Đọc lại lịch sử, có một chi tiết nhỏ nhưng làm tôi chú ý:
“Mùa thu, tháng tám năm 1202, Vua Lý Cao Tông cho soạn nhạc khúc Chiêm Thành, đặt tên là Chiêm Thành âm. Khúc nhạc rất hay và bi thương đến độ ai nghe cũng rơi nước mắt…”.
Như vậy là ngày xưa đã có một ông vua nước Việt mê nhạc Champa, nhưng cũng ngày xưa đó – nhạc Chăm đã rất buồn, buồn đến độ bi thương. Có thể là những nhạc công soạn thành khúc ca xưa còn ghi trong lịch sử, đã trải lòng mình trong thân phận lạc loài xứ người nên viết khúc ca buồn thảm đó chăng? Hay đặc tính buồn là của riêng Chăm?
Ai đã từng nghe dân ca Chăm rồi nghe Nam Ai Nam Bình xứ Huế mới thấy nỗi buồn ấy đã lan toả và thấm sâu vào tâm hồn Huế đến nỗi tạo ra tính cách rất riêng cho Huế, kể cũng… hay, mấy ai biết rằng Chăm mới chính là cái gốc cho nỗi buồn man mác của xứ Huế thơ mộng kia? Chăm buồn là phải…
Một bài dân ca Chăm, chắc chắn ai nghe lần đầu cũng giật mình vì cứ ngỡ rằng nhạc Huế, từ làn điệu, câu hát, cách nhả chữ, luyến láy du dương thấm đậm buồn (Bài Thei mai)… ai kia, ai kia đang đứng nơi xa hỡi người tình. Người tình mà em vẫn đợi, vẫn chờ bao tháng năm…
Nghe mà không còn biết đâu là Chăm, đâu là Huế,chỉ biết là một bài dân ca hay tuyệt vời. Nếu là dân ca Huế, chắc đã được phổ biến rộng rãi. Thành thử, Chăm buồn là phải …
Đó là chuyện âm nhạc, còn văn chương thì sao? Đọc thử Ariya Chăm, hình như cũng không có tiếng cười, hình như cũng chỉ toàn đau khổ, chia lìa. Có rất nhiều cauk và ia mưta (tiếng khóc và nước mắt). Ariya Bini – Cam đã vậy, Ariya Cam -Bini cũng chẳng hơn, rồi Ariya Ppo Parơng, Ariya Xah Pakei… nỗi buồn chồng chất lên nỗi buồn, những tình cảm éo le, đơn phương, ngang trái. Tắm gội trong dòng văn học lãng mạn và bi thương ấy, Chăm làm sao vui?
Nỗi buồn thường nâng tâm hồn con người cao hơn, thánh thiện hơn, biết sẻ chia hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân tộc Chăm sinh ra nhiều thi sĩ, nhiều nghệ nhân, dù ẩn danh nhưng tài năng vô cùng đáng khâm phục.
Gần đây chúng ta có Inrasara, một điều đáng mừng và quá tuyệt vời cho mọi người. Anh như một tinh thể lộng lẫy được đúc kết từ thấm đẫm nỗi buồn ngàn năm của dân tộc mình, để lặng lẽ/rực rỡ toả sáng như viên kim cương lấp lánh trên bầu trời văn học Việt, và tất nhiên, là của Chăm.
Và, tại sao chúng ta không yêu thương và quý mến nỗi buồn Chăm, một nỗi buồn mênh mông tuyệt thế?
Cảm ơn anh Trần Can! Bìa viết thấm đẫm nồi buồn day dứt, hoài niệm về quá khứ Chăm! Thịnh Hoa xin được chia sẻ đồng cảm cùng anh nhé! Tin chắc nỗi buồn đo không kéo dài đâu anh!thời gian có thể mờ phai nhưng lịch sủ vẫn còn nguyên giá trị, phải không anh?