“Bánh mì đây, bánh mì đây” dưới hiên nhà, trong lồng con két nhà Ông Jowa cứ lắc lư cái đầu và nhún mình nhái lại liên hồi vào những buổi sáng khi ông Kjet, một ông lão gầy rao bán bánh mì qua nhà.
Ông Jowa, một giáo viên lớn tuổi nay đã về hưu. Mỗi buổi sáng, ông chỉ có việc đi thăm ruộng rồi về, ăn sáng sau đó làm các việc nhỏ nhặt quanh quẩn trong nhà. Nên ông có nhiều thời gian rảnh rang bèn tìm thú vui bằng cách chăm sóc cây cảnh và một vài con chim cho vui cảnh nhàn.
Cứ mỗi lần con két nhái lại tiếng rao lão bán bánh mì hoặc chị mua nhôm nhựa hay cậu bé bán cà rem, ông lấy làm vui và mỉm cười tự hào về con két của mình.
Trời hôm nay đã vào tiết xuân, mặt trời vừa ló dạng, các tia nắng đầu tiên của ban mai vừa khẽ chiếu vào chái nhà Thang tong ông Jowa. Mọi vật dụng trong nhà sáng dần lên theo ánh nắng nhưng không gian vẫn còn mờ hơi sương; chốc chốc ông lại với tay cầm tách trà đương tỏa hơi nóng, đưa nhẹ lên môi hớp từng hớp một rồi đặt xuống bàn và cảm thấy trong người khoan khoái, vui vui làm sao ấy!
Một hôm có ông bạn Kcho xóm trên đến chơi. Ông ta liền khoe với bạn về con két có tài bắt chước tiếng người và rất lém lỉnh của mình. Ông Jowa vừa dứt lời khen con két của mình với khách thì “Chào Bác”, “Chào Bác”. Và mỗi lần như thế tiếng Bác lại kéo dài ra và đôi mắt hướng về ông khách như đang thăm dò và thầm đòi ông khách tán thưởng. Cái đầu nó gật gật trên đôi chân bé xíu màu đen nâng nhịp nhàng cái mình độ nắm tay màu xanh trông thật dễ ghét. Ông Kcho nói con Két nhà Bác giỏi thật, vừa nói ông ta vừa tiến lại gần cái lồng, thò tay vào túi áo lấy vài hạt bắp rang còn sót lại hôm qua. Con két nhanh nhẩu gật đầu “cảm ơn, cảm ơn”. Ông Kcho trở lại ngồi cạnh chủ nhà, hai người hỏi thăm nhau về ruộng nương, công việc làm ăn mỗi nhà ra sao? Và câu chuyện cứ tiếp tục…
Một hôm thằng Rathah, cháu ông Jowa ở thành phố về nhân dịp Katê, vai đeo chiếc sắc đen, tay cầm chiếc lồng tre, bên trong một con chim Họa Mi đang nhảy nhót. Biết Bác nó ham mê cây kiểng và chim cảnh, một thằng bạn thân đã theo nó về chơi Katê năm trước đây gửi biếu Bác nó con chim Họa Mi và nhờ nó mang về giúp. Ông Jowa rất thích và cứ khen thằng bạn của cháu mình tốt bụng quá, ngoan và hiểu ý mình. Vì cứ mỗi lần thằng Rathah khăn gói lên đường vào thành phố, ông cũng thường dúi vào tay cháu một, hai trăm ngàn và không quên gửi lời thăm thằng bạn nó.
Mỗi buổi sáng, tiếng chim họa mi hót vang cả xóm nhỏ, quyến rũ và thôi thúc các bác láng giềng nhà bên cạnh ghé sang nhà ông chơi, uống trà, bàn chuyện ruộng nương và không quên khen tiếng hót chim họa mi nhà ông cùng bạn thằng cháu khéo tặng con chim.
Ngày qua ngày ông cũng quen dần với tiếng chim họa mi, ông quay sang vỗ về con két thân yêu của mình đã nuôi từ nhỏ và tập nói những từ mới “Có khách” “Có khách”, “Chọc két, két cắn” v.v… Dần dần ông ta hứng chí thử tập con chim họa mi bắt chước tiếng người. Không ngờ chim họa mi cũng nhanh nhẹn tập nói được như con két nhưng ban đầu với chất giọng trong trẻo và thánh thót của nó làm mọi người cứ lầm tưởng là đứa bé háu ăn vừa ngậm kẹo vừa bập bẹ tập nói.
Một tuần trôi qua, giờ đây chim họa mi nhà ông cũng đã bắt chước được vài tiếng rao theo con két rõ ràng hơn. Và mỗi lần như thế ông Jowa thưởng cho nó một con cào cào thật to. Nó lấy làm phấn khích và càng nói to hơn. Mỗi lần gặp bạn bè vào dịp lễ lộc hay ma chay trong xóm ông thường khoe về con két và chim họa mi của mình.
Một đêm trăng rằm tháng năm dương lịch, trăng rất sáng, bầu trời trong vắt và không khí oi bức; Ông Jowa lấy ghế bố ra sân nằm cho mát và ngẫm nghĩ cuộc đời mình. Nhớ khi xưa vào những đêm như thế này ông cùng lũ bạn “chơi u”, chơi đánh trận giả, chơi trốn tìm mãi đến khuya ai về nhà nấy ngủ. Cả xóm rộn vang tiếng cười. Còn lũ trẻ bây giờ chỉ biết có quán và phê, đua xe và uống rượu quậy phá xóm làng. Nhớ thuở còn bé cha mẹ vất vả nuôi ăn học, rồi trên 20 năm dạy học và hiện nghỉ hưu làm ruộng và các thứ vặt vãnh nuôi con nên người. Mọi ý tưởng và suy tư mông lung của ông cứ tiếp nối nhau ẩn hiện như các đám mây trên nền trời chuyển động không ngừng tạo ra những hình thù kỳ dị này rồi tan biến để hợp thành những hình ảnh khác và cứ mãi như thế cho đến vô cùng. Cuối cùng hình ảnh 2 con chim, két và Họa Mi của ông cũng xuất hiện trong ý nghĩ. Một con Két thông minh lém lỉnh và một con chim Họa Mi khôn ngoan nhanh nhẹn gợi ông nhớ đến con cháu mình, lũ trẻ bây giờ chúng rất thông minh và nhanh nhạy vì ngày nay có báo chí, truyền hình khắp mọi nhà. Không những chúng giỏi về Toán…, Văn nữa, đây là môn học đa phần các em học sinh Chăm không mấy em có điểm cao. Nhưng nay đã có những em vẫn giỏi không thua gì các bạn người Kinh cùng lớp, như bé M’Liêng, bé Mỵ cháu ông chẳng hạn, nay nó lại học giỏi tiếng Anh nữa.
Cuối cùng ông nghiệm ra rằng muốn giỏi thì phải nỗ lực học tập, muốn thành công thì phải kiên trì, phấn đấu và khổ luyện để đạt mục đích cuối cùng. Ông nghĩ con chim Họa Mi của mình cũng thế. Họa Mi là một loài chim được biết đến nhờ tiếng hót thánh thót và trong trẻo nhiều giai điệu. Cá biệt chim nhà ông lại bắt chước được cả tiếng người là điều hiếm thấy. Qua quá trình, ông biết cách luyện tập và nhẫn nại nên giờ đây con chim thừa khôn ngoan của ông đã làm ông toại nguyện.
Sương bắt đầu rơi, ông cảm thấy lành lạnh, ông đứng dậy và từ từ xếp lại chiếc ghế bố đem vào dựng nơi gốc cửa cái rồi vào nhà ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Mỗi buổi sáng con két và chim họa mi nhà ông Jowa hót vang góc xóm nhỏ, đã làm say mê Ông Kathot ở phía sau lưng nhà, một nông dân có tính nghệ sĩ. Một sáng nọ, có ông bạn dưới phố (Phan Rang) lên chơi. Ông Kathot đã đem chuyện hai con chim nhà Ông Jowa kể cho bạn nghe. Người bạn liền mách ông, hiện dưới phố có người bạn muốn bán bớt một con chim họa mi hót rất hay để mua cặp cá Hồng Long. Ngay ngày hôm sau ông Kathot liền xuống nhà bạn mình nhờ bạn chỉ dẫn đi mua ngay con chim ấy.
Sáng hôm sau, thật không hổ danh con chim hót suốt buổi sáng. Giọng nó trong trẻo và thánh thót như tiếng suối reo, đôi lúc như tiếng sáo trúc của một nghệ sĩ tài ba đang tấu những đoản khúc đắc ý nhất của mình.
Nghe tiếng chim đồng loại của mình, chim họa mi nhà ông Jowa liền cất tiếng đáp lại. Nhưng than ôi, cứ mỗi lần cất tiếng hót, giọng nó lại cưng cứng, lạc lõng không còn thánh thót như xưa nên nó tủi thân bèn nín lặng và đứng ủ rũ trong lồng! Nhớ khi xưa còn ở trong rừng nó đã từng khuất phục cả bầy chim trống khu rừng bằng tiếng hót của mình. Thời vàng son của nó không còn nữa! Ngày sang ngày, cứ mỗi lần con chim nhà ông Kathoh hót, con Họa Mi nhà ông Jowa đứng lặng trên que tre gác ngang lồng chứ không chứ không bay nhảy trong trong lồng liến thoắng như hồi mới mang về.
Dần dần nó biếng ăn, ngày càng yếu dần và chết đi trong một đêm trời trở gió đầu mùa đông. Sáng ra ông Jowa tiếc rẻ nhặt xác con chim từ trong lồng cẩn thận đem chôn.
Nhân dịp lễ Tết, thằng Rathah có dịp về quê, ngay ngày hôm sau nó liền sang thăm ông Bác yêu quý của mình. Không nghe thấy tiếng hót chim họa mi và nó liền quay sang hỏi Bác. Người Bác nhẹ đưa tách trà đang uống dở lên miệng hớp một ngụm nhỏ rồi đặt xuống bàn sau đó khẽ rít một hơi dài thuốc lá và phà ra. Khói thuốc lá bay ra từ miệng ông và từ từ bốc lên che mờ cả khuôn mặt rũ rượi. Ông lim dim đôi mắt rồi bắt đầu lấy giọng kể rõ sự tình về con chim yêu quí của mình. Rathah, thằng cháu tinh nghịch nhất của ông thế mà nay lại lặng người nghe và chia sẻ nỗi buồn cùng ông Bác yêu quý. Trước nỗi buồn của người Bác, không còn cách nào khác là an ủi Bác nó. Thằng Rathah nói:”Thôi Bác đừng buồn nữa, cháu sẽ nói thằng bạn tặng Bác con Họa Mi khác hay hơn con này. Bác quên nó đi”. Nếu Bác thích loại chim gì cháu sẽ nói thằng bạn cháu tặng ngay loại chim mà Bác thích”.
Thằng Rathah tiếp:”Bác ơi, mỗi loại chim có tiếng hót riêng của nó, tiếng hót của chúng đều có ý nghĩa để chúng biểu hiện và trao đổi với nhau như con người vậy. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng của mình. Loài chim thể hiện sự hiện diện và sức mạnh của mình bằng tiếng hót. Còn con người chúng ta là tiếng nói. Bác có biết hiện nay trên thế giới người ta đã thống kê được trên 500.000 tiếng nói. Đấy là vốn quý của loài người, nó biểu hiện nền văn hóa và văn minh riêng của mỗi dân tộc mà hiện nay các nhà ngôn ngữ trên thế giới đang ra sức hô hào bảo vệ. Trong xu hướng hiện nay nước nào mạnh và phát triển là ngôn ngữ nước ấy phát triển và tỏa ra ảnh hưởng đến các nước còn lại. Bác không thấy sao như tiếng Anh đấy. Hiện nay tiếng Anh là một ngôn ngữ đã được phổ biến khi nền công nghiệp Anh phát triển, đi tìm thị trường tiêu thụ cùng với việc tìm kiếm nguyên liệu đã hình thành nên các nước thuộc đia. Thêm vào đó là việc di dân từ Châu Âu sang Châu Mỹ cũng thế. Đứng trước nguy cơ đó các nhà khoa học đã không tiếc công sức và tiền của để bảo lưu tiếng nói các dân tộc trên thế giới….” Thằng Rathah vẫn còn nói them điều gì gì nữa nhưng ông chẳng còn nghe thấy. Lúc này ông sa sầm nét mặt lại và chột dạ nghĩ rằng. Mình là người Chăm, mình cũng có bổn phận bảo vệ tiếng nói và chữ viết của ông bà ta để lại. Chúng ta phải biết trân trọng và làm cho nó phong phú thêm không có nghĩa là chúng ta du nhập bất kể một loại ngôn ngữ nào vào tiếng Chăm mà phải cẩn trọng trong vấn đề đi tìm từ mới cho một khái niệm mà cha ông chúng ta đã có rồi. Chúng ta phải tìm hiểu và khôi phục vốn cũ sau đó ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời bổ sung các khái niệm mới một cách khoa học cho logic và có hệ thống.
Sau ngày thằng Rathah nói như thế, ngày ngày ông càng để ý hơn trong khi nói chuyện và cố gắng sử dụng những từ Chăm thật nhiều càng tốt mà ông đã nghe ông bà mình khi xưa thường nói, họa hoằn lắm ông mới vay mượn từ quốc ngữ. Mỗi khi nghe các cháu ông nói chuyện hay trao đổi một việc gì. Ông liền ngắt ngay khi chúng sử dụng những từ vay mượn tiếng Kinh. Ông sửa và dạy chúng dùng trong các ngữ cảnh phù hợp. Đôi lúc thằng Rathah bướng bỉnh cũng bị ông chặn đứng câu chuyện để sửa đổi nó cái thói quen hay vay mượn đó. Ông nói cháu là người hiểu điều đó hơn ai hết thì cháu phải là người thực hiện và ý thức sửa chữa trước mọi người, sau đó chau bảo ban các em và bạn bè cháu làm theo. Thằng Rathah đôi lúc phản bác lại bảo rằng thế hệ chúng cháu không có lỗi gì hết vì chúng cháu chẳng nghe ai nói, dạy bảo và sửa chữa như thế, thậm chí Gru Alak dạy tiếng Chăm trên trường, trong đời sống hằng ngày và bên ngoài nhà trường ông ta cũng nói chuyện và vay mượn tiếng Kinh như chúng cháu chứ khác gì. Ông Jowa với giọng nói nhẹ nhàng khuyên bảo cháu:”Thôi việc ấy bỏ đi, từ bây giờ cháu và bác cố gắng dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong giao tiếp hàng ngày nhé, cháu cố gắng lên”. Và ông nghĩ nếu mọi người có cùng suy nghĩ và cùng thực hiện như vậy thì tiếng Chăm của mình sẽ được phục hồi. Chỉ có mình mới bảo tồn được tiếng nói của mình qua giao tiếp hàng ngày chứ không lẽ người Nhật, người Pháp, người Mỹ đi nói tiếng Chăm, gìn giữ nó và làm cho nó phong phú à!
Bẵng một thời gian các con, cháu ông đều lần lượt đi học xa, mỗi lần hè về là chúng tụ tập ca hát hoặc tổ chức tiệc tùng, ông cứ để ý đến lời ăn tiếng nói của chúng. Ông mừng thầm là chúng đã thay đổi và tiến bộ nhiều hơn ông tưởng. Như vậy là chúng đã ý thức được việc giữ gìn tiếng nói của mình. Tay đưa điếu thuốc hít một hơi dài, ông đang nghĩ ngợi sắp tới ông sẽ kể chuyện cổ Chăm cho chúng nghe, dạy chúng hát những bài dân ca Chăm hoặc tập cho chúng làm quen với các nhạc cụ Chăm nào đó mà hồi thanh niên ông đã theo người chú tập tành trong các buổi tối tập dượt làm văn nghệ…
Con chó giữ cổng sủa vang ngoài sân. Có một ông khách, xóm trên đến chơi cắt dòng tư duy của ông, đưa ông trở về thực tại.