Thư gởi cho bạn trẻ 15: Tình yêu…

TÌNH YÊU VÀ CẢM THỨC PHI LÍ
15. Thư gới cho bạn trẻ

Bạn trẻ thân mến!
Camus là nhà văn trẻ nhất đoạt Nobel văn chương. Một kì Nobel không chút gợn: nó quá xứng đáng! Nó có làm vài kẻ phiền lòng chút đỉnh, nhưng xứng đáng.
Ông viết ngắn, mỗi tác phẩm đặt ra một vấn đề lớn của nhân loại, ngay trong thời đại ông và cả sau này nữa, có lẽ. Nhớ, tác phẩm đầu tay: Kẻ xa lạ, nhà Gallimard đã thẳng thừng từ chối in khi một tác giả lạ hoắc đến gõ cửa, khiến Malraux đã phải viện uy tín của mình đặt cược. Vậy đó, tác phẩm đã tác động đến mấy thế hệ trẻ thời đại, suýt phải chết yểu, bởi lối nghĩ cũ mòn!
Huyền thoại Sisyphe, huyền thoại về một kẻ lăn hòn đá lên núi. Hắn biết rồi nó sẽ rơi xuống chân núi, nhưng cứ lăn: phi lí! Nhưng con người phải học sống chung với phi lí ấy. Chấp nhận và chịu đựng nó, yêu thương nó nữa – như là định phận!

Các công trình của tôi gần nửa đời hư cũng vậy thôi. Tác phẩm nghiên cứu dày cộp này, tập thơ mỏng tang kia, phê bình gây phiền toái nọ,… chắc gì nỗ lực hôm qua và hôm nay ấy, dăm năm sau đã tồn tại? Chúng sẽ rơi xuống chân núi, thậm chí – vực thẳm. Những mảnh vụn văn học Chăm mà tôi đã bỏ bao nhiêu công sức, năm tháng tuổi trẻ lượm nhặt, thu gom, chỉnh sửa, bỏ tiền in, kí tặng, và cả được gắn mác cái giải uy tín kia nữa,… chắc gì còn tồn tại, 50 dư niên hậu, nói gì bất tri tam bách?! Và ngôn ngữ chúng ta đang ra sức phục hồi và vun đắp kia, chắc gì thế hệ con cháu sau này dành cho chút quan tâm?!
Kiều:
Công trình kể xiết mấy mươi
Vì ta khắng khít cho người dở dang
Phi lí! Nhưng con người đã học sống với cái phi lí ấy! Tôi đã cảm nhận điều kinh khủng kia ngay từ khởi sự, khi đang đổ công sức, cả lúc chúng được hoàn thành. Phi lí, nhưng cứ làm. Đó là định mệnh của con người.
Tình yêu cũng vậy, có lẽ. Nó không hề bền vững, dẫu ở thuở ban đầu lưu luyến ấy, ta cứ nghĩ nó vĩnh hằng. Ta nghĩ sẽ chết vì nó, nếu thiếu nó. Nhưng không! Không ai sống cả đời cho một tình yêu, nếu anh/chị đủ đầy ý thức và không tự lường gạt. Lắm lúc người ta sống với tình yêu như làm một bổn phận, còn hơn thế: như một thói quen. Người ta trung thành với thói quen, và lang thang mơ tưởng về cái xa lạ. Đó là nề nếp Á Đông: con chim luôn quay về tổ cũ, mặc dù vẫn thỉnh thoảng thích bay đi kiếm mồi trên những cánh đồng xa lạ. Sự quay về chỉ như một thói quen.
Tây phương quyết liệt hơn: sẵn sàng rời bỏ tổ cũ để dấn mình xây cái tổ mới, lạ tạm thời. Mỗi cái lạ kêu gọi cái lạ khác, cứ thế. Chính điều đó tạo cho họ một thói quen tai hại hơn nữa: thói quen rời tổ.
Tình yêu là bi kịch, cả khởi đầu lẫn chung cục. Hãy tưởng tượng cuộc tình Romeo and Juliet không bị chia cắt, nó sẽ như thế nào? Không còn là bi kịch tình yêu nữa mà, bi kịch của hạnh phúc! Thế nào cũng là bi kịch. Có thể họ ruồng rẫy nhau, một trong hai [hay cả hai] ngoại tình và biết đâu, kéo nhau ra tòa như các cặp tình nhân Tây phương [và cả Đông phương] hôm nay.
Nhưng không phải vì thế mà họ chối từ say đắm nhau, từ bỏ lời thề non hẹn biển buổi đầu, đồng lõa và hí hửng kí vào giấy hôn thú,…
Như là bi kịch. Và, nó cứ lặp lại cho đến tận thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *