Sài Gòn cuối năm 2005.
Bạn trẻ thân mến
Một nhà văn nói đại ý: Người ta được nuôi bằng thịt gà, còn nhà văn nuôi mình bằng những lời khen. Đồng ý! Nhưng không chỉ nhà văn, mà hầu như đó là tâm lí chúng của tất cả mọi người. Ai mà chẳng thích nghe lời khen, càng bùi tai càng tốt. Nó vuốt ve tự ái của ta, ta cảm nghe ấm lòng khi với xung quanh, ta không phải là kẻ vắng mặt. F. Nietzsche: “Ngay cả quả hồ đào rỗng nhất cũng muốn được người ta đập cho nó nổ ồn ào!”. Nhưng chuyện “nổ” đó chỉ dành cho con nít, đôi khi: người lớn-con nít (thành phần này không phải là ít), những kẻ chưa chín muồi về ý thức nghề nghiệp.
Cá nhân tôi, nếu chỉ thuần túy là nhà văn [Khmer chẳng hạn], tôi không bao giờ ngó đến báo chí, để xem chúng viết gì về mình. Chúng vô ích, mất thì giờ và vô bổ. Về tôi, đến hôm nay, nếu mang tất cả bài kia (trong và ngoài nước) ra in cũng phải đến ngàn trang sách! Đằng này, là Chăm, tôi phải đọc nó: cả lời khen lẫn tiếng chê. Sưu tầm nó, đôi khi còn bõ công đính chính nữa. Đính chính một lời tâng bốc quá đáng và sai (như trong Tài hoa trẻ), lời khen quá đà (như của một giảng viên Đại học), thông tin sai gây thiệt hại cho văn hóa Chăm (ví dụ Tháp Ppo Klaung không phải do người Chăm làm!), một nhận định nhầm lẫn về thơ gây ngộ nhận (cho rằng tôi đã ám chỉ một ai đó trong một đoạn thơ. Trời đất! Làm gì có ám chỉ ở đây, nếu nó không muốn là loại thơ… kém!), vân vân…
Như vậy, đâu là thế đứng và trách nhiệm của nhà văn là gì? Xin mạn phép trích vài đoạn từ các phỏng vấn về chuyên mục S.E.A. Write Award:
“Không ai làm khoa học hay sáng tạo nghệ thuật để trông chờ giải thưởng. Cứ nỗ lực đi, rồi cái gì đến hãy để nó tự nhiên đến. Có giải thì vui, nhưng đừng để nó ảnh hưởng hay thao túng mình”. “Giải thưởng, dù to/bé thế nào chỉ có thể nên xem như thứ píttông đẩy tác phẩm đến với người đọc nhanh, nhiều hơn thôi, chứ nó không làm tăng hay bớt giá trị tác phẩm”.
“Nhà thơ không đại diện cho dân tộc. Nhà thơ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc, đồng thời canh ngữ ngôn ngữ dân tộc. Nhưng đừng nghĩ vì thế mà nói rằng anh ta đại diện cho cộng đồng. Hai chuyện hoàn toàn khác. Theo tôi, nhà thơ là kẻ cố gắng nói lên suy nghĩ của mình, đáp ứng câu hỏi từ thời đại mình đang sống, thông qua ngôn ngữ dân tộc. Chỉ thế thôi”.
“Ở ta, ngoài một số rất ít bài phỏng vấn được chăm chút gia công, còn lại đa phần chỉ để thỏa mãn thói tọc mạch của độc giả bình dân, do đó quá ư nhảm nhí! Vì, bất kì nhà báo nào cũng có thể đặt câu hỏi mà không cần phải đọc tác phẩm của anh”. “Nhà văn không sống bởi các bài diễn văn hay hoạt động nào đó, mà bởi tác phẩm. Sau mỗi tác phẩm luôn luôn là khởi đầu; và sau mỗi giải thưởng luôn là một khởi đầu lại. Mãi mãi khởi đầu lại. Cố gắng làm việc một cách chuyên nghiệp, hãy vứt bỏ sợ hãi hay mặc cảm đi. Tất cả sẽ đến sau đó. Tôi đã rời bỏ giảng đường khi thấy rằng nó vô tích sự thậm chí có hại cho ý hướng sáng tạo. Đại học là nơi đào tạo con người tiêu chuẩn, trong khi nhà văn là kẻ phá chuẩn”.
*
Phát biểu “tôi đã rời bỏ giảng đường khi thấy rằng nó vô tích sự thậm chí có hại cho ý hướng sáng tạo” dễ tạo hiểu lầm rằng kẻ đó cao ngạo, thiếu khiêm tốn. Vấn đề là, nhà văn có cần qua Đại học, làm việc tại Đại học hay cơ quan Nhà nước không? Đây là câu hỏi nghiêm túc, đụng chạm đến sinh mệnh văn chương của nhà văn.
Rất nhiều nhà văn lớn của thế giới chưa có bằng Đại học: M. Gorki, F. Dostoievski, Henry Miller, W. Faulkner. Có kẻ có bằng tiến sĩ nhưng không bao giờ sử dụng đến nó: A. Camus, J.-P. Sartre. Thời gian qua các nhà thơ Mỹ, khi nổi tiếng thường được mời vào dạy Đại học. Họ vẫn sáng tác, nhưng tác phẩm hết còn sức sống. Họ đã chết ngay khi vừa bước chân vào cổng mô phạm.
Tại sao?
Thứ nhất, không bằng cấp, anh không được quyền ỷ lại, anh phải học thường trực.
Thứ hai, có việc làm ổn định tạo cho nhà văn tâm lí an toàn (trong hiện tại và cả khi hưu trí), trong lúc nhà văn là kẻ chọn sự thiếu an ninh. Nhà văn không xu hướng chuộng sự đảm bảo. Như thế bạn mới thường trực làm công việc sáng tạo. Vài bạn thơ rất tài năng, nhưng khi bắt đầu chui vào các cơ quan, sáng tác xuống dốc không ma nào níu kịp. Đó là lí do ít nhà sáng tạo làm việc cơ quan! Có làm, nhưng rời bỏ ngay!
Tôi cũng từng rời bỏ đời cày cuốc để lên thị xã làm ở Ban biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận, nhưng sau bốn năm, tôi thôi ngay, dù ở đó đảm bảo cho tôi cuộc sống. Về quê khi ấy rất dễ chết đói. Ngay lúc đó, một câu hỏi đặt ra quyết liệt với tôi: mi muốn thành nhà văn hay muốn cuộc sống được an ninh, bảo đảm?
Cuối cùng, Đại học là nơi đào tạo con người tiêu chuẩn, trong khi nhà văn là kẻ phá chuẩn, suy nghĩ và làm ngoài chuẩn. Sáng tạo có nghĩa là không theo chuẩn nào, bạn phải lập chuẩn riêng. Dĩ nhiên, trước khi tạo lập chuẩn riêng, bạn cần biết qua nhiều chuẩn càng tốt, nghĩa là cần Đại học. Nhưng Đại học lại luôn có khuynh hướng đưa kẻ sáng tạo vào chuẩn: đó là nguy cơ tệ hại!
Chớ ảo tưởng rằng bạn có thể dĩ độc trị độc.
Vì phá chuẩn, nên các thiên tài văn chương thường bị tổ chức chính trị đương quyền và người cùng thời dị nghị. Được đồng bào mình chấp nhận tại quê hương xứ sở lúc sinh thời là một may mắn hiếm hoi. Ở đâu cũng vậy, chế độ nào cũng thế. J. Joyce bị kì thị ở Anh; sách H. Miller bị cấm bán suốt chục năm tại Mỹ đến nỗi người Mỹ phải mua lậu sách ông tại Pháp mang về; còn triết gia Derrida bị Pháp chê, lưu lạc sang Hoa Kì lập thuyết và nổi tiếng tại đó,… Không thể kê biên hết các trường hợp tương tự.
Suy cho cùng, đó là lỗi ở họ, bởi họ có lối nghĩ và dám nghĩ khác người cùng thời, nghĩa là khác chuẩn, cái chuẩn đang lưu hành trong Đại học và ngoài xã hội.
Năm mười sáu, tình cờ đọc thấy ông Paul Mus, nhà xã hội học rất nổi tiếng người Pháp phán rằng văn học Chăm có thể chỉ tóm trong hai mươi trang giấy, tôi đã quyết suy nghĩ và làm ngược ông ta. Cuối cùng, hai mươi lăm năm sau lang bạt khắp làng mạc Chăm lượm lặt mảnh vụn văn chương ông bà để lại. Bộ Văn học Chăm cả ngàn trang ra đời, đã chứng minh điều ngược lại.
Thơ ca cũng vậy. Xưa, Chế Lan Viên nhìn thấy “tháp gầy mòn vì mong đợi”, “lở lói rỉ rên than” – là hay. Nhưng hôm nay, tôi phải nhìn khác Chế. Thấy khác và viết khác!