Inrasara
VAY – TRẢ
Vay ban mai ít nắng
cây cho mặt đất vạn màu xanh
vay dòng sông phù sa
cánh đồng trả đủ cho ta mùa vàng.
Vay bầu trời chút gió
diều cho tuổi nhỏ trọn niềm vui
vay em nửa nụ hôn
là anh nhận cả nỗi buồn vô chung.
Lời bình: nhà thơ Lò Ngân Sủn
Có lẽ, “Vay – Trả” chưa phải là phong cách thơ của Inrasara, nhưng dù sao “Vay – Trả” vẫn phảng phất hơi thở của hồn thơ anh – người con của dân tộc Chăm luôn hướng về dân tộc, quê hương mình nhiều khi đến day dứt, dằn vặt. Phải chăng cái chất Chăm ấy cũng đã được anh biểu lộ trong một mùa hè Hà Nội qua nỗi niềm “vay – trả”. Thoạt đầu, đây là một cách vay – trả rất sòng phẳng, không úp mở, lọc lừa, trốn chạy … Vay nắng trả màu xanh, vay phù sa trả mùa vàng, vay gió trả niềm vui… nhưng mà thôi, vay thế cũng là chuyện thường tình. Ai ngờ anh lại:
Vay em nửa nụ hôn
Là anh nhận cả nỗi buồn vô chung.
Chà, đến đây thì không còn là chuyện vay nắng, vay phù sa, vay gió nữa rồi – mà là chuyện vay nụ hôn, vay tình yêu. Nhưng sao lại có chuyện vay nụ hôn nhỉ? Xưa nay chỉ có chuyện hôn vụng, hôn trộm, hôn lén lút, hôn nội tình, hôn ngoại tình, hôn ngoại giao, hôn dồn, hôn ép, hôn đè, hôn nén, hôn vồ vập, hôn tới tấp, hôn lấy hôn đế… chứ làm gì có “hôn vay”, mà ở đây lại chỉ vay có một nửa nụ hôn, một phần hai nụ hôn thôi, nhưng lại nhận về cả một nỗi buồn vô chung. Phải chăng, đây là một kiểu vay độc đáo, có một không hai – mặc dù ở trên đời làm gì có chuyện đi vay nụ hôn – có chăng, chỉ là sự mua bán nụ hôn, tình ái… Mà cái sự vay này chắc là sâu đậm lắm, nên mới phải nhận về cả một nỗi buồn vô chung như thế này. Không biết có phải vậy không, nhưng dù sao tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó từ cõi tâm linh sâu thẳm kia một sự vay trả mênh mông trời đất, mà tôi đã bắt gặp trong một bài thơ của tác giả khác mà tôi cũng rất thích.