HỌC VẤN VÀ VĂN HÓA
Văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hóa là một khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả hoạt động của một cộng đồng trong môi trường tự nhiên và xã hội nhất định.
Nói rằng người nào đó có văn hóa hàm nghĩa người đó có khả năng ứng xử xã hội, đầy văn minh và có tình người.
Học vấn thì khác. Nó chỉ trình độ hiểu biết của con người về thế giới xung quanh. Học vấn được xác lập qua con đường trường lớp hay tự đào tạo. Nó là cơ sở ban đầu cho văn hóa. Nghĩa là học vấn chỉ là điều kiện ắt có, chứ chưa là điều kiện đủ của văn hóa. Người có trình độ học vấn cao sẽ có điều kiện lĩnh hội dễ dàng tri thức văn hóa, nhưng chưa chắc họ đã sống có văn hóa. Đôi lúc, kẻ có tri thức mà tâm ác thì có nhiều hành vi thiếu văn hóa nữa; từ đó tác hại không ít đến xã hội. Vì người đó vận dụng tri kiến của truyền thống, của con người để gây hại cho dân tộc hay làm trì trệ tiến bộ của loài người.
Con người ta sinh ra không phải đã mang sẵn trong mình những hành vi văn hóa, mà hành vi và đối nhân xử thế đó được hình thành qua các mối quan hệ giữa người với người. Tinh thần văn hóa toát ra từ con người văn hóa trong các mối tương giao: từ tác phong làm việc đến cách ứng xử hay lời ăn tiếng nói khi giao tiếp, ở mọi lúc trong các môi trường sinh hoạt khác nhau; từ thái độ kiên quyết trước cái sai, điều ác, biết ủng hộ cái đúng, lẽ phải và đạo lí làm người; từ cách ăn mặc, đi đứng đến ý thức bảo vệ môi trường xung quanh sạch, đẹp,..
Tất cả tạo thành thói quen, chúng biểu hiện ra hàng ngày, hàng giờ: thói quen sống đẹp – đấy là nếp sống văn hóa.
Thói quen có í nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của mỗi con người. Xây dựng thói quen tốt rất cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Đó chính là xây dựng những phẩm chất, nhân cách tốt cho con người, hướng con người tới tình cảm thương yêu đồng loại, lòng nhân hậu, ý thức bảo vệ điều tốt; từ đó đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội…
Tagalau 8.