Môi trầm, mắt sáng, vầng trán rộng thênh thang và mái tóc lơ phơ thi sĩ, Inrasara mọc vào đời như một huyền thoại và mọc vào thi ca như cách của loài xương rồng kiêu hãnh đơm hoa trên sỏi đá quê hương anh: miền đất Panduranga đầy trầm tích. Chakleng, tức làng Mĩ Nghiệp – Ninh Thuận, nổi tiếng với thổ cẩm dân tộc Chăm độc đáo. Ở ngôi làng bình yên này, đã từng nuôi lớn nhiều con người tài hoa, trong đó không thể không kể đến nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara. Người đã lấy que khô để viết những câu thơ đầu tiên lên vòm cát quê nhà, tự họa chân dung mình:
Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt Chàm mất ngủ, xanh xao
(Tháp nắng, “Đứa con của Đất”)
Thi ca Chăm nói riêng và văn học Chăm nói chung, sau trường ca Ariya tồn tại trong dân gian như một loại thánh thi, sau những thi phẩm cổ điển như Pauh Catwai, Glơng Anak,… là một khoảng trống mịt mù. Khoảng trống không âm không vọng ấy không còn tính bằng mươi mười năm mà là thế kỉ này đi hút sang thế kỉ khác. Một khoảng trống khó hiểu trườn qua bao thăng trầm bể dâu lịch sử. Đến Chế Lan Viên với Điêu Tàn, và sau nữa, Văn Cao với câu thơ “Từ trời xanh / rơi / vài giọt tháp Chàm” cũng chỉ là sự thương vay khóc mướn trước nỗi im lặng không cất tiếng của cánh cửa tháp Chàm rêu phong trầm mặc đầy trầm tích và phế tích!
Và như một sự lạ, trong hoang phế của gạch đất, trong rêu phong của thời gian, trong góc gai của đồi núi, một tiếng nói thi ca trong trẻo cất lên. Và có thể lắm, không phải cất lên mà vỡ ra, nứt ra làm người ta sửng sốt. Tiếng nói ấy vừa u trầm vừa kiêu hãnh, vừa đắng cay nỗi đời vừa nhân ái nỗi người, vừa cô độc nghiệm sinh vừa huyền hoặc cảm xúc… Tiếng nói thi ca ấy vỡ ra như phải thế. Cho bản thân sự hiện của nó đã dành, mà cho cả những gì hữu hình và vô hình xung quanh nó, bảo bọc, cưu mang và bảo trì nó trong “cõi bọt” của cuộc sống này:
Câu thơ đầu đời tôi kẽ bằng que khô lên vòm cát
cây xương rồng nói với tôi nỗi vô thường của dấu chân qua
nói với tôi về kí ức xanh đứa con đánh mất nơi phương xa
về vết cắt sâu đang làm mưng mủ
nói với tôi về một thời không quên dù không gợi nhớ.
(Sinh nhật cây xương rồng, “Sinh nhật cây xương rồng”)
Thằng Klu ấy ngày nào còn đứng thấp hơn cái chạc ba nơi chuồng bò đã thuộc nằm lòng mấy trăm câu Ariya, tập ngâm ngợi Glơng Anak, Pauh Catwai,… Hình như rằng không phải cứ muốn là có, mà cái dòng sữa thiêng liêng son sẻ ấy đã tuôn trào vào lòng nó một cách vô can, không cưỡng lại được. Đi ra khỏi Cakleng, bứt ra khỏi sự ràng rịt của những hàng giậu guộc gầy, sự vướng vít của những khung dệt thổ cẩm ọp ẹp và những ánh mắt u huyền của Chiêm nữ…
Đi – như là ở lại…
Nhưng vẫn phải đi. Về phía rừng phố:
Tôi đi
lầm lụi lần theo bờ kí ức
phác thảo giáo đường em thánh linh.
Bỏ lại sau lưng ngôi làng mệt nhoài àng cây đơn điệu, lối cỏ rũ buồn
tôi
ngọn gió, ngọn đồi và ngọn bấc
đi.
(Hành hương em, “Hành hương em”)
Năm 1957, Phú Trạm vào Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh với hành trang là một vốn kiến thức triết học Heidegger, Nietzsche, Jaspers… mà cậu đọc được trong khi còn học trung học. Và dĩ nhiên, hành trang còn có thêm một vali ngồn ngộn những bản chép tay văn, thi phẩm dân gian Chăm cậu sưu tầm được. Nhưng rồi thế giới giảng đường không nuôi lớn được cá tính sáng tạo, đòi bứt phá dấn thân của tuổi trẻ Phú Trạm. Tưởng có thể trở thành một nhà giáo chỉnh tề, đạo mạo, nhưng chỉ tới năm thứ hai, chàng sinh viên ngỗ ngược và bướng bỉnh ấy đã thất thểu trở về, bỏ lại sau lưng một thế giới kinh viện đầy thành kiến và kìm hãm tư duy tự chủ, sáng tạo… Giấc mơ đại học sụp đổ. Lại những chuỗi ngày dài tồn tại đạm bạc với khoai lang, bo bo… mà chân cứ miệt mài lang thang qua các làng mạc, tiếp tục đọc sách và làm thơ…
Tiếp tục những ngày dài âm thầm nghiên cứu, tìm tòi trong kho tàng văn hóa dân tộc mình những tinh hoa sắp bị lãng quên, trôi tuột theo thời gian. Những bài viết đầu tiên đầy tâm huyết và học thuật của Phú Trạm về văn học Chăm đã gây được sự quan tâm của dư luận, người trong giới. Năm 1982, anh về làm việc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận. Trong thời gian này, anh như người ẩn mình, lặng lẽ làm việc, mong tìm lại cái gọi là dấu ấn văn hóa (đặc biệt là văn học) của dân tộc mình, để tất cả được tái hiện, không ai, không việc gì có thể bị lãng quên đi. Cái quý giá trong thời gian này là anh đã tập hợp, hệ thống được một số tác phẩm văn học Chăm, đặc biệt là thơ và trường ca Ariya (một loại thơ như lục bát của người Chăm) dày dặn, hệ thống qua các thời kỳ lịch sử quan trọng. Anh nhận ra “Đó là di sản thâm trầm của ông cha ta (người Chăm) đã đóng góp xứng đáng vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam”, khẳng định vị trí của văn học Chăm một cách thuyết phục.
Dưới bút danh Inrasara, anh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị phát hiện và học thuật cao. Đặc biệt, năm 1995, CHCPl – Đại học Sorbonne (Pháp) đã trân trọng trao giải thưởng cho công trình nghiên cứu Văn học Chăm I; tiếp đó, năm 1996, Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX cũng trao giải thưởng cao cho công trình Văn học Chăm II của anh, như sự đánh giá xứng đáng cho quá trình làm khoa học nghiêm túc, đầy trách nhiệm của một nhà khoa học đích thực.
Inrasara tiếp tục xuất hiện với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc mình với nhiều công trình giá trị sau này như: Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (2003) tạo được sự chú ý của dư luận, giới chuyên môn, những người có quan tâm tới văn hóa Champa. Ở đâu, con người ấy cũng thao thức với sứ mệnh với dân tộc mình. Điều đó làm lớn lên, vỡ vạc trong anh một con người mới: con người của thơ ca.
Làm thơ từ năm 1978, nhưng chỉ với tập thơ Tháp nắng, Inrasara mới thực sự xuất hiện trên thi đàn Việt Nam. Và tạo ấn tượng ngay. Tiếp sau đó là hai tập thơ nữa lần lượt ra đời: Sinh nhật cây xương rồng (1997) Hành hương em (1999). Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho Tháp nắng như một công nhận mang tính chất danh nghĩa, cái đáng nói là tập thơ ấy đã thắp lên linh hồn của một nền văn học ngủ quên lâu trong đêm dài phù khuất. Ở đó người ta đã quen ngâm ngợi cái cũ kĩ sáo mòn và bằng lòng về nó cho đến khi quên cả chiếc bóng và sự tồn tại của mình. Thế rồi một hôm, khi nắng lên, thấy bóng mình vươn ra, họ hoảng hốt vừa vui mừng vừa hoài nghi:
Gió cứ thổi vào khoảng vô danh u tối
thổi vào miền lặng im ám cái nhìn ngoái lại
chưa một lần chớp tự nghìn năm qua.
Rồi gió thổi tới những bước chân viễn du
rồi gió thổi tới những bàn tay ưu tư
miệt mài gõ cửa niềm bí mật đang xơ hóa
và chịu đựng và cưu mang và khai vỡ.
Để vĩnh viễn một lần
những cái nhìn ngoái lại
lẩn đi.
(Hành hương em, “Cái nhìn ngoái lại”)
Hình ảnh tháp Chàm đi vào thơ Inrasara với đầy đủ trạng thái: tháp nắng, tháp lạnh, tháp hoang,… mà mỗi trạng thái là một biểu tượng đẹp về quê hương vừa linh thánh lại vừa gần gũi. Nhịp vỗ Ginơng, Baranưng, tiếng kèn Xaranai và thanh âm, sắc màu lễ hội cũng ùa vào thơ anh đôi khi như kí ức đồng vọng, đôi khi là thực tại tha thiết gọi mời. Và dòng sông Lu như sợi chỉ xanh trằn trọc vắt qua làng dệt kia cứ thao thiết tắm gội ngữ ngôn anh, dạy anh cách vươn nhìn và giở ra những vòm trời mới của sáng tạo…
Năm 2002, Inrasara tiếp tục cho ra đời tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư. Ở tập thơ này, Inrasara đã thỏa sức “tắm gội” ngữ ngôn mình với những thể nghiệm thi ca trạng thái đồng hiện tâm trạng. Vẫn là tháp, nhưng là ngọn tháp của đồng vọng chốn mù sương tâm linh:
Đôi lúc / Nửa đêm / Tôi nghe tháp mọc ngang trời
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)
Vẫn những hình ảnh được hồi cố, vẫn là sự cựa quậy dằn vặt ngữ ngôn, Inrasara đang tập làm một đứa trẻ tạc mặt mình vào dòng sông để nhừ sông cuốn trôi những dư ảnh về nơi bể rộng. Anh trằn trọc đau nỗi đau đứa con Chăm tha hương, thao thức nỗi thi sĩ trước dòng đời bề bộn mà vật chất đang dần lấn chỗ con người. Ôm vào cơn đau thân phận, anh lặn xuống đỉnh thẳm cô đơn, để cất tiếng hát:
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)
Và cũng ở tập thơ mới thật này, đứa con thi sĩ của đất Tháp đã đứng ra đối thoại, phân biện lý giải với cuộc sống, với chính mình khi anh viết “làm thơ tôi cãi nhau với bóng của mình”. Dòng sông Lu trôi đi như muôn đời vẫn thế. Trên dòng sông ấy tôi hình dung có thằng Klu đang thỏa sức tắm gội mình cho kịp lễ tẩy trần…
Thơ Inrasara sâu lắng nhờ có tri thức, sự am hiểu nguồn cội của một nhà nghiên cứu chiêm nghiệm, ngụp lặn vào đời sống của một đứa con Chăm gắn bó máu thịt với quê hương mình, thao thức, trăn trở hít thở cùng hơi thở quê hương. Và nghiên cứu của anh bay bổng, đầy cảm xúc, nhờ phù sa thơ ca bồi đắp. Cả hai cùng lớn lên trong một con người. Con người ấy đã đứng về phía dân tộc mình để cất lời thời đại!
Khi được hỏi về những thao thức trước trang viết, Inrasara đã nói ngắn gọn mà thật ý nghĩa: “có ai hiểu sông Lu đang chảy trong tôi”?
*
Báo Văn nghệ, 09.08.2003; Người lao động, 05.04.2003;
Tạp chí Văn hoá Dân tộc, số 08.2004;
Báo Sinh viên Việt Nam, số 23.2003.
bài viết rất hay, cảm ơn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã phác hoạ được chân dung của huyền thoại muối …