TÊN ANH KHÔNG CÓ TRONG DANH SÁCH
(trích Những mảnh đời chắp vá)
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.
(“Lời tựa”, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức,
Nxb.Hội Nhà văn, 2006)
*
Đọc tường thuật của họa sĩ Trịnh Cung về Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh vừa qua trên Website BBCVietnamese.com: “Phê bình văn học – câu hỏi chưa có lời đáp?”, tôi mới biết mình là khách mời điền vào chỗ trống do Ts. Lê Ngọc Trà để lại. Tôi vốn rất yếu thông tin sinh hoạt ngoài lề văn chương.
Sực nhớ tin nhắn qua lại với bạn thơ Thanh Xuân…
– Thanh Xuan co du Cafe van hoc khong?
– Hoi dong Anh phai khong anh? Anh co nhan giay moi?
– Minh la khach moi dong chu tri ma.
– Anh thay the Le Ngoc Tra ha?
– Khong biet.
– Vay anh thay ai?
– Anh khong hieu em noi gi ca!
Và tôi bật cười. Té ra mãi sau cả tháng sự việc xảy ra tôi mới biết mình là cầu thủ dự bị… hạng sang. Cũng oách chớ!
Nhớ, danh sách tham dự các đại hội văn học – nghệ thuật, tên tôi gần như luôn được viết tay điền vào chỗ trống. Lạ! Trung ương để cho địa phương lo, mà tại các hội địa phương thì anh chị em rất…vui tính. Ninh Thuận nghĩ tôi sinh hoạt ở thành phố, họ bỏ qua thì khỏi nói rồi. Thành phố Hồ Chí Minh lại cho tôi là dân Miền Đông Nam bộ, khi biết tôi hộ khẩu thành phố, mới lấy bút ghi tên tôi vào phần cuối danh sách Đại hội Nhà văn 2000. Đại hội 2005, Hữu Thỉnh thân mật vỗ vai thôi Sara qua sinh hoạt bên Miền Đông đi, thế là tên tôi lần nữa quá giang qua danh sách khác, cũng viết tay. Mãi Đại hội Nhà văn Miền Đông Nam bộ 2006, Lê Văn Thảo mới “xử” tại chỗ vụ Sara: hộ khẩu đâu thì đại biểu nằm danh sách đấy!
Nhưng không hiểu đến Đại hội khóa X, sự vụ có trót lọt không nữa? Bởi mới Kỉ niệm 50 năm Hội Nhà văn tháng 5.2007 vừa qua thôi, Văn phòng Hội Nhà văn Thành phố cho biết tôi không được nhận quà biếu là cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, “nó được văn phòng trung ương gởi đến địa chỉ hội của Ninh Thuận rồi” – người phụ trách bảo thế.
Nhưng rồi, cuối cùng tôi cũng được nhận.
Nhà văn thì vậy, bên Dân tộc thiểu số càng thế hơn. Kì Đại hội năm 2000, Nông Quốc Chấn không thấy Inrasara trong danh sách, mới phone về Sài Gòn:
– Sao tôi không thấy tên cậu?
– Em không biết, bác ạ.
– Cậu chạy qua Nghị Đoàn đi, tôi vừa nói chuyện với ông điền gấp tên cậu vào. Cậu cần vào Ban chấp hành nhiệm kì này.
– Em mới điện cho bác ấy, bác bảo danh sách do Chi hội bên Chăm lo.
– Vậy cậu cứ ra đi, hai ngày nữa là Đại hội rồi.
– Nhưng ra sao được, tên em không có trong danh sách.
Tôi đã lỡ chuyến ấy, bởi thế. Vậy mà, mãi đến năm 2002, Đại hội giữa nhiệm kì để bầu Ban chấp hành mới do ông Chấn mất, tên tôi lại được viết tay giờ chót!
Vậy đó, nó cứ thế mà trơn trợt. Những ngày văn hóa dân tộc Chăm tháng 8.2004 tại Hà Nội, nhà văn duy nhất của dân tộc không có mặt, khiến bà con một phen trố mắt. Đại hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, nó lượt nữa bị lọt sổ.
Trơn trợt từ danh sách cho đến chữ nghĩa! Tên Inrasara bị bạn văn, nhà báo viết sai đến gần mươi lỗi chính tả: Ítsara, Insara, Inara, Phó Trụm, Nguyễn Phú Trạm. Tôi nhắc, thế là một bạn văn kĩ tính viết thành In-Ra-Sa-Ra. Riêng nhà thơ Nông Quốc Chấn, dứt khoát tôi phải là: Phú Văn Trạm. Vui hơn nữa, Huy chương vì sự nghiệp văn học – nghệ thuật được trao vào cuối năm 2005, cái tên ấy biến thành INSANA, đến tôi định mang tấm bằng kia ra khoe mẹ, cũng không dám!
Một hụt hẫng hay một thất thố, chẳng biết.
Đại hội Nhà văn 2005, tôi ở hạng tám hay chín gì đó trong mười ba vị trí được bầu vào Ban chấp hành. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đồng ý để thiên hạ bầu bán mình vào chức vụ gì đó. Chỉ có sáu người được phiếu quá bán, thế là tôi lọt sổ. Hú vía! Bằng hữu văn chương bảo sẽ có bầu bổ sung, và Inrasara không thể không dính. Tháng sau, người bạn là phó giám đốc một nhà xuất bản báo hỉ từ nguồn tin đáng tin cậy: Sara trúng rồi, rửa đi! Tin đồn cứ thế lan ra… Mãi mùa hè 2006, nhà văn Vũ Hồng mới kể chính anh đã đưa tin [thất] thiệt: “Em thông báo về anh trên Web của em rồi chớ, hai ngày sau thấy yên ắng quá, em mới tháo xuống”!
Lại nhớ, từ lâu lắm, năm 1991, Đại hội Hợp tác xã tại quê. Ông anh ruột tôi nằm trong danh sách ứng cử chức chủ nhiệm, bên kia là liên danh khác do anh rể đứng đầu. Anh em bà con lối xóm cả, nhưng cũng không thiếu pha gay cấn. Tôi ngồi ghế Ban thư kí Đại hội. Báo cáo, thảo luận xong xuôi đâu đó rồi đến tiết mục bầu cử. Vài cánh tay giơ lên ý kiến: Phú Trạm không có hộ khẩu ở làng! Thế là bàn cãi mất mươi phút. Khá đông ý kiến đồng tình, có cô bác còn khuyên tôi rút tên khỏi “cử tri” đi. Tôi nói với người chủ trì: Trời đất, bà con mình ơi, tôi sinh và lớn lên ở đây, xuống thị xã làm việc bốn năm rồi quy hồi cố hương tiếp tục làm công dân làng, có ruộng cấp phát, có vân vân… chỉ trừ hộ khẩu; hôm nay tôi được bà con “tín nhiệm” bầu vào Ban thư kí của Đại hội nữa; vậy mà không được quyền bầu cử là sao? Mà chắc chi tôi đã bầu cho ông anh ruột mình?
Không hiểu Ban chủ trì trao đổi sao với mọi người, rồi chuyện cũng yên.
Vậy đó!
Chuyện cuối cùng: sau Bàn tròn văn chương kì bảy, bởi hai sự cố, tôi quyết dứt áo với Bàn tròn. Tôi thông tin qua thư điện tử đến các bạn văn.
Sống đất Sài Gòn mười lăm năm, nhưng tôi với Phan Thị Vàng Anh chưa hề giáp mặt. Gặp lần đầu, tôi hứa sẽ chủ trì Bàn tròn văn chương, ít ra cũng một năm. Vả lại, trước đó tôi có ý định làm “biên bản văn học trong năm” thật ra trò. Ý tưởng của Vàng Anh là cơ hội. Thế là BTVC suốt bảy kì ngon trớn cứ thế mà cuồn cuộn đi lên. Nhà văn, nhà báo, người viết thâm niên hay mới vào làng văn tấp nập, hào hứng. Rồi báo giấy, báo mạng đưa tin, bàn luận. Vàng Anh ra Hà Nội sống một năm vừa bay vào Sài Gòn, hứa hẹn BTVC xôm tụ và gây cấn hơn. Nhưng không! Đúng lúc đó, tôi có cái quyết đột ngột trên. Vàng Anh và anh chị em gửi email với phone động viên tôi ngồi lại. Nhưng lòng đã quyết. Dù rời Bàn tròn văn chương tôi rất áy náy. Càng áy náy hơn khi tôi cảm thấy mình thất hứa với bạn văn, nên cứ viện cớ bận bịu trong mấy tháng tới. Mà bận thật. Cố gắng không nói hai sự cố/sự thật đó cho mọi người biết, tôi đành cứ ậm ừ cho qua chuyện, khi anh chị em nhắc tới Bàn tròn.
Tôi sợ mọi chuyện sẽ đổ vỡ.
Công trình kể xiết mấy mươi
Vì ta khắng khít cho người dở dang
Bỗng một chiều mưa Kontum mù trời đất, vài bạn nhắn tin qua điện thoại rằng Bàn tròn văn chương kì tám vừa kết thúc, – èo uột lắm. Tôi ngồi lặng thinh, nhìn trời mù mưa ngoài kia. Lạ! Tôi đã không nhận mảnh thông tin nào về nó cả: chương trình, – không, văn bản, – không. Cả biên bản (nếu có, sau đó) cũng không nốt. Bất chợt, “tôi thấy mình trôi đi”. Tôi, ngôi nhà và khu vườn, cả con sông tuổi thơ, bạn bè và người tình, cả trái đất này cùng trôi đi. “Một dòng sông câm đang trôi qua trước mắt mình” (Nguyễn Vĩnh Nguyên), dòng sông trước khách sạn Đông Dương sang trọng bật nhất đất Kontum, và cả khách sạn nữa, cũng trôi đi!
Nghĩa là hôm nay, tên tôi bị gạch khỏi danh sách. Hoặc giả nó nằm mơ hồ đâu đó ở dấu ba chấm, hay tuột khỏi tờ giấy, rụng rời ra trước dấu chấm hết.
Một chi tiết trong tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy ám ảnh kì lạ. Tay nhà văn trẻ từ từ làm cái thao tác tháo cái sim, từ từ bước đến lọ cá hồng, thả nó vào đó. Thế là tất cả tiêu vong. Hằng trăm danh tánh bỗng chốc biến ngay tức khắc. Biệt tăm!
Sau vài Bàn tròn, khi dò thấy có bạn văn nghệ chưa bao giờ tham gia, tôi hỏi ý kiến Vàng Anh có nên xóa họ ra khỏi danh sách địa chỉ email không? Phiền họ không? Vàng Anh bảo không anh à, mình cần mọi người và BTVC cần thông tin đến mọi người. Thế là tôi nghiêm chỉnh chấp hành, gởi đầy đủ đến tất cả, mọi tin tức liên quan đến Bàn tròn cùng danh sách địa chỉ email (chỉ có hai người, được một bạn thơ cho biết là họ không thích nhận tin, tôi mới xóa).
Tên tôi không có trong danh sách.
Chợt nhớ Mậy, bạn học ngồi chung bàn với tôi thuở lớp Tư. Dịch đậu mùa nhà quê cắp bạn đi mất, đột ngột. Tôi không là lớp trưởng, nhưng được thầy phân công giữ tờ giấy danh sách điểm danh lớp. Chính tay tôi gạch tên bạn. Bằng cây viết bi màu đỏ thầy cho (thuở đó thủ cây viết bi trong túi oai lắm). Không hiểu thế nào đó, tôi làm ướt tờ giấy. Danh sách được viết bằng bút ngòi chấm mực, bị nhòe hết. Riêng vết mực đỏ thì còn nguyên. Nó ám tôi suốt nửa đời hư. Hai hàng, rất thẳng. Tôi nghĩ tại sao mình không gạch bằng tay, hay gạch dưới. Mà ngay chính giữa tên bạn. Lại hai đường!?
Vết mực nào xáo bỏ không hay…
Tôi vói tay tắt bóng điện. Bóng tối ụp tới và bủa vây và lan tỏa. Bóng tối kì lạ, nó dung chứa mọi sinh thể trong vòng tay thâm trầm và yên ấm của nó. Cả công trình lớn lao, cả những nền văn minh tưởng không thể suy tàn của các cộng đồng người vĩ đại, cả mấy tị hiềm với tính toán bé con của cá thể tội nghiệp,… Bóng tối bao dong giữ lại tất cả.
Chiều hôm ấy, tôi đã trôi đi. Xa, rất xa khỏi cõi người. “Xao xuyến để mặc chúng ta trôi nổi bập bềnh, vì nó mang vật hiện thể trong toàn thể lướt xa đi. Cả chúng ta, những con người đang hiện thể, cũng cùng lướt xa đi giữa vật hiện thể… Trong xao xuyến vật hiện thể trong toàn thể trở nên mong manh” (Martin Heidggerr). Xao xuyến khai mở vô thể. Vô thể mang hiện thể con người lưu trú cận kề cõi vùng đêm sáng của siêu việt tính. Cư ngụ nơi vùng ngoại ô của Quê hương thanh bình đầy bất trắc.
Vậy đó, ngay buổi đầu tiên và đến tận hôm nay, tên tôi chưa bao giờ đường đường có mặt trong danh sách [chính thức]. Hay nó nằm ở đường biên? Hoặc giả như thể loài ghế “xúp” trong chuyến xe chật người? Có ma mà biết! Nhưng không sao cả. Giữa cơn mưa mù trời đất Kontum, tôi đọc to:
“Yết đế, yết đế, ba-la-tăng yết đế…Bồ đề tát bà ha!…”
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới…
Sài Gòn, 12.07.2007.