Cứ tạm gọi tất cả người viết văn, làm thơ là tác giả đi. Có thể chia họ làm bốn nhóm (tạm thời cho vào ngoặc nhà lí thuyết, nhà nghiên cứu, phê bình văn học):
Thứ nhất là Nhóm phục vụ: viết nhằm vào một đối tượng độc giả nhất định, như Nguyễn Nhật Ánh, chẳng hạn. Dẫu ít đóng góp cái mới vào phát triển văn học, nhưng tác phẩm họ vẫn có ích. Nhóm này hoạt động gần như độc lập, ít va chạm hay cãi vã qua lại nhưng lại chiếm “thị phần” cao nhất. Hầu hết tác phẩm best-seller đều sản sinh từ nhóm tác giả này.
Thứ hai là Nhóm nhai lại: chiếm số đông trong giới viết lách. Họ cày nát cái cũ mặc dầu vẫn ảo tưởng mình sáng tạo. Đại đa số tác giả thuộc Nhóm nhai lại rất siêng năng canh chừng và tìm mọi cách đẩy Nhóm sáng tạo ra ngoài lề sinh hoạt văn chương.
Nhóm kí sinh (hiểu theo nghĩa trung tính) thuộc bộ phận thứ ba: chủ yếu gồm các tác giả viết báo mang hơi hướng văn chương, các bài tạp bút, điểm sách, phỏng vấn,…Thỉnh thoảng họ cũng có viết văn, làm thơ. Nhóm này ít tham vọng và ảo tưởng. Chủ yếu họ bám cuộc sống văn chương và các giai thoại xung quanh tác giả, tác phẩm.
Cuối cùng là Nhóm sáng tạo, gồm những kẻ yêu văn chương đúng nghĩa: trong đó có kẻ mở đường và con người tiếp nhận và thể hiện (tiếp hiện, như từ dùng của Nhất Hạnh) bằng nhiều cách khác nhau con đường đó. Sáng tác của họ thúc đẩy sự tiến bộ của văn học đất nước và thế giới.
Dĩ nhiên phân nhóm [máu] như thế không phải tách bạch trắng/đen bất khả hòa trộn [huyết]. Bởi người thuộc nhóm này vẫn có thể mang tinh thần hay hoạt động nhóm khác hoặc ngược lại. Cũng không ít kẻ mang cùng lúc 3-4 nhóm máu kể trên. Và không phải đã không có các thành tựu nhất định.
Nhưng chính nhóm tác giả cuối cùng: Nhóm sáng tạo đang cần đến các nhà phê bình nhạy bén với cái mới, tay nghề cao và dũng cảm đủ khả năng tạo ra một thế hệ hệ độc giả mới. Bởi, chính họ chứ không phải ai khác, làm nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam ngày mai!