Hai ý kiến nhìn Inrasara

Mào đầu:
Chamyouth là một Website thanh niên Chăm ở nước ngoài, vào năm 2004-2005, có một số bài bàn về Inrasara được đăng tại đây: có hay có dở. Như là một luồng dư luận. Nay inrasara.com xin trích đăng lại vài bài để bà con đọc vui.

Trà Chay Pyang
HIỆN TƯỢNG INRASARA

Hơn trăm bài báo viết về Inrasara, thế là quá nhiều. Báo Cần Thơ cho Inra là “hiện tượng đa dạng của văn hóa đương đại”, báo Văn nghệ bảo anh “xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một huyền thoại”, nhà thơ Trúc Thông cho Inra “tạo đỉnh cao mới cho riêng mình”, tiến sĩ Phạm Quang Trung viết “thơ Inrasara là bài học cho những ai muốn đi tìm cái vĩnh hằng của thi ca chân chính”, còn nhà văn Trần Nhã Thụy thì nhận xét “Inrasara, người kiến tạo vẻ đẹp Chăm”, vân vân…
Tôi không thể kể ra đây hết bao nhiêu lời tốt đẹp dành cho anh. Từ báo điện tử đến tạp chí chuyên môn hay báo phổ thông, cả tờ lá cải nữa (báo lá cải vài lần nói về đời tư anh rất phiền)! Mấy trăm sáng tác và bài viết về anh xuất hiện trong nước, Úc, Mĩ, Đức, Pháp, vài năm qua cho biết sức lôi cuốn của tên tuổi anh.

Nghĩa là anh rất nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng này hại bất cập lợi. Lợi cho dân tộc Chăm (khi nhắc đến anh người ta phải nhắc đến Chăm, hay nhờ uy tín của mình mà anh làm được việc cho bà con), nhưng theo tôi sự nổi tiếng này có hại cho cá nhân anh. Tính đố kị của người đời là vô cùng, từ cả hai phía. Một nhà thơ Việt danh tiếng tố giác anh: “phản động”, “sôi sục căm thù, ước mơ đảo ngược” (báo Văn nghệ); rồi có người Chăm đã phê phán anh từ ngữ tương tự. Một trí thức lớn Việt cho anh phản động, một người Chăm vô danh cũng bảo anh bán dân tộc, đúng là chuyện lạ trên đời.
May, nhờ ông bà phù hộ, anh vẫn đứng vững.
Về anh, các báo viết nhiều rồi, thời gian của anh còn ở phía trước, chưa vội tổng kết. Đây tôi muốn viết về anh bằng cách nhìn khác, không ca ngợi cũng chẳng chê bai, mà là liệt kê việc anh làm, tác dụng của nó với xã hội Chăm, từ đó người đọc tự đánh giá.

I – Kẻ mở đường và con người của kỉ lục:
1– Năm 75 chưa tới mười tám tuổi, Inra chủ trì vài anh em khác mở lớp dạy chữ Chăm tại quê cho 70 học viên hai tháng. Đây là lớp chữ Chăm đầu tiên sau 75. Đáng lưu ý là lúc đó mới giải phóng Ninh Thuận, rất nguy hiểm. May, không ai hỏi han gì anh cả. Và lớp học thành công tốt đẹp.

2– Năm 1981, Inra và Nguyễn Văn Tỷ với mười thân hào nhân sĩ Chăm làm và kí đơn thư dài gửi cơ quan các cấp trình bày về Trường Pô-Klong, Trung tâm văn hóa Chàm, cơ sở Ban biên soạn yêu cầu Nhà nước cho hoạt động lại. Lúc đó là thời bao cấp rất khó khăn. Vậy mà các trí thức Chăm trong đó có anh làm được.

3– Sau 75, Inra là tác giả Chăm đầu tiên in sách riêng, rồi mười năm liên tục ra mắt mười hai đầu sách và năm quyển khác chưa in: một con số kỉ lục. Bên cạnh đó anh còn viết sáu mươi bài nghiên cứu phê bình và hơn trăm bài điểm sách, về nhiều lãnh vực khác nhau.

4– Inra là tác giả mà tác phẩm đầu tay đoạt giải thưởng: về thơ của Hội nhà văn, về nghiên cứu của CHCPI. Anh là người đầu tiên và duy nhất trên toàn miền Nam hai lần nhận giải Thơ của Hội Nhà văn cho đến hôm nay (tính cả người Việt). Giới trẻ Chăm rất hãnh diện về sự việc này, thấy thế họ phấn đấu.

5– Inra là nhà văn dân tộc thiểu số duy nhất không do Nhà nước đào tạo. Anh tự học và tự phấn đấu, từ bàn tay trắng làm nên. Theo thiển ý, về mặt này anh rất xứng đáng làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

6– Inra là người đầu tiên viết bài trao đổi có bài bản với một tiến sĩ người Kinh in trên tạp san chuyên môn, tiến sĩ này biết mình sai và đã có bài xin lỗi Chăm và cám ơn anh. Ngoài ra anh còn viết trao đổi với nhiều người khác. Giới trí thức Chăm tin vào anh khi đề nghị anh viết.

7– Tuyển tập Tagalau là tập san đầu tiên của riêng dân tộc tại Việt Nam (ngoại trừ người Hoa) do Inra đứng chủ biên. Đây là việc làm mà các trí thức Chăm cho là cực kì khó khăn, vậy mà anh làm được. Nhớ là dân tộc Tày có gần hai mươi Hội viên Hội nhà văn nhưng chưa làm được. Từ tuyển tập này, vài tác giả Chăm được biết đến, từ đó viết càng ngày càng hay, người Chăm có sách để đọc. Ngoài ra nó còn khích lệ anh em trẻ.

8– Inra là một trong rất ít nhà thơ tạo được các phong cách tác phẩm cho riêng mình, đó là nhận định chung của giới phê bình. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn cho anh là một trong những nhà thơ cách tân nhất trong thi ca hiện đại.

Kết luận của cá nhân tôi: Inra làm được nhiều việc ích lợi cho cộng đồng, mở được nhiều hướng phát triển văn học nghệ thuật Chăm, khẳng định tài năng Chăm với người ngoài là điều rất quan trọng, qua đó Chăm không còn mặc cảm nữa, tự tin mà làm việc. Một nông dân Chăm vô danh xuất hiện trên diễn đàn văn hóa lớn, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió: trong biên soạn Từ điển Chăm, viết bộ Văn học Chăm giá trị, sáng tác cả thơ tiếng Chăm lẫn tiếng Việt (đều được đánh giá rất cao), đấu tranh cho lẽ phải về các vấn đề văn hóa Chăm trên sách báo,… nên anh chịu dư luận là chuyện thường tình.

II – Inrasara giữa vòng vây dư luận
Nổi tiếng thì luôn chịu dư luận, đôi khi dư luận rất ngược nhau. Inra từ làng Chăm nghèo, khi xuất hiện đã tạo dư luận đặc biệt. Ẩn mình trong bóng tối, đến bốn mươi tuổi anh mới in tác phẩm, còn trước đó không bao giờ gởi thơ đăng báo, không cần ai biết tới mình. Đó là chuyện ngay cả người Việt cũng không làm như thế.

1– Khiêm tốn hay kiêu ngạo? Có vài nhìn nhận trái ngược. Báo Áo trắng viết: “Dáng vẻ hiền hậu, khiêm tốn và trầm lặng, Inrasara là người rất kiệm lời…Nhà thơ trầm lặng của chúng ta lại rất cởi mở và sôi nổi nếu ai đó đề cập đến văn chương và sáng tác”.
Báo Thể thao-văn hóa thì ví anh như một “cây xương rồng ngạo nghễ”, nghĩa là rất kiêu ngạo. Tôi nghĩ hai nhận định đều đúng. Inra khiêm tốn trong đời nhưng rất kiêu hãnh trong chữ nghĩa. Nói như một nhà phê bình đó là sự kiêu hãnh sang trọng, ngược với kẻ trong cuộc sống thì vênh mặt khinh đời nhưng với chữ nghĩa thì lại hèn yếu.
Tôi cho đó là kiêu hãnh Chăm. Lên diễn đàn nói chuyện, Inra hay giới thiệu mình như thế này: Tôi là một nông dân thi sĩ, một nông dân thi sĩ Chăm! Inra đã từng viết: “Với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh”. Trong thơ anh hay nói đến nỗi buồn, niềm đau và sự kiêu hãnh Chăm. Nhà văn Mĩ Faulkner bảo rằng nếu thiếu sự đau khổ và niềm kiêu hãnh thì không thể làm nên văn chương lớn được.

2– Dễ hay khó gần? Báo Cần Thơ cho anh là con người rất dễ gần, báo Văn nghệ bảo anh khá thân thiện với mọi người dù anh ít giao lưu qua lại với anh em văn nghệ sĩ trong giới. Tôi thấy đây là điều dễ hiểu: anh hoạt động nhiều lãnh vực khác nhau, luôn tuân thủ giờ giấc, quý thời gian nên ít la cà. Không riêng gì người Việt, bà con Chăm cũng nhận định anh vừa dễ vừa khó gần. Có người cho anh “lập dị”, hồi trẻ ở làng kêu anh thằng Trạm “mát” bởi suốt ngày cầm sách trong tay! Tôi muốn kê thêm vài điều nữa nhưng sợ xâm phạm đời tư của anh, là việc không nên. Một tính độc lập như thế rất lợi cho công việc nhưng ít đắc nhân tâm.

3– Tại sao xung quanh hiện tượng Inra có các ý kiến đối nghịch như vậy?
– Về thơ, báo Thể thao – văn hóa cho thơ anh dù cách tân nhưng không xa rời quần chúng, còn vài nhà báo khác thì cho thơ Inra khó hiểu.
– Hầu hết đồng bào Chăm cho rằng anh là đại diện xứng đáng tiếng nói của cộng đồng (các sáng tác của anh luôn lấy đề tài dân tộc và nói tâm tư dân tộc), nhiều người Việt cũng nghĩ vậy, tiêu biểu là nhận định của báo Văn nghệ: “anh luôn đứng về phía dân tộc để cất lời thời đại”. Vậy mà có một người tự nhận là Chăm không biết nhân danh ai lại xuyên tạc anh “chống Chăm”. Tôi cho đó thuần túy chỉ vì ghen ghét cá nhân.
– Inra dù không là đảng viên hay cán bộ nhà nước, nhưng anh chưa bao giờ có ý kiến khen chê về đảng hay nhà nước, vậy mà một nhà thơ Việt không hiểu nhân danh gì đã nói anh “sôi sục căm thù, ước mơ đảo ngược”, tố cáo anh như thế ngay trên báo trung ương!! Đây lại là đố kị cá nhân, nhưng ở hướng khác. Rất may đó chỉ là hai trường hợp đơn độc.

4– Phản ứng của Inrasara
Trước ý kiến đối chọi như vậy, anh đã phản ứng như thế nào? Nói chung: im lặng. Đây là thái độ khôn ngoan. Riêng về ý kiến mang tính quy chụp, như với nhà thơ người Kinh ở trên, anh trả lời nhẹ nhàng (bằng thơ):

Làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử
Để em có thể tầm nguyên tâm hồn tôi
Mà không phải đọc tôi qua sương mù dị bản

(Hành hương em)
Với người Chăm đồng tộc nêu trên, nhân dịp gặp anh, tôi hỏi thử, rất bình tĩnh anh nói: “Lần đầu đọc thấy, mình có buồn chứ, nhưng sau đó mình nghĩ đây là chuyện thường tình trong đời, không tránh khỏi. Nhưng như thế lại là tốt, mình phải cám ơn vị đó, dù ông ta có nhận định sai chăng nữa, nhờ vậy ông giúp mình sẽ kĩ lưỡng hơn trong đời cũng như trong viết lách”. Anh thêm: mình nói thật lòng đấy! Tôi cho đó là thái độ của một triết gia: cám ơn chính kẻ gây oán cho mình!
Còn với các giải thưởng hay bao lời ngợi ca thì sao? Cũng bằng thái độ triết gia, anh nói (trên báo Mực tím số mới nhất): mỗi lần có giải được khen ngợi, mình cũng dành vài ngày để thưởng thức vinh quang, sau đó nhanh chóng quên nó đi. Rồi hướng đến việc làm mới, tác phẩm mới. Luôn luôn là tác phẩm ở phía trước. Đây là con người không bao giờ chịu thỏa mãn với cái đã đạt được dù nó lớn tới đâu. Theo tôi đấy là điều nổi bật nhất nơi nhà thơ của chúng ta.

Phản hồi: Kĩ sư Phanrí
BỀ TRÁI CỦA HIỆN TƯỢNG

Đọc “Hiện tượng Inrasara”, tôi đồng ý với Trà Chay Pyang 100%, nhưng tôi muốn xét Inra ở bề khác, để có nhận định đầy đủ hơn về một hiện tượng đặc biệt này. Bạn đọc cần xem đây như một ý tốt. Bởi tôi biết khá kĩ và nghĩ rất tốt về Inra. Những chi tiết tham khảo:

1/ Inra không say mê văn hóa Chăm lắm, anh làm vì bất đắc dĩ. Anh nói ý này ngay trong cuốn Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại của mình: “Nếu là Đức tôi đã là triết gia, còn nếu làm người Rắglây, tôi chỉ làm thơ thôi”. Inra thực lòng khi viết như vậy. Tôi nghe có người kể, khi Phú Văn Hẳn tốt nghiệp cử nhân, anh ngỏ ý giao toàn bộ tư liệu về ngôn ngữ; còn Lưu Văn Đảo anh tính cho tất cả cái gì dính đến văn học Chăm anh bỏ công sưu tầm được. Mà tư liệu anh lúc đó rất quý. Không hiểu lí do gì hai anh này không nhận. Theo tôi biết Inra chỉ mê có thơ thôi. Trong các buổi thuyết trình, nhiều người nhận xét anh nói về thơ hiện đại Việt và Tây phương còn hay hơn nói về văn học Chăm.

2/ Về thơ, anh nổi tiếng thế nào ai cũng biết rồi, song tôi thấy anh ưu tiên thơ tiếng Việt, dù thơ Chăm anh đã có hơn hai trăm bài. Ngay lúc học lớp Bảy ở Pô-Klong, anh đã có thơ tiếng Chăm in báo tường, khi mười tám tuổi dạy tiếng Chăm ở Mĩ Nghiệp, anh sáng tác vài trăm câu thơ để dạy. Thơ Chăm anh cũng rất hay, nhiều người thuộc lòng, tại sao đến bây giờ anh chỉ cho ra có ba mươi bài? Dù trời ban cho anh cái tài nhưng chưa hết mình cho chữ Chăm là thế!

3/ Inra không dám nhận trách nhiệm: tại sao anh từ chối các chức vụ khá quan trọng được mời (trong lúc lắm kẻ chạy chọt mà không được), có chức vụ rồi không phải tranh đấu cho quyền lợi dân tộc dễ hơn sao? Sao anh không học để làm luận án tiến sĩ, dù có vài lời đề nghị, nhất là anh rất thông minh, luôn đậu thủ khoa tại các cuộc thi? Vì vậy tôi cho anh sợ trách nhiệm lớn.

4/ Inra trao đổi với nhiều học giả Việt, nói đúng và có tác dụng (nên nhớ là 3 tiến sĩ Chăm không ai dám lên tiếng), nhưng tôi thấy ba năm nay có nhiều cái sai khác, sao anh im lìm? Tại sao không có chữ kí anh ở Bản phản đối hai mươi ba vị tiến sĩ viết sai về Chăm? Tại sao Tagalau không có bài điểm nóng về xã hội Chăm? So với nhiều Chăm học cao, Inra dũng cảm thật, nhưng nhiều chuyện anh còn thỏ đế lắm đấy!!

5/ Tại sao nhận định về Chăm anh lại bảo “cười ra nước mắt, cười méo miệng” đến nỗi gây hiểu lầm rất vô ích. Cho dù ông anh mình có sai (tôi thấy ông này rất sai khi phê ông bà Chăm có kiến thức sơ sài, và nhiều cái sai khác nữa), dù mình bị xuyên tạc oan đi nữa, tôi nghĩ Inra không cần thiết phải viết như thế. Inra vẫn còn có cái gì đó chưa thật như triết gia, như anh Pyang nói!

6/ Với tính khí bất tử, Inra không bao giờ đắc nhân tâm. Dạy chữ Chăm, khi vào làm sinh viên Sàigòn anh dứt khoát không dạy nữa? Đang làm kế toán trưởng lương rất cao anh bỏ đi làm Ban biên soạn lương chết đói. Đang ở Ban biên soạn, anh bỏ về cày. Anh không được lòng người còn bởi lối phê bình văn chương quá thẳng nữa.Tôi biết vài nhà văn Việt, Tày… dù đồng ý với anh, nhưng rất mất lòng. Đây là việc thậm vô ích: anh đâu có trách nhiệm xây dựng văn học Việt! Dành thì giờ cho văn chương Chăm không tốt hơn sao?

Đó là sáu mặt trái tôi nhìn thấy ở nhà thơ Inrasara. Tôi xin nói lại: tôi nêu chúng ra với mục đích rất tốt để làm tư liệu cho bà con nhất là thế hệ trẻ Chăm biết thêm, không có ý gì cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *