ĐỐI ẢNH ĐỂ TRỞ VỀ CHẤT PHƯƠNG ĐÔNG
Đọc Đối ảnh, thơ Văn Trọng Hùng, NXB Hội Nhà văn, H., 2006.
Thực và mộng, ước mơ vời xa và thực tế lù lù, nghệ thuật thăng hoa và cuộc cơm áo trì nặng,… Thi sĩ bị ma sát giữa hai thực thể ấy, không nhân nhượng và, không ngưng nghỉ. A. Rimbaud gọi đó là trận chiến tinh thần mà mọi thi sĩ chân tính buộc phải dự phần, dù muốn hay không. Bị đẩy vào cuộc chiến tinh thần khốc liệt đó, trong phút giây yếu đuối, đã không ít người phó mặc, bỏ cuộc hay đầu hàng. Thế nhưng đây là thứ trận chiến không chấp nhận thái độ nửa vời hay thỏa hiệp. Bởi chỉ khi bạn nhập cuộc hết mình, bạn mới có thể lớn. Đời sống nội tâm bạn mới phong nhiêu. Và chính các mảnh vỡ của cuộc phân tranh kia làm dưỡng chất nuôi sống ngôn ngữ thơ bạn. Văn Trọng Hùng cũng đã trải qua cuộc chiến đó, chắc chắn thế.
Nhưng anh đã hành xử như thế nào?
Nửa muốn làm quan nửa muốn làm thi sĩ
Lao đao lận đận một đời
Quan như lính, thơ chừng lạc điệu
Có ai về nhặt lại… chút tôi rơi!
(“Chân dung tự họa”)
Khiêm tốn chăng? Có thể lắm! Nhưng tôi muốn xem sự thể như là một tự tri của thi sĩ, về cảnh ngộ mình, và sự yếu đuối hay thất thố của con người. Con người đã bước đi đến bờ bên kia của trận chiến, ngoảnh lại nhìn mình như thể một kiểm điểm thành tích: Quan đã không thể là quan, và thơ cũng nghe “chừng lạc điệu”. Thi sĩ chịu bị ma sát đến không còn manh mún nào giữa cõi thực của cuộc áo cơm. Để cuối cùng, khi chiến sự đã vãn, lửa đã tàn tro, anh nhận ra mình chỉ còn là “chút tôi rơi” ở một góc khuất bé nhỏ. Chính điều này làm thi sĩ tỉnh ngộ: thức nhận định phận mình như nó là thế.
Hiểu mệnh, nhận mệnh và yêu mệnh – Amor Fati! Định phận đó, dẫu bị coi là thất bại trong cõi thế, nhưng nó lại là đặc ân riêng dành cho thi nhân:
Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên
Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách
Về khuya mưa như trút nước
Lê Lợi đến thăm
Nguyễn Trãi đã đi nằm!
(“Đêm ấy ở Côn Sơn”)
Đấy là phong thái của thi sĩ, tự ngàn xưa. Phong thái rất mực phương Đông! Khác hẳn thái độ của nhà thơ phương Tây mà Rimbaud là tiêu biểu. Cái chết của thi nhân thần đồng này như thể một biểu trưng cho sự nổi loạn chống lại định phận dành cho kẻ sáng tạo giữa hỗn loạn cuộc đời. Bạn vùng vẫy để thoát khỏi mọi nhàm cũ của lối mòn, quyết liệt – với ý chí sáng tạo gần như điên cuồng. Nhưng khi bị thất bại bởi lực cản quá lớn đến từ ngoại giới, bạn đứng trước sự chọn lựa tối hậu, hoặc bạn hủy hoại kẻ khác hoặc bạn quay trở lại tự hủy. Người phương Đông ngược lại, khi đã bước khỏi cuộc chiến, khi mảnh vụn kí ức trận chiến chỉ còn là vết sẹo quá vãng, bạn trở về với cội nguồn, một miền quê thanh bình hay ruộng đồi đạm bạc. Bạn nhìn cuộc nhân sinh bằng con mắt bình thản hơn. Dù cuộc tôi luyện ngoài kia đã cho bạn cái nhìn khác người đời thường, nhưng đó là cái nhìn qua một tâm thế khác, có thể nói – tinh tế hơn, thẳm sâu và nhân ái hơn:
Ta chỉ thương đứa bé
chưa biết mặt cha
chưa biết tình yêu
chưa biết lòng chung thủy
Sao
phải hóa đá cùng nàng?
(“Trước hòn vọng phu”)
Ở chỗ khác, anh viết:
Đã biết là núi giả
Sao vẫn say lòng ta
Phải chăng cây, đá… đều là thật
Và bàn tay người ấy tài hoa?
(“Nghĩ về non bộ”)
Chính điều này làm nên cái chất thi nhân phương Đông nơi Văn Trọng Hùng, làm nên giá trị “cổ điển” của thơ anh. Bởi dẫu sao, tâm thế Văn Trọng Hùng [thể hiện qua thơ] vẫn là tâm thế “cổ điển”. Không ngạc nhiên khi ta thấy dày đặc trong Đối ảnh những ngôn từ mang đầy hơi hướng cổ xưa: “nhân gian kim cổ”, “tiết hạnh”, “chung thuỷ”, “lỗi đạo”, “kinh thành”, “hiền nhân”, “hiền tài”, “công đường”, “thành xưa cô tịch”, “người tri kỉ”, “quận chúa”,… với cảnh và người: Bến Mi Lăng, Hòn Vọng Phu, Côn Sơn, Hàn Mặc Tử, Thị Hến, Hồ Quý Ly, Lưu Bang, Quang Trung, Đào Duy Từ,… Và dĩ nhiên, cả mấy ngọn tháp Chàm cổ kính trầm mặc giữa biến thiên trời đất và lòng người nơi quê anh nữa:
Gom cả chiều tháp cổ
Ủ vào rượu quê hương
Sóng Mi Lăng còn vọng
Tiếng gọi đò trong sương.
(“Qua bến Mi Lăng”)
Hình ảnh, giọng điệu thơ đều mang hơi hướng cổ điển. Cổ điển cả tâm trạng của người đối cảnh lẫn kẻ làm thơ. Vậy thôi, thì hãy cứ là mình như bây giờ mình đang cảm nhận như thế, viết như thế. Bởi, một khi ta đã thức nhận hiện thực như là thế, tâm ta sẽ sáng rỡ, ta thấy núi là núi, sông là sông. Một thế giới vô ngại mở ra trước ta. Ta không còn mang tâm phân biệt làm quan với sáng tạo thơ ca, hết biện biệt cổ điển hay hiện đại [hoặc hậu hiện đại] nữa. Ta thõng tay đi vào chợ, thong dong giữa cõi thơ và miền đời.
Đó cũng chính là ước vọng của mỗi thi sĩ.
Sài Gòn, cuối năm 2007.