Inrasara, con ong của nỗi vô hình

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện.

Pv. Inrasara nghĩa là gì, hay chỉ là một cái tên vô nghĩa?
Inrasara: Tiếng Chăm, Inra là họ (Sấm), Sara là muối. Bởi tiếng Chăm đa âm tiết nên hai tiếng viết liền nhau. Vậy thôi…

Pv. Hành trình từ một đứa con làng Chăm đất Ninh Thuận trở thành một nhà thơ có tên trong thi đàn đương đại và vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Asean quả là một chặng đường dài vượt qua nhiều trở lực. Nếu là một kẻ lữ hành cô đơn, anh nghiệm ra điều gì sau mỗi bước chân mình ra đi-sáng tạo?
Inrasara: Cô đơn, chứ không phải cô độc; có thể anh lánh đời lên ẩn trên núi sâu, anh vẫn chưa cô đơn. Với nhà văn, điều tối cần thiết là cô đơn trước tờ giấy trắng. Nhà văn làm phong phú mình bằng tương quan đa dạng với con người, đất đai và ý tưởng. Nhưng tất cả phải qua cuộc nung nấu nội tâm. Nghĩa là trở lại giao tiếp với cô đơn.
Mươi năm qua, không ít nhà thơ ưa nói tới việc “tìm mình”, “trở thành chính mình”, “hãy là mình”,… như thể một thời thượng. Đúng! Nhưng nếu họ may mắn tìm được mình ở cuối chân trời nào đó thì mình đó đều dính đầy quá khứ: con người ta gặp, môi trường ta sống, sách ta đọc,…
Tìm thấy mình, rồi cắt đuôi cái mình ấy. Đó là cô đơn. Kẻ sáng tạo liên tục làm cuộc cắt đuối đau đớn ấy.

Pv. Ý thức thiểu số có chi phối anh trên mỗi trang viết? Người ta nhớ đến anh là một nhà thơ Inrasara nhưng cũng có người không nhớ cái tên dài dòng đó mà chỉ nhớ đấy là một đứa con Chăm, một nhà thơ thiểu số. Trong hai trường hợp đó, trường hợp nào làm anh vừa lòng hơn?
Inrasara: Con người ý thức minh nhiên vị thế của mình, như một đơn vị trong cộng đồng, một công dân của đất nước và một sinh thể giữa vũ trụ. Nhà thơ vừa là đứa con của cộng đồng: anh dùng ngôn ngữ dân tộc, nói lên tâm cảm dân tộc, nhưng đồng lúc anh phải là một cá thể biệt lập: sáng tạo ngôn ngữ riêng anh trong ngôn ngữ cộng đồng, phiêu lưu đi tìm dưỡng chất mới cho mùa màng văn hóa dân tộc.
Ý thức như thế, nên vấn đề “thiểu số giữa lòng thiểu số” chi phối tôi là chuyện đương nhiên, dù chỉ thi thoảng. Còn thường thì, tôi “quên” nó đi. Đôi lúc nó chợt đến, tôi đẩy nó sang bình diện khác: thiểu số giữa lòng thiểu số trong thơ ca!

Pv. Qua bốn tập thơ (Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư) và gần chục công trình nghiên cứu, biên soạn về văn hóa Chăm quan trọng. Hẳn, việc viết lách của anh không còn là chuyện trông chờ vào hứng thú mà là một khoa học?
Inrasara: Tôi làm việc như thể một con ong cần mẫn. Viết bất kì ở đâu, trong bất kì hoàn cảnh, tâm trạng nào. Đúng giờ là vào việc, dù không cần thiết làm con ngựa kéo xe, như H.Miller nói. Khi bế tắc thơ, tôi chuyển sang nghiên cứu hay dịch, hoặc cái gì gì khác nữa. Không vấn đề gì cả.

Pv. Và còn việc làm ăn nữa? Vợ chồng anh đang làm chủ một Công ty dệt thổ cẩm Chăm có tiếng tại Tp.HCM. Hình như thời giờ nghỉ ngơi la cà và thưởng thức cuộc sống của Sara hơi khiêm tốn?
Inrasara: Không đâu, bạn à! Làm thơ cũng là cách sống rồi, sống sâu thẳm nữa! Tôi mê quần vợt và bóng đá, ít bỏ sót trận đấu lớn nào; thậm chí thuộc lòng đến từng đường bóng, từng ca chấn thương của siêu sao. Cả phim ảnh nữa, nhưng chục năm nay, thì giờ xem phim cứ thu hẹp dần. Làm nhiều nghề khác nhau không phải là cách sống sao? Chính nó làm phong phú vốn sống, giàu có ngôn ngữ ta và từ đó, đa dạng thơ ta.
La cà ư? Gần như tôi ngồi quán càphê mỗi ngày, một mình vậy thôi, nhiều loại quán khác nhau ở nhiều góc phố khác nhau. Làm việc, hứng lên tôi bỏ tất cả để – đi. Tôi còn là một lang thang sĩ mà.

Pv. Cuốn tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của anh vừa ra mắt cuối tháng 03.2006 (Nxb.Văn nghệ) dường như là một chiêm nghiệm tự thân kết hợp với những quan sát đời sống văn học đương đại với nhiều ngổn ngang của nó?
Inrasara: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo không mang tham vọng lớn, nó chỉ như một dừng chân tạm thời để “Nhìn lại hành trình thơ của mình và người đồng hành, là ý thức mang tính phản tỉnh việc làm của mình và người đồng hành. Nó giúp ta nhận mặt những nhàm cũ, lối mòn lâu nay ta từng đi và dẫm lên dấu chân kẻ đi trước hay của chính mình mà không biết, biết còn mơ hồ hoặc biết mà không cảm thấy cần/không nỗ lực tránh”. Bởi thế chăng, nó đụng trực tiếp đến vấn đề sáng tác của hôm nay, đầy “ngổn ngang”, như bạn nói.

Pv. Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo? Vậy chúng ta phải “phấn đấu” cô đơn để có sáng tạo mới?
Inrasara: Cô đơn tức là tự do tức là sáng tạo. Nó là những khoảng rỗng nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Không phải ta sở hữu nó như thể trẻ con sở hữu hòn bi, mà chính nó chiếm hữu ta, ném ta vào khoảng rỗng vô định và đầy bất an của nó. Ta không còn nghe một giọng mơ hồ nào đó, thoát khỏi mọi nhắc nhở phải thế này hay không nên thế kia,… Ta trở thành một sinh thể tự do. Như thiền sư đạt đạo thơ ca, “thõng tay đi vào chợ, thong dong giữa miền cuộc đời”. Ta sống giữa xô bồ phố xá mà ta vẫn cô đơn…Cư ngụ trong khoảng rỗng đó, sáng tạo sẽ tuôn tràn.

Pv. Anh có thể cho biết quan niệm ứng xử của mình với: tiền bạc, phụ nữ và chữ nghĩa?
Inrasara: Tôi sinh năm Gà, và như con gà trống, kiếm hạt thóc [tiền] rất dễ. Nên tôi chưa lần ám ảnh bởi tiền bạc. Lắm lúc còn san sẻ hạt thóc [tiền] cho [con] người bên cạnh đang túng thiếu nữa.
Phụ nữ, bao giờ tôi nhìn họ cũng đẹp. Hầu như tất cả nhân vật nữ trong các trang viết của tôi đều đẹp, dĩ nhiên theo cái nhìn của tôi.
Chữ là phương tiện của ý tưởng, như thể chiếc bè qua sông; nhưng với thơ ca: chữ là phương tiện là mục đích phụng sự của thi sĩ.

Pv. Anh nghĩ gì nếu người Chăm bảo rằng họ không thể hiểu nổi anh viết gì, và họ xa lạ với đóng góp chữ nghĩa của anh?
Inrasara: Dư luận bà con tôi nghe lỏm được: dường như họ thích Tháp nắng hơn các tập thơ sau đó của tôi. Cũng đã có vài trường hợp cá biệt, dĩ nhiên. Tôi không nghĩ gì về chuyện này cả. Nhưng cũng nên nhớ là Chăm đã có nền văn học viết sáng giá, trong đó thi phẩm Ariya Glơng Anak rất triết lí, không dễ hiểu chút nào cả; vậy mà hầu như mọi “nông dân” Chăm thế hệ cha anh tôi đều thuộc lòng nó. Thế mới lạ!
Và Sara đâu chỉ sáng tác bằng tiếng Việt. Thơ tiếng mẹ đẻ của tôi vẫn đến tay bà con đều đặn, trong đó có vài bài còn được đưa vào chương trình sách giáo khoa tiếng Chăm nữa kia.

Pv. Một trí thức lao động khoa học, thơ ca đầy suy tưởng, vậy, có bao nhiêu thành phần lãng mạn trong con người và đời sống của anh? Có thiệt thòi không khi người ta không được sống hết mình và thưởng thức đời sống với những cuốn hút mãnh liệt của sự bay bổng của nó?
Inrasara: Tôi e rằng thành phần bách phân lãng mạn trong tôi vượt trội yếu tố khác nữa. Tôi là dân Chakleng nòi mơ mộng và, như câu nói cửa miệng của một nhân vật trong Chân dung Cát: “sống bằng nghề mơ mộng”. Nhiều người mới văn kì thanh cứ nghĩ tôi lụ khụ khệnh khạng hàn lâm nhăn nhó ghê lắm. Nhưng ngay lần gặp đầu tiên thôi, họ mới vỡ ra tay Inrasara cũng vui vẻ đáo để. Nửa đời hư trôi qua, tôi nghiệm rằng kẻ “sống hết mình” hơn cả đều ăn ít và nhất là sở hữu rất ít. Họ cũng ít “thưởng thức” đời sống như một ham hố vô độ nữa!
Nhưng cuộc sống là gì kia chứ!? Và hành động cốt tủy nào của con người có thể biện minh cho sự hiện hữu của chúng ta trên mặt đất mong manh này?

*
Báo Bình Thuận chủ nhật, 06.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *