INRASARA – NGƯỜI KIẾM TÌM & KIẾN TẠO VẺ ĐẸP CHĂM…
Lễ tẩy trần là nghi lễ của người Chăm diễn ra trong tháng Tư. Nghi lễ đánh thức trí nhớ con người về một xứ sở cao hơn. Những dấu vết man khai được phục hồi. Lời tụng ca chảy tràn qua những ranh giới… Inrasara viết:
Nắng đã khởi động trên đồi tháng Tư
khởi động sớm hơn nhiều thế kỷ trước
khi biển còn chưa thức giấc
sớm hơn cả kí ức thầy chủ lễ già…
(“Lễ tẩy trần tháng Tư”)
Nắng có phải là một thực thể không? Tại sao nắng xuất hiện trước tiên và khởi động nhanh hơn? Những câu thơ của Inrasara làm ta nghĩ ngợi. Luôn luôn là như vậy, trong từng câu, chữ ở tập thơ này Inrasara làm ta không ngừng nghĩ ngợi. Tuy nhiên, thi sĩ không đưa ta vào “trạng huống” mà dẫn ta vào “trạng thái”. Định lượng của từng câu thơ, bài thơ, do đó cũng tuỳ thuộc vào trạng thái tinh thần của mỗi người. Inrasara viết:
Da và xương
mắt buồn và khói thuốc
tờ giấy trắng và đêm trắng
bơi ngang dòng nước tối ẩn hình
(“Trong khoảng tối gió mùa”)
Dòng nước tối ẩn hình đó là gì? Có phải là tâm linh của thi sĩ không? Những bản nháp trắng trong đêm trắng vẫn trắng lên nỗi ám ảnh ghê người. Nhưng dù thế nào thì vẫn phải chuyển dịch, phơi mở. Với Inrasara sự chuyển dịch đó được “điều khiển” bởi sức mạnh của nội tâm và sự sắc sảo của tư duy. Trong mê lộ dần mở để bước sang bờ ánh sáng chói rọi, thi sĩ đã đạt đến sự trầm tĩnh hiền hợp. Sự trầm tĩnh nơi nhà thơ Inrasara không phải là động thái để “gom” lại một kết quả, một thành tựu mà là một tiến trình hoạt động, nhằm đạt đến những trạng thái sáng tạo đỉnh cao nhất. Do đó rất nhiều câu trong tập thơ này của Inrasara nằm ở dạng “chất liệu” để mỗi người tuỳ nghi sử dụng hay cất giữ riêng mình.
Trong tập Lễ tẩy trần tháng Tư, chùm thơ “Những ngày rỗng” đã tạo nên những hiệu ứng cùng sự thích thú. Những ngày rỗng không phải là những ngày không có gì mà là những ngày rộng mở cùng người rộng mở để đón nhận vào tâm trí bao sự tươi mới, dạt dào. Inrasara là người luôn có ý thức vượt thoát lên những nhàm cũ. Bỏ qua những lấn cấn, vướng víu, bỏ qua những số lần làm chuyện không đáng. Nhưng sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
Làm chú rể ở Phan Rang 2 lần, hát karaoke 3 lần,
khóc 4 lần, đánh nhau say xỉn 5 lần.
Sinh ở Phan Rang chỉ một lần.
Và “sống chỉ một lần:
Vinh quang lớn/bé 8-9 lần
hổ mặt không muốn nhớ mươi lần
giúp người vài lần, chịu ơn đời ngàn lần
nói ngu ngốc, phét lác, làm thơ, viết lách trịnh trọng bộn lần
sống chỉ một lần.
(“Những ngày rỗng/Ngày 8: Sinh chỉ một lần”)
Với Lễ tẩy trần tháng Tư, thì đây có thể xem là tập thơ với nhiều nỗ lực thể hiện đổi mới nhất của Inrasara. Sự đổi mới đó bắt đầu từ sự chuyển hoá tâm thức. Nhưng nếu không có tình yêu (yêu cuộc sống, yêu đời, yêu người và yêu mình) thì liệu có sự chuyển hoá đó hay không. Inrasara viết:
Bên kia cõi lặng
tiếng lướt đi của bàn chân
hắt hơi của loài côn trùng tiền sử
nín thở của nhà sư ẩn tu
cánh tay vãi gieo vào vô hình
xào xạc của gạch nung triều đại cũ
bốc mùi của đất mục
cạ lên trang giấy của câu thơ chưa viết
gầm của biển chết
lửa vỡ vào thành đêm
vạc 300 tuổi thọ thình lình kêu xé không gian
khóc vừa hạ sinh một giọng nói
niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội.
Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:
TIẾNG HÁT.
(“Trong khoảng tối gió mùa”)
Có được những tình yêu đơn sơ mà mãnh liệt đó thì con người sinh ở Phan Rang chỉ một lần này đã vượt qua bao nhiêu khó khăn của sự ngáng trở, ngộ nhận. Để cuối cùng thi sĩ dựng lên một vẻ đẹp của sự kiến tạo, thách thức sự tàn phá của thời gian. Vẻ đẹp kiến tạo đó chính là vẻ đẹp tâm hồn Chăm, được phục hồi và đắp bồi bằng sự cẩn trọng, tôn kính cần thiết của một “đại diện” tiêu biểu: nhà thơ Chăm – Inrasara.
Mang dáng vẻ của một thầy lang hay một ẩn sĩ nhưng Inrasara không phải là gã thầy lang đoán bệnh bốc thuốc hay tay ẩn sĩ giáo điều. Inrasara “tạo nên” những bài thơ thay cho những phương thuốc, có thể chữa bệnh bằng tinh thần. Hay làm cho người đọc “tỉnh ngộ” đôi điều trước thiên biến, vạn hoá của cuộc sống đang vần xoay chỉ bằng vài câu thơ giản dị:
Quỳ gối trước đoá hoa dại nở đồi trưa
tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt
tạ ơn câu thơ viết từ thế kỷ trước
giọng cười xa, nụ hôn gần
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”)
Không quá chú trọng, câu nệ vào hình thức, bỏ qua những cấu trúc không gian, tạo dựng thời gian đồng nhất, thơ của Inrasara trong tập mới này như lời nói của một người đàn ông Chăm với đất đai mình, cha mẹ mình, vợ con mình, anh em mình… Những lời nói có sức mạnh và bay bổng lạ kỳ. Nó làm cho chúng ta thật sự bị thuyết phục và sung sướng trước sự linh nghiệm của thơ. Cũng như Inrasara đã rất sảng khoái với công việc rất đặc biệt của mình. Như anh viết:
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham KCT, đầu này
nhúm chữ cái Latinh ABC
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)
Con người dù tài ba xuất chúng đến đâu cũng không bao giờ, không thể nào nhận thức đầy đủ về cuộc sống. Inrasara là người biết nhận ra những giới hạn của bản thân mình cũng như những giới hạn về sự giao cảm hiểu biết với thế giới xung quanh. Nhưng thơ là gì, nếu không phải là sự kết hợp giữa nhận thức và đánh thức thế giới nội tâm, là hiện thị thế giới này, sáng tạo nên thế giới khác?! Nếu như vậy thì Inrasara đã tạo nên chân dung mình cùng giọng điệu ảnh hưởng vào thế giới đang sống của chúng ta.
*
Tạp chí Tài hoa trẻ, số 253.2003.