân tộc chủ nghĩa thì tay đó tính “phục thù”, “đảo ngược”. Vân vân ôi là vân vân…

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006)

Thế là tôi tìm đến Ariya Glơng Anak, tụng khúc cuối cùng:

Janưk haniim thei ngap piơh tabơng
Dađơp jhak ra glơng, mưta bboh di mưta.
Thiện ác người đặt ra để dò lòng
Kín đáo xấu xa cho người đời soi vào, mắt thấy tận mắt
.

Tất cả chỉ vừa đủ cho một cái cười lớn. Cười thật to rồi quên. Dom blauh dom kadauk: Bao nhiêu đã xong là bấy nhiêu thì thôi, như ông bà Chăm nói.

Và trở về với Kinh Kim Cang nữa:

Làm sao em song hành cùng tôi về đứng bờ sông đêm nay?
trong đau hoan lạc
hát vang bài tụng ca của nước
chảy đi
chảy đi
chảy trôi đi
chảy trôi tất cả đi …
giở một vòm trời khác
.
(“Tụng ca của nước”, Hành hương em, 1999)

Sài Gòn, 31.01.2008.
____________________________________

Phụ lục: trích đoạn Ariya Glơng Anak.

Câu 11. Bboh mưbai saung janưk dom di on
Dhar phwơl calah calwơn ra mưk di drei nau dahluw
Thấy thù với oán biết bao là mừng vui
Phước đức đã thất tán, người ta lấy đi trước rồi

23. Ưn di bbơng bbrai akơm mưmưh tali
Kuhlaum mưyaum lac bingi, bibak janưk ka mưng nhjơp
Nhịn ăn củ đắng hay nhai đá
Dù sao cũng khen ngon cho hả dạ ta mới cho là tốt

37. Siam dahluw jhak hadei dom di kan
Ralo pađiak takik li-an, ralo janưk takik haniim
Lành trước dữ sau (thì) kho khăn xiết bao
(Như thể) nhiều nắng(nóng) ít (mát) lạnh, nhiều xấu ác ít phúc lành

46. Mưbai janưk ke bboh drơh tanan
Sa pacơng nan mưng tơl, hajiơng o pwơc praung hatai
Thù hằn đâu thấy trước mắt như thế
Một mực đòi cho đủ, cũng không chửi to gan

50. Mưgru panwơc thattiak baik ita
Siam ramik jhak caga, pacơng janưk mưng anak
Học tập trung thành nhé chúng ta
Tốt (đem) cất, xấu ngừa, chặn xấu ác phía trước

51. Yang bita supit sumat thrơh tabiak
Oh hakei lac ngap janưk haniim wơk ka drei
Thần linh ở trong tâm ta hiện ra
Chẳng nhắn bảo làm lành hay ác cho ta

57. Dalam nưgơr ralo janưk saung mưbai
Haniim ayuh jang oh hai, nưm angan jang o hu
Trong xứ nhiều thù với ghét
Phúc thọ đâu chẳng hay, tuổi tên đâu không có

58. Rai drei sa pajiơng rei saung nhu
Ralo ginaung pwơc oh hu, rabrei janưk mai ka drei
Đời ta (lỡ) được sinh cùng thời với họ
Nhiều giận nói chẳng được, người ta (lại) mang hại cho mình

67. Habien drei lac bbơng thruk mưhu
Bibak janưk khing ka hu mưng bboh urang khing pajiơng
Khi nào ta bảo ăn đã thỏa thèm
Thỏa tâm hận cho kì được, mới thấy người muốn tạo ra (cho ta)

75. Mưbai janưk nau hapak gơm di drei
Ukơn mưrai mưng halei, dauk dalam rup ita
Hận thù đi đâu dính vào mình
Chẳng phải từ đâu đến (mà) ngay trong thân ta

115. Mưbai janưk lo di tian mưk klak
Tian drei jwai jhak, biak ligaih bboh xaglơng
Thù hận lắm trong lòng (hãy mang) cất bỏ
Lòng ta chớ xấu, (làm sao cho) thật thuận (thì sẽ) thấy hiện tiền

116. Janưk haniim thei ngap piơh tabơng
Dađơp jhak ra glơng, mưta bboh di mưta.
Thiện ác người đặt ra để dò lòng
Kín đáo xấu xa cho người ta nhìn, mắt thấy tận mắt.

(Ariya Cam – Trường ca Chăm, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006)

2 thoughts on “Giải sân hận hay Sống dưới dấu hiệu Glơng Anak

  1. Sara ơi, vẫn có và vẫn còn những người hiểu và yêu quý anh, yêu quý Chăm như mình…
    Nếu cô đơn được hiểu là không có & không còn ai sẻ chia, thì Sara không bao giờ là một thi sĩ cô đơn hay cô độc .
    Luôn luôn có những người yêu quý anh, bằng cả tấm lòng …
    Chúc một mùa Xuân mới sẽ nhiều niềm vui mới.
    Trân trọng .

  2. Ontramache

    Ariya Glơng Anak xuất hiện trong thời kỳ loạn lạc, tang thương của người dân champa. Thời kỳ ấy, đó như như là một liều thuốc an thần nhầm an ủi và tin tưởng [cho đến hôm nay có lẽ đã là mơ hồ] vào năm con “ngựa”. Người Champa đã nghe theo, đã NHỊN và đã bị lãng quên [thế giới lãng quên, người Kinh không muốn nhớ, và Cham lại muốn chối bỏ ngay chính mình (tôi đã thấy rất nhiều)!. Phải chăng Ariya Glơng Anak đã bảo dân Champa nhịn đến chết nhát. Đến thời điểm này dân Champa cần “căm thù” là vừa. Bởi xung quanh đều rất hiểm độc. Ngay cả Tây, Tàu, Mỹ … chứ không riêng gì VN, đang lăm le nhau bằng thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt [vũ khí hạt nhân hay mới hơn là vũ khí vũ trụ]. Cham có câu (nghĩa việt là) “con có khóc mẹ mới biết mà cho bú”. Không như thế thì có lẽ thế kỹ XXII tới chẳng còn Cham nào trên trái đất này!.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *