TỤC THỜ KUT CỦA NGƯỜI CHĂM BÀLAMÔN
Người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận theo hai đạo: Hồi giáo Bàni gọi là Cam Awal, khi chết xác được địa táng. Khu nghĩa địa cũng gọi là Ghur. Người Chăm theo đạo Bàlamôn gọi là Cam Ahier, khi người chết, xác được hỏa táng, khu nghĩa địa gọi là Kut. Ở người Chăm Bàlamôn, mỗi tộc họ phải xây dựng một nhà Kut chung để thờ các bậc tổ tiên quá cố của họ tộc mình. Nhà Kut còn được gọi là sang muk kei (có nghĩa là nhà tổ). Theo quan niệm của người Chăm Bàlamôn, họ tộc nào không có nhà Kut sẽ bị dân làng mỉa mai, chê cười cho là không có tổ tông.
Việc xây dựng Kut do Po adhia thực hiện với nhiều nghi lễ phức tạp và tốn kém. Bài viết dưới đây xin trình bày đôi nét về tục thờ Kut của họ.
1. Tục chọn đất dựng Kut
Người Chăm quan niệm, khu đất dựng Kut có ảnh hưởng rất lớn đến sự hưng thịnh và phát triển của họ tộc; do vậy, trước khi dựng, người ta phải nhờ thầy Cả sư (Po adhia) chọn mảnh đất có phong thủy tốt. Theo cổ thư thì đất có phong thủy tốt gọi là tanưh mưbhak phải đảm bảo các yếu tố sau:
– Cao về phía Tây, thấp về phía Đông (glaung pai, bien pur).
– Có núi phía Nam, có sông phía Bắc (cơk mưnraung, kraung barak).
– Đất có cỏ cây xanh quanh năm (tanưh mưda el).
Đất có phong thủy tốt chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để dựng Kut còn tùy thuộc vào chất đất tốt hay xấu. Để biết được đất tốt hay xấu Po adhia phải làm lễ khấn thần đất rồi mang 5 hũ cơm rượu mới rắc men bỏ vào 5 hũ nhỏ (hũ chao) đem chôn ở 5 điểm tại khu đất dự kiến chọn, theo thứ tự:
– Đông Bắc (Esan), Tây Nam (Nailiti)
– Đông Nam (Agrih), Tây Bắc (Bayap)
– Và điểm trung tâm (Bathak Canar), có nghĩa là điểm giao nhau của hai đường chéo các điểm trên.
Sau 3 ngày đêm, bốc lên, nếu hũ cơm rượu có màu đen, mùi hôi thối có nghĩa là đất xấu (tanưh tabung), coi như thần đất không đồng ý cho làm Kut. Trái lại, nếu cơm rượu có màu trắng, mùi thơm ngon, thì có nghĩa là đất tốt, coi như thần đất đồng ý và cho phép dựng Kut. Po adhia làm lễ cúng tạ ơn thần đất và tiến hành đổ nền (tuh ram). Nền Kut của người Chăm có hình chữ nhật, mặt Kut theo hướng Bắc.
Tiếp theo Po adhia mang lễ vật đi thỉnh đất gò mối. Theo cổ thư, thì phải tìm cho được 5 gò mối có địa thế giống như 5 điểm đặt hũ cơm rượu. Trong thực tế, rất khó tìm được địa điểm như thế, nên Po adhia áp dụng phương châm pháp thuật cao không bằng mưu chước giỏi (Sunuw jai pak, glaung anngak bbwak di sunuw), chỉ lấy 5 điểm khác nhau trong một gò mối, mỗi điểm 3 cục, gói vào 5 miếng vải trắng đánh dấu điểm lấy rồi mang về chôn tại 4 điểm gốc của khu đất dựng Kut. Còn điểm trung tâm dành để chôn với biểu tượng người trụ trì (Po di) thể hiện sự sinh sôi nảy nở như con mối, con kiến. Sau đó Po adhia làm lễ tẩy uế khu vực đất để dựng Kut (Balih tanưh Kut).
2. Tục dựng Kut
Sau khi đã chọn đất dựng Kut xong, Po adhia tiến hành chọn hòn đá làm biểu tượng Kut. Theo cổ thư, Kut của người Chăm Bàlamôn có 3 biểu tượng chính và chọn đá theo tiêu chuẩn sau:
– Patuw po di – biểu tượng chủ trì, dân gian còn gọi là biểu tượng bà Chúa Xứ (Patuw Po Inư Nưgar): Hòn đá này phải chọn ở biển, để thể hiện sự bao dung như biển cả.
– Patuw likei có nhĩa là biểu tượng đàn ông, phải chọn đá trên núi, thể hiện “công cha như núi Thái Sơn”.
– Patuw kamei có nghĩa là biểu tượng đàn bà, phải chọn đá ở sông để thể hiện “sữa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Các hòn đá ấy có hình bầu dục, không tì vết. Hòn đá Po di to và cao hơn 2 hòn đá kia. Nếu là họ thuộc dòng quý tộc, có chức tước trong xã hội, thì các biểu tượng đá được ghè đẽo và tạc hoa văn công phu và tinh tế.
Từ ngày khởi công xây dựng cho đến ngày hoàn thành phải mất 1 tháng, vì họ còn phải chọn những ngày tốt để thực hiện các nghi lễ liên quan. Người Chăm Bàlamôn thường làm lễ dựng Kut vào các tháng: 3,6,8,10, 11 lịch Chăm, nhưng tốt nhất là tháng 11 (bilan Pwix) – tháng mà cộng đồng người Chăm quan niệm là tháng dùng để làm lễ tấn phong cho đẳng cấp tu sĩ Bàlamôn (Pok paxeh).
Được ngày giờ tốt, Po adhia làm lễ thỉnh biểu tượng về nơi chuẩn bị dựng. Họ dùng 3 cái chăn trắng làm võng khiêng 3 biểu tượng về, tiếp theo Po adhia làm lễ tẩy uế các biểu tượng.
Đợi đến lúc đêm khuya thanh vắng, khoảng 1 giờ đến 4 giờ sáng, tiếng Chăm gọi là atuk krưh pak mưlam giờ mà cộng đồng người Chăm quan niệm là thiêng liêng nhất, để hạ giới làm việc với thượng giới; các loại thảo mộc ra hoa kết trái; các nhà Thiền sư (Po adhia) thiền định dùng lửa tâm đốt mọi điều ác, để thanh khiết hóa cái Tâm thì Po adhia bắt đầu làm lễ dựng các biểu tượng theo hướng Đông – Tây, trước hết là biểu tượng Po di ở giữa kèm theo 3 cục đất gò mối. Tiếp theo là biểu tượng đàn ông ở phía Đông và biểu tượng đàn bà ở phía Tây ở bên cạnh. Sau đó, các biểu tượng được thắp sáng bằng nến sáp ong. Po adhia làm lễ nhập hồn cho các biểu tượng (craih mưta yang) tức khai mắt thần, rồi dùng nước cát lồi (ia mu) tắm rửa cho biểu tượng, sau đó lau khô, phủ trang phục lễ. Tiếp theo, Po adhia cùng với Kadhar, Pajuw làm lễ tế biểu tượng, rồi họ múa mừng suốt đêm, xem như các biểu tượng đã được thần linh hóa và họ làm xong ngôi nhà tổ tiên.
Dần dần, theo sự phát triển của con người và xã hội Chăm, kéo theo sự biến đổi mô hình Kut từ 3 biểu tượng đến 5,7…biểu tượng. Các biểu tượng này không chọn theo tiêu chuẩn biểu tượng chính. Họ chỉ chọn chung những hòn đá thiên nhiên, có hình bầu dục không có tì vết.
Ngày nay, đã số Kut của mỗi tộc họ người Chăm Bàlamôn là 3, 5 hoặc 7 biểu tượng, gồm:
– Mô hình Kut 3 biểu tượng dành cho tộc họ chỉ có một nam và một nữ, không có người chết xấu.
– Mô hình Kut 5 biểu tượng dành cho các tộc họ có chức sắc Bàlamôn và người có chức tước trong xã hội. Biểu tượng này được đặt chung với biểu tượng chính về phía Đông.
– Mô hình Kut 7 biểu tượng có hai biểu tượng đặt ngoài, do đó người Chăm Bàlamôn gọi là Kut lingiw hay còn gọi là Patuw lihin. Ngày nay, có tộc họ đặt 2 biểu tượng này chung với biểu tượng chính, nhưng phải có hòn đá chắn ngang để phân ranh giới. Tiếng Chăm gọi là Patuw cơng thành một dãy gồm 7 biểu tượng.
3. Tục nhập hài cốt vào Kut (Ba talang tamư Kut)
Người Chăm Bàlamôn sau khi qua đời phải làm đám hỏa táng nên gọi là Chăm cuh, nếu không họ quan niệm hồn người quá cố sẽ trở thành ma đói, rách rưới lang thang, sẽ bị quỷ dữ xúi giục về ám hại các thành viên trong dòng tộc. Sau lễ hỏa táng, Người Chăm Bàlamôn lấy 9 miếng xương trán (kể cả đàn ông và đàn bà) gọt tròn và mài nhẵn như đồng xu làm thủ tục rồi đưa vào Klaung để thờ tự qua các lễ: 30 ngày (patrip bak balan), mãn năm (patrip klauh thun) và lễ tiễn đưa (patrip palau). Qua 3 lễ trên mới đem hài cốt nhập Kut được. Tuy nhiên, việc đem hài cốt nhập Kut được tuyển chọn khá phức tạp theo các tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn hài cốt được nhập Kut chính:
a. Người đó không tật nguyền từ lúc sinh thời cho đến khi tắt thở.
b. Không mắc các chứng bệnh: ho lao, hen suyễn, kinh phong…
c. Lúc thở có người đỡ.
d. Các trường hợp chết ngoài đường, ngoài sá, chết bất đắc kỳ tử, tự sát… hài cốt không được nhập Kut chính mà chỉ nhập vào Kut phụ (patuw lihin).
Trong tộc họ khi có số lượng hài cốt từ 15 đến 20 thì họ tổ chức lễ nhập Kut. Lễ nhập Kut do Po adhia chủ trì cùng các chức sắc kadhar, pajuw. Sau lễ nhập Kut, cả tộc họ kiêng cúng tế trong một năm. Đến khi làm lễ mở cửa Kut (pơh bbơng kut) mới được làm lễ cúng tế theo tín ngưỡng dân gian.
Lễ nhập Kut là lễ nghi cuối cùng của các nghi lễ vòng đời. Sau lễ này cộng đồng người Chăm tin là linh hồn người quá cố đã về đến xứ sở tổ tiên (nau tơl nưgar muk kei). Từ đó, mỗi năm cả tộc họ chỉ cần cúng 5 mâm cơm, cặp gà, hoa quả.
Đàn bà là người giữ vai trò lo việc cúng tế tổ tiên, đàn ông trong tộc họ đến với tư cách tham dự vì họ đã theo vợ. Đó cũng chính là do chế độ mẫu hệ của người Chăm Bàlamôn cho đến nay còn khá đậm nét.
Ngoài việc thờ cúng, Kut còn là nét đặc trưng để minh định ranh giới giữa các dòng tộc, tiện việc cưới theo luật tục – hôn nhân. Đó chính là nét đặc thù của chế độ mẫu hệ của tộc người Chăm Bàlamôn còn đậm nét đến ngày nay.
*
Trong Tagalau 4.