Văn học nghệ thuật Chăm – một chặng đường

Có thể nói, thành tựu về việc dạy và học tiếng mẹ đẻ của Ban biên soạn sách chữ Chăm, của nghiên cứu ngôn ngữ trong những năm 90, với: Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm, Ngữ pháp tiếng Chăm,… nhất là khi bộ ba Văn học Chăm của Inrasara được phổ biến rộng rãi, giới sáng tác văn chương Chăm đã có được nền tảng cần thiết cho các trang viết sắp tới của mình. Rồi khi tập thơ đầu tay Tháp nắng được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1997, họ tìm thấy ở đó một chất kích thích lớn.
Nhưng đâu là đất cho các tài năng ấy nẩy mầm và phát triển? Tuyển tập Tagalau có mặt là bởi lẽ đó. Rất kịp thời! sáu năm đi qua, từ khi Tagalau ra mắt số đầu tiên vào mùa Katê năm 2000, nhìn lại, có những thành tựu đáng ghi nhận. Bởi, thế hệ Chăm hôm nay đã biết đến những gì cha ông họ để lại, rút tỉa tinh hoa văn học dân tộc mình, học tập các dân tộc anh em, từ đó thể hiện đầy sáng tạo vào các trang viết.

A. Chúng ta đã học được gì từ cha ông?
Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) – năm 192 sau Công nguyên, được xem là bia kí đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á. Cũng vậy, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn được viết vào cuối thế kỉ thứ IV là minh văn bằng chữ bản địa có mặt sớm nhất khu vực. Ngôn ngữ – chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên, song hành với văn học bình dân: panwơc yaw – tục ngữ, panwơc pađit – ca dao, dalikal – truyện cổ…, là nền văn học viết có mặt từ rất sớm: văn bi ký, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca… Đại bộ phận sử thi Chăm đã được văn bản hóa. Do đó chúng có khác biệt rất lớn với sử thi các dân tộc Tây Nguyên: tất cả chỉ dồn vào kịch tính, dẫn câu chuyện phát triển.
Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ-tư duy, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Thơ triết lí là mảng sáng tác quan trọng, trong đó Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Nau Ikak,… hầu như được mọi nông dân Chăm thuộc lòng. Là điều khá lạ!

Bản sắc Chăm qua sáng tác hiện đại:
Trước 1975.
Champa đã dựng nên nền văn học truyền thống lâu đời và độc đáo. Nhưng sau hai thế kỉ biến cố lịch sử qua đi, khi Chăm hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học ở cấp độ cao vẫn còn tồn tại nơi dân tộc này. Đó là cái chúng ta vẫn chưa thực sự nhận biết.
Trước 1975, phong trào mới manh nha, Chăm có vài người viết bằng tiếng Việt: Jaya Panrang, Huyền Hoa, Jalau, Chế Thảo Lan, …. là thế hệ sáng tác bằng tiếng Việt đầu tiên. Nếu kể luôn âm nhạc, không thể không nhắc đến Từ Công Phụng, nổi bật lên trong giới sáng tác Sài Gòn cũ. Riêng sáng tác tiếng Chăm, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, TanTu, Jaya Mưyut Cham,… có vài bài thơ, ca khúc khá sáng giá. Đa phần các tên tuổi này xuất hiện qua/nhờ sự có mặt của hai đặc san PanrangƯớc vọng. Sau khi đất nước thống nhất, khi 2 nội san này đình bản, tất cả đều im ắng.

Sau 1975
Mãi đến giữa thập niên 80, Amư Nhân xuất hiện trong giới ca nhạc Việt Nam gây nên phong trào khá sôi nổi. Rồi khi Inrasara với hàng loạt tập thơ ra đời cùng với các giải thưởng văn chương, dân tộc Chăm mới thực sự có tiếng nói trên văn đàn cả nước. Có thể nói, nhu cầu sáng tác và thưởng thức văn chương của Chăm là có thực. Sáu năm qua, Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm ra đời đáp ứng phần nào nhu cầu đó. Nó là “sân chơi của những tay viết không chuyên Chăm gặp mặt, trao đổi và thể hiện để cùng học tập, sẻ chia” (Lời mở, Tagalau 1). Qua bảy kì Tagalau, vài khuôn mặt mới xuất hiện và khẳng định. Dù Tuyển tập chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng thực tế nó đã góp được một tiếng nói nhất định.
Điều đáng mừng là người viết Chăm hôm nay biết sáng tác trực tiếp bằng cả hai thứ tiếng: Việt và Chăm. Hiện tượng này làm phong phú lối nghĩ, lối viết của các tác giả dân tộc thiểu số đồng thời đóng góp tích cực bản sắc vào vốn ngôn ngữ – văn chương chung. Đó là một thế hệ biết tiếp nhận, thâu thái các nền văn học mới và dám làm mới.

Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran, Jalau Anưk, Chế Kim Trung và nhiều khuôn mặt tài năng và triển vọng đã và đang có mặt trang trọng tại Tagalau!
Như vậy, nhìn cách tổng thể, Tagalau chính là đất cho các người viết trẻ Chăm thể hiện. Ở đó chúng ta còn nhận diện: Bá Minh Trí (đoạt giải thơ Bút Mới lần thứ V của báo Tuổi Trẻ), Huy Tuấn, Trà Ma Hani, Thông Minh Diễm, Thạch Giáng Hạ (nữ, mười lăm tuổi),.. xuất hiện đều đặn và chững chạc dần qua mỗi số Tagalau.

Từ dân tộc đến hiện đại.
Truyền thống, bản sắc có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.
Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc (cũ), chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!

Phác nguệch ngoạc vài khuôn mặt tiêu biểu Chăm thời gian qua, nhấn mạnh vào sự sáng tạo cái mới trên nền tảng truyền thống: một bức chân dung còn khá mờ nhạt, dù đây đó đã có vài tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, ở bề sâu lịch sử, tiềm lực sáng tạo của người Chăm rất mạnh. Thế hệ trẻ Chăm hôm nay đã đón nhận được hơi thở đó chưa? Câu trả lời chân thật là: chưa! Trong lúc nhiều chân trời mới đang mở toang trước mắt chúng ta đòi hỏi tầm sáng tạo tương ứng. Trong lúc nhu cầu thưởng thức sản phẩm nghệ thuật ngày càng cao, càng khắt khe của mọi tầng lớp xã hội. Và trong khi hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những đóng góp mới bên cạnh cái đã có tự ngàn xưa.
Nhưng dù sao thế hệ sáng tác thơ người Chăm đang trên bước đường định hình.
Hy vọng trong tương lai không xa, bằng sự đầu tư đúng mức vào việc sưu tầm và bảo tồn vốn cổ quý giá, bằng sự bồi dưỡng có định hướng một đội ngũ sáng tạo trẻ, bằng các cuộc tổ chức giao lưu học hỏi giữa các dân tộc anh em và nhất là bằng các nỗ lực cá nhân, tiềm lực sáng tạo sẽ được đánh thức đúng nghĩa. Khi đó, thế hệ trẻ Chăm sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam.

2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *