Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài viết này được thực hiện không phải là kết quả của sự thôi thúc bởi những phát hiện mới về văn hoá và văn học Chăm. Nếu có một sự thôi thúc, thì ấy là sự thôi thúc bởi tình cảm của một người yêu mến văn hoá, văn học Chăm, mong muốn được nhìn thấy văn học Chăm hiện diện trong các bộ lịch sử văn học của Việt Nam. Bởi vì, cho đến nay, sau hơn 30 năm đất nước và dân tộc đã thống nhất và toàn vẹn, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy hình bóng của nền văn học Chăm trong một bộ lịch sử văn học Việt Nam thống nhất và toàn vẹn. Đã đến lúc chúng ta cần khôi phục lại nền văn học này, cần nghiên cứu nền văn học này, và cần trả lại cho nền văn học này vị trí thích đáng của nó trong lịch sử văn học dân tộc.
Để thấy được văn học Champa đang ở đâu, có lẽ trước hết cũng cần phải thấy được lịch sử và văn hoá Champa đang ở đâu.
1. Lịch sử Champa là một bộ phận của lịch sử Việt Nam.
Do nhiều nguyên nhân, khiến những hiểu biết về vương quốc Champa vẫn còn khá mơ hồ đối với phần đông người Việt Nam, trong đó có cả nhiều nhà nghiên cứu văn học. Thậm chí, nhiều người không hề có một ý niệm thật rõ ràng về vương quốc này. Có chăng, theo một vài tài liệu ít ỏi, người ta cũng chỉ có một vài hiểu biết sơ sài về nó. Nhưng điều quan trọng là, người ta không thấy được vai trò thật sự của nó trong việc hình thành nên nước Việt Nam hôm nay. Điều đó là hết sức có hại cho việc nhận thức tính toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam cũng như tính toàn vẹn của văn hoá và văn học Việt Nam.
Vương quốc Champa hình thành từ cuối thế kỷ II, trên cơ sở nền văn hoá Sa Huỳnh trải dài từ nam đèo Hải Vân cho tới miền đông Nam Bộ. Địa giới đầy biến động của vương quốc này kéo dài từ Quảng Bình cho tới Đồng Nai. Trung tâm hành chính của quốc gia Champa nằm ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, Champa suy yếu dần và từng bước bị các triều đại Lý, Trần, Lê rồi triều Nguyễn thôn tính và sáp nhập vào Việt Nam[1].
Ở đây, chúng tôi muốn lưu ý rằng, lịch sử nước Champa luôn gắn liền với lịch sử của nước Việt Nam hôm nay. Đứng ở một góc độ nhất định, Champa là một bộ phận của quá trình hình thành nên nược Việt Nam. Năm 111 tr. CN, nhà Tây Hán sau khi thôn tính nước Nam Việt của Triệu Đà, đã mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Phần địa giới của Nam Việt thuộc nước ta ngày nay được chia thành ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Quận Nhật Nam bao gồm 5 huyện Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, và Tượng Lâm. Tượng Lâm gồm các vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay, và Tượng Lâm chính là vùng đất phát tích của quốc gia Champa. Cuối thế kỷ II, khoảng từ năm 190 – 193, nhân dân Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nổi lên khởi nghĩa, giết huyện lệnh nhà Hán, lập nước Lâm ấp. Các vị vua đầu tiên của Lâm ấp là Khu Liên[2], Phạm Hùng, Phạm Dật, Phạm Văn… Tên nước Champa xuất hiện lần đầu tiên trong văn bia của vua Sambhuvarman Chumnik (595–629)[3].
Nước Champa trải qua 2 giai đoạn phát triển và diệt vong:
* Giai đoạn phát triển từ cuối thế kỷ II đến thế kỷ X, biên giới phía bắc giáp Hà Tĩnh ngày nay, gồm các thời kỳ:
– Thời kỳ Sinhapura (từ đầu – 190 – đến khoảng 750): Vương triều Sinhapura Sinhapura trải qua 8 triều vua, đóng đô ở “Thành phố Sư Tử” Trà Kiệu (Quảng Nam).
– Thời kỳ Virapura (khoảng 750 – 850): Vương triều Virapura tồn tại qua 6 triều vua, kinh đô có thể là ở vùng Phan Rang ngày nay.
– Thời kỳ Indrapura (khoảng 850 – 982): Vương triều Indrapura gồm 12 triều vua, đóng đô ở Đồng Dương (Quảng Nam).
* Giai đoạn khủng hoảng và dần dần bị thôn tính từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Trong giai đoạn này, thấy rõ nhất 2 thời kỳ:
– Thời kỳ tiếp tục phát triển, mâu thuẫn nội bộ, bị Đại Việt và Chân Lạp xâm lấn (thế kỷ XI – XIV)
– Thời kỳ khủng hoảng, dần dần bị Đại Việt thôn tính (từ thế kỷ XV – XVIII)
Champa trong quá trình mở mang của nước Việt
Nước Champa là một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam. Trong quá trình bị Đại Việt thôn tính, lãnh thổ Champa dần dần bị đẩy lui vào phía nam, đến tận miền Đông Nam Bộ. Sự tiêu vong của quốc gia Champa chính là một mặt của quá trình mở mang bờ cõi của nước Việt Nam[4]. Quá trình đó được đánh dấu bởi những sự kiện nổi bật sau đây.
Cuộc nam chinh đầu tiên của Đại Việt diễn ra dưới triều vua Lê Đại Hành, vào năm 982. Lê Đại Hành đã đánh chiếm phần lớn lãnh thổ của Champa, bao gồm toàn bộ phía bắc Champa (Bình – Trị – Thiên), vùng Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định). Vua Champa là Indravarman IV phải lui về miền nam, giữ vùng Panduranga (Khánh Hoà). Nhiều sử gia đánh giá rằng cuộc nam chinh của Lê Đại Hành cuối thế kỷ X đã mở ra quá trình đưa Champa sáp nhập vào Đại Việt. Tuy chỉ mới thoát khỏi Bắc thuộc, mới lập quốc, và vận nước hết sức rối bời như dây quấn[5], nhưng Lê Đại Hành đã tiến hành một hoạt động quân sự quyết đoán, đánh bại một quốc gia hùng cường ở phía nam có lịch sử phát triển tới 800 năm. Năm 983, sau khi thôn tính Champa, Lê Đại Hành rút quân về nước, cử một viên võ tướng là Lưu Kế Tông ở lại Đồng Dương làm “giám quốc” bên cạnh vua Champa Indravarman IV. Theo Tống sử, năm 986, sau khi vua Indravarman IV chết, Lưu Kế Tông đã tự lập làm vua Champa. Nhiều nhà nghiên cứu rất quan tâm tới sự kiện một người Đại Việt làm vua Champa này, vì cho đến nay các sử liệu vẫn còn nhiều mâu thuẫn và không sáng tỏ. Năm 989, cũng theo Tống sử, sau khi Lưu Kế Tông chết, người Champa suy tôn vua mới là vua Harivarman II lên ngôi. Vua Harivarman II đã khôi phục lại chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Champa[6].
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân chinh phạt Champa, bắt được vua Champa là Chế Củ, cùng nhiều tù binh, thu về nhiều của cải, nhiều cung tần mỹ nữ của vua Champa, nhiều người thợ khéo, và nhiều nhà sư. Trong số này có một nhà sư người Quảng Đông là Thảo Đường sang truyền đạo ở Champa cũng bị bắt về Thăng Long, sau đó trở thành người sáng lập Thiền phái Thảo Đường của Phật giáo thời Lý, và Lý Thánh Tông là một trong những môn đồ đầu tiên của vị sư này. Vua Champa phải dâng các châu Bố Chính, Đại Lý, và Ma Linh (đất Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) để xin hoà. Đây là lần mở mang bờ cõi đầu tiên của Đại Việt.
Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Chân cho vua Champa là Chế Mân. Để đổi lại, vua Chế Mân cắt các vùng đất Châu Ô, Châu Rí (nay thuộc Thừa Thiên – Huế) dâng cho vua Trần. Vua Trần Anh Tông đổi tên các châu này thành Thuận Châu và Hoá Châu.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cất quân đi đánh Champa, đến năm 1471 thì chiếm được thành Chà Bàn (đất Bình Định ngày nay). Bờ cõi nước Việt được mở rộng đến giáp vùng Phú Yên ngày nay. Nước Champa chỉ còn địa giới nhỏ hẹp ở Nam Trung Bộ.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đánh chiếm nước Champa, lập ra phủ Phú Yên, chia Phú Yên làm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hoà.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiếp tục đánh chiếm nước Champa, chiếm cứ vùng đất mới, lập nên phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh, ngày nay thuộc về Khánh Hoà.
Sau này, các vua Champa chỉ còn rất ít quyền lực, rất ít thần dân và rất ít đất đai, bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhà Nguyễn. Những vị vua cuối cùng và những vùng lãnh thổ nhỏ bé cuối cùng bị nhà Nguyễn thôn tính và khuất phục hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII.
Sự tồn tại của Champa gắn liền với các vương triều Champa, với các địa danh tồn tại của các vương triều, biến dịch từ bắc vào nam. Nó gắn liền một phần với lịch sử “nam tiến” của quốc gia Đại Việt, quá trình mở mang lãnh thổ của nước Việt Nam. Đó là một quá trình được xem là có tính tất yếu trong thời trung đại, mà kết quả của nó là đem lại vinh quang cho dân tộc này đồng thời đem lại đau đớn cho dân tộc khác[7].
2. Văn hoá Champa là một bộ phận của văn hoá Việt Nam
Văn hoá Việt Nam được tạo dựng nên bởi ba nền văn hoá đại diện cho ba miền Bắc, Trung và Nam, đó là văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Óc Eo. Nói tới vương quốc Champa là nói tới văn hoá Sa Huỳnh. Trung tâm của văn hoá Sa Huỳnh là vùng Quảng Ngãi ngày nay. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nó có một phạm vị ảnh hưởng rộng lớn từ nam đèo Hải Vân cho tới tận miền Đông Nam Bộ. Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện tại các vùng gò đồi và cồn cát ven biển, ghi dấu sự phát triển của cư dân từ thời kỳ đồ đồng đến sơ kỳ thời kỳ đồ sắt, có thời gian khoảng hai nghìn năm trước công nguyên. Các di chỉ được khai quật là các mộ chum, đồ gốm, các loại đồ trang sức, dao, rìu, thuổng… Cư dân văn hoá Sa Huỳnh trồng lúa nước, luyện kim, làm đồ gốm, dệt vải, làm nghề rừng và nghề biển…
Trước khi nhà nước Champa ra đời, vùng đất đai của nước Champa có một thời gian là một “thuộc địa” của nhà Hán, nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều văn hoá Trung Hoa. Sau khi vương quốc Champa được thành lập cuối thế kỷ II, nó hấp thu mạnh mẽ văn hoá Ấn Độ và văn hoá vùng Nam Đảo. Các thương gia và các nhà truyền giáo người Ấn đã truyền bá văn hoá, văn minh, cách tổ chức xã hội, các kỹ thuật hàng hải, buôn bán, canh tác nông nghiệp… cho người Champa[8].
Người Chăm hay dân tộc Chăm là tên gọi ngày nay đối với những cư dân của quốc gia Champa cổ xưa hiện còn sinh sống ở miền Trung Việt Nam. Người Chăm cổ vốn là cư dân nói tiếng Malayo – Polynesien cư trú trên một địa bàn rộng lớn từ Tây nam Thái Bình Dương đến Tân Ấn Độ Dương. Champa gồm nhiều bộ tộc khác nhau, cả bộ tộc ven biển, hải đảo và vùng núi cao. Theo truyền thuyết, đất nước được phân chia quyền lực bởi hai bộ tộc lớn, là bộ tộc Cau và bộ tộc Dừa. Bộ tộc Cau là bộ tộc sản sinh ra các vị đế vương và thần dân phía Nam, còn bộ tộc Dừa là biểu tượng của dòng tộc các đế vương và thần dân phía Bắc. Đây thực ra chỉ là những câu chuyên dân gian giải thích nguồn gốc của người Champa. Nhưng nó cũng chỉ rõ, một phần lịch sử chính trị Champa chính là lịch sử của các cuộc đấu tranh dành quyền lực thống trị giữa hai dòng tộc cầm quyền này.
Xã hội Champa theo chế độ mẫu hệ nhưng lại phụ quyền. Vai trò của người phụ nữ được tôn trọng. Điều đó thể hiện rõ trong tục thờ các nữ thần. Việc sùng bái sinh thực khí nam (linga) và sinh thực khí nữ (yoni) được xem như là biểu tượng văn hoá có tính tôn giáo. Các hình ảnh sinh thực khí là trung tâm điểm của các linh vật thờ tự. Linga là tượng trưng cho sức mạnh của người nam, biểu tượng của sự tái tạo. Yoni là tượng trưng cho khả năng sinh dưỡng của người nữ, biểu tượng của sự sáng tạo[9].
Ngôn ngữ của người Chăm rất khó xác định vì nó đa dạng, phức tạp. Đó là một phức hợp các ngôn ngữ khác nhau. Ban đầu người Chăm sử dụng ngôn ngữ cổ Mã Lai, có bộ phận dùng thổ ngữ Nam Đảo, có bộ phận cư dân lại sử dụng ngôn ngữ Môn, Khơmer… Ngôn ngữ có sự phân hoá mạnh, nhưng chủ yếu là ngôn ngữ mang đậm yếu tố Nam Đảo. Giai đoạn đầu, khi Tượng Lâm còn chịu đô hộ của Trung Hoa, thì văn tự được sử dụng là chữ Hán, tuy rất ít ỏi. Từ cuối thế kỷ II, sau khi lập quốc, chữ viết chính của Champa là chữ Sanskrit, tức chữ Phạn cổ. Nhưng chữ Phạn cổ được biến đổi dần trở thành chữ Chăm có thể là từ thế kỷ IV, khi kết hợp với nhiều ngôn ngữ của các dân tộc hải đảo vùng Đông Nam Á, nhất là ngôn ngữ Malaixia, Indonexia…
Thành tựu nổi bật nhất của văn hoá Champa là các công trình kiến trúc, điêu khắc. Kiến trúc, điêu khắc Champa ngày nay đã trở thành di sản văn hoá thế giới. Trong khi tạo dựng nên những tháp Chăm sừng sững với một kỹ thuật hết sức bí ẩn, trong khi tạo ra những tượng thần và sinh thực khí bằng đá hết sức tinh xảo và mang đầy cảm hứng nghệ thuật, người Chăm đã bày tỏ niềm tin sâu sắc vào thế giới tôn giáo vĩnh hằng và những khát vọng sinh tồn mãnh liệt vào chính bản thân mình. Họ đã tạo nên tôn giáo của niềm vui sống và khát khao hạnh phúc trong các hình thức tôn thơ sinh thực khí độc đáo có một không hai trên thế giới.
Về tôn giáo, đạo Bà La Môn được du nhập và phát triển rất mạnh. Xã hội phân chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau. Có những thời kỳ, đạo Bà La Môn cùng tồn tại bên cạnh đạo Phật. Ở Champa, đạo Phật chủ yếu ảnh hưởng từ Nam Á, nên phát triển chủ yếu Phật giáo Tiểu Thừa. Phật giáo Đại Thừa chỉ có ảnh hưởng ít nhiều ở miền bắc Champa qua tiếp thu Phật giáo Đại Việt và Trung Hoa. Đạo Hồi (Islam) bắt đầu được các nhà buôn và các nhà truyền giáo Ả Rập truyền vào Champa từ thế kỷ X, dưới triều vua Indravarman III (918–959). Nhiều người Champa được đưa sang Ả Rập học đạo. Hiện nay, trong cộng đồng người Chăm có hai khối Islam là Islam cũ và Islam mới. Islam cũ là sự hội nhập của Hồi giáo cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, tạo thành đạo Hồi Bani. Người Chăm theo đạo Bani gọi là Chăm Bani. Islam mới xuất hiện muộn hơn, khoảng thế kỷ XVII, khi người Chăm do những biến cố chính trị phải rời đất nước và tiếp xúc với những cộng đồng Hồi giáo ở Malaixia, Thái lan, Kampuchia mang về. Người Chăm theo đạo Islam mới gọi là Chăm Islam.
Đạo Islam cũ, hay còn gọi là Islam không chính thống, bởi pha tạp nhiều tập quán, tín ngưỡng cổ xưa của đạo Bàlamôn, của Ấn giáo, của tập tục Mẫu hệ bản địa. Tư tưởng tôn giáo của Islam cũ mang màu sắc tín ngường bản địa: Đặt nhà tiên tri Môhamét ngang hàng với nữ thần, coi Ala và Môhamét là một. Các giáo luật của Islam được vận dụng khá phóng khoáng. Sinh hoạt tôn giáo khá tự do, không có tổ chức giáo hội chung, không có liên hệ với thế giới Islam bên ngoài, không sử dụng tiếng Ả rập, chuyển thể Kinh Coran thành văn vần bằng tiếng Chăm để đọc trong các buổi lễ. Dấu vết của đẳng cấp theo tư tưởng Bàlamôn rất rõ. Ảnh hưởng tập tục mẫu hệ, đề cao nữ thần, đề cao vai trò phụ nữ. Phụ nữ có vị trí đặc biệt trong gia đình và xã hội, ra đường không phải che mặt, chủ động trong hôn nhân, chủ động hỏi chồng, chọn chồng. Đàn ông phải đi ở rể… Các lễ thức sinh hoạt tôn giáo, ngoài Bbơng Muk Kei (hay Ramưwan) trùng với tháng Ramadan của Hồi giáo chính tống, còn lại được tiến hành trùng với các lễ thức truyền thống: Lễ lớn nhất là lễ Katê (tháng 9 hay 10 dương lịch) là lễ kính Mặt trời; tiếp là lễ Cabbur (tháng 1 hay 2 dương lịch) là lễ kính Đất; lễ Palau Paxah là lễ kính Thánh Mẫu Po Nưgar, người được xem là sáng lập nước Chămpa, người sinh ra cây trồng… Cộng đồng người Chăm theo đạo Islam cũ, hay còn gọi đạo Bà ni, chỉ còn khoảng vài vạn người, sống tập trung ở tỉnh Ninh Thuận (chủ yếu là ở huyện Ninh Phước) và Bình Thuận (huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân).
Đạo Islam mới được hình thành sau này. Đến thế kỷ XVII, nước Chămpa tan rã do thế lực của Chúa Nguyễn. Một bộ phận cư dận chạy ngược dòng sông Mê Kông sang Kampuchia lập nên một vùng có tên là Côngpông Chăm (bến nước người Chăm), một bộ phận khác chạy qua Cà Mau trú tại Cambốt… Đến giữa thế kỷ XIX, Trương Minh Giảng đem quân sang Kampuchia đánh quân Xiêm, tuyển nhiều binh lính người Chăm và người Mã Lai ở đây. Khi lui binh, số người này về Việt Nam lập ấp sinh sống ở vùng Châu Đốc (Tỉnh An Giang). Cũng thời gian này, vào năm 1854 đến 1858 một số người Chăm và Mã Lai do Tuol Séit cầm đầu nổi dậy chống lại vua Kampuchia, bị thất bại, họ xuôi theo sông Mê Kông, về nhập với người Chăm – Mã Lai ở Châu Đốc, thành một cộng đồng Chăm – Mã Lai theo đạo Islam, gọi là khối Islam mới. Sinh hoạt tôn giáo của khối Islam mới (Islam chính thống) khá quy củ, chặt chẽ. Các luật lệ, lễ nghi được tuân thủ nghiêm túc. Cộng đồng này có một mối liên hệ khá mật thiết với thế giới Islam bên ngoài. Hàng năm đều có người hành hương đến Thánh điạ Mecca và có người được gửi đi đào tạo ở Ả Rập Xêut. Họ dùng tiếng Ả rập, tiếng Mã Lai để đọc kinh, sinh hoạt theo lịch Hồi giáo, và tuân thủ các giáo luật trong tháng kiêng kỵ Ramadan. Đầu năm làm lễ Icha, thi xướng kinh Coran… Cộng đồng Islam mới cũng chỉ còn có vài vạn người, chủ yếu sống ở An Giang, một số khác ở Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, TP Hồ Chí Minh[10].
3. Văn học Champa là một bộ phận không chia cắt của văn học Việt Nam
Có một nước Champa bị chôn vùi trong lịch sử.
Có một nền văn học Champa cũng bị chôn vùi trong lịch sử.
Đọc các bộ lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta không biết được, văn học Champa đang ở đâu. Dường như nó không tồn tại. Hình bóng của vương quốc Champa hùng cường đã bị xoá nhoà trong ký ức. Những tháp Chăm đã trở thành quá khứ, trở thành di tích, trở thành phế tích. Thế nhưng, còn một dân tộc Chăm, còn một cộng đồng người Chăm đang tồn tại thì cũng có nghĩa rằng, còn tiếng nói Chăm, còn văn hoá Chăm, và còn văn học Chăm. Văn hoá ấy và văn học ấy phải có chỗ trong lịch sử văn hoá Việt Nam, trong lịch sử văn học Việt Nam, như con người Chăm đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một hình dung đầy đủ về toàn bộ nền văn học của Champa. Đấy là nền văn học như thế nào, diện mạo của nó ra sao, và nó có những đặc sắc gì? Nó đã có những đóng góp gì vào lịch sử văn học của Việt Nam? Những câu hỏi này cho đến nay về cơ bản vẫn chưa có sự trả lời đầy đủ và thoả đáng.
Cũng như các nền văn học khác, văn học Champa gồm hai bộ phận, văn học dân gian truyền khẩu và văn học thành văn. Có lẽ, trong lịch sử, ở những thời kỳ huy hoàng của vương quốc này, văn học nghệ thuật cũng có một địa vị đáng kể. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài một số bia đá còn sót lại, ngoài những bản chép tay các tác phẩm văn học không có tên tác giả, được lưu giữ trong các gia đình Chăm và tại một vài kho lưu trữ trong nước và ngoài nước, mà phần lớn chưa được công bố, chúng ta hầu như không biết gì rõ rệt về tình trạng và khả năng “xuất bản”, “in ấn”, “tiếp xúc” với độc giả của nền văn học dân tộc này. Chúng ta cũng không được biết tới những văn bản khắc in, những tác gia văn học nổi tiếng của dân tộc này trong quá khứ. Có hay không có và diện mạo của một nền văn học viết có xuất bản, có tác phẩm in, có tác giả và độc giả? Cho đến nay, dường như chúng ta cũng vẫn chưa đủ căn cứ để trả lời rõ ràng.
Việc hình dung về một nền văn học dân gian truyền thống của người Champa dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể được thực hiện một cách có kết quả nhất định. Bởi vì các tác phẩm văn học dân gian Chăm vẫn được lưu truyền và gìn giữ trong các gia đình người Chăm, và bởi chúng ta vẫn có thể tìm thấy tính chất đồng loại hình trong folklore của các dân tộc gần nhau. Tuy nhiên, sự mất mát là rất lớn. Nếu như chúng ta hình dung về một vương quốc Champa hùng cường tồn tại từ cuối thế kỷ II đến thế kỷ XVIII, với những sự sáng tạo nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc kỳ diệu, trở thành di sản văn hoá thế giới như các tháp Chăm, thánh địa Mỹ Sơn, thì chúng ta cũng có quyền hình dung về khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật dồi dào của dân tộc này. Tuy nhiên, những sáng tác đó hiện nay như thế nào, chúng ta chưa rõ lắm. Có thể kể đến những tục ngữ, ca dao Chăm, sử thi Chăm, truyện cổ Chăm, trường ca trữ tình Chăm, trường ca thế sự Chăm, gia huấn và triết lý Chăm, Damnưy, những bài phù chú, cúng tế, ma thuật… Trong đó thơ lục bát Chăm – Ariya – là một thể loại văn học dân gian đặc sắc, rất gần với thơ lục bát của người Việt. Đây là một nét tương đồng văn hoá quan trọng giữa văn học của người Việt với văn học của người Chăm hay của một số dân tộc Đông Nam Á khác, như Thái Lan hay Malaixia chẳng hạn. Nhà thơ Inrasara xác định văn chương dân gian Chăm hiện nay còn: “Hơn 100 bài ca lịch sử (tụng ca) – Damnưy do Ong Kadhar hay Ong Mưdwơn hát trong các lễ Rija, Pơh Babbơng Yang, Tamư Kut… mỗi bài dài từ 20 đến 150 câu ariya Chăm; gần 50 bài ca dao – panwơc pađit; khoảng 1.500 câu tục ngữ – panwơc yaw, câu đố – panwơc pađau; hơn 100 truyện cổ, truyền thuyết – dalikal…” [11]
Tuy nhiên, số phận của văn học viết Chăm lại tỏ ra vô cùng bí ẩn và lận đận như chính số phận của vương quốc này, của dân tộc này. Như hình dung của nhà thơ Inrasara, một người Chăm và một nhà Chăm học đầy nhiệt huyết với dân tộc mình, thì đấy là cả một tài sản khổng lồ đang lưu lạc hay thất lạc khắp nơi. Cũng có thể nó đã bị chôn vùi và lãng quên. Ông viết: “Mười sáu thế kỷ sinh thành và tồn tại, có chữ viết từ thế kỷ thứ IV, lại được trời phú cho tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, người Chăm đã để lại cho lớp hậu sinh cả một gia tài chữ nghĩa. 250 minh văn, 3000 văn bản lưu lạc ở một đảo thuộc Ấn Độ Dương hơn thế kỷ vừa được tìm thấy, một catalogue ghi mỗi câu đầu bản chép tay dày 200 trang do EFEO phát hành năm 1980” [12]. Trong cuộc hành trình đầy gian khó nhằm đi tìm lại chân dung văn học Chăm, Inrasara đã hình dung về văn chương “bác học” Chăm gồm: “Văn bia ký: khoảng 100 trong 250 minh văn, sáng tác từ thế kỷ II đến thế kỷ XV. 5 akayet – sử thi, tráng ca. Trường ca trữ tình: Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Mưyut… Thơ thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Adauh Tơy Lơy, Ariya Po Parơng, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Twơr Phauw… Thơ triết lý: Ariya Nau Ikak, Ariya Jadar… Gia huấn ca: Ariya Patauw Adat Likei, Ariya Patauw Adat Kamei, Kabbon Muk Thruh Palei.” [13]. Tuy nhiên sự hình dung này vẫn chỉ có tính chất hình dung, vì những tiêu chí của một nền văn học “bác học”, “thành văn” còn cần được kiểm chứng bằng những tiêu chí chặt chẽ của nó.
Đúng là, những di sản văn học trên “chưa là gì so với những gì người Chăm để lại”, và thành tựu văn học của Chăm cũng “chưa là gì” so với kiến trúc và điêu khắc Chăm. Nhưng điều đáng lưu ý là, hầu như toàn bộ nền văn chương này thiếu bóng tác giả. Vì vậy, ngoài các tác phẩm dân gian được lưu truyền, thì các tác phẩm được chính Inrasara xem là “bác học” kể trên cũng chỉ là các văn bản chép tay, cũ và mới, được lưu truyền, rất khó đoán chính xác niên đại hay thời điểm ra đời. Chúng chủ yếu được lưu giữ trong các gia đình người Chăm. Đây là một tình trạng rất khó khăn cho việc nghiên cứu lịch sử văn học viết của người Chăm. Nếu không có phương pháp phân loại, đánh giá thích hợp thì rất nhiều khả năng diễn ra tình trạng “dân gian hoá” các tác phẩm văn học viết, hoặc ngược lại, “bác học hoá”, “hữu danh hoá” các tác phẩm văn học dân gian, khiến cho việc đánh giá chúng trong tiến trình lịch sử văn học nhiều khi có thể chỉ là những võ đoán và suy diễn.
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Inrasara cho rằng văn học Chăm có mấy điều chưa từng có trong văn học sử Việt Nam, mấy điều được xem là đóng góp riêng của văn học Chăm vào lịch sử văn học dân tộc, đó là:
– Sử thi – trường ca tôn giáo, mang đậm triết lý Bà La môn giáo và Hồi giáo.
– Truyện thơ lục bát – Ariya Chăm.
– Thơ triết lý Chăm.
– Những câu chuyện tình ngang trái, bi thảm bởi tôn giáo Bà la môn và Hồi giáo chỉ có trong văn chương Chăm[14].
Điều này hoàn toàn đúng. Văn học Chăm sẽ bổ sung vào bức tranh văn học Việt Nam những sắc màu riêng mà văn học bất kỳ dân tộc nào cũng không có được. Điều đó thật là đáng quý. Việc phục hiện lịch sử văn học Chăm sẽ không hề đơn giản, nhưng vô cùng cấp bách. Nếu như chúng ta không kịp thời tiến hành, thì sự mất mát sẽ không có giới hạn[15].
Theo những gì hiện còn, lịch sử văn học Champa dù mới được miêu tả khá mờ nhạt, nhưng chúng ta có thể đoán định về nó một cách khái quát như sau: Nó gồm ba thời kỳ, tương đương với ba thời kỳ lịch sử của dân tộc Chăm:
– Văn học của thời kỳ nước Champa hình thành, phát triển trong độc lập tự chủ;
– Văn học của thời kỳ nước Champa rơi vào khủng hoảng, từng bước bị thôn tính;
– Văn học Chăm thời kỳ hiện đại đang hoà trong văn học hiện đại Việt Nam.
Việc đoán định này hoàn toàn dựa vào những biến động của lịch sử nước Champa cổ xưa, hay của người Chăm bây giờ, chứ không phải là căn cứ vào sự biến động nội tại của các hình thức nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật của văn học Chăm, cho nên khó tránh khỏi sự phiến diện. Tuy nhiên, trước một thực tế là hầu hết các tác phẩm văn học Chăm không có tên tác giả, không xác định được chính xác niên đại, thì việc tạm thời phải dựa vào các thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc Chăm để xác định các thời kỳ phát triển của văn học là điều khó tránh khỏi. Còn khi chúng ta đã xác định được chính xác lịch sử của các tác phẩm văn học, thì khi đó, chúng ta cần trả lại lịch sử văn học Chăm cho chính thực tiễn văn học Chăm.
Văn học Chăm thời kỳ độc lập tự chủ, có thể tính từ thế kỷ IV đến thế kỷ X: Đây là thời kỳ hình thành và phát triển đến độ hùng mạnh của vương quốc Champa. Nhà nước Champa là nhà nước có chủ quyền, có sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế trong khu vực. Văn hoá Champa phát triển. Tôn giáo hưng thịnh. Kiến trúc, điêu khắc phồn vinh. Xã hội ổn định và phát triển. Các tác phẩm văn học viết đầu tiên có thể ra đời từ khi hình thành chữ viết Chăm, nhằm ca ngợi con người và đất nước Champa, ca ngợi công lao của các bậc đế vương, các chiến công quân sự. Văn học thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Ấn Độ, của Hồi giáo. Các thể loại văn học tiêu biểu là các bia ký, các sử thi…Nhưng thể loại còn lại đến nay đáng tin cậy nhất về văn học viết có lẽ chỉ là bia ký mà hầu như không có tên tác giả.
Văn học Chăm thời kỳ khủng hoảng, bị xâm lược và thôn tính, từ thế kỷ XI đến hết thế kỷ XIX: Đây là thời kỳ vương quốc Champa bắt đầu khủng hoảng, suy yếu, từng bước bị thôn tính và biến mất trên bản đồ Việt Nam. Trước áp lực của Đại Việt ở phía bắc, của Chân Lạp ở phía nam, trước tình hình nội bộ có những mâu thuẫn, tranh giành quyền lực giữa các bộ tộc, trước mâu thuẫn giữa các vương triều thống trị với nhân dân bị trị, đất nước Champa từng bước rơi vào khủng hoảng, từng bước bị phân hoá và suy yếu. Từ thế kỷ XI đến XV (tương ứng với thời Lý, Trần, Lê của Đại Việt), Champa bắt đầu bị thôn tính và sáp nhập từng phần vào Đại Việt. Từ nửa cuối thế kỷ XVI, khi các chúa Nguyễn chiếm giữ miền đất phía nam “Hoành Sơn nhất đái” để đối địch với các chúa Trịnh ở ngoài bắc, và nhất là từ nửa cuối thế kỷ XVIII, khi Tây Sơn chiếm giữ toàn cõi miền Nam, cũng là khi Champa chính thức không còn địa vị gì trên lãnh thổ này. Nhưng điều đó chỉ chấm dứt thật sự dưới triều nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn đã hoàn thành công cuộc “Đại Nam nhất thống”, xoá bỏ hoàn toàn hình ảnh của nước Champa trong thế kỷ XIX. Đây cũng là mạt kỳ của văn hoá và văn học Champa cổ. Văn hoá truyền thống bị mai một. Tôn giáo Bàlamôn, Hồi giáo bị khống chế, thu hẹp phạm vi, nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc bị con người và tự nhiên tàn phá, các cộng đồng người Chăm bị tan rã, phải trốn chạy, phiêu tán. Quá trình tan rã của văn hoá và văn học Chăm gắn liền với quá trình tan rã của vương quốc Champa, của cộng đồng người Chăm trên mảnh đất này. Văn học Chăm thời kỳ này tiếp tục nói về đời sống của các đế vương, những mối tình bất hạnh tôn giáo và cường quyền, những bài ca về con người và đất nước, những bài học giáo lý, hay nỗi đau đớn của người Chăm mất nước, về những bất công đoạ đày, những gia đình ly tán… Thể loại văn học viết đáng tin cậy nhất còn lại cũng vẫn chỉ là các bi ký và các văn bản chép tay mà hầu như không có tên tác giả.
Văn học Chăm thời kỳ hiện đại, có lẽ được tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, gắn liền với quá trình người Pháp phát hiện và khôi phục các giá trị văn hoá Chăm. Trong một thế kỷ qua, các giá trị về văn hoá và văn học Chăm bắt đầu được để ý nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn. Năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Nhiều lĩnh vực văn hoá khác như âm nhạc, vũ điệu, lễ hội, các nghề thủ công truyền thống như nghề gốm, nghề dệt được khôi phục, phát triển. Về mặt văn học, có thể thấy rõ trên hai lĩnh vực: Thứ nhất, đó là việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu vốn văn học Chăm truyền thống của một số nhà nghiên cứu văn hoá Chăm là người Chăm và người Việt; và thứ hai, là các sáng tác văn học Chăm hiện đại bằng tiếng Việt và tiếng Chăm về đời sống cộng đồng người Chăm, được thể hiện chủ yếu trong một số ấn phẩm dưới dạng tập san hay tạp chí như Panrang và Ước vọng trước năm 1975, Tagalau sau năm 1975 và một số ấn phẩm cá nhân khác[16]. Những sáng tác văn học Chăm hiện đại dường như chưa thật sự nêu bật được bản sắc dân tộc như các tác phẩm văn học dân gian và văn học cổ Chăm[17].
Thực ra, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể hình dung đầy đủ về nền văn học cổ trung đại của Champa. Những mất mát, những thất lạc bởi những biến động thời cuộc đã làm cho diện mạo văn học Champa không còn nguyên dạng. Ngoài bi ký là loại hình văn học ít nhiều còn có thể khôi phục lại được, còn có thể xác định được niên đại, thì các loại hình tác phẩm được ghi chép trên giấy khác của thời cổ xưa đều hầu như chưa hề được xuất bản, được khắc in khi chúng xuất hiện. Chúng chủ yếu là các bản viết tay của các cá nhân, ra đời sớm nhất cũng trong khoảng thế kỷ XVIII – XIX, lại hầu như không có tên tác giả. Cho nên chúng cần được thẩm định lại một cách hết sức nghiêm túc, ngõ hầu mới có thể khôi phục lại được diện mạo lịch sử văn học hơn nghìn năm của cả một dân tộc đầy kiêu dũng mà cũng đầy bi thương này. Ngay cả văn học Chăm hiện đại cũng chưa có được những đánh giá tổng kết một cách đầy đủ.
Vị trí của văn học Chăm trong lịch sử văn học Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, không phải chỉ là những “di tích” văn học, mà còn là một thực thể sống động tiếp tục góp phần vào đời sống văn học dân tộc. Điều đó được thể hiện cả trên lĩnh vực văn học dân gian và văn học viết. Đối với văn học dân gian, những ảnh hưởng qua lại của văn học dân gian Chăm với văn học dân gian Việt chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc xác định những đặc tính Đông Nam Á của văn học Việt Nam[18]. Đối với văn học viết, những đóng góp của văn học Chăm trên hai phương diện, những hình thức văn học Chăm và những cảm hứng nghệ thuật Chăm đã và đang tham gia vào đời sống văn học Việt Nam như thế nào, cũng là những vấn đề rất quan trọng để chúng ta xác định tính toàn vẹn của lịch sử văn học[19]. Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề này vẫn chưa được chúng ta tiến hành nghiên cứu một cách thấu đáo.
Văn học Champa đang ở đâu? Cho đến nay chúng ta vẫn chư¬a có câu trả lời thật sáng tỏ. Hay đúng ra, chúng ta đã có sẵn câu trả lời: Văn học Champa nằm trong chỉnh thể văn học Việt Nam, là một bộ phận không chia cắt của văn học Việt Nam. Thế nh¬ưng, mở các bộ lịch sử văn học của nước Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta không thấy văn học Chăm ở đâu cả. Thực tế thì cho đến nay, nó vẫn nằm bên ngoài các bộ lịch sử văn học Việt Nam. Muốn biết nó, người ta chỉ có thể tìm thấy trong những nghiên cứu của một vài cá nhân[20], mà ở đó những sự cố gắng bất tận cùng những tâm huyết khôn cùng của họ cũng không thể nào thay thế được một chương trình nghiên cứu quy mô, nghiêm túc, lẽ ra phải có từ lâu ở một phạm vi quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa rằng, cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được thực sự lịch sử văn học Champa như thế nào, và vai trò của nó trong lịch sử văn học Việt Nam ra sao? [21]
____________________________
Chú thích:
[1] Tham khảo các tài liệu:
– Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. I, II, III, NXB Khoa học xã hội, H. 1972, 1973
– Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1971
– Thuỷ kinh chú sớ. Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu, Nguyễn Bá Mão phiên dịch, NXB Thuận Hoá – Trung tâm Ngôn ngữ Văn hoá Đông Tây xuất bản, 2005.
– Lịch sử Việt Nam, Bản thảo Đề tài độc lập cấp Nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, 2005;
– Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam. Lịch sử và văn hoá. NXB Văn hoá Thông tin, H. 2005;
[2] Có ý kiến cho rằng Khu Liên không phải là tên người, mà là từ dùng để chỉ người đứng đầu bộ lạc.
[3] Champa là tên một loài hoa ngọc lan đẹp (champaca linace). Trong bài viết này chúng tôi sử dụng khái niệm Champa để chỉ đất nước, quốc gia, khái niệm Chăm để chỉ con người hay dân tộc, và không sử dụng khái niệm Chàm, Hời, cũng là những khái niệm chỉ nước Champa, người Chăm, vì có ý kiến cho rằng các khái niệm Chàm, Hời là cách gọi “thiếu tôn trọng” đối với người Chăm. Tuy nhiên, theo sự giải thích của nhà thơ Inrasara với chúng tôi, thì người Chăm không hề có ý phân biệt “cao thấp” đối với các khái niệm đó.
[4] Tham khảo các tài liệu:
– Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1971
– Lịch sử Việt Nam, Bản thảo Đề tài độc lập cấp Nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, 2005;
– Tìm hiểu về Chiêm Thành. Việt sử. Viện Việt học. http://viethoc.com/forums.
– Nguyễn Đức Hiệp: Lâm ấp, Champa và di sản. http://vietsciences.net/lichsucacnuoc/champavadisan.htm
– Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam. Lịch sử và văn hoá. NXB Văn hoá Thông tin, H. 2005;
-Thông tin Hội thảo khoa học “Văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam”, http:// ulletin.vnu.edu.vn/Vietnamese;
[5] Mượn ý thơ của nhà sư Đỗ Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước lúc bấy giờ (khoảng năm 982) như thế nào, sư thưa: “Quốc tộ như đằng lạc” (Vận nước như dây leo quấn quýt)
[6] Xem thêm Hồ Văn Châm: “Chuyện một người Việt Nam làm vua Chiêm Thành”. Anhngoc.de, (10/4/2004). Nhưng cũng có tài liệu cho rằng Lưu Kế Tông (hay Lưu Ký Tông) không phải là võ quan của Lê Đại Hành, mà chỉ là một người Việt cướp quyền vua Chiêm, cai trị rất hà khắc, đánh lại Lê Đại Hành khi ông này dẫn quân vào Chiêm Thành.
[7] Phần này chỉ nói tới quá trình Champa bị Đại Việt thôn tính chứ không nói tới quá trình Champa bị Chân Lạp xâm lược (tiêu biểu là thời gian từ năm 1203 đến 1220, Champa chỉ là một tỉnh của Chân Lạp do một viên Yuvaraja người Chân Lạp cai quản). Cũng không nói tới việc Champa nhiều lần xâm lấn Đại Việt (tiêu biểu là năm 1377 vua Chế Bồng Nga đã đánh chiếm cả kinh thành Thăng Long; các năm 1380, 1382, 1384… đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hoá. Năm 1389, trong khi tiến quân vào Thăng Long, Chế Bồng Nga bị Trần Khát Chân bắn chết tại địa phận Hưng Yên ngày nay)
[8] Tham khảo các tài liệu:
– Lĩnh Nam văn hoá dữ Bách Việt dân phong. Quảng Tây Giáo dục xuất bản xã, 1992.
– Inrasara: Văn hoá – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại. Nxb Văn hoá, H. 2003.
– Trần Gia Phụng: Tìm hiểu về nghệ thuật Champa. Tư liệu
– Nguyễn Quang Trọng: Văn hoá Sa Huỳnh. Tư liệu
– Indrapura: Văn minh Champa và văn hoá các dân tộc ít người. Tư liệu
– Trần Kỳ Phương: Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Champa tại miền trung Việt Nam. Tư liệu
– Ngô Văn Doanh: Văn hoá cổ Chămpa. NXB Văn hoá dân tộc, H. 2002;
– Nguyễn Đức Hiệp: Lâm ấp, Champa và di sản. http://vietsciences.net/lichsucacnuoc/champavadisan.htm;
-Thông tin Hội thảo khoa học “Văn hoá óc Eo và vương quốc Phù Nam”, http:// ulletin.vnu.edu.vn/Vietnamese;
[9] Xem thêm Nguyễn Văn Huy: Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, Vietnamgiapha.com/faq/menu
[10] Ngoài hai cộng đồng người Chăm trên, còn có cộng đồng người Chăm Kroi ở Bình Định, Phú Yên có nền văn hoá ảnh hưởng văn hoá một số dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Ba na, Gia rai…
[11] Inrasara: Đi tìm chân dung văn học Chăm. http://tienve. org/home/literature (22/4/2004)
[12] Inrasara: Đi tìm chân dung văn học Chăm.
[13] Inrasara: Đi tìm chân dung văn học Chăm.
[14] Thời Lý Trần có thơ “suy lý” – thơ Thiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thơ “giáo huấn”, trong văn học Việt Nam cổ có nhiều thơ “gia huấn”, “nữ huấn”… nhưng không giống thơ triết lý Chăm.
[15] Xem thêm Nguyễn Phạm Hùng: Tính toàn vẹn của lịch sử văn học. Tạp chí Thời đại mới (Pháp), số 8, 2006.
[16] Xem thêm Inrasara: Văn học Chăm I – Khái luận. NXB Văn hoá dân tộc, H. 1994; Văn học Chăm II. NXB Văn hoá dân tộc, H. 1996, Văn hoá – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại. NXB Văn học, H. 2003; Sáng tác văn chương Chăm hôm nay, http://tienve. org/home/literature, 22/4/2004; Văn học Chăm, hôm qua và hôm nay. E-Văn, 26 – 8 – 2004; Arya Cam – Trường ca Chăm, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2006; Thơ dân tộc Chăm – từ nguồn gốc đến hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 – 2006…
[17] Nhà thơ Inrasara cũng đồng ý với đánh giá của chúng tôi khi cho rằng vai trò của văn học Chăm hiện đại là không thật rõ nét trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, so với văn học hiện đại của một số dân tộc khác thì nó vẫn là một bộ phận văn học có “bản sắc” hơn cả, vì có tác giả Chăm viết tiếng Chăm và được độc giả người bản ngữ chào đón rất nồng nhiệt. Nó cũng là bộ phận văn học dân tộc hiện có tiếng vang nhất trong nước và quốc tế, tuy số dân hiện còn lại không nhiều. Theo một số liệu thống kê tương đối của năm 2005, hiện dân tộc Chăm có khoảng 140 nghìn người, gồm ba cộng đồng: cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận (Chăm Hồi giáo cũ, Chăm Bà ni) khoảng 80 nghìn người, cộng đồng Chăm ở Châu Đốc (An Giang), Tây Ninh (Chăm Hồi giáo mới) khoảng 40 nghìn người, và cộng đồng Chăm ở Bình Định, Phú Yên (Chăm Hroi, Chăm “lai” Ê đê, Ba na, Gia rai) khoảng 20 nghìn người.
[18] Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, thơ lục bát Việt có mối quan hệ về loại hình rất rõ đối với thơ lục bát Chăm, lục bát Thái Lan hay thể Pantun Malayu của Malaixia. Xem thêm Inrasara: Lục bát Chăm, http://tienve.org/home/literature, 22/4/2004; Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm, Nxb Văn hoá dân tộc, H. 2006; Francois – Rene Daillie: Alam Pantun Melayu. Studies on the Malay Pantun. Dewan Bahasa dan Pustaka, Kuala Lumpur, 2002; Katharine Sim: More than a Pantun. Udeerstanding Malay Verse. Times Books International, Singapore, 1987…
[19] Xem thêm Nguyễn Phạm Hùng: Tính toàn vẹn của lịch sử văn học. Bđd.
[20] Chúng tôi chủ yếu muốn nói tới bộ sách Văn học Chăm do nhà thơ Inrasara chủ trương, đang được soạn thảo, 10 tập, khoảng 6000 trang, dự định xuất bản từ 2005 đến 2010, bao gồm: Hành trình 17 thế kỷ văn học Chăm thời cổ xưa, Sử thi Chăm, Trường ca trữ tình Chăm, Trường ca thế sự Chăm, Gia huấn và triết lý Chăm, Đamnưy, Tục ngữ – Ca dao Chăm, Truyện cổ Chăm, Thơ ca Chăm hiện đại, Văn xuôi Chăm hiện đại…
[21] Xin cám ơn nhà thơ Inrasara đã cung cấp cho chúng tôi một số tài liệu văn học Chăm để làm tư liệu cho bài viết sơ lược này.
*
Tagalau 8.