Nguyễn Hữu Hồng Minh: Truy đuổi hoang từ như là một nổi loạn vào khoảng rỗng

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH –
TRUY ĐUỔI HOANG TỪ NHƯ LÀ MỘT NỔI LOẠN VÀO KHOẢNG RỖNG

Tôi tin tưởng vào bề ngoài.
Bởi nếu anh muốn giấu bề ngoài, hãy đi làm chính trị (cơ hội), hay nhà gì gì khác. Chứ đừng làm thơ.
Thi sĩ, anh hãy chường bộ mặt bề ngoài anh ra, không chừa tẻo teo góc khuất.
Ăn nhờ ở đậu chữ nghĩa, chớ mơ ngủ ta nòi phu chữ đang truân chuyên đổ mồ hôi mồ kê bốc vác. Đầu cơ hay núp bóng văn chương, đừng tự huyễn ta đây đang ngày đêm trằn trọc trăn trở ưu tư trịnh trọng sinh mệnh văn chương nước nhà ghê lắm.

Nguyễn Hữu Hồng Minh dàn trải tất cả ra bề mặt, trong sống và nhất là trong hành động sáng tạo. Lượm nhặt các dụng ngữ, đặc ngữ, thuật ngữ đây đó, hiểu chúng theo kiểu mình, anh tự tin chắp vá lắp ghép vào hệ thống của mình – một hệ thống vụn, vỡ, phân mảnh đầy tính… bề mặt: bề mặt của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tôi tin tưởng vào hình thức.
Khuấy đục dòng nước cạn để mang vẻ sâu thẳm – cái F. Nietzsche cảnh giác, nhà thơ trẻ này làm. Triệt để.
Vứt bỏ các thể thơ cũ: lục bát, 7-8 chữ, tự do, thơ xuôi… cả tân hình thức, Nguyễn Hữu Hồng Minh làm thơ-châm ngôn, thơ-suy tư rời. Một lối thơ rất dễ lạc nhịp. Thế nhưng, anh đã không lạc. Bằng các điệp âm, điệp từ, điệp cụm từ, điệp tứ, – các “điệp” hoàn toàn nằm ngoài tính toán của anh – Nguyễn Hữu Hồng Minh đã tạo được nhịp điệu riêng cho thơ mình: một nhịp điệu ngầm bắt nguồn từ suy tư dài ngày về duy một ý tưởng, nó trì níu và xâu chuỗi cả ngàn câu ngắn – rời – chói tai khó chịu hay dài thậm thượt đậu lại trong một hơi thơ dữ dội, lạ biệt. Chính nhịp điệu này thuyết phục người đọc chấp nhận Vỉa từ là thơ, chứ không phải gì khác. Cũng nên nhớ: “Thế mà có thể gọi là thơ được à?” – một phản ứng thường thấy ở những kẻ dị ứng với cái mới, thời gian qua.

Tôi tin tưởng vào chữ.
Chán ngấy thứ ngôn ngữ của to con rỗng tuếch: đậm đà bản sắc, quốc hồn quốc túy, dân tộc và hiện đại, truyền thống, tiếp thu sáng tạo…; của nhai lại hời hợt: xao xuyến, cô liêu, tro tàn, ứ máu, rớm máu, đọa đày, nguyền rủa, đặc quánh, điên mê,… ; hay của lê thê đầy dãi: tà áo dài tha thướt, phôi pha, vô thường, tàn phai, màu mắt em xanh, tóc mây, bâng khuâng da diết…
Nguyễn Hữu Hồng Minh cho đó là: Từ già. Từ quá đát. Từ hết hạn sử dụng. Từ hết size. Từ hết sí-quách.
Những từ mòn, ngu xuẩn, quá nghèo nàn, bất lực, vỡ vụn, chết… Những bột chữ. Những chữ thuốc độc. Những từ mang trong mình nguy cơ, không phải nguy cơ của phiêu lưu sáng tạo, mà là thứ nguy cơ biến con người thành nghèo hèn, ngày càng trở nên khôn khéo đê tiện hơn, giàu có đầy khốn đốn hơn, sợ hãi bé nhỏ một cách đáng buồn hơn.
Không thể chịu đựng được nữa, Nguyễn Hữu Hồng Minh nổi loạn, muốn khuấy động tất cả. Anh muốn phản bội chúng. Có những sự phản bội cần thiết – nhại A. Rimbaud thế!
Anh đi tìm thứ ngôn ngữ đích thực(1) cho thơ.
Đi tìm Hoang từ, trở thành Hoang từ, là Hoang từ.
Nguyễn Hữu Hồng Minh xem từ, ngôn từ, ngôn ngữ, chữ là vỉa, quặng, cây (từ), trái (từ) để mà đào xới, đúc, luyện, chế tác, mở, vẫy gọi…

Khó đồng ý Nguyễn Hữu Hồng Minh ở chủ quan đọc – hiểu, ở vội vã nhận định – khái quát:
“Hai thành tựu là Thơ Mới (1930-1945)… đến Nhân văn Giai phẩm (1954)… vừa chớm ra đời đã bị dập tắt nhưng vẫn để lại dấu vết mạnh mẽ và có thật về ý hướng một cuộc cách mạng Thơ…Từ đó về sau 1975, cho đến nay, chỉ là một sự rập khuôn tê liệt của hệ thống thi pháp Thơ Mới.”(2)
Cũng khó vỗ tay tán thành anh ở dễ dãi chấp nhận cái mũ “nhà thơ siêu hình” rộng vành to tướng thiên hạ chụp cho (naặặạng … ôi là chán!).
Càng không tin ở thừa mứa tuyên xưng lớn tiếng của anh:
“Tôi là Tổng thống trong chính phủ thơ ca.”(3)

Nhưng tôi tin Nguyễn Hữu Hồng Minh trong ý hướng thâm canh HOANG TỪ. (Hoang từ không nằm đâu cả mà ngay trong ngôn ngữ hàng ngày). Anh tin nó có. Anh truy đuổi nó, từ Giọng nói mơ hồ qua Chất trụ đến tận Vỉa từ. Lắm lúc rất ồn ào, nỗi ồn ào xứng hợp với nhịp sống thế hệ @. Nó xô anh xuống đường tối thăm thẳm của cõi khai phá, cõi chơi do chính mình tạo dựng. Qua đó, từ bề mặt ngôn ngữ thơ đầy khiêu khích, bằng hình thức thể hiện nhiều rủi ro bất trắc, nhà thơ trẻ lặn xuống chiều sâu của dòng sông thi ca. Bật lên cuộn sóng của riêng mình.

Cùng bao làn gió lạ biệt khác, đây là ngọn gió hư vô (Ta là ai? Một ngọn gió vô hình / Câu hỏi hư vô…– Chế Lan Viên), báo hiệu trận lốc lớn sắp thổi tràn vào vòm trời thơ Việt hôm nay, thổi bạt không khí thi ca còn quá tù đọng của chúng ta. Mươi năm nay.

_________________
Chú thích:
(1) “Đích thực”, Minh có vẻ khoái từ này trong lúc tôi, ngược lại – không ưa nổi. Trong một phỏng vấn, tôi trả lời đại khái: “Thi sĩ luôn thiểu số, dù anh sống ở đâu, trong tập thể lớn / bé nào, dù anh muốn hay không…” (“Và thiểu số giữa lòng thiểu số”, thơ Inrasara). Không hiểu vị nào đã nổi hứng tự tiện chêm đích thực vào (thi sĩ đích thực). Có những từ không biết cất vào đâu (nhại thơ Thi Hoàng). Khi nó được viết bông với in đậm thì càng khó cất!
(2) “Thơ Hậu hiện đại hình thức là vỏ đạn bọc thuốc nổ là ngôn từ”- Nguyễn Hữu Hồng Minh trả lời phỏng vấn Dương Minh Long trong tập Trích ngang người đương thời, chưa xuất bản.
(3) Trích trong Vỉa từ – Tạp chí Hợp Lưu, số 72.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *