Đề tài Thơ Inrasara 1/2

Năm mới, cứ xem nhơ là sơ kết vui. Và cũng cần đọc… vui!
Qua hơn mươi luận văn cử nhân, luận án thạc sĩ, các dư luận của báo, đài về thơ Inrasara, và theo yêu cầu của người yêu thơ Inrasara, tôi có trích tỉa ra các đề tài chính từ các tập thơ mình đã in thành sách hay chưa xuất bản, nhưng có xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng . Dù thơ là thể loại đa nghĩa và “mông lung”, một đoạn thơ có thể mang chứa nhiều “đề tài” khác nhau với sự nghiêng lệch nặng nhẹ khác nhau, nhưng không phải vì thế mà “không thể”.
Tạm nêu vài đề tài chính như sau, để các bạn tham khảo:

THƠ INRASARA – CÁC ĐỀ TÀI CHÍNH

Tháp nắng (1996) – Sinh nhật cây xương rồng (1997) –
Hành hương em (1999) – Lễ tẩy trần tháng Tư (2002) –
Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006) –
Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] – chưa in.

_______________________

Văn hóa Champa là văn hoá đùa vui
chịu chơi cả trong đau khổ
.
___________________

1. Suy tư về mình:
Con người trước hết ý thức về sự hiện hữu của mình, sau đó của những cái xung quanh mình. Cần xác định mình là ai? Mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Các bài tiêu biểu: “Đứa con của Đất”, “Tôi chẳng có gì trầm trọng lắm”, “Chuyện tôi”.

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.
(“Đứa con của Đất”, Tháp nắng, 1996)
*
Tôi sinh ra
níu
trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ
gầy còng
tôi níu vào bóng tháp
tháp luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu
lớn lên.
(“Tôi, chẳng có gì trầm trọng lắm”, Hành hương em, 1999)
*
Hãy nâng cốc mừng chúng ta, đứa con của ánh sáng và
bóng tối đồng loã
đứa con lớn dậy từ mảnh vụn văn minh tái chế
đứa con của hoàng hôn và của ban mai.
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Tôi còn buồn là tôi còn sống
tôi còn viết là tôi còn yêu
tôi hết yêu là tôi đã chết.
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

2. Về dân tộc và văn hóa dân tộc:
Dân tộc: Vương quốc Champa không còn nhưng dân tộc Chăm còn, còn đó với kiêu hãnh dân tộc mình đã xây dựng được nền văn mình rực rỡ một thời, ngày xưa. Và hôm nay, chúng ta không từ chối mình, cần ý thức minh nhiên về vị thế của mình trong lòng đất nước Việt Nam và cả giữa nhân loại.

ôi là khốn khổ
chúng tôi lớn lên từ Mĩ Sơn, Dương Long
chúng tôi lớn lên từ nhà Yơ, nhà Halam/
chúng tôi cũng lớn lên từ chòi lợp tôn Mĩ
lớn lên từ Panwơc Pađit, Pauh Catwai/
cũng lớn lên từ Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi
lớn lên từ nắng, mưa, bão miền Trung/
cũng lớn lên từ cánh đồng mỡ mầu Tây Ninh, Châu Đốc
từ bùn đất Châu Lý, Châu Ô/cũng từ nước sông Phan Rang,
Phan Thiết
chúng tôi có biết đến tên Khổng Khâu, Socrate/cả Jaspers, Derrida
có đọc lỗ mỗ Dante, Tagore, Sartre, Palmer
tội ơi cho chúng tôi đứa con hoang lịch sử!
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)
*
Về
đều bước về plây.

Cởi bỏ, rũ bỏ sau lưng quang gánh
Ginang, Baranưng giục về
từng chuyến mưa nồng nã Katê.

Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng
với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh
tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề.
(“Đêm Chàm”, Hành hương em, 1999)

– Văn hóa dân tộc:
Văn hóa dân tộc là gì, những nét đẹp đáng tôn vinh của nó. Bài về tháp, về trống ginang, về ariya,.. : Tháp nắng, Apsara-vũ nữ Chàm,… ca ngợi cái đẹp của văn hóa dân tộc. Đẹp nhưng rất bấp bênh, dễ bị tiêu vong nếu chúng ta không biết gìn giữ, tôn tạo và truyền bá nó cho mọi người cùng hiểu, cùng thưởng thức.

700 năm tháp thét gào với bão
300 năm tháp lãng du thế giới cỏ cây
ngàn sau tháp chuyện trò cát bụi.
(“Tháp Chàm muôn mặt”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu mamăng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Cuốn dòng chảy thị thành
Em quên mình là Chăm
Như quên mình chưa có giấy khai sinh.
(“Nỗi buồn ứng trước”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

– Văn hóa của nhiều dân tộc ở Việt Nam:
Đất nước này được hình thành và xây dựng nên từ nhiều dân tộc, nhiều nền văn minh: tất cả đều để lại dấu chân, tôi gọi đó là: dấu chân ơn nghĩa. Mọi người hãy sống hòa bình và học biết tôn trọng nhau, tôn trọng nền văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc.

Vòm sáng không cùng
đội hình tháp lướt qua vội vã
đọng lại một Mĩ Sơn.

Dâu bể bảy trăm năm
vẫn gượng dậy nửa bài ca bát ngát.

Dương Long / Yang Prong / Ba Tháp
vẫy khúc tam ca xanh.

Mùa mai
khi bạt ngàn chùa Miên miền Tây
hát cùng muôn đình làng Bắc bộ
dàn hợp xướng sẽ bật lên, bùng vỡ
vọng thăm thẳm thời gian.
(“Tam ca xanh”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*
Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa/đốt rừng làm rẫy
yêu nhau/sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gởi Mĩ Sơn ở lại.

Rồi người Việt từ phương Bắc tới
lại yêu nhau/nên xóm nên làng

Trước đó
người Sa Huỳnh – không biết từ đâu/về đâu
gốm nung làm dấu chân ơn nghĩa.
(“Những dấu chân ơn nghĩa”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

– Ngôn ngữ dân tộc:
Ngôn ngữ là một trong vài yếu tố quan trọng làm nên một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc kia. Sự đa dạng của ngôn ngữ con người làm nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa nhân loại. Nhưng thực tại, ngôn ngữ [sống] của Chăm đang ngày càng bị phủ bụi, bị lai tạp và đang nguy cơ chìm vào quên lãng, bị chính người con của dân tộc ấy bỏ mặc. Ai có trách nhiệm lưu giữ? Bài thơ tiêu biêu: “Chuyện chữ” trong tập: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006.

Rồi em làm Mĩ, Mã, Italy…
Thì có hề chi
Nếu ta còn bối rối
Khi gặp và chào nhau how are you.

Rồi anh thành Mường, Mông hay Khmer…
Thì có hề chi
Nếu ta còn bở ngỡ
Cứ bập bẹ chuyện lòng bằng tiếng mẹ.
(“Nếu”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*
Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)

– Định mệnh & văn minh dân tộc:
Chúng ta sinh ra không được quyên chọn lựa, chúng ta phải chấp nhận định phận của chúng ta. Nhận phận, yêu phận và từ đó cải mệnh!

Xưa
dưới cái rây lịch sử khổng lồ
cha lọt sàng sống sót.

Lổm ngổm bò dậy làm người
một phép lạ.

Glơng Anak, Pauh Catwai phải vội vã
viết đã rất ngắn
như thể trối trăng.

Cha giấu mặt sau trang thơ
ngăn tiếng nấc.

Kẻ sống sót không có giờ cho văn chương
một khoảng trời để thở

không mơ dựng tiếng tăm
một ngôi nhà cư trú.
(“Tam tấu trước ngưỡng thế kỉ XXI”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Khi tất cả đã tắt, họ đi
từ làng xa xôi đi về làng xa xôi
họ thấy nhà được dựng lên giống nhà họ/không là của họ
tiếng hát giống họ/không phải của họ
ký ức lịch sử đã hết hạn lưu trữ – họ đi
rất chậm về bờ bên kia, cố ngoảnh lại vài dấu vết
kẻ phải chịu mang sử mệnh không cần thiết
như là kẻ cuối cùng.
(“Hành hương về bên kia đêm tối”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay
cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
“Chuyện Ong Ka-ing Cân”
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Ở đó gió không còn nhảy múa trên ngọn đồi sớm mai nữa
ở đó con gà trống chờ hiến tế không gáy tiếng cuối cùng
ngọn lửa cháy thiếu nhiệt tình ở đó
chai rượu lễ tẩy trần không ai rót

Ở đó ông thấy thế giới thật buồn

Bọn trẻ hết tin vào lễ thánh
giàn nước bỏ hoang
bài tụng ca vọng không vào nắng
ông thấy thế giới thật buồn ở đó

Ông nhảy điệu cuồng vũ thật buồn ở đó
ông thấy
một hoài vọng đang chết và
một nền văn minh đang chết
niềm tin đang chết
chậm…

Nét đẹp và tình yêu quê hương:
Người đọc có thể tìm thấy đề tài này khắp trang viết của Inrasara, nhất là trường ca Quê hương. Một cái nhìn của cha, nụ cười của mẹ, hay cô gái Chăm đội nước trong trời trưa nắng cháy; cũng có thể trong cái mơ hồ của câu ca dao hay sự hùng tráng của điệu trống,.. Bài tiêu biểu khác: “Những ngày rỗng: Ngày đẹp nhất”, “Những ngày rỗng: Sinh chỉ một lần”.

Tháng Tư khô – bờ xanh xương rồng xanh
tháng Bảy mưa – bằng lăng rừng nở tím
chạp lạnh sang – đồi mai rực sắc vàng
quê ta ba mùa, đủ ba mùa phiêu lãng.
(“Ngụ ngôn viết cho mình”, Hành hương em, 1999)

Giàn trống không – người chơi cũng không
Nỗi đau cháy hồn hưng phấn
Sân khấu không, người nghe cũng không
Nhạc say chảy tràn khoảng rỗng.
(“Mưdwơn Tìm”, Hành hương em, 1999)
*
Khi niềm vui tan trong nỗi đau vỡ hoang ánh nắng
tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa
gieo cánh đồng làng
em nhân giống dân ca vào giai điệu mới
bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa.
(“Hạt mùa mới”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Gió nhảy trên ngọn đồi trọc
đường êm sao lòng cứ xốc
đụn trắng – bụi bay hay nắng bay.

Trong mát khoảng đời cô em họ
vẫn thiên thần đôi mắt tròn đen
thăm thẳm như chưa một lần cũ.

Tuổi bốn mươi bỗng thành thơ nhỏ
chợt là khách lạ giữa làng quen
một rá khoai bùi đã làm quý.

Thèm nghe thơ hơn gặp người thương
(tình đậm ngại gì một hôm chậm)
ấm nào bằng ấm tiếng quê hương.

Nhìn mặt đây lòng chưa thôi nhớ
không uống – li đầy vẫn muốn nâng
đất cằn mà hồn người cứ rộ.
(“Khúc quê”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

– Cuộc sống kham khổ nơi quê hương:
Chiếm rất nhiều bài, trong đó trường ca Quê hương là tiêu biểu. Người Chăm chủ yếu sống bằng nghề nông, trong vùng không gian miền Trung mưa nắng thất thường: nghèo cực là cái chắc.

Ôi, Quê hương! Quê hương
Quê hương gầy, quê hương xanh xao
Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao
Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá
Quê hương cằn khô, nóng bức, nghèo nàn.
Quê hương buồn. Quê hương yêu thương
Quê hương em lũ trẻ con chơi bẩn
Những bà mẹ gầy còm, cụ già râu trắng
Những cô gái quê ánh nặng áo vai sờn
Quê hương có đàn dê, đàn trâu dưới nắng khỏa thân
Cô bé mục đồng chiều hôm không buồn nghêu ngao tiếng hát.

(…) Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

Ai đang bước kia?
Quẩy lúa bó ướt nhèm đang vượt lội
Bờ vùng thì trơn mà sân hợp tác thì xa
(Đường nội đồng vỡ toang trong cơn lũ đêm qua)
Ôi hai vai tuổi đôi mươi đã sớm sần chai lằn đòn gánh
Tóc em nước mưa chưa khô mà lưng em mồ hôi đã đẫm
Có kịp không, cho mơ ước lớn khôn?

Ai đang đi kia?
Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng
Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không, với vòng xoay công nơ?

Và ai đi kia?
Ciet gha harơk lên vai đổ xô đất lạ
Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ
Mình cầu hên còn ai phải gặp xui?
Sẽ có kịp không, cho lương tri hóa thể?
(Trường ca “Quê hương”, Tháp nắng, 1996)
*
NHỮNG NGÀY RỖNG
Ngày 10: Từ góc quán cà phê
(Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Sáng nào cũng vậy
túi xách simili rẻ tiền
trước cửa Trung tâm môi giới việc làm – các nàng đến
ngơ ngác nhìn / hỏi / đưa mắt dáo dác tìm
rồi đi.

Hệt nhau
chỉ quần jean rộng hơn hay chật hơn
mái tóc dài hơn hay ngắn hơn.

Hệt nhau – nơi đi, điểm đếm
từ những số phận đi tìm những số phận
hi vọng sẽ khác.

Sáng nào cũng thế. Tôi thấy những số phận
đi theo đoàn hay đơn lẻ
bằng dáng đi sụp đổ
biến hút vào trưa.

Biến hút vào trưa
tôi thấy những số phận
cửa sau thành phố.

3. Viết về bạn bè & người xung quanh:
Bài “Trong khoảng tối gió mùa”, “Thư cho & của Phăng”, “Chấm phá Trà Vigia” và “Ngụ ngôn viết cho mình” là đậm nét hơn cả.

Trước lũ mây hãnh tiến đáng thương
Trước nhúm nắng nhỏ con vừa than vãn vừa ưỡn ngực
Về phía dòng nước xanh bợt.

Anh
Hai tay bụm mầm nắng
Chờ đợi.

Không ở đâu và không bao giờ được hiểu
Cô đơn như hố thẳm cô đơn
Anh vỗ cánh
Về phía gió mùa.
(“Trong khoảng tối gió mùa”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Da thịt em nở – áo quần em chật
nhân khẩu tăng phần – khuôn nhà mãi hẹp
thôn xóm cứ mở – ruộng đất cứ teo.

Em bị nhổ khỏi plây
bị văng vào phố.

Em không có dây chuyền / không có quần jean
mang linh hồn ngọn đồi
em lạc vào phố lạ.

Em giặt giũ trong căn gác lạ
em thợ phụ trong xưởng may lạ
em hoảng hốt trong con hẻm lạ.

Mang linh hồn ruộng đồng
em rụng vào đêm lạ.
(“Chân dung nàng”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Chuyến đi hôm xưa những tưởng chuyến cuối cùng
Sao anh vội xế trưa, đang khi mặt trời đứng bóng!
Thiên kỉ mới mở mênh
Anh thì xếp cánh
Hồn vô ưu rơi mất lối chim gầy
Bến bờ hun hút xa, bàn chân bước hẫng
Gió vô tình. Chí hãi chuyển dòng say.

Anh quay lại phận gà ăn quẩn
Cối xay xưa đã rệu rã dáng bồng
Đồng xu cũ xài mòn năm tháng
Tự vỗ về sau khuếch tán mây suông.

Như nỗi ngày xa mải mê đồng đất
Quên cả nắng trưa đang gọi bóng chiều
Giữa ngổn ngang trũng gò – anh hì hục
Thâm canh đời cứ mấy đám ruộng sâu.
(“Khát vọng biển”, Hành hương em, 1999)

– Cha mẹ, anh em, vợ con
+ Về cha, mẹ: Kí ức rừng và Dấu chân trầm là hai bài trực tiếp viết về cha.

Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)

Sự thất bại không là gì cả
Khi con muốn khai phá con đường riêng con
Mặc thành công dễ dãi của kẻ đi theo lối mòn thiên hạ.

Mỗi sáng thức giấc
Hãy để mặt trời cất đi của con mảnh sợ hãi rớt lại
Để con trang trọng bước vào ngày mới.
(“Đoản thi dành cho con”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

+ Về anh em:
Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn
đi, cứ đi phiêu giạt đất trần
chân sạn, buồn đầy, hai tay trắng

Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống

Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà.
(“Anh Đạm”, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

+ Về vợ con: Bài “Inrahani”, “Thực tại”, “Đoản thi dành cho con”,… là tiêu biểu.

Vào một đêm rất khuya
Người từ miền sâu bóng tối
Thức giấc
Trong cô đơn
Có chăng cuộc sống đã chất chồng gánh nặng?

Dòng thơ cau vầng trán
Nhìn hoài vọng lang thang
Chuyện áo cơm
Cuộn tháng năm đổ vào biển cả
Đứa con chào đời
Khóc nức vỡ
Thức giấc người
vươn dậy
trong cô đơn.
(“Thực tại”, Tháp nắng, 1996)

+ Người xung quanh: có thể là một ông Kazik từ trời Tây xa xôi về dựng dậy phế tích Mĩ Sơn cho nhân loại chiêm ngưỡng vẻ đẹp của văn minh Champa, cũng có thể là một bàn tay hay khối óc nào đó bất chợt hiện ra giữa cõi quê Chăm giúp dân Chăm một giếng nước sạch hay tìm ra một ẩn tích của văn hóa kì bí.

Như vỗ bay ngược Thời Gian
Bằng đôi cánh tay đại bàng
Kazik
Bắt mạch đống vụn tàn
Song thoại hồn thiên cổ

Kazik
Lặn sâu vào đại đồng Nỗi Chết
Đánh giặc với màu đêm
Vỡ lớp bụi ngày, tháng và năm
Cho lộ thiên Quá Khứ.
Đánh thức Hội An, dựng dậy Mĩ Sơn
Sống lại một trời lẫm liệt.

Kazik
Lẩn vào miền Vô Danh.

Ngày mai người về Nguồn
Bất chợt
Cảm nhận giữa đất đá cỏ cây
Kazik.
(“Kazik”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*
“Kẻ quê hương”
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Những người chị Chakleng
trói lưng ngồi hết ngày đời
ngồi lấn cả đêm
những người chị lưng phản
ngồi quên lấy chồng
vòm vú teo không biết

Những bà mẹ Hamu Chrauk
đầu đội giành lu rao bán
khắp phố cùng thôn
ngày sang đêm
tiếng rao dội luôn vào giấc mớ
ai … lu, trã, nồi, trách… khôôông…

Những chàng trai Pabblap
chân trần lang bạt
kì hồ ciet gha harơk lên vai
gánh dọc thế kỉ hai mươi
hiên ngang gánh sang hai mốt
không lần ngưng nghỉ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *