Nhà thơ, hiện sống tại Hoa Kì.
KHỞI TỐ THƠ CA: TRƯỚC TÒA THIÊN NHIÊN LỤC THẨM…
Từ cuối thế kỉ 20, bước qua đầu thế kỉ 21, những người làm thơ Việt Nam trẻ và không trẻ, sống trong nước và sống lưu vong nơi hải ngoài, đã hầu như đồng loạt cùng nhau làm một cuộc hành hương bất định trên con đường đi tìm “chân lí” cho Thơ! Ở Boston tôi gặp Khải Minh từ Canada tới, nói về Thơ như những gì đơn giản mà phức tạp nhất. Xin đọc thử một bài thơ với lí thuyết “một bài thơ với đầu đề 9 vế”:
(Rất tiếc là tôi chẳng biết từ computer để đánh ra cho đầy đủ những kí hiệu mà Khải Minh đã dùng trong tựa và bài thơ, chỉ xin cố gắng… và (tạm thay) bằng những kí hiệu mà tôi có thể sử dụng được! Mong tác giả bài thơ thông cảm!!!)
Suốt bao nhiêu năm làm Thơ, tôi luôn tận lực đi tìm cái mới cho Thơ. Tôi tìm kiếm trong khi sáng tác và sáng tạo. Tôi chưa hề lí luận về Thơ. Lâu nay, tôi đã đọc, đã nghe rất nhiều những lí luận về Thơ. Người ta dựa vào những lí thuyết của Mallarmé rồi khai triển và khai phá. Khi tự mình viết Tựa cho Trường Ca “Mở Cửa Tử Sinh”, tôi đã phóng bút:
“Ai cũng nhận ra một điều, là những kẻ hay hô hào đổi mới THƠ, viết những bài lí luận CHO THƠ, đều chẳng có được bài thơ nào ra hồn. Stéphane Mallarmé là một điển hình bi thảm”
(Trần Nghi Hoàng, Mở Cửa Tử Sinh, Tựa, trang XI)
Có thể tôi sẽ sai. Nhưng cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn thấy mình còn đúng. Với tôi, sáng tạo Thơ là một hạnh phúc. Viết truyện ngắn, tôi cực khổ trăm điều. Có thể đây là lí do làm tôi rất ít khi viết truyện ngắn. Viết truyện dài cũng vậy. Viết tiểu luận, lí luận cũng là một cách tôi làm Thơ kiểu khác. Làm Thơ bằng lí trí thay vì bằng trực cảm xúc tác. Cách nay 10 năm, tôi viết bộ sách Văn Học Các Sắc Tộc Việt Nam vì rung động trước những câu thơ của người H’Mông, người Rhadé.v.v…
Đến nay, những xúc động đó hãy còn.
Tình cờ tôi đọc trên trang Talawas.org, một bài viết của Inrasara, một người làm thơ trẻ trong nước. Inrasara cũng là một trong những nhà thơ chủ trương cách tân Thơ. Bài viết có tựa: “Quên lí thuyết văn chương đi để đọc Dương Thuấn”. Bài này, Inrasara viết để nói về một người Thơ sắc tộc khác: Dương Thuấn. Chính Inrasara cũng là một nhà thơ sắc tộc (Champa).
Theo Inrasara, “Mở cửa về chính trị xã hội như là một lối thoát cho thơ hôm nay”. Do đó, tất cả các dạng thức thơ, từ Tượng Trưng đến Trương Nở, từ Trường Ngôn Ngữ cho đến Tân Hình Thức… đã được các nhà thơ xu thời và xu hướng cách tân cật lực hối hả “cập nhật, học tập và vận dụng”. Rồi nữa, “văn hóa Internet và lưng vốn ngoại ngữ mở đường cho chúng ta hội nhập văn chương thế giới dễ dàng hơn, nhanh hơn. Đó là cái may mắn của thế hệ thơ thời đổi mới”.
Dường như tôi chẳng thể đồng ý hoàn toàn với Inrasara. Tuy nhiên, vấn đề là Thời Gian! Và Inrasara cũng có nhắc tới vấn đề này:
“Thế nhưng, văn hóa là cái gì còn lại, sau quá trình tiêu hóa tiệm tiến tri kiến thu nhận. Cuộc tiêu hóa đòi hỏi thời gian, nên không thể một sớm một chiều mà thành. Nhất là với bộ môn nghệ thuật cao là thi ca”.
Cuộc hành hương của những Người Thơ trên con đường Thi Ca xem chừng đầy hưng phấn. Nhưng đa số họ đã Lí luận nhiều hơn là Sáng Tạo. Tôi là một người rất thích nếu không nói là say mê lí luận. Nhưng dường như tôi chưa từng lí luận về Thơ. Có thể, một ngày hay một lúc nào đó, tôi cũng nên lí luận đôi dòng về Thơ chăng???
Tuy nhiên, tôi cảm nhận được rằng là Inrasara đã có một sát na nào đó, chui được vào đáy vực sâu thẳm của bí mật Thi Ca. Và rất nhiều người Thơ cũng đã đạt được “sát na thiêng liêng” này. Chỉ một “sát na” và thoáng mất. Cái thoáng mất còn lại, và cái thoáng hiện không cho Người Thơ bắt kịp!!! Cuộc hành hương trở thành cuộc chiến đấu bất lực và kiệt lực của phía những Người Thơ. Mà Thơ thì cứ nhởn nhơ, hồn nhiên, thản nhiên và thậm chí đôi lúc đĩ thõa lả lơi trong tâm thức những Người Thơ.
Inrasara viết:
“Cứ nhìn vào vùng vẫy không mệt mỏi của lớp nhà thơ này và, nhìn vào các “thành tựu” của thơ trẻ vài năm qua, cũng rõ. Sau hưng phấn lẫn choáng ngợp buổi đầu trước những đa dạng của cái mới, lạ, chúng ta lỏm bỏm bơi giữa rối mù của bao nhiêu dòng trào lưu. Các tài năng thơ thế hệ mới lộ nguyên hình nổi lúng túng, quờ quạng trong thử nghiệm! Đã có dấu hiệu đuối ở một vài người. Và kiệt sức sớm xảy đến, nếu chúng ta không tự thức tỉnh và, dừng lại. Dừng lại để nhìn một cách đầy ý thức chặng đường vừa qua, kiểm điểm lại hành trang, như thể lấy hơi cho một cuộc ma-ra-tông thơ sắp tới – quyết liệt hơn, cam go hơn, nhưng cũng nhiều hứa hẹn hơn.
Giữa vòng xoáy trận đồ chủ nghĩa, bản thân tôi với tư cách một nhà thơ ham tìm tòi, cũng có mặt, nhập vào dòng chảy ấy. Nói như Nguyễn Hoàng Sơn: Inrasara là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay (báo Tiền phong chủ nhật, số 01.2004). Dĩ nhiên “cách tân nhất” chưa hẳn đã là hay nhất! Và tôi không đến nỗi dại dột để tin rằng nhận định của Nguyễn Hoàng Sơn là chân lí đinh đóng cho mình mắc hãnh diện vào!. Mười năm đeo đuổi “cách tân, thử nghiệm”, như bao bạn đồng hành khác, hôm nay, tôi nghe đuối!
Tôi không ngạc nhiên khi Inrasara công bố là mình đuối. Tôi cảm động và hốt nhiên tự nhiên biết chắc là Người Thơ này sẽ có một ngày làm “được một cái gì đó” cho Thơ! Điều căn bản nhưng lại là một đòi hỏi lớn nhất ở một Người Thơ là Sự Chân Thật Chân Thành. Tôi nhận ra sự Chân Thật Chân Thành của Người Thơ Inrasara.
Inrasara viết tiếp:
“Lớn dậy từ văn hóa Champa, nền văn hóa hình thành sớm và thành tựu lớn; được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ-văn chương Chăm phát triển cao; lớn lên, may mắn, tôi lại được tiếp nhận văn minh Tây phương ngay khi còn ngồi ghế trung học, nên các trào lưu văn chương tiền phong không xa lạ gì với tôi. Hệ quả: tôi khó giữ được cái “thuần phác dân tộc”, chân chất nhà quê như các bạn thơ dân tộc thiểu số vốn có”.
Học vấn, kiến thức thu thập và những cảm quan từ ngoại quan quan ngoại dồn vào sự ham hố của một con người Thơ xứ Thi Ca Champa, Inrasara choáng ngợp và say mê dấn bước là chuyện tất nhiên. Champa, Vương Quốc Chiêm Thành, nơi mà thuở xưa các Thi Sĩ được các Nhà Vua trọng vọng, vời vào Tẩm Cung để phụng hiến từ chăn êm nệm ấm đến rượu nồng thịt béo mỗi ngày, chỉ để Thi Sĩ sáng tạo ra Thơ. Nơi đây, Thi Sĩ không được trao vòng Nguyệt Quế để rồi sau đó, bị đuổi ra khỏi Kinh Thành.
Những Thi Sĩ của cái Vương Quốc Mất Tăm Champa vẫn đời đời mang trong người sự Tận Hiến cho Thơ. Inrasara mở lời giới thiệu về một nhà thơ sắc tộc khác, Dương Thuấn:
“Đến với thơ Dương Thuấn như đi vào một khu vườn quê trèo cây hái trái. Cây nào ta cũng muốn thử trèo, quả nào cũng thèm nếm. Một chục tập thơ, tập nào Dương Thuấn cũng bày ra được cho người đọc bao nhiêu hoa lạ quả lành! Ta thử xem lối quan sát của anh:
Đường Mã Pí Lèng dốc quanh co
Đá cũng leo như đoàn người đầu bạc…
Mặt trời chậm lên vừa leo vừa đợi…
Người nào cũng có đôi bàn chân to.
(Hát Với Sông Năng, nxb.Văn Học, 2001, “Mã Pí Lèng”)
Lối quan sát gần, thực, với những liên tưởng rất cụ thể, có thể tìm thấy khắp các tập/bài thơ anh. Chính nó quá gần, quá thực nên nó khá xa lạ với cảm nhận của thế giới thừa mứa ý tưởng, lí thuyết hôm nay:
Rượu không cạn bầu chưa trở về bản cũ
Gái yêu chồng theo sau ngựa cầm đuôi…
Lên Đồng Văn người nào cũng nhắc
Chọn vợ chỉ chọn hai bắp chân
Để đi nương khỏe đêm gác nằm.
(“Lên Đồng Văn”)
Inrasara từ lâu đã quay lưng lại với những cái “sát gần, rất thực và những liên tưởng cụ thể”. Inrasara từ lâu đã vùi dập mình trong những ý tưởng, lí thuyết. Cuộc hành hương Thơ của Inrasara là cuộc rượt đuổi không cùng theo những ám ảnh mà từng giây mập mờ đánh lận con đen là những khám phá vượt thời gian không gian và vượt qua cả thực tại tương lai quá khứ!!!
Sự đuối sức của Inrasara là sự tận hiến của một người Thơ. Inrasara không quay đầu lại với các ý niệm đơn giản đơn thuần của sự thể “sát gần, rất thực và những liên tưởng cụ thể”. Inrasara chỉ làm một nghi thức chiêm nghiệm một cái gì đã có sẵn nhưng hốt nhiên thành mới lạ! Mới lạ bởi đó chuyển động theo từng cái tận cùng của những giới hạn:
Đi lâu lâu
Về muốn nhìn lâu lâu
Cái cầu thang có dấu chân của mẹ…
(“Về Bản”)
Rồi Inrasara kêu lên thảng thốt:
“Trời đất! Có ai viết thơ như thế đâu? Vậy mà nó cứ hay, mới lạ chứ. Ngay cả khi Dướng Thuấn triết lí, nó cũng chân chất, mộc mạc và, một nghĩa. Bài “Theo Nước Đi” của anh là tiêu biểu:
Người làm nương ăn theo lửa
Người làm đồng ăn theo nước
Sinh ra tắm nước thơm
Mới là con của mẹ
Lớn lên tắm nước sông
Mới thành người của làng
Đóng con tàu đi ra bể
Tắm giữa đại dương
Mới thành người của muôn nơi
(“Theo Nước Đi”)
Như vậy, với Dương Thuấn, khi “Đi hết những đại dương”, khi đã tắm được những luồng nước biển của Tứ Hải, con người ta sẽ trở thành Người Của Năm Châu. Ở đây, tôi thấy một nhà thơ sắc tộc mộc mạc, chân thành – đã dạy được bài học lớn cho đạo diễn lừng danh Trần Văn Thủy. Không phải đi hết biển để trở lại Cái Làng Quê Của Mình, hay sẽ đụng đầu vào ngay chính những Hàng Rào Do Chính Mình Đã Dựng Lên. Mà, Dương Thuấn đóng tàu đi ra những biển lớn, đắm mình vào dòng nước của những đại dương, để thành Người Của Muôn Nơi!
Tâm hồn Thi Sĩ bao giờ cũng lớn hơn những ti tiện của chính trị mưu toan và hèn hạ văn công múa rối!
Bỗng nhiên, tôi nhớ lại những câu thơ H’Mông đã quyến dụ tôi khởi công viết Văn Hóa Các Sắc Tộc hồi hơn mười năm trước:
Nếu anh là giọt sương
Anh sẽ tan trên ngón chân em
Anh đã về tới nhà rồi
Mà hồn còn nằm trong vạt áo em…
Thử đặt những câu thơ trên, cạnh bất cứ những câu thơ tình hiện đại nào khác của bất cứ thứ ngôn ngữ chữ nghĩa nào trên thế giới: Tôi tin rằng, chúng ta chả có gì mà e ngại so đo về cái Mới Mẻ, cái Mê Đắm của Nó trước mọi trào lưu thi ca khác…
Inrasara, tuy vậy, vẫn còn “KẸT” trong những “tiêu chuẩn, ý niệm” về các cõi Thơ:
“Không phải không lí do khi Nguyễn Đăng Thường (Tạp chí Thơ) nêu chuẩn “bốn không” cho thơ hôm nay và ngày mai: không vũ trụ (chúng ta mải lo chuyện cao xa, chung chung mà quên mất điều nhỏ bé thường nhật là việc tối cần với con người), không siêu hình (thơ không làm chức năng của siêu hình học, suy tư cái bất khả tri, cái không thể thấy…), không ẩn dụ (ẩn dụ như là lối nói vòng vo, bóng bẩy, úp mở không dám chỉ đích danh sự vật; ẩn dụ trùng trùng lớp lớp khiến thơ ngày càng khó hiểu và, “xa rời quần chúng”), không ngôn ngữ (“chúng ta sống quá lâu trong nền văn chương tu từ” – Khế Iêm)
Tôi không nói thơ Dương Thuấn đạt các tiêu chuẩn trên, nhưng ít ra nó là một gợi ý. Đó là thứ thơ gần, thẳng và cụ thể.”)
Sự quầy mò trong tâm thức Thơ của Inrasara vẫn từng cơn trổi dậy. Sự tìm kiếm cần thiết, và lắm khi (không cần thiết???) lại chính là những tường rào cản ngăn những bước chân Tuyệt Đối của Thơ!
Inrasara viết về Dương Thuấn: “Anh hiếm khi bình phẩm cõi người, cuộc thế.”
Bởi đó, Dương Thuấn đã có chục tập thơ. Và mỗi tập/bài đều là những cây xum xuê trái lành hoa lạ. Inrasara có nhìn ra điều này. Thảng thốt mà nhìn ra! Nhưng Inrasara chưa thực sự “giải trừ kiến thức’. Sự “giác ngộ” chỉ đến với Inrasara một “sát na”, và nó đã không ở lại. Cơn mộng du còn dài. Inrasara còn luân lưu trong dòng “văn học hiện đại” hay “hậu hiện đại”; trong cơn xoáy của Thơ Tân Hình Thức và những Phá Thể của Thi Ca. Mặc dù, chính Inrasara đã kết luận về Dương Thuấn như sau:
“Những hoa trái tinh khiết ấy rất cần cho người thành phố hái mang về, không như một vật lạ để làm quà lưu niệm, mà phải được xem là tặng vật của suối nguồn, thanh tẩy bụi bặm hay khỏa lấp khoảng rỗng sa mạc trong tâm hồn con người thời đại, khi khắp mọi nơi sa mạc đang lan dần. (“Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào lưu trì sa mạc” – Nietzsche).
Inrasara nói:
“Tắm gội nước sông Năng với Dương Thuấn, tôi quay trở lại với cái xô bồ rậm rạp, bề bộn đầy bất trắc của cuộc sống/cuộc thơ Sài Gòn. Tôi trở về, bởi tôi phải trở về. Cũng như thơ Việt hôm nay phải tiếp tục lên đường để hoàn thành nốt cuộc hành trình đi tìm cái mới còn dang dở…”
Inrasara tất nhiên phải trở vế với Cuộc Hành hương Thơ đã chọn. Như Khải Minh và lí thuyết ZZ. Như tôi và Những Cuộc Thơ Riêng. Và Dương Thuấn Người Con Của Núi:
Còn nghe tiếng ai hát
sáng mai?
khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối
róc rách về ngôn ngữ sạch trong.
khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc
còn ai nâng chông chênh tiếng hát
sớm mai?
(Inrasara, Hành hương em, 1999)
Tôi rất vui mừng, đời còn những cuộc Thơ và những kẻ đi tìm Thơ.
Virginia, tháng Tám – 2004
*
Thư viện Việt Nam, 10.05.2005.