Sau một giấc ngủ dài, Jaka giật mình thức giấc. Nó cảm thấy buốt nhức trong người. Dù cố gượng, nó vẫn không dậy được.
– Mẹ ơi! mẹ …
Sao tối om thế này! Nó có cảm giác như bị ai đè. Vẫn không cựa được. Ngộp quá. Chắc chết thôi! Cha ơi! …
Vâng Jaka đã chết. Chết đột ngột sau một tai nạn giao thông vào chiều hôm qua. Khi xác con được đưa về, mẹ Jaka không còn nước mắt. Bà lao đến ôm lấy thi thể đứa con trai thân yêu không còn nguyên vẹn, thâm đỏ một màu máu, gào khóc thảm thiết. Mọi người xung quanh gắng lắm mới gỡ được bà ra khỏi xác con mềm nhũn. Bà ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần. Kẻ xoa, người bấm, hơ hơ, chườm chườm, hết lời chia sẻ vẫn không sao xoa nhẹ được nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ này. Từ đầu ngõ, người ta thấy cha Jaka lao vào trong nhà, chưa kịp nhìn mặt con, đã bức tóc réo trời gầm rú dữ dằn. Mấy đứa em Jaka khóc tức tưởi. Bà con chòm xóm, người giữ người này, kẻ xóc người kia. Không khí bức bối tang thương, nặng nề! Mất mát nào cũng làm cho con người đau khổ. Mất người thương yêu nỗi xót xa như vô cùng.
Jaka chết khi tuổi vừa tròn hăm ba. Gia đình mất đi một đứa con hiếu thảo. Vì tương lai của các em, nó đã xin cha mẹ nghỉ học nửa chừng ở nhà phụ hồ theo nghề xây dựng. Nhờ chí thú trong công việc và có một chút con mắt thẩm mỹ cộng với tính cần cù, cẩn thận, nó nhanh chóng được bố trí lên giàn giáo làm thợ chính, mức thu nhập có khá hơn, gỡ bớt cái ngặt cho gia đình. Từ ngày nó tách khỏi các ông nhà thầu keo kiệt, bòn rút công sức của đám thợ ra làm riêng, nó luôn tay luôn chân cùng đám thợ con xây cất hết nhà này đến công trình khác. Giá cả phải chăng, chất lượng công trình đảm bảo, vui vẻ hoạt bát với mọi người, quý mến anh em thợ thầy nên tăm tiếng Jaka vang xa khắp một vùng, đâu đâu cũng biết. Thời gian gần đây nhờ biết phục chế các kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc ít người nên Jaka luôn được mời nhận thầu ở khu trưng bày văn hoá các tộc người của địa phương. Có lần về tận Hà Nội góp phần dựng nhà truyền thống người Chăm ở Bảo tàng dân tộc học. Thu nhập có khá hơn, có đôi chút tên tuổi trong giới thợ nhưng Jaka bao giờ cũng khiêm tốn, cầu thị. Jaka chưa dám tính chuyện lập gia đình riêng dù cũng không ít chỗ đã bóng gió xa gần đẩy đưa kín chuyện. Và không dưới một lần mẹ Jaka khen Út chị, con nhà bác Giáo kề bên đẹp nết đẹp người, “giống” như con cháu trong nhà. Những lần như thế, Jaka bao giờ cũng lảng sang chuyện khác. Chuyện MưHoa chừng nào ra trường, tính xin việc ở đâu, chuyện Japai đang thực hành cần trang bị thêm một số dụng cụ y khoa ….v..v… Đánh đúng vào điểm yếu của mẹ, câu chuyện Út chị nhanh chóng chìm vào lãng quên, nó mừng hết lớn! Jaka thương mẹ thương cha và thương các em nó lắm. Nó sẵn sàng làm và hy sinh tất cả để gia đình nó được yên ấm, hai em nó được ăn học đến nơi đến chốn. Cha mẹ nó khổ nhiều rồi. Sinh con năm một. Đứa này chưa kịp lớn, đứa khác đã ra đời. Làm ăn vất vả tối tăm mặt mũi, nhưng sướng khổ luôn có nhau. Cả hai ông bà đều là giáo viên cấp 2, chỉ qua một cơn bệnh ngặt nghèo của cha, gia đình nó phải bắt đầu “làm lại cuộc đời” từ số âm. Mẹ nó dù rất yêu nghề nhưng đành phải xin nghỉ dạy ở nhà chăm sóc cho cha. Nó là đứa lớn nhất trong nhà nhìn cảnh nhà sa sút mà không làm gì được, nó bức bối lắm. Anh em nó hết chạy bên nội lại nhờ bên ngoại cưu mang, độ nhật. Ngặt một nỗi cả hai bên nội ngoại đều túng bấn như nhau. Nhìn cảnh nội nhịn bữa chia phần cho anh em nhà nó, nó không cầm được nước mắt. Ngoại nó cũng thế, kiếm được con cá con cua, củ khoai, nải chuối bao giờ phần hơn cũng thuộc về gia đình nhà nó. Nội ngoại sẵn sàng nhịn để cho anh em nhà nó những cái mà họ có. Anh em nhà nó nhận từ máu thịt nội ngoại một tình thương vô bờ bến nên ai cũng dành phần chiụ thiệt để cho người khác được vui lòng. Nó là anh lớn trong nhà nên nó được nhận phần hy sinh trước – cha mẹ nó nói thế – nói trong nước mắt vào ngày nó xin cha mẹ được nghỉ học để theo phụ hồ. Sự hy sinh của nó không hoài phí. Con bé MưHoa em gái nó đang học năm cuối đại học sư phạm, chuẩn bị ra trường, Japai em trai nó, tưởng học hành không ra gì, thế mà từ khi nó lên được cấp 3 nó làm cho gia đình đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước đây nó lôi thôi bao nhiêu bây giờ nó nghiêm túc bấy nhiêu, giờ nào việc nấy rõ ràng. Vừa về tới nhà là ngồi ngay vào bàn xem lại bài đã học buổi chiều hôm đó. Ăn xong, nghỉ ngơi, đọc báo chút ít lại lao vào bàn cắm đầu với mấy quyển sách. Làm xong bài, học xong bài mới chịu đi ngủ, không cần phải cha mẹ và cả Jaka nhắc như những năm nó học ở cấp 2 – nhất là năm nó học lớp 8. Năm lớp 10, nó đạt học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh, lớp 11 là học sinh giỏi môn tiếng Anh, ớp 12 đạt giải ba môn sinh toàn quốc và điều kì diệu nữa là nó thi đậu đại học ngành y mới chết chứ – đậu thẳng, chưa cần phải cộng điểm dân tộc và bây giờ nó đang thực tập ở một bệnh viện lớn của thành phố. Thành tích học tập của hai em nó đã làm cho cha mẹ nó hình như trẻ lại. Bà con chòm xóm bắt đầu “kiêng nể” anh em nhà nó. Mọi người ai cũng biết nhà nó nhờ nó mà có được như ngày hôm nay. Jaka cũng cảm thấy như vậy nhưng nó luôn giấu mình sau bóng của bậc sinh thành. Làm hết mình, mang đến cho người thân tất cả những gì mình có tự dưng nó cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Cho bao giờ cũng dễ chiụ hơn nhận, là thế!
Với chòm xóm láng giềng cũng thế, nó sống rất thật lòng và sống hết mình. Sửa sang chút ít, nó không bao giờ chịu nhận tiền thù lao. Đêm hôm khuya khoắt, tối lửa tắt đèn khi có việc cần là nó đi ngay. Mấy đứa nhỏ trong xóm hoang nghịch, đấm đá, nói tục chửi thề, nó tìm đủ mọi cách để can ngăn, phân giải. Các đám choai choai các nơi vô công rỗi nghề kéo nhau về làng gây sự, bắt nạt trẻ con, gặp mặt nó là tìm đường cuốn xéo. Nó lại là một cây văn nghệ của làng. Không có đêm văn nghệ nào của làng tổ chức – nhất là những đêm văn nghệ chào mừng các ngày lễ tết, các đợt hội thi lại thiếu vắng nó. Nó đánh trống ginăng như một ông già đứng tuổi. Bảy mươi hai điệu trống ginăng nó nhuyễn không sót. Tiếng trống của nó vang xa hùng hồn, mãnh liệt, nhất là các điệu “đạp lửa”, điệu Po Tang Ahauk, điệu Cei Tathun … . Để đánh cặp với nó phải là các chú, các ông đã từng trải hoặc là với các sư trống lão luyện trong giới. Thường thì nó cầm nhịp chính, nhưng nếu để cho nó “hòa nhịp” thì không khí sôi động hẳn lên. Nó thật điệu nghệ khi dập dùi trống vào tang trống, tự tin, chắc nịch. Những lúc nó đánh đuổi nhịp ba, nhịp sáu, tay vỗ mặt giữ nhịp, tay cầm dùi vung cao dồn sức vào mặt trống như muốn làm cho trống bung ra. Nó lại còn biết hát, hát truyền cảm nữa. Đúng là cây nào quả nấy! Nghe đâu cha mẹ nó, khi còn là sinh viên là một cặp song ca rất được ái mộ ở một trường đại học cao nguyên mù sương thơ mộng. Khác với cha mẹ, nó hát một mình, hát hết mình với những làn điệu dân ca Chăm mượt mà sâu lắng. Tiếng hát nó đi theo trẻ con lên nương lên rẫy, theo những chàng trai cô gái đang độ xuân thì vào tận giấc mơ hoa. Tiếng hát Jaka như khơi gợi lại một thời yêu đương thơ mộng, trái ngang của những bậc cha chú cô dì trong làng …
Jaka như thế đó. Như thế đó mà nó lại chết – chết oan khiên, đau đớn. Nghe tin Jaka mất, ai trong làng cũng đều bàng hoàng, không tin được dù xác nó đã được đưa vào nhà. Tại sao người tốt như thế, tài như thế lại chết sớm! Những đứa gian ác, lưu manh, bội bạc sao lại sống dai như đỉa! Không ai trả lời được cái bí ẩn thường tình trong cuộc sống phù du này. Thôi thì đằng nào nó cũng đã chết, âu cũng là cái số, cái phần của nó. Phải lo cho nó có một cái đám tang đàng hoàng để nó sớm đi gặp ông bà tổ tiên thế giới bên kia. Sống khôn thác thiêng – mọi người ai cũng cầu mong cho nó như thế. Nhưng oái oăm thay, điều cầu mong bình thường cũng không thỏa. Mẹ nó là người Kinh theo đạo Phật nên muốn mời các sư sãi về gõ mõ tụng kinh, nhập quan tài, hạ huyệt theo nghi thức bên Phật. Phải xây cho nó một cái mồ bên cạnh mã của bà trong nghĩa trang dòng mẹ. Cha nó lại là Chăm, muốn con mình đi theo nghi thức đám tang người Chăm. Hơn nữa, từ nhỏ đến lớn gia đình nhà nó đều sống với xóm làng người Chăm, từ cái ăn, cái mặc – kể cả mẹ nó cũng theo “kiểu” của người Chăm. Người xa lạ cứ tưởng gia đình nhà nó là Chăm. Anh em nhà nó nói tiếng Chăm sõi hơn tiếng Kinh. Khi còn là học sinh cấp 1, năm nào anh em nhà nó cũng đều được nhận phần thưởng học sinh giỏi môn tiếng Chăm. Dấu ấn Chăm đậm nét hơn trong anh em nhà nó. Năm khi mười hoạ, tết nhất, giỗ chạp, anh em nhà nó mới được cha mẹ cho qua bên ngoại. Những lúc như thế, nó thấy rất ngượng, lúng ta lúng túng – nhất là lúc cầm nhang lạy lạy trước khi cắm vào bát hương đặt sẵn trên các trang thờ trong nhà. Nhà nó không có trang thờ, cũng chả thấy đốt nhang bao giờ. Có món gì lạ hoặc trước khi ăn mừng điều gì đó, ba nó thường hay cho dọn sẵn mâm có đủ thức ăn, có thêm ly nước lạnh với chai rượu nhỏ, vừa rót rượu ba nó vừa lâm râm khấn vái điều gì đó trong miệng, xong cuộc, ba nó đổ một ít nước, một ít rượu xuống nền nhà rồi cho mang xuống để cả nhà cùng ăn. Gọn nhẹ nhưng trang nghiêm, thành khẩn vô cùng. Ba nó thường bảo, quên nghi thức này thì rầy rà lắm!
Trước lời yêu cầu của mẹ Jaka, mọi người sửng sốt ngạc nhiên vô cùng. Bên mẹ Jaka không ai có ý kiến gì. Ai dám bàn, nhất là bàn đến một việc mà họ có cảm giác không thuận chút nào. Cha người Chăm, ăn ở với bà con người Chăm từ lâu nay, nay lại làm đám tang theo người Kinh thì thấy khó quá. Một số chú bác lớn tuổi trong làng cũng có đôi lời phân giải nhưng vẫn không thuyết phục được ý muốn của mẹ Jaka. Cha nó buồn hằn sâu nỗi khổ trên khuôn mặt gầy vì già thì ít mà vì phiền lụy thì nhiều.
Trời mỗi lúc mỗi kéo mây đen, thi thoảng có vài tia chớp nhỏ báo động một cơn mưa lớn sẽ ập xuống. Không khí oi nồng đến khó chịu. Thi hài Jaka dù được phủ kín bằng vải trắng nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu trương to dần. Không thể để Jaka nằm đó mà hai bên cứ giằng co thuyết phục nhau mãi được. Cuối cùng vẫn phải chiều theo ý của mẹ nó.
Hàng đã được chở về. Các thầy đã nhanh chóng tẩm liệm, các vị sư sãi cũng rất khẩn trương vào cuộc. Tiếng cầu kinh được đệm bằng tiếng mõ đều đều. Đám thanh niên trong làng cũng đã được hướng dẫn ra ngoài nghĩa trang đào huyệt. Giờ di quan cũng đã đến. Theo sau một vị sư già, vừa dịch chuyển đôi chân vừa lần lần hạt chuỗi, cầu kinh gõ mõ là quan tài của nó leo lét ba cây nến trên nắp hàng tắt ngúm từ khi bước ra khỏi ngõ và dòng người đưa tiễn cơ man nào là người. Không ai can ngăn được cha mẹ nó nên đành lòng phải cho người xốc nách dìu đi. Mẹ nó vùng vằng khóc gào tên con nức nở đập ngực tức tưởi réo trời kêu oan. Tiếng khóc của mẹ nó làm cho cả dòng người đưa tiễn không ai cầm được nước mắt.
Quan tài vừa mới đặt xuống, từ đâu một cơn lốc ma mịt mù xốc tới xoáy mạnh quay tròn cuốn hút biết bao nhiêu mũ nón trên đầu dòng người tiễn đưa theo vòng xoáy cơn lốc rơi khắp nghĩa trang. Vị chủ lễ đang làm các nghi thức cuối cùng chuẩn bị hạ huyệt thì từ xa, mọi người trông thấy một tốp người, đàn ông có, đàn bà phụ nữ có chạy hớt ha hớt hải lao thẳng vào nghĩa trang lớn tiếng nói điều gì không rõ nhưng ai cũng có cảm giác có chuyện chẳng lành. Vừa dừng chân chưa kịp thở mệt, một ông già bé choắt roi roi người mặc áo thâm nâu đeo kính trắng tròn dày cộp vung tay ra dấu ngăn chặn mọi người và lớn tiếng khống chế:
– Ai, ai cho các người làm việc này. Tại sao lại chôn ở đây. Nó là người Chăm sao lại chôn chung với nghĩa trang dòng họ nhà tui. Không được, phải đưa nó đi chôn chỗ khác. Đưa qua đất thổ mà chôn. Làm trái khuấy như thế mà cũng làm được …
– Thôi mà bác, đằng nào cũng đã lỡ rồi. Một người trong đám người đưa đã nói thế với ông ta.
– Không được, đã bảo nó là Chăm, cha nó người Chăm thì cứ bên đất thổ người Chăm mà chôn, nó có phải là người Kinh đâu mà chôn bên này. Mấy ông cứ làm những chuyện xúi quẩy không. Tôi nói rồi đó. Tôi cấm không cho chôn nó ở đây, tôi sẽ báo làng để giải quyết nếu các ông cứ ….
Cuộc thương lượng với dòng họ mẹ bất thành. Mọi người rất áy náy trong lòng. Cha mẹ Jaka thật sự không còn nước mắt để khóc tiễn con. Trời càng lúc càng sẫm tối. Quan tài và dòng người đưa tiễn đành lũ lượt kéo nhau trở ngược lên phần đất thổ mộ người Chăm. Chỉ còn dăm bước nữa là đến đất thổ, nhưng từ xa người ta thấy có sẵn một đám người đừng chặn ngay cổng vào thổ mộ.
– Các chú, các bác thông cảm đưa cháu đi gửi chỗ khác là ổn hơn. Một người trong đám người đứng chặn cửa thổ mộ đã bước ra và nói như thế. Ổng nói tiếp: các ông các bà nghĩ coi, Jaka được quàng theo phong tục người Kinh, có các sư gõ mõ tụng kinh, có cả áo quan…. Không một nghi lễ nào của người Chăm được dọn cho cháu, nay lại đưa cháu về đây an nghỉ thì tội cháu quá. Người sống có con đường của người sống, người chết cũng phải cho họ một con đường đi tốt đẹp, trọn vẹn. Nửa bên này, nửa bên kia, sao tội thế! Ông nói nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết.
Nghe ông nói, lời xì xào bàn tán của đám người tiễn đưa râm ran. Sống tốt như Jaka, chết đi không có đất chôn, tội thật! Chăm Kinh gì cũng là người cả mà! Phong tục tập quán suy cho cùng cũng do con người bày nên, mỗi người mỗi kiểu, mỗi dân tôc có một cách riêng. Đạo nào cũng hướng con người đến cái lành, cái tốt. Sao nỡ xử tệ với nó như thế. Chết không chôn xuống đất thì biết chôn ở đâu bây giờ. Tội vạ ở đâu không biết bắt thằng nhỏ gánh chiụ. Ai cũng giành phần phải cho mình, thì đem nó đi phơi cho quạ rỉa à. Con người chuyên môn làm khó dễ với nhau. Biết thế, sao lúc cha mẹ nó thương nhau không tìm cách xẻ ngăn sớm đi. Chăm Kinh nhưng sống như gia đình nhà nó, xóm này ai bằng …..Họ nói nhiều lắm, nói vòng ngoài, nói trong sự tức bực nhưng chưa có ai có ý kiến gì để họ chấp nhận Jaka vào nằm trong phần đất thổ mộ còn mênh mông khoảng trống kia.
– Bây giờ tính sao? Bác Giáo nhà bên quay sang nói với bác ruột Jaka.
– Thôi như thế này bác Cả. Bác Jaka thương lượng: không cho cháu vào trong cũng được, xin các bác thông cảm cho cháu miếng đất ở ngoài. Đằng nào cũng là con cháu trong làng cả mà…
– Ngoài sao được, bác tính lại coi, thổ mộ là nơi gửi tạm đợi ngày bốc lên làm đám. Đùng một cái có mả bên ngoài, có chuyện gì chẳng lành mình biết ăn nói sao với dân làng. Thương nó thật nhưng biết làm sao đây…
Trời đã tối hẳn. Mảnh trăng non cũng đã bắt đầu thò ra cái sừng cong nhọn vàng âu hắt xuống khu rừng những tia sáng nhợt nhạt mờ mờ. Dòng người đưa tiễn cũng bắt đầu thấm mệt, lòng nhiệt tình với người chết bị cái mệt đi lên đi xuống làm nguôi ngoai dần và lác đác có người đã len lén bỏ về.
– Tối rồi, ai đó về nhà mang đèn lên đi. Một ai đó trong đám người lên tiếng Không khí căng thẳng. Hình như ai cũng cố gắng moi tìm một giải pháp nào đó khả dĩ để nhanh chóng “lo” cho nó rồi mà còn về.
– Thôi, được rồi. Lại tiếng của bác Jaka. Mọi người khiêng nó đi theo tui. Không ai bảo ai, cũng chẳng ai hỏi han điều gì. Quan tài Jaka lại lên vai mấy người khiêng theo sau bước đi xăm xăm của bác Jaka. Đi một hơi, một thôi đường, quanh qua một đám đất lên một ngọn đồi hoang – phần đất của bác Jaka, ông cho mọi người dừng lại. Quan tài được đặt xuống. Huyệt cũng đã nhanh chóng được đào. Mọi thủ tục hạ huyệt cũng rất khẩn trương.
Jaka đã yên nghỉ một mình trên ngọn đồi hoang vắng này. Lẻ loi, tội nghiệp!