5. Suy tư khởi động lãng đãng như thế mới chỉ lướt lớt phớt mà chưa chạm tới đáy thể tính của thơ ca và ngôn ngữ. Chấp nhận nhảy tòm vào dòng sông thơ ca đương đại, thi sĩ buộc phải nói qua và bằng dụng ngữ thời hiện đại – mớ ngôn ngữ sa đà trong nỗi đam mê truy đuổi bóng ma của tư tưởng biểu tượng! Sự thể dễ tạo những ngộ nhận tai hại. Thi sĩ buộc phải làm cuộc nhảy lùi. Khi gió mùa thổi bạt tôi quay trở lại quê nhà vào mùa thu năm đó, tôi bắt gặp tiếng nói khẩn thiết của sông Lu. Sông Lu dạy tôi học nói lại ngôn ngữ của suối nguồn.
Đến Phan Rang xóm làng đã ngủ
riêng dòng Lu thức, đi không nguôi
hành trình tìm một ban mai khác.
Buồn trở giấc
lúc gió mùa ngái ngủ
không lời, tôi bơi ngược bình minh.
Dấu hỏi mọc cùng nỗi buồn
lớn dậy trên bước chân câm lặng
mở hữu hạn tôi vào vô hạn.
Còn ai nghe tiếng hát
sáng mai ?
khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối
róc rách về ngôn ngữ sạch trong.
Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc
còn ai nâng chông chênh tiếng hát
sớm mai?
(Inrasara, Hành hương em, 1999)
Ngôn ngữ là ngôi nhà của Tính thể. Tư tưởng gia và thi sĩ là kẻ mục tử canh giữ ngôi nhà đó (Language is the house of Being. Those who think and those who create with words are the guardians of this house) – M. Heidegger. Thi sĩ tồn tại qua, bởi và cho ngôn ngữ dân tộc. Không thể khác. Dù cho đó là thứ ngôn ngữ chịu phận thiểu số tới đâu, bị bỏ rơi hay quên lãng từ bao đời đi nữa. Nó là của hắn. Định mệnh hắn quy thuộc vào nó. Nhưng đâu là ngôi nhà Chăm cho hắn làm nhiệm vụ canh giữ!? Trong lúc mái tranh kia đang bị dông gió của thời gian cùng bão tố của lòng người làm thất tán khắp nơi? Nhìn vào bảng thống kê tỉ lệ từ tiếng Việt đang độn vào tiếng Chăm trong trao đổi ngày thường, tôi nghĩ trái tim chai cứng đến đâu cũng xót xa:
– Lứa tuổi 20 – 35: 40 – 50%.
– Lứa tuổi 35 – 50: 30 – 40%.
– Lứa tuổi 50 – 70: 25 – 35%.
– Lứa tuổi trên 70: dưới 20%.
Tiếng Chăm ngày càng bị phủ bụi, lai tạp và đang đứng trước nguy cơ trở thành tử ngữ. Chính thi sĩ là kẻ mang sứ mệnh canh giữ, phủi bụi, tắm gội và làm mới ngôn ngữ. Nhưng lúc này, nhìn tới nhìn lui, còn ai sáng tác bằng tiếng Chăm, sáng tác theo nghĩa uyên nguyên của sáng tạo? – Không ai cả! Và đâu thế hệ độc giả có thể tiếp nhận các sáng tác mới? Đáp lại câu hỏi nhiệt tình kia vẫn là tiếng vọng không. Cả nền văn học Chăm hình thành suốt 17 thế kỉ cũng đang bị bỏ ẩm mốc hay chưa được khai hoang đúng mức nữa là!
Thế là hắn phải đi, làm cuộc trở về. Nhưng từ đây hắn hết còn lang thang vô định, mà lên đường như thể một phiêu lưu mới: phiêu lưu ngược vào lòng ngôn ngữ dân tộc. Đây là biện chứng của ra đi và ở lại, đi mà định; của chuyển dịch và thường hằng, dịch mà hằng. Là cuộc phiêu lưu ngàn lần gian nan hơn, bấp bênh và dễ sa sẩy hơn. “Không chỉ đường trở về chúng ta còn làm quen với khuôn mặt quê hương / không chỉ bước tha phương chúng ta phải yêu thương con đường-bóng tối…” (Inrasara, Tháp nắng). Đó là đường trở về, trở về tắm gội tận suối nguồn của bản thể:
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Nhưng làm thế nào có thể gọi sự vật đúng tên khai sinh sự vật, với vốn ngôn ngữ nghèo nàn như thế? Và đâu là chất kích thích sáng tác, với khoảng đón đợi vô tình như thế từ phía người đọc vô hình? Các câu hỏi loại này nói lên sự thể người hỏi vẫn còn mắc kẹt phía bờ này chân trời của kẻ thiếu Quê hương. Chưa đáo bỉ ngạn thơ ca! Một thi sĩ cư trú và canh giữ ngôn ngữ dân tộc không “chê” ngôn ngữ đó nghèo nàn hay giàu sang. Bởi biết đâu, chính sự giàu sang của ngôn ngữ bạn đang che giấu nghèo nàn bên trong nó, một giàu sang không gì hơn tố giác nỗi sa đọa ngôn ngữ của người sử dụng. Sự chộn rộn đầy nôn nóng của người làm thơ hôm nay trong sự giàu sang-nghèo nàn của ngôn ngữ thơ ca đang làm cho nỗi sa đọa kia lộ thiên đồng thời che khuất chân tướng của nó. Đã không ít thi sĩ rời bỏ bổn phận canh giữ ngôi nhà của Tính thể, mà chỉ lo chạy vạy cạnh tranh tăng giá thương hiệu trước công chúng, tự hiến mình làm nô lệ cho đám đông thụy du. Thế hệ thi sĩ thiếu Quê hương bị cuốn phăng vào cuồng lưu ngôn ngữ sa đọa, để cuối cùng chịu thao túng và trôi giạt cùng vô số đám mảnh vỡ từ chất thải của phương tiện truyền thông đại chúng đủ loại. Họ tự vuốt ve và vuốt ve nhau trong nỗi khốn cùng của kẻ mất nhà, không nơi nương tựa.
Vẫn còn là chưa đủ! Thi sĩ hậu hiện đại đang chịu một thách thức nghiêm trọng và bức bách hơn.
6. Tuyên bố khai tử Thượng đế, F. Nietzsche quyết đảo ngược tất cả giá trị từng hiện hữu trước đó để thiết lập bảng giá trị mới. Thế nhưng – nói như M. Heidegger – đảo ngược siêu hình học vẫn cứ là siêu hình học. Con người vẫn cần một cái gì đó để vin vào, một cái gì đó đều bị quy định bởi lối giải thích nào đó, nghĩa là cứ ở lại trong chân trời của ngôn ngữ tiền tưởng. Sau cái chết của Thượng đế, con người hiện đại đặt trọn niềm tin vào Lí tính và Sự thật. Rồi suốt cả thế kỉ, nhân loại quay cuồng trong hỗn mang của trùng trùng “giải thích” và hệ thống. Để chính những giải thích và hệ thống đó đẩy loài người rơi vào vực thẳm khốn cùng và tuyệt vọng. Chủ nghĩa hư vô (nihilism) lan tràn. Từ tuyệt đối tin tưởng vào Lí tính, con người không còn tin cái gì cả. Thế là khủng hoảng! Chối từ đại tự sự, chủ nghĩa hậu hiện đại quyết đẩy sự khủng hoảng đến tận đầu mút bên kia của hỗn mang, hi vọng tìm một lối thoát khả dĩ.
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Hậu hiện đại và hư vô chủ nghĩa phân cách rất mong manh tơ trời. Chối bỏ lề thói tiệm tiến rù rì nhích từng bước sang bờ bên kia – quá diệu vợi, mơ hồ và siêu hình, hậu hiện đại sử dụng mọi chất liệu cận tay có sẵn trong sinh hoạt thường nhật, như là một lối đi tắt, thẳng để đạt đến thực tại như thực, siêu vượt nỗi vong thân. Hậu hiện đại trong văn học-nghệ thuật có thể ví như Thiền trong truyền thống Phật giáo. Thiền sư vận dụng mọi phương tiện thiện xảo: la hét, chẹt cửa, đánh bằng hèo, nói tục nói phét,… với mục đích tối hậu là đưa kẻ mê sang bến giác, ngay tức thì. Nhưng muốn chạm mặt cái sát-na ngay tức thì ấy, người tu tập cần kinh qua mấy tầng khổ luyện. Còn Thiền “giả” vẫn có thể kêu yếu chỉ của đạo Phật là cọc phân khô (càn thỉ quyết – Lâm Tế), nhưng loại phân đó khô vẫn hoàn khô! Hậu hiện đại cho phép nghệ sĩ sáng tạo sử dụng mọi chất liệu, xáo trộn mọi phong cách, lắp ghép mọi vật làm sẵn,… Thế nhưng nếu sản phẩm của bạn không đạt mục tiêu cuối cùng là hiệu quả nghệ thuật, chúng chỉ là trò chơi vô tăm tích của hư vô chủ nghĩa, không hơn (Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng là tín hiệu tốt lành”, Tham luận tại Hội thảo Mĩ thuật Việt Nam 20 năm đổi mới – Hà Nội, 05.2007).
Thơ trẻ hôm nay đã bước đi trên cửa hẹp chông chênh ấy, có lẽ.
Viết, trong nền thơ ca thành thật đầy giả tạo, bằng thứ ngôn ngữ giàu sang một cách nghèo nàn, giữa dòng văn chương trịnh trọng già nua nhưng không chịu chết, vài nhóm thơ trẻ nhất tề đứng lên làm loạn.
Nhóm Ngựa Trời và hàng loạt nhà thơ nữ thời đại toàn cầu hóa không còn kiêng nể gì nữa, họ đột ngột nổi dậy và bung phá, tự do thể hiện cái Tôi chủ quan của mình. Như thể phản ứng bột phát ở giai đoạn sơ khởi, khi họ khám phá ra rằng mình là một nửa của thế giới! Không cứ mãi chịu phận tòng thuộc dưới bóng chế độ phụ quyền qua sự áp chế của chủ nghĩa duy dương vật. Trong nghệ thật [và cả trong cuộc sống], tất cả đều được phép. (Inrasara, “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Talawas.org, 18.04.2006 và Tạp chí Nhà văn, tháng 03.2007)
Nhóm Mở Miệng quyết liệt và cực đoan hơn nữa! Họ tuyên bố khắp nơi cái nỗi “không làm thơ”! Họ đập phá và đảo lộn mọi ranh giới phân cách ngoại vi/trung tâm, từ ngôn ngữ thơ đến quan điểm sáng tác hay định kiến cố hữu về cái gọi là chất thơ, cả dạng thức hiện hữu của văn bản tác phẩm văn chương như lâu nay bao nhiêu thế hệ cha ông từng nhìn nhận. Là những điều chưa từng xảy ra trước đó trong truyền thống văn chương tiếng Việt. (Inrasara, “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tham luận tại Đại hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 03.2007 và Tienve.org, 17.03.2005).
Tương lai thuộc về chúng tôi, các nhà thơ thế hệ mới có toàn quyền tự tin tuyên như thế! Thế nhưng, giữa lòng khí hậu văn chương Hậu hiện đại, bên cạnh nỗ lực vươn vượt của thi sĩ chân tính, các món cách tân hay cách mạng giả hiệu nẩy nở và bành trướng, là không thể tránh. Bởi ranh giới thật/giả tế vi khó biện biệt. Ngay từ những năm 80 của thế kỉ trước, J. F. Lyotard đã chỉ ra xu hướng hậu hiện đại giả hiệu mà ông gọi đó là chủ nghĩa phản-hiện đại (anti-modernist), những kẻ lớn tiếng kêu đòi chấm dứt mọi thử nghiệm trong văn chương!
Bất ngờ trước quá khích của “bọn trẻ”, nền văn chương nếp nhà đã có phản ứng, như nó phải thế. Thế nhưng, ý định dẹp bỏ hay phủi tay từ chối nó thì không gì dễ hơn. Bởi, không có sự phủ nhận hay phản bác nào hiệu nghiệm bằng khai mở thực chất của vấn đề. Tôi đã thử đi vài bước khởi động như thế, để dò tìm nguyên động lực và nhất là lật mở mạch ngầm triết học đã sản sinh loại thơ ấy, thời gian qua.
7. Như thế vẫn còn chưa đủ. Giữa cõi hỗn mang kia – và tạm dẹp qua bên thái độ hư vô chủ nghĩa vô trách nhiệm cùng các sáng tác phẩm thứ cấp mang tính thời thượng học đòi –, cho dù thế hệ nhà thơ Hậu hiện đại thu hoạch thành tích chói lọi làm phong phú văn chương bao nhiêu chăng nữa, một câu hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết vẫn phải được nêu lên: Cơ đồ lớn lao, sự nghiệp vĩ đại mà chi, khi chúng ta vẫn còn chưa vượt thoát khỏi nỗi sợ hãi căn nguyên đẫm thú tính? Và nhân loại, họ cư trú và sống như thế nào giữa lòng thời đại khủng hoảng, trước đe dọa của vũ trụ vô tình, trong nỗi thiếu Quê hương ngày càng nghiêm trọng? Cuối cùng: Thi sĩ – làm gì, để một lần nữa đưa thơ ca vượt qua nỗi giàu sang vô độ của bao nhiêu trào lưu văn chương đương đại, từ đó tiếp cận với cõi miền uyên nguyên của thơ ca và ngôn ngữ.
Ví tự quảng bá tên tuổi, tuổi trẻ chỉ làm nô lệ cho đám đông dễ thay đổi. Còn tuyên bố sản phẩm mình là rác, thi sĩ chỉ mới dừng lại ở ngưỡng phản ứng và phản kháng. Khi sự phồn vinh giả tạo của thế giới đang đẩy con người ngày càng xa rời bản thể giản đơn của thực tại, mải bơi vô căn giữa vũng vô minh của thứ ngôn ngữ giả trá, thi sĩ làm gì? Trước tiên và trên hết, bên cạnh tri nhận phản kháng chỉ là một hành động khởi sinh từ ý hướng dứt áo lên đường tìm cầu, chúng ta cần phải khám phá ra rằng con người đang bị trục xuất khỏi Quê hương, đúng hơn – Quê hương che giấu con người thời hiện đại ánh sáng soi rọi đường trở về của nó. Vừa thẳng tay trục xuất đồng thời Quê hương luôn vẫy gọi đứa con lưu lạc.
Bổn phận của thi sĩ là canh giữ ngôi nhà của Tính thể: ngôn ngữ. Nhưng ở hôm nay, thi sĩ của ngày hôm nay, có ai thức nhận sâu thẳm sự thể đó và tự nguyện dâng tặng mình cho công cuộc nặng nhọc nhưng đầy vinh quang đó chưa?
Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Lối nói to này dễ tạo ngộ nhận là một thể cách gây chú ý. Nhưng không! Đấy là tâm thế “trụ vững”, của tâm hồn thi sĩ kiên trì bất thối chuyển trong sử mệnh mục tử của mình: chăn giữ ngôn ngữ. Khi ý thức minh nhiên bổn phận, người mục tử hoàn toàn không quan tâm đến cái nỗi mình đã vang tiếng hay còn chìm trong vô danh, không phân tâm trước vô số ống kính thông tin đại chúng chĩa vào mình!
Đây là thời đại của văn minh phương Tây. Không thể phủi tay chối từ hay chạy trốn. Chúng ta đang thở hơi thở của siêu hình học phương Tây. Dấn bước lên con đường thơ ca, thi sĩ buộc phải đi đến tận đầu mút con đường chọn lựa. Từ lâu rồi, người ta không còn tin tưởng vào mọi thứ chủ nghĩa. Các trường phái văn nghệ chỉ có thể tạo nên trào lưu khả năng làm sôi động không khí sinh hoạt văn chương, trong một giai đoạn – rất nhất thời. Nhưng dù thế nào đi nữa, thi sĩ hôm nay cần trải nghiệm trọn vẹn hành trình thơ của nhân loại: tiếp nhận và thể nghiệm. Nhập cuộc chịu chơi, trò chơi của thế giới (le Jeu du monde – M. Heidegger). Để cuối chặng đường, chúng ta làm cuộc đi xuống, tận đáy thẳm của bản thể thơ ca.
Bởi, thơ ca như là thơ ca thì không có tiến bộ. Hành trình thơ ca là hành trình đi ngược về nguồn, đến tận suối nguồn uyên nguyên của ngôn ngữ. Người mục tử chăn dắt ngôn ngữ như thể được ngôn ngữ ban tặng cho họ bổn phận chăn dắt giản đơn mà khó nhọc, đời thường nhưng tràn đầy linh thánh. Đó là quà tặng độc nhất của và từ suối nguồn. Nó mang ở tự thân lời tạ ơn cao vời sâu thẳm.
Quỳ gối trước đoá hoa dại nở đồi trưa
tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt
tạ ơn câu thơ viết từ thế kỷ trước
giọng cười xa, nụ hôn gần.
Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai
tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở
tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ
tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên
tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc.
Bởi không thể sống mà không tạ ơn
tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết
tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt
và,…dẫu không là cái đinh gì cả / tôi vẫn cần thiết có mặt.
Vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
Qua dấu vết tinh khôi giản đơn của ngữ ngôn được đêm sáng Quê hương soi rọi, thi sĩ trì trì đưa bước chân đi vào khoảng thanh bình ẩn mật của Quê hương, một miền trụ xứ thiết thân. Qua hành vi đi vào này, tính thể con người được nhận diện trong chân tướng của nó, từ đó khả tính họ được phơi mở trọn vẹn, như nó vốn là thế. Khả tính này là một tặng vật. Tặng vật từ Quê hương ban tặng cho Quê hương. Để thi sĩ trên đường về Quê hương hát ca về con đường.
Trên đường trở về, thi sĩ và ngôn ngữ thơ ca tìm thấy nhau, hết làm lang thang lạc lõng. Thi sĩ ưu tư cho canh giữ ngôn ngữ như là sứ mệnh cao cả duy nhất mà không một lần liếc sang các lĩnh vực nghệ thuật khác đầy thòm thèm, đố kị. Thi sĩ ném mình trong vùng đêm sáng khai mở, buông xả trên con đường. Khi buông xả như thế, không phải thi sĩ an cư vĩnh viễn như thể một về vườn hưu trí mà, luôn ở tư thế sẵn sàng chịu bị đẩy rơi vào miền tối trở lại. Cắt lìa khỏi Quê hương. Sự thể gây đau khổ và chia xé. Nhưng đấy là đau khổ và chia xé đầy tràn niềm vui cao vời. “Sớm nghe đạo, chiều chết cũng cam” – Khổng Tử. Niềm vui và cái chết. Niềm vui hiếm hoi không dễ giành được, là được giao ngộ với cái chết. Không còn chia cách không-thời gian, sớm với chiều, nay hay mai mà – tại đây và bây giờ. Đi lại thân mật chuyện trò. Giữa đám đông hay trong cô đơn. Sẵn sàng được chết. Cái chết ngoảnh đi và quay lại. Cái chết đẩy xa ra và vẫy gọi tới gần.
Bởi, cái Chết chính là Quê hương. Thi sĩ mãi mãi là kẻ lưu trú nơi ngoại ô Quê hương. Một trú xứ mang tính sử mệnh.
Chính ý nghĩa của vô nghĩa của hành vi cư lưu này biện minh cho hiện hữu của con người trên mặt đất.
Sài Gòn, 25.03.2007