Nhà thơ Inrasara cùng với Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo

NHÀ THƠ INRASARA CÙNG VỚI CHƯA ĐỦ CÔ ĐƠN CHO SÁNG TẠO*
Anh Trúc thực hiện.

Dẫn chứng từ M. R. Ranicki: Nhà thơ “chính là những kẻ không ngần ngại phân tích và đánh giá một cách công khai các sản phẩm thi ca của những người đồng thời và đồng nghiệp. Khác với các nhà tiểu thuyết và sáng tác kịch, thi sĩ hầu như cũng luôn đồng thời là nhà phê bình thơ”, nhà thơ Inrasara đã mạnh dạn dấn thân vào địa hạt này với tâm thế: biết người để tránh “đụng hàng”, cũng như đừng quá ảo tưởng “độc sáng”! Có lẽ vì thế nên anh bàn toàn chuyện “nghề”, chuyện thời sự của làng văn mang dấu ấn cá nhân đậm nét, thẳng thắn, có phần giễu nhại: Còn ai đọc thơ hôm nay, Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Bế tắc trong sáng tạo, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ”, Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động, Sáng tác văn chương Chăm hôm nay, Thơ, nghĩ  viết, Thơ, viết  nghĩ; còn việc có chấp nhận/không chấp nhận, đồng ý/không đồng ý lại là chuyện của độc giả, tất nhiên!
Thơ luôn luôn tồn tại theo cách của nó, điều này không chối cãi, nhưng tại sao thơ Việt lại không đến được với công chúng? Vì sao có hiện tượng công chúng ngày nay không thiết quan tâm đến thơ? Và vì sao nhiều độc giả lại dị ứng với cái mới? Trong lúc xuất hiện “nhiều hệ thẩm mỹ khác nhau, thậm chí đối lập nhau ra đời qua những thử nghiệm vừa nghiêm túc, vừa méo mó, lập dị”, thế nhưng nhà phê bình đang lang thang ở ngõ ngách nào: “Người đọc không được chuẩn bị, cả không nhà phê bình uy tín hướng dẫn, đành phó mặc; từ đó, họ quay lưng với thơ”? Bức xúc, nhà thơ đã đặt câu hỏi như thế.
Cũng chẳng sao, như đã nói: Thơ vẫn sống! Nhưng, “thế nào cũng được miễn là nó phải thay đổi cách tồn tại”! Và anh cho rằng: “Có thể đọc thơ đính kèm theo người mẫu thời trang trình diễn model mới nhất, cũng có thể xướng thơ trên đường phố, trong quán nhậu bình dân; trên sân khấu nông thôn hay thơ ở Hội trường hội thảo khoa học; thơ dán trong toilet công cộng, trên xe buýt, thơ báo tường và cả thơ giấy gói bánh mì. …” Rồi anh dẫn chứng thêm: “Một sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Duy vài năm cuối thế kỉ là chuyện rất đáng phát huy: trong các buổi triển lãm thơ, thơ anh được viết trên bao tải, chiếu cói, rổ rá, mành tre, gây được tiếng vang khá lớn… Sau đó anh còn đẻ ra mục Lịch thơ nữa. Cũng thành công đáo để”. Văn chương có phường có hội, nói như anh, cũng là một ý kiến đáng được suy ngẫm, trân trọng!

Tuy nhiên, vấn đề mà nhà thơ Inrasara đề cập đến có lẽ còn cấp bách hơn: nhiều nhà thơ hình như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo thì phải!
Tôi nghĩ rằng họ chưa thật sự cô đơn trong quá trình thai nghén cho đến khi hạ sinh tác phẩm của mình. Họ luôn sáng tác trong tâm thế thoả hiệp hay kiểm duyệt tệ hại. Chưa nói đến những giọng mơ hồ lởn vởn, ám ảnh họ. Như thế thì còn chỗ đâu cho sáng tạo?
Một vấn đề nữa: những nhà thơ chuyên/không chuyên nghiệp thường lâm vào tình trạng: bế tắc sáng tạo! Và làm cách nào để khắc phục tình trạng này? “Chữa trị căn bệnh bế tắc sáng tạo là điều bất khả” như nhà thơ khẳng định. Có điều, kinh nghiệm mà tác giả đưa ra (tham khảo một số tác gia tên tuổi), liệu có giúp ích một vài người soi sáng vấn đề để có giải pháp hợp lí, hiệu quả nhất ?

Trên cơ sở nào mà anh cho rằng: “Có những người thơ trẻ nuôi hoài vọng làm nhà kĩ thuật hậu thời…?” (“Khoảng tối thi ca”)
Inrasara: Chứng cứ thì đầy. Có người làm, bên cạnh có kẻ tuyên nhưng chẳng thấy làm ở đâu mô! Làm mới, cách tân thơ hay gì gì tương tự như thế luôn phải được đặt và nhìn nhận trong quan hệ giữa thơ với người đọc, không thể cứ ta là ta! Gide nói đại ý: độc đáo tự biết mình độc đáo là độc đáo dỏm! Ngay nhóm Sáng Tạo khi bắt đầu cách tân thơ Việt vào những năm 60 cũng có nhận thức khá mù mờ về cái mới mình sắp làm; điều cốt tủy là phải mới, khác. Nhưng khác cái gì? Khác cái đã có trước đó trong thơ tiếng Việt. Gần nhất: Thơ Mới. Và họ đã làm được!
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: sự bùng nổ trong tâm thức. Lớn thì như những nhà cách mạng tinh thần; bậc thấp hơn một chút: triết gia, nghệ sĩ trong ý hướng làm cuộc cách tân nghệ thuật. Cuộc nổ mang chứa đầy đủ “sức mạnh trầm lặng của khả tính” (từ dùng của Heidgger), của hữu thể sáng tạo. Từ đó, con người nghệ sĩ tạo được cái mới lớn và cái lạ lớn trong sáng tác phẩm của mình. Bởi chỉ như vậy thôi, thi ca mới mang tới sự khoái cảm thật sự cho người đọc, từ đó giành lại từ phía người đọc sự ngưỡng mộ, như một tác phẩm nghệ thuật cao xứng đáng được hưởng, như thế. Chứ không phải cái thay đổi ngoài da. Cái ngoài da ấy chúng ta từng đụng hàng bao nhiêu người đi trước…

Anh nghĩ như thế nào là cách tân, đứng ở góc độ là một nhà thơ, anh thấy thơ mình có cách tân không?
Inrasara: Tôi không muốn tham gia bàn về thơ mình hay hướng dẫn dư luận về thơ mình. Nó có cách hay không, và cách tới đâu thì mọi người thấy hay không thấy. Vậy thôi. Điều tôi quan tâm trước tiên là: tránh tối đa việc đụng hàng. Tứ, ngôn từ, hình ảnh,… nhảm, nhàm. Của người khác và nhất là, của chính mình.

Anh đã từng bị khủng hoảng sáng tạo chưa? Và cách mà anh giải quyết khủng hoảng?
Inrasara: Gần như là khủng hoảng liên tục. Sau Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi tắt nắng! May, Tân hình thức đã cứu vớt tôi, giai đoạn đó [Ở đây tôi xin nói lời cảm ơn nhà thơ Khế Iêm với nhiệt tình đối với thi ca hiếm có của anh]. Chính nhờ/qua vài sáng tác thử nghiệm Tân hình thức, tôi mới tìm thấy giọng khác, khác với cái cũ của mình, có lẽ. Tập thơ sắp in: Chuyện người đời thường, biết đâu sẽ nói được cái khác ấy!
Cách tôi giải quyết bế tắc: đi làm nghề khác, dịch, viết tiểu luận, truyện ngắn, đọc thơ của người khác hay… tự làm đầy đủ cô đơn cho chính mình.
Trong tập lí luận, phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, bài viết “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” có nhiều ý kiến độc, cùng với những trang viết khá thú vị về: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”, “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, phê bình (2 tập thơ) của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, Lê Vĩnh Tài…

____________
* Chưa đủ cố đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình của Inrasara, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *