Katê đúng là xuất phát điểm từ Chăm Bàlamôn hay Ấn Độ giáo. Các yếu tố sau chứng minh điều đó: cuộc lễ cử hành tại tháp, các bài cúng tế liên quan các vị thần Ấn giáo: Shiva, Vishnu,…người chủ lễ là Ppo Dhya thuộc Cam Ahier, và nhất là hôm nay đại đa số cộng đồng Chăm lên cúng tại tháp là Chăm Bàlamôn.
Nhưng tại sao cả Chăm Bàni / Cam Awal cũng có liên quan: lên tháp cúng dường, khấn vái…? Đây là vấn đề liên quan đến lịch sử:
– Bàlamôn vào Champa trước Hồi giáo, nên 100% Chăm đều làm lễ Katê. Chỉ sau này, khi đạo Hồi du nhập vào Champa, rồi một bộ phận không nhỏ Chăm theo đạo này, do đó họ vẫn còn gắn bó với Katê là lẽ thường tình.
– Quốc vương là quốc vương chung, không phân biệt của Bàlamôn hay Hồi giáo, mà khi các vị vua này được thần hóa, thì Chăm thuộc hai bộ phận tôn giáo này cùng phục vụ.
– Bàlamôn đã được Chăm hóa hoàn toàn, từ đó dấu vết tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ này không mang đậm tính tôn giáo nữa mà đã có nhiều màu sắc dân gian, nên bộ phận người Chăm Bàni vẫn phục dịch và làm các lễ bái Bàlamôn Chăm hóa này mà không có vấn đề đối kháng về đức tin.
– Ngay cả Hồi giáo Bàni cũng đã được Chăm hóa, nên việc bộ phận tín đồ cộng đồng này phục vụ lễ Katê là điều bình thường trong tín ngưỡng dân gian chung của dân tộc.
– Cuối cùng, sau thời Ppo Rome, người Chăm thuộc hai bộ phận tôn giáo này đều qua lại phụng sự nhau hài hòa và rất hòa đồng. Đến mùa Ramưwan, Chăm Bàlamôn đội bánh trái qua Sang Mưgik cúng dường các Ppo Acar, hay sau lễ Rija Nưgar, Cam Ahier mời thầy Acar Bàni về tận nhà cúng dê,… Đó là nét rất riêng trong tôn giáo-tín ngưỡng Chăm.
Kết luận: Katê xuất phát từ Chăm Bàlamôn, nhưng qua biến thiên lịch sử, nó đã thành lễ hội chung của Chăm, không phân biệt Ahier hay Awal.
Bên cạnh Katê, Chăm còn có lễ Cabbur (đọc là Chabun) tổ chức vào đầu nửa cuối tháng chín Chăm lịch, để tưởng niệm MẸ. Lễ này ít người biết tới, nên nó không biến thành hội; mặc dù trước kia nó đóng vai trò quan trọng không kém Katê.
Thế nhưng, khi đối chiếu với Tết Nguyên đán của dân tộc Trung Hoa, Việt Nam và các nước trong vùng Bắc Á, Katê không thể gọi là Tết Chăm, mà chính lễ Rija Nưgar mới mang đầy đủ khía cạnh Tết. So sánh các yếu tố sau:
– Katê không tổ chức vào đầu năm Chăm lịch, Rija Nưgar thì tổ chức đúng vào đầu năm: Akauk thun.
– Ý nghĩa: Katê tưởng niệm tổ tiên và vua chúa thuộc DƯƠNG (khác Cabbur, thuộc ÂM); trong lúc Rija Nưgar mang ý nghĩa Tống khứ cái xấu xa ra khỏi làng, khỏi cộng đồng để đón nhận mọi đều tốt lành vào palei.
– Katê có đại bộ phận Chăm Bàlamôn tham gia, sau đó mới tới Chăm Bàni (như đã phân tích ở trên); trong lúc lễ Rija Nưgar, tất cả người Chăm không phân biệt tín ngưỡng-tôn giáo, và việc hành lễ gần như nhau, cùng ngày và cùng cách thức, chỉ vài khác biệt nhỏ.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Katê hôm nay biến thành lễ hội lớn như thế, trong lúc Rija Nưgar càng ngày càng vắng bóng người?! Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp trong bài “Hành trình Katê” của Inrasara. Tắt một lời: vì Katê có lên tháp, từ đó lễ dễ biến thành hội. Xã hội ngày nay là xã hội ăn-chơi-du lịch, nên Katê lôi cuốn giới trẻ Chăm, thu hút du khách thập phương, từ đó hai tiếng Katê trở nên nổi tiếng là điều bình thường. Mọi người trong cộng đồng Chăm, người ngoài cả trong lẫn ngoài nước cũng chấp nhận nó như thế. Nhận Katê là lễ hội lớn nhất của cả dân tộc.
2005.