INRASARA, CHÀNG KAZIK CỦA MỸ SƠN VĂN HỌC…
Đây chỉ là một cách nói ví von, nhưng rất đúng. Nếu ngày trước không có kiến trúc sư Kasimierz Kwiatkowsky (người Balan, thường được gọi thân mật là Kazik), không nằm gai nếm mật chịu muôn ngàn thiếu thốn thì chúng ta có thể đã không có một Mỹ Sơn thánh địa hôm nay, chúng ta hãy nghe lại một nhận định của Kazik, khi lần đầu bắt gặp Mỹ Sơn:
“Người Chăm cổ đã gởi tâm tư vào đất đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm và hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
Công lao của Kazik bỏ ra cho Mỹ Sơn không nhỏ, ông đã từng thoát chết khi đi cùng đội rà phá bom mìn còn sót lại, đã từng ăn ngủ cùng Mỹ Sơn trong những năm 1980 khi đất nước còn rất nhiều cơ cực, ông đã từ bỏ những công việc có lương cao ở quê nhà chỉ để sống cùng và với Mỹ Sơn.
Và cuối cùng, công lao của ông đã được đền đáp, năm 1999 Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, tiếc là ông đã mất hai năm trước đó (1997). Tượng của ông được dựng tại Hội An, và sẽ có một con đường mang tên ông ở đô thị cổ này, cũng là một cách tri ơn những gì ông đã làm cho đất nước chúng ta. Cũng năm 1997, có một bài thơ tên “Kazik” của một thi sĩ lạ hoắc mà sau này sẽ chói sáng: Inrasara, một nhà thơ Chăm.
KAZIK
Như vỗ cánh bay ngược Thời gian
bằng đôi cánh tay đại bàng
Kazik
Bắt mạch đống vụn tàn
song thoại hồn thiên cổ
Kazik
lặn sâu vào đại đồng nỗi Chết
đánh giặc với màu đêm
vỡ lớp bụi ngày, tháng và năm
cho lộ thiên Quá khứ
đánh thức Hội An, dựng dậy Mỹ Sơn
sống lại một trời lẫm liệt
Kazik
lấn vào miền Vô danh
Ngày mai người về nguồn
bất chợt
cảm nhận giữa đất đá cỏ cây
Kazik.
Đây là một bài thơ rất hay, của một thi sĩ đại diện cho cả cộng đồng Chăm nhỏ bé nói lên lời biết ơn với kiến trúc sư Kazik, và rồi sau đó không lâu, cũng chính anh trở thành một Kazik trong văn học Chăm (và cả văn học Việt Nam): Inrasara!
Năm 1997, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho tập thơ Tháp nắng của một thi sĩ Chăm: Inrasara. Nhiều người cho đó là một hiện tượng lạ, nhưng đến 2005 một lần nữa, Inrasara khẳng định tài năng thực sự của mình bằng một cú đúp ngoạn mục: giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai và giải thưởng Văn Học Đông Nam Á với tập thơ: Lễ tẩy trần tháng Tư.
Vinh hạnh cho Inrasara, cho cộng đồng Chăm và cho cả dân tộc Việt Nam.
Đọc thơ Inrasara, có rất nhiều cảm xúc khác nhau, tựa như xem một bức tranh vẽ lên toàn cảnh xã hội Chăm và luôn làm người xem cảm thấy day dứt. Những bài thơ rất đẹp, đẹp và buồn một cách kiêu hãnh.
Chàng làm thơ
những vần thơ
chảy máu
những vần thơ
như giọt nước mắt
không rơi được
chảy ngược
lên trời
thành
những cánh sao…
(thơ Trần Can tặng Inrasara)
Không chỉ làm thơ, Inrasara còn dành rất nhiều tâm huyết và sức lực để nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật và góp nhặt văn học Chăm, sắp xếp lại cho có hệ thống. Một công việc rất vất vả mà không hề có thù lao, đơn thuần chỉ vì tình yêu đối với quê hương và dân tộc Chăm của mình, thật đáng trân trọng.
Từ Inrasara, mọi người đã có cái nhìn KHÁC về Chăm.
Đó là điều lớn nhất mà Inrasara đã làm được. Và, rất nhiều người (trong đó có tôi) đã phải tự mình đi tìm câu trả lời mà Inrasara đã đặt ra cho mọi người….
Phải nói thẳng là văn học sử Việt Nam quá thiếu sót, những người đã có điều kiện học hành vẫn chẳng biết tí gì về Chăm cả, đến bây giờ vẫn thế. Nếu có điều kiện, chúng ta hãy làm một cuộc điều tra thử nghiệm trong các trường Đại học với một câu hỏi: Anh (chị) biết và hiểu gì về văn hoá, lịch sử và dân tộc Chăm? Tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời rất đáng thất vọng, vì chẳng ai hiểu cả (nếu có cũng là một số rất rất nhỏ). Đó là trong tầng lớp sinh viên, còn ở ngoài thì… xin để dành câu trả lời cho mọi người.
Chúng ta tin rằng sự thiếu sót ấy sẽ được bù đắp, văn học Chăm sẽ có vị trí trang trọng và xứng đáng trong văn học sử Việt Nam (biết bao nhiêu trường ca, sử thi, tục ngữ – ca dao Chăm… là những viên ngọc vô giá của văn học mà chúng ta không có và không được phép quên lãng).
Qua những bể dâu lịch sử, người Chăm đã trở thành một bộ phận trong cộng đồng Việt Nam, học sinh phổ thông đã được học trường ca Damsan của dân tộc Êđê, không lý gì không được học và hiểu biết thêm về Ariya Xah Pakei, Ariya Cam – Bini, Ariya Ppo Parơng, Ariya Glơng Anak… là những trường ca Chăm hết sức độc đáo và tuyệt đẹp.
Khu vườn văn học sử thêm những bông hoa đầy hương sắc, tại sao không?
Tôi rất thích câu nói: không có dân tộc nào mất đi, dù những quy luật lịch sử có thể làm mất tên đất nước họ trên bản đồ thế giới, nhưng dân tộc ấy vẫn mãi trường tồn cùng với các dân tộc khác, cho đến ngày cuối cùng của loài người trên mặt đất này…
Và, xin cảm ơn Kazik, xin cảm ơn Inrasara… những người khai mở…
_________________
* Kiến trúc sư Kasimierz Kwiatkowsky (tức Kazik) sinh 1944 tại Lublin, Balan . Mất 1997 tại Huế, Việt Nam.