Thơ như là con đường 1/2

Thơ là con đường. Con đường khởi từ chữ “tìm học”.
Khổng Tử: Ta 15 tuổi để chí vào việc học, 30 tuổi trụ vững, 40 thì hết ngờ,…

1. Mở mắt chào đời, cái tôi được ban tặng cả thế giới. Cái tôi nhìn khắp xung quanh: thấy cái gì cũng lạ, bắt gặp cái gì cũng hỏi, cũng đòi được biết. Mọi người luôn tư thế chiều chuộng cái tôi: cha mẹ, anh chị, thầy dạy,… Cái tôi như thể là rốn của vũ trụ. Sự vật, con người nuông chiều tôi, còn cái tôi thì không! Đôi lúc cái tôi bị cưỡng lại: mỗi khi ý thích không thể được đáp ứng, thế là cái tôi bỏ cơm, cái tôi khóc, cái tôi lăn lộn vòi. Chỉ với mục đích được cung phụng tốt hơn nữa! Cái tôi lại được tiếp tục phục dịch, cùng bao lời dịu dàng, ánh mắt trìu mến đầy cảm thông: trẻ con mà, bỏ qua cho nó.

Nhưng rồi đột nhiên cái tôi nhận thấy đòi hỏi của nó ngày càng bị thu hẹp, các đáp ứng thưa dần; chẳng những thế, đôi khi nó còn bị yêu sách ngược trở lại: nắm đuôi cày một buổi thay anh, đạp xe qua làng bên mua thùng nước mắm giúp mẹ,… Một hôm cái tôi hãnh diện được cha cho ngồi ăn chung mâm cơm. Soi gương, hắn tò mò vuốt đi vuốt lại hàng ria mép lún phún mọc từ hồi nào không biết. Và lạ quá, sáng nay lơ ý đụng vào cánh tay cô láng giềng quen thân, sao hắn chợt nghe máu trong người nóng ran! Ra đường, bọn làng bên châm hắn Hời nhome, hắn bỗng khựng lại, chứ không cười toe toét rồi ném lại tiếng chọc Jơk, như trước.
Cái tôi biết nó là con trai, hiểu nó là Chăm. Hắn đã …lớn!

Thế là những tại sao lò mò xuất hiện. Tại sao? Tại sao? Trùng trùng tại sao dồn dập ùa đến. Tại sao thế này mà không thế kia? Tại sao cái tôi sinh ra trong gia đình nông dân này tại làng quê nghèo nàn khô cằn này trong đất nước ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn này? Tại sao cái tôi không là Kinh hay Hoa hoặc Pháp mà là Chăm? Và Chăm là gì? Hắn khởi sự tìm biết, nhưng càng học sự hiểu hắn càng mù mịt. Hắn bắt đầu làm lang thang. Càng đi thì tâm thức càng mờ mờ nhân ảnh. Cái tôi hết còn là rốn của vũ trụ. Hắn lơ mơ hiểu mình chỉ như hạt cát nhỏ nhoi lăn vô danh nơi cù lao giữa trùng khơi thẳm kia, và còn tệ hơn thế, có lẽ! Hắn mong manh quá! Mong manh đầu tiên và cuối cùng. Rồi bất ngờ, hắn khám phá rằng hắn sẽ chết – cái chết không thể cứu vãn, xảy đến lúc nào đó bất kì. Hắn đứng cô độc, chơi vơi không nơi bấu víu. Hắn thấy hắn đang rơi, rơi và trôi lềnh bềnh vào khoảng trống không, “vô sở trụ”. Hoang mang vồ lấy hắn.

2. Một trong những cảm thức trọng yếu nhất của con người là biết mình sẽ chết!
Trực cảm con người là những sinh thể li ti yếu đuối dễ bị quét sạch khỏi mặt đất trần gian cũng rất bấp bênh có thể nát bấy bất cứ lúc nào khi đụng phải một trong muôn ngàn hành tinh khác giữa vũ trụ, ta nghe sinh thể ấy yếu ớt biết bao! Trực cảm thế giới vô tình, tự nhiên vô tình sẵn sàng dẫm qua mọi nỗ lực của con người, mọi thành tựu của các nền văn minh, ta nghe chán nản, bất lực và, thấy cuộc sống phi lí biết bao!
“Cảm thức xao xuyến (l’angoisse), là một khám phá lớn của triết học thế kỉ XX. Các triết gia hiện sinh cho rằng: trong sâu thẳm tâm hồn con người chúng ta có nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào (…). Nỗi xao xuyến đó thình lình đến khi chúng ta đang mơ màng, tách lìa thế giới; chúng ta vùng thức giấc giữa đêm tối (…). Thường chúng ta cố tránh né kinh nghiệm này vì nó gây đau đớn và chia xé (…). Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, hạnh phúc trước khi chúng ta chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này…”. (Edward Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật, Chơn Pháp dịch, Đại học Vạn Hạnh xuất bản, 1969, tr. 43).

Khi khám phá/cảm nhận sự kiện trọng yếu này (rất hiếm hoi, chỉ con người khuynh hướng trầm tư mới may mắn [hay rủi ro] giáp mặt), người ta có những hành vi lạ lẫm khó lường, đột ngột như một cú gẫy trong cuộc sống. Chối từ ngai vàng như Tất Đạt Đa, nhảy cầu sông Seine hay tìm đến chai thuốc độc như biết bao con người vô danh chớp mắt lướt qua mặt đất, hay ôm bom lao vào đám đông hệt bọn khủng bố, hoặc lang thang vô định như Bùi Giáng,… Số ít may mắn hơn, được trời phú tố chất nhất định, đã vượt thử thách tâm linh này. Để trở lại làm con người bình thường.
Hắn không có được may mắn đó. Hắn rời bỏ giảng đường. Hắn cạo đầu đi tu. Hắn chạy trốn “nó” bằng nhốt mình vào nghiên cứu ngôn ngữ, văn học. Lần nữa, hắn cố tìm giải thoát qua điệp điệp pho sách triết học cổ kim đông tây. Vẫn cứ bế tắc. “Nó” lù lù đó, cái “angoisse” ấy. Không tông giáo nào có thể xoa dịu hắn. Không hệ thống triết học nào.

Lớn lên,
tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em.
Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đwa buk, câu ariya, bụi ớt
trái tim đui
tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Khủng hoảng tinh thần đe dọa ném hắn vào vực thẳm của bất an và bất lực, nguy cơ đẩy hắn tiêu tán vào thế giới-người ta! “Những ngày rỗng” (tên loạt bài thơ của Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002) bám riết, bủa vây lấy hắn, tư bề. Khủng hoảng kéo lê thê suốt thời trẻ – tuổi tìm học. Suy tư trên bình diện lịch sử Tính thể, đó là nỗi thiếu Quê hương nơi tâm hồn con người.

“Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của hoàn cầu. Chính vì thế, sự thiếu vắng đó cần phải suy tư trên bình diện lịch sử của Tính thể. Như vậy, điều mà khởi từ Hegel, Marx đã truy nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương chung của con người thời hiện đại”. (Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man). (M. Heidegger, Letter on Humanism, bản dịch của Frank A.Capuzzi, trong Basic Writings, HarperSanFrancisco, USA, 1977, p. 219).

3. Hắn trôi dật dờ vô định. “Không có quê hương trong thời gian” – nói như R. M. Rilke. Cho đến một ngày kia, sau 15 năm tha hương lưu lạc “tìm học”, như từ cơn mơ ngủ quen thuộc kéo dài, hắn kinh hoàng vùng thức giấc: Quê hương như vừa ẩn hiện phía bên kia khói sương chiều.
Hắn đi trở về với cuộc sống, với cõi người. Hắn nhìn thế giới hoàn toàn bằng con mắt khác: thấy núi là núi, sông là sông… Hắn thấy cuộc sống đáng sống làm sao, những khuôn mặt người đáng yêu làm sao, các công việc dẫu bé con cũng rất đáng gánh vác! Hắn không muốn buông xuôi, bỏ cuộc nữa. Cuộc sống vô nghĩa ư? Hắn không phải làm cho nó trở thành ý nghĩa, bằng cách đổ đầy tràn ý nghĩa vào đó mà là, cư lưu vào trong chính cái vô nghĩa đó! Qua đó, hắn nghe nhẹ hều vài thành tích bé con hư phù hắn từng giành được nơi cõi người quá phù du này. Con người không hiện hữu trong CÓ, mà là ở LÀ. Ý hướng chiếm đoạt càng cao, sở hữu – tiền của, địa vị, bằng cấp, chức tước,… – càng nhiều thì con người ngày càng xa rời bản thể mình như một sinh thể bần hàn trong tại thể của nó. Hơn thế, chính nỗi phong nhiêu của CÓ khiến con người tự đánh lừa làm nguy cơ khuất lấp ý thức tự phản tỉnh. Hiểm họa lớn hơn: khi con người đòi muốn CÓ quê hương, muốn sở hữu chân lí, thứ quê hương/chân lí như một đồng hóa chủ thể với tư tưởng biểu tượng, chỉ là hình ảnh phóng dọi của cái Tôi, không hơn kém gang tấc. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay cuồng tín ý thức hệ có đất nẩy nở và khuếch trương thế lực. Bạo động bá vai thù hận phát sinh và bành trướng đến vô cùng.

Như vậy, việc khám phá ra định mệnh ấy (nỗi thiếu Quê hương) và chấp nhận nó (hiện thực như là thế), là hành động cao tuyệt nhất của mỗi thi sĩ. Ngay lúc đó, thi sĩ được ngôn ngữ mang đến dâng tặng đồng lúc bị đẩy lên nẻo đường dẫn đến Quê hương. Bước chấn đầu tiên của hắn đạp lên con đường trong cơn xuất thần run rẩy, sau đó sẽ làm thành định mệnh hắn – định mệnh đầu tiên và cuối cùng:

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay
cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời
.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Quê hương ở đây không dính dáng gì đến chủ nghĩa dân tộc, cũng chẳng phải là tổng số bản sắc dân tộc các loại biện biệt với cái khác nó, một quê hương đóng khung trong dân tộc tính tưởng tượng với muôn ngàn hệ lụy triền phược. Quê hương phải được hiểu là nhà. Nhà mình, như là cái gần gũi thiết thân. Cùng vạn sự vật tương liên với cái nhà – chấp nhận nó, và yêu thương nó. Khi hiểu như thế, hắn “trở về” sống chung với người xung quanh, với thế giới sự vật xung quanh. Không thể chọn lựa. Cuộc sinh nhai cơ cực này là của tôi, miền đất mút mùa thiếu mưa thừa gió này, đám trẻ bụng ỏng này, đôi mắt buồn của cha và nụ cười gầy của mẹ, cánh bạn học bữa đực bữa cái này, đồi tháp chỏng chơ phơi mình dưới nắng lửa chìm khuất sau bóng dáng nền văn minh chỉ còn là huyền thoại này, những ciet sách bỏ hoang này. Tất cả là của tôi. Và …cả thứ ngôn ngữ đang làm hoang đãng kia trong thế giới này nữa! Tôi cần học yêu nó, hằng ngày!

4. Thơ ca không phải là cái đẹp thêm vào cuộc sống, của trang điểm cho tính thể con người, càng không phải là trò nhàn đàm của và cho tinh thần mệt mỏi. Ở đâu và bất kì thời đại nào cũng tồn tại bao tâm hồn đau khổ và tuyệt vọng. Chính nơi đó thơ ca có mặt. Có mặt không với tư cách chiếc bè cho sinh thể kia bấu víu mà như chất xúc tác làm cháy lên trong tâm hồn bóng tối ấy tia lửa mới của hi vọng. Như thế, xã hội tính bao giờ cũng là một trong những yếu tính của thơ ca, dù xã hội đó là sự thống khổ của cả đám đông, nỗi ưu tư của một nhóm người hay chỉ là uẩn khúc trong tâm thức của một cá thể biệt lập. “Không vỗ ngực, không tranh hơn / không trốn chạy trước phận đời thất bát / câu thơ buồn / luôn có mặt nơi khổ đau có mặt” (Inrasara, Hành hương em, 1999).

Bóng tối nhất thiết thuộc về sự vật. Nó là một phần của sự vật. Nó còn quan trọng hơn ánh sáng, vì nó đi trước ánh sáng. Tuy thế, cái làm nên ý nghĩa là nỗ lực vươn ra ánh sáng. Vươn ra ánh sáng nhưng luôn lưu giữ bóng tối sâu thẳm như là nền đất qua đó nó thúc đẩy con người ý thức vươn vượt.
Vươn ra nhưng vẫn còn lưu giữ. Vươn ra và lưu lại. Như là ra đi mà vẫn còn ở lại. Quá trình co kéo này có mặt thường trực nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Đau đớn và bất trắc cực độ. Chính nơi khoảng giữa chênh vênh này, thi sĩ buộc phải cư trú. Cư trú trong vùng biên chông chênh này, hắn lên đường thám hiểm mọi ngõ ngách tâm hồn mình và tâm hồn người cùng thời. Hắn cố gắng nói lên tiếng nói quyết liệt của mình.
Do đó, đừng đòi hỏi mọi sự mạch lạc và sáng sủa ở thơ ca. Tệ hại không kém là khuynh hướng tự khuấy đục làm ra vẻ sâu thẳm của dòng nước cạn. Sức hấp dẫn của thơ không chủ ở bề nổi nơi tất cả được bày ra giữa ban ngày mà chính là ở đường biên ẩn khuất của đêm sáng huyền nhiệm, nơi cuộc chiến trong tâm hồn con người còn nóng hổi hơi thở.

Đó là bước khai phá dè dặt đầu tiên, khi tôi mới lờ mờ ý thức định phận mình như một thi sĩ, vào mùa hè năm 1999. Tôi thử lần bước vào không khí thơ đang xảy ra quanh tôi. Thơ hôm nay đang đi theo những nẻo đường riêng và có định phận riêng của nó. Có khuôn mặt thơ sinh ra trong khoảng sáng dễ dãi và đã dễ dãi chấp nhận nó, bám cứng lấy nó. “Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng” (Chế Lan Viên). Có người thơ trẻ nuôi hoài vọng làm nhà kĩ thuật hậu thời. Bày biện, xếp đặt, kết hợp, uốn vặn con chữ như là trò luyện đan ngôn ngữ với hi vọng một ngày đẹp trời nào đó bật lên thứ hoa tâm linh ngẫu nhĩ. Nhưng làm sao có thể cách tân thi ca khi ta còn chưa kinh qua cuộc nổ lớn nơi tâm thức? Chưa bị những mảnh vụn của cuộc nổ vùi dập đồng thời nâng đỡ và hối thúc bạn lên tiếng nói?
Không hiếm người trẻ tuổi dũng cảm lặn sâu xuống đáy thẳm bóng tối và cố gắng trồi lên. Rồi, vì nóng vội muốn bày ra ánh sáng chồi biếc còn non tơ, nên khi vừa giáp mặt với tia nắng nhiệt đới đầu tiên, nhúm lá nõn kia tức khắc bị đốt cháy tàn lụi. Hoặc kiêu hãnh muốn cất lên tiếng nói lạ biệt vừa bắt gặp từ cuộc khai phá. Quá lạ biệt, quá kiêu hãnh để rồi nhận lấy ngay sau đó bao phản hồi của cơn lũ cái nhìn ái ngại kẻ cả, hay chụp mũ thô bạo. Hãi sợ, tiếng nói chợt co rúm vào vỏ sò cô độc hay, muốn có mặt – đã vội vã giải giáp, trở lại nói năng nhỏ nhẹ trên con đường mòn.
Những số ít luôn luôn đứng vững.
Sẵn sàng gây hưng phấn và tin tưởng. Những sinh thể tự giú mình thật lâu giữa đêm tối vô danh. Chờ đợi trong câm lặng ẩn mật, hoài thai và tự chín. Để đến một giây phút định mệnh, hiển lộ. Từ từ, khỏe khoắn và chắc chắn. Như mặt trời nhô lên khỏi chân trời. Cháy sáng đồng thời mang ánh sáng soi chiếu các sinh thể sẵn lòng đón nhận. Dù sinh thể đó chỉ là một cá thể dị biệt, một nhóm người hay cả một đám đông rộng lớn.
Và, bao giờ cũng là ánh sáng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *