Inrasara
NHỮNG NGÀY RỖNG
Ngày 8: Sinh chỉ 1 lần
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
làm chú rể ở Phan Rang 2 lần, hát karaoke 3 lần, khóc 4 lần,
đánh nhau say xỉn 5 lần.
Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Như trước đó cha tôi sinh hay trước nữa
ông tôi sinh, lớn và chết
như Phan Rang nắng ngàn năm xưa sang triệu kiếp sau
đứa con tôi sẽ nơi đâu?
Yêu ở Phan Rang 6 lần, đau khổ cũng ngần ấy lần
giàn lửa không thiêu hết tóc em trưa ấy
đêm nay nung sôi lồng ngực anh.
gục ngã ở Phan Rang 7 lần, gượng đứng dậy hơn 7 lần.
Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Sao không 600 năm trước hay 700 năm sau ôi Phan Rang?
Vinh quang lớn / bé 8 – 9 lần
hổ mặt không muốn nhớ mươi lần
giúp người vài lần, chịu ơn đời ngàn lần
nói ngu ngốc, phét lác / làm thơ, viết lách trịnh trọng bộn lần
chịu đói, nhịn khát / tiệc tùng khoái khẩu nhóc lần.
Sống chỉ 1 lần.
Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần.
Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ 1 lần.
Lời bình: Vũ Nho
Bài thơ có tên hơi lạ này nằm trong chùm thơ có tên chung là “Những ngày rỗng”, trong tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư của nhà thơ Chăm Inrasara. Có vẻ bài thơ viết về sinh nhật, nhưng nội dung chính lại tựa như một bản khai lí lịch, một bản thống kê, một bản “sơ kết cuộc đời/đếm đo được mất” (lời thơ Inrasara). Có rất nhiều những con số biết nói, nói về đời của một người con Chăm sinh ở Phan Rang cát trắng, biển xanh, tháp cổ. Tuy thế trong bài thơ này Phan Rang chỉ là địa danh “nắng ngàn năm xưa sang triêụ kiếp sau”. Và bài thơ cũng không thuộc dạng thơ chân dung, mặc dù chân dung thân phận một con người hiện lên mồn một.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những con số. Các con số này chỉ có ý nghĩa tượng trưng, tương đối. Tuy vậy có nhiều con số chính xác. Như việc sinh chỉ một lần. Đấy là điều hiển nhiên với mỗi con người, dẫu rằng ai đó vì một hoàn cảnh khác thường nào đó được “tái sinh”. Vậy tại sao việc sinh một lần lại đặt lên tiêu đề, lại được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc? Để hiểu được điều này, chúng ta hãy tìm hiểu những con số khác. Ta hãy tạm chia làm 3 nhóm:
Từ 2 đến 5:
Làm chú rể ở Phan Rang 2 lần, hát karaoke 3 lần,
khóc 4 lần, đánh nhau say xỉn 5 lần
Các con số chắc nịch, rõ ràng không mảy may thừa hay thiếu.
Từ 6 đến 10:
– Yêu ở Phan Rang 6 lần, đau khổ cũng ngần ấy lần.
Giàn lửa không thiêu chết tóc em trưa ấy
đêm nay nung sôi lòng ngực anh.
– Gục ngã ở Phan Rang 7 lần, gượng đứng dậy hơn 7 lần
Vinh quang lớn bé 8-9 lần
Hổ mặt không muốn nhớ mươi lần
Các con số nhiều hơn này đã bắt đầu được đếm theo các cách khác nhau: đếm chính xác, so sánh ngần ấy lần, tính mốc ít nhất: hơn 7 lần, tính ang áng 8-9 lần, tính đại khái vì không muốn nhớ: mươi lần. Tiếp theo là các con số không đếm hết: Trăm lần, ngàn lần, bộn lần, nhóc lần. Những con số ấy là những mảnh đời, là lịch sử, là chân dung một con người với tất cả vui buồn, vinh nhục, sáng tối, nụ cười và nước mắt, hạnh phúc với khổ đau. Các con số này không có ý nghĩa gì, nếu nó không gắn với một con người – con người sinh một lần ở một mảnh đất. Mảnh đất ấy có một tên gọi Phan Rang.
Hai tiếng Phan Rang cứ điệp lên, cứ cuộn lên, cứ đan bện với những con số về một đời người của tác giả. Mười hai lần Phan Rang hiện hữu trong bài thơ ngắn. Có lúc dồn dập ba lần trong một dòng thơ.
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
Người ta có thể sinh ở một nơi, dù sống ở nơi khác dẫu lòng vẫn mãi mãi thuộc về nơi chôn nhau cắt rốn. Còn tác giả thì rời bỏ Phan Rang cả trăm lần, mà cả trăm lần đều không được, lại quay lại Phan Rang. Phan Rang – quê hương, Phan Rang – Chăm, Phan Rang – máu thịt cuộc đời anh không thể nào dứt bỏ.
Câu thơ kết:
Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ một lần
thêm một lần nữa nói về con số một vô cùng ý nghĩa của Phan Rang.
Bài thơ Sinh chỉ một lần vì thế là bài thơ độc đáo ca ngợi Phan Rang, ca ngợi quê hương nồng nhiệt của một người con đã làm bừng nắng miền tháp Chàm cổ kính, một người “cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời” (“Ẩn ngữ Pauh Catwai”).