Vũ Quần Phương bình: Tháp hoang

Inrasara
THÁP HOANG

Tháp hoang
như thình lình mọc lên từ đất
lông lá – âm u – dọa nạt.

Tháp hoang
nổi cộm giữa chiều trời ma quái
ung nhọt trên làn da mềm mại
của thảm rừng già xanh.

Tháp hoang
đột ngột xô tôi về đối mặt
quá khứ
lao xao bầy dơi đen.

Tháp hoang
người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
riêng bước chân thời gian thì nhớ.

Tháp hoang
như quen thân – như xa lạ
hồn người xưa vỗ dòng máu ứ.

Tháp hoang
khi bất chợt bác tiều phu nhớ
dân buôn lậu nhớ – nhà viết sử nhớ
hồn tháp đã bay xa.

Lời bình – Nhà thơ Vũ Quần Phương

Hình ảnh những ngôi tháp Chàm cổ xưa và hoang phế dọc miền Trung đã gợi cảm xúc cho bao nhiêu thi sĩ. Tập thơ Điêu tàn khai sinh một tên tuổi nổi tiếng: Chế Lan Viên, cũng nảy sinh từ nỗi ám ảnh của các ngôi tháp này: những ngôi tháp đánh dấu một nền văn minh huy hoàng trong quá khứ của cộng đồng bà con Chăm.
Lần này viết về Tháp lại chính là một con người mang huyết thống của dân tộc ấy. Trong thơ có một nỗi u uất lẩn khuất. Có phải hồn thiêng của giống nòi đã thấm trong máu huyết người thơ mà mỗi câu anh tả ngôi tháp đều gợi lên hồn vía lịch sử, tâm linh dân tộc, bí ẩn, dữ dội và xót thương. Những từ thình lình, âm u, doạ nạt, trời chiều ma quái, lông lá, ung nhọt, hoang… vừa tả tháp vừa tả chính hồn người. Hình ảnh bầy dơi đen đã thành biểu tượng có sức ám ảnh. Inrasara tỏ ra vững chãi trong bút pháp gợi, một yêu cầu đầu tiên của bút pháp thơ. Ở bài “Tháp hoang” này, chính bút pháp ấy đã tạo nên phẩm chất hoang vu bí ẩn của tháp.
Hoang trong bài thơ này thuộc phạm trù lịch sử, nó mang cái kì vĩ hoành tráng của Hồn người xưa vỗ dòng máu ứ. Hơn nửa thế kỉ trước, tác giả tập thơ Điêu tàn lấy cho mình họ Chế. Chế Lan Viên (tên thật là Phan Ngọc Hoan) chính vì hồn anh cũng đã ngợp trong hồn người xưa bi ca hoành tráng lịch sử ấy. Nhưng trong cảm xúc, như chúng ta, và còn hơn chúng ta, anh không dấu nỗi ngậm ngùi: một vẻ huy hoàng bị lịch sử bỏ quên đang tàn tạ. Cốt lõi cảm xúc bài thơ này là từ sự bỏ quên đó của lịch sử. Nhà thơ không than van oán trách. Anh chỉ đối diện với nguyên trạng. Cái nguyên trạng đã bắt anh phải đối mặt với một quá khứ buồn, đối mặt với một hiện tại Như quen thân – như xa lạ (câu thơ có một nỗi chua chát của tâm hồn) và đối mặt với một tương lai: khi bác tiều phu nhớ, dân buôn lậu nhớ, nhà viết sử nhớ thì hồn tháp đã bay xa. Ý thơ này gợi nhớ câu cuối bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Nhưng trong niềm hoài cổ của Vũ Đình Liên thoáng nét buồn thương ân hận thì trong hoài niệm của Inrasara lại là nỗi đắng đót, tức tưởi, xót xa.
Một điều đáng mừng nằm ngoài bài thơ này, là tất cả các tháp Chàm còn lại trên đất nước ta đều đã trở thành những di tích lịch sử được tôn tạo bảo vệ, không còn là Tháp hoang nữa. Đặc biệt quần thể các tháp ở khu thánh địa Mỹ Sơn đã được Nhà nước ta (có sự giúp đỡ cao cả của các chuyên gia Ba Lan) tôn tạo lại và trở thành một điểm du lịch văn hoá lớn, giới thiệu với bạn bè thế giới tính phong phú của nền văn hoá nhiều dân tộc Việt Nam ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *