Văn thơ trẻ Sài Gòn ở đâu?

Phụ lục: Phần phát biểu tại Hội thảo khoa học
“Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập”
tại TP Hồ Chí Minh, 16.10.2007.

1. Nhà văn trẻ nhìn nhận văn thơ trẻ Sài Gòn như thế nào?
Đánh giá văn học trẻ TP Hồ Chí Minh, Trương Nam Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố, rất tự tin làm cái tổng kết:
“Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh chưa thật sự nổi trội, tác phẩm được xuất bản nhiều nhưng để thành hiện tượng văn học có đột phá thì chưa. Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh cũng chưa thật sự có ảnh hưởng rõ rệt tới luồng chảy chung của văn học đương đại trên toàn quốc”.
Làm sao nên nỗi? Thử nêu ba khuôn mặt trẻ tìm cái nguyên cớ gây ra nông nỗi đó.

Nguyệt Phạm đổ lỗi cho thời gian và bạn đọc [và cả thái độ thờ ơ của lớp đàn anh nữa!]: “Sở dĩ nó kém sôi nổi có lẽ do các nhà văn nhà thơ không thể sống bằng thu nhập từ tác phẩm của họ nên cứ phải tất bật lo toan công việc khác. Thời gian cho những sáng tác ngày càng ít ỏi. Và những hoạt động bên lề văn chương cũng ít được người sáng tác trẻ quan tâm, trừ khi rảnh rỗi hay thu xếp được thời gian. Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là hiện nay độc giả bớt quan tâm tới văn chương hơn, họ có quá nhiều thứ khác để giải trí, hấp dẫn hơn nhiều”.

Ngô Thị Hạnh nghĩ tâm tính dân Sài Gòn khiêm tốn, nên cả lo cho thơ văn các vùng miền khác hơn của chính mình: “Đa phần các nhà văn trẻ của TP Hồ Chí Minh làm ở các báo, nhà xuất bản nên thường hay giới thiệu, PR cho tác phẩm của bạn hay sản phẩm của nhà xuất bản. Hơn nữa, cho dù quê gốc ở đâu, nhưng sống ở TP Hồ Chí Minh, nhiễm tính cách người Sài Gòn, không thích nói về mình, khoe mình, nên khi tác phẩm được xuất bản cũng chỉ để tác phẩm ‘tự thân vận động’, ‘hữu xạ tự nhiên hương’, nên ít được chú ý”.

Lê Thiếu Nhơn đổ thừa cho các ban bệ ít quan tâm tới diễn đàn với thiếu chăm lo giải thưởng văn chương trẻ (lại giải thưởng!): “Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có rất nhiều ban, có cả ban văn trẻ nhưng không thường xuyên tổ chức các diễn đàn văn chương giới trẻ để tạo không khí hoạt động sôi nổi. Hơn nữa, hình như họ dường như không có niềm vui, hứng thú với việc phát hiện ra cây viết trẻ nên có vẻ thờ ơ, không khích lệ người viết trẻ. Chưa kể là Hội không hề có một giải thưởng nào dành riêng cho văn học trẻ nào dù lực này của TP rất nhiều, hàng năm ra lò nhiều tác phẩm. Một phần nữa, có lẽ HNVTP chưa mấy tin tưởng vào nhà văn trẻ nên vẫn e ngại, không tạo điều kiện để văn trẻ hoạt động”.
(“Văn trẻ TP Hồ Chí Minh, vì sao mờ mờ nhân ảnh?”, VTCNews, 13.10.2007).

Vân vân và vân vân và vân vân và vân vân và…
Có bao nhiêu người viết trẻ được hỏi là chắc chắn có bấy nhiêu đổ thừa đổ lỗi tại bởi vì do đó cho nên. Nào là Hội thảo thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh bốn năm mới xảy đến một lần nhưng, chỉ được dành mười lăm phút cho tiết mục “tranh luận”. Rồi các nhà phê bình sống trong sợ hãi, và rồi… gì gì nữa, có ma mới hiểu được.
Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh chưa thật sự nổi trội, chưa có hiện tượng đột phá, chưa thật sự có ảnh hưởng rõ rệt tới luồng chảy chung của văn học đương đại. Không sai! Thử đọ [dù văn chương không là bộ môn Olympic để có thể làm cuộc so đọ] với Hà Nội thôi, nếu ở thế hệ trước ta đặt những Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu,… bên cạnh Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Quý, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Việt Chiến,…; hay thế hệ hôm nay, đem những Trần Hoàng Nhân, Lê Thiếu Nhơn, Phan Trung Thành, … đọ sức với Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lương Ngọc An, Nguyễn Quyến,…; hoặc bên cánh nữ: Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý, Ngô Thị Hạnh, Song Phạm,… cạnh tranh cùng Phan Huyền Thư, Vy Thùy Linh, Dạ Thảo Phương, Trương Quế Chi,… ta dễ nhận ra có độ chênh nhất định, không ít thì nhiều. Như vậy, khẳng định của nhà thơ Trương Nam Hương về nỗi ba “chưa” của thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh là chắc chắc trúng không chạy vào đâu được!

2. Chúng ta đứng ở đâu để phát ngôn?
Thế nhưng, thử đặt câu hỏi: Chúng ta – những người chịu trách nhiệm phát ngôn – đã thu vào tầm mắt cái nhìn toàn cảnh dòng chảy văn chương Sài Gòn chưa? Ta đứng ở góc độ nào nhìn nó? Nhìn nó qua thái độ thẩm mĩ nào? Tại sao văn học Sài Gòn hậu đổi mới không nẩy nòi nổi một nhà phê bình? Rồi thì anh/chị đặt các tác giả chỉ xuất hiện trên mạng ở đâu, khi văn chương mạng ra đời mà các cây bút Sài Gòn là những kẻ đi đầu và góp công vun đắp? Ráo riết đặt câu hỏi như thế, tôi nghĩ phát ngôn trên vẫn còn phiến diện, rất phiến diện. Khi ta chỉ quan niệm tác phẩm in thành sách mới là “tác phẩm” đúng nghĩa, còn nếu nó tồn tại trên mạng thì không, tác phẩm in photocopy lại càng. Khi ta chỉ đứng ở trung tâm mà nhìn: văn học chính lưu, giải thưởng hay hội thảo chính lưu,… mới đáng tổng kết, còn mấy thứ ngoại vi, vỉa hè thì không.
Hậu hiện đại – không! Tân hình thức – không! Mở Miệng – không! Ngựa Trời – không! Bàn tròn văn chương – không! Không không không không… Trong khi chính các phong trào này làm nên sôi động, phồn vinh và mang khả tính khai phóng của văn thơ Sài Gòn, gần mươi năm qua.
Bởi không đâu phong trào tân hình thức – du nhập từ tân hình thức Việt ra đời tại Mĩ – nở rộ và lôi kéo các tác giả tên tuổi hưởng ứng đông đảo như thế.
Không đâu trào lưu hậu hiện đại (sáng tác trong cảm thức/vận dụng thủ pháp hậu hiện đại) phát triển sớm, mạnh mẽ, tồn tại dai dẳng và có thành tựu đáng kể như thế. Phong trào được bảo chứng bằng các tên tuổi sáng giá: Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… (thơ), Nguyễn Viện, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thận Nhiên, Lynh Bacardi,… (văn).
Không đâu nẩy nòi ra nhóm Ngựa Trời – khai mào cho nền văn chương nữ quyền hậu hiện đại –, khuấy động dư luận trong và ngoài văn chương, buộc mọi người quay lại ngó mình bằng nhiều cách nhìn như thế.
Không đâu hạ sinh hiện tượng thơ văn lí luận vỉa hè như nhóm Mở Miệng cùng sự kiện Nhà xuất bản Giấy vụn cho ra đời hàng chục tác phẩm photocopy, đã và đang gây ấn tượng sâu đậm đến cuộc sống văn chương như thế.
Không đâu mở ra bảy kì Bàn tròn văn chương – sinh hoạt bên lề “biên chế” của Hội Nhà văn – thu hút được sự chú ý của báo chí, lôi cuốn được nhiều thành phần văn giới nhập cuộc hào hứng và chuyên nghiệp như thế.
Tuyệt không đâu cả, ngoại trừ đất Sài Gòn.
Bao quát cả từ góc độ này, chúng ta mới nhìn ra toàn cảnh thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh. Và chỉ nhìn từ góc độ này thôi, thơ văn trẻ Sài Gòn mới hiện thể đúng thực như nó là thế: luôn chuyển động, sẵn sàng mang mầm mống đổi mới, cách mạng.

3. Nhưng phê bình hiện đại TP Hồ Chí Minh ở đâu?
Nó vừa thiếu vừa yếu – còn đỡ! Nó không có, nó là con số không – còn may! Ở đây, nó là con số âm bợt bạt. Không kể lớp phê bình thuộc thế hệ trước gần như làm xong sứ mệnh lịch sử, đã không ít lần các “nhà” phê bình trẻ khi phát ngôn, có những biểu hiện khá lạc hậu, phản [chuyển] động, gây trở ngại không nhỏ cho sự chuyển hướng của văn chương Thành phố.
Lại phải đặt nó trong dòng chảy chung [Hà Nội chẳng hạn] để làm cái đối sánh.
Về lực lượng, không khó nhận thấy, Hà Nội quy tụ đủ anh tài. Nghiên cứu – lí luận (bao gồm cả dịch thuật) có Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Ngọc Vương, Trương Đăng Dung,…; phê bình hàn lâm có Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn,…; phê bình ứng dụng và phê bình báo chí cũng tập hợp bao tên tuổi: Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn, Dương Tường, Nguyễn Hòa, Văn Giá, Hoài Nam,… Dăm năm qua, mỗi người ít nhất ra được một đầu sách, thậm chí có vị xuất bản đến năm, sáu tác phẩm liên quan đến văn chương đương đại và lí luận văn học mới. Và chúng không phải không có sức nặng.
Ở Sài Gòn – hoàn toàn không! Đây là hiện tượng rất kì lạ. Qua hơn thập kỉ, Huỳnh Như Phương gần như im hơi lặng tiếng. Trần Mạnh Hảo, Đông La xông xáo là vậy cũng chán làm phê bình.
Nhà báo Tuy Hòa chắc như “vôi quệt tường” rằng các “nhà phê bình [Sài Gòn] đang sống trong sợ hãi” (Evan, 26.09.2007). M.T cũng giơ tay nhất trí cao: “Khi nhà quản lí và nhà phê bình đều… sợ!” (báo Lao động, 17.10.2007). Chúng ta mang vác đủ thứ mặc cảm và tâm lí hãi sợ. Sợ trung ương đã đành, sợ mất truyền thống bên cạnh sợ không theo kịp hiện đại, sợ bị tụt hậu đồng lúc sợ cái mới lạ, vừa muốn học tập thiên hạ vừa sợ lai căn, sợ hậu hiện đại hay tân hình thức, sợ cách tân với thể nghiệm. Sợ – nên không dám viết, không biết viết thế nào. Ở ngoài kia phong trào sôi động, nhộn nhịp là thế, các nhà phê bình ta “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”.

Cá nhân nhà phê bình đã vậy, Hội Nhà văn Thành phố cũng chưa có động thái tích cực nào khai thông cho thể loại văn học này. Hội Nhà văn Thành phố chưa dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế sáng tác văn học Sài Gòn; bởi nếu chỉ chăm chăm vào dòng “chính lưu” thôi, văn học Thành phố luôn chịu phận lép vế! Nữa: Đã sang thiên kỉ thứ ba sau Công nguyên, văn chương mạng với bao nhiêu Website ra đời, chưa kể Website cá nhân với Blog, vậy mà Hội Nhà văn Thành phố mãi đến lúc này vẫn chưa có Website riêng!
Bàn tròn văn chương qua bảy kì hào hứng và sôi nổi ngay tại cơ quan Hội, Hội Nhà văn Thành phố vẫn chưa có một gợi ý tổng kết rút kinh nghiệm. Thì làm gì tìm ra hướng mở cho hình thức sinh hoạt văn học thích đáng này. Cả thành phố to lớn là thế lại không có đất cho phê bình. Đến nỗi, trong cuộc Tọa đàm Lí luận – phê bình văn học TP Hồ Chí Minh ngày 22.09.2007 vừa qua, một nhà phê bình lão thành phải kêu lên là bài mình viết ra không biết đăng ở đâu!
Người mới nhập làng phê bình như tôi, cũng không được ủng hộ. Dăm năm qua, tôi thử “lập biên bản” hiện trạng văn chương đang xảy ra tại thành phố đông dân nhất nước này: về một tập thơ (Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh,…), một truyện ngắn (Khu vườn lưu lạc của Nguyễn Vĩnh Nguyên,…) hay một tiểu thuyết (Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy,…); về một nhóm thơ (nhóm Mở Miệng,…) hay một trào lưu văn chương (thơ nữ,…); về sự cố văn học (vấn đề thi tuyển,…). Hơn nửa trăm bài cả tiểu luận lẫn phê bình, nhưng chúng xuất hiện ở tận đâu đâu chứ không ở Sài Gòn. Tạm đưa vài tang chứng:
– Về Mở Miệng, có thể nói tôi là người đầu tiên giới thiệu trào lưu văn chương này. Bài “Sáo chộn với Bùi Trát” xuất hiện ở Tienve.org ngày 21.12.2003; sau đó Tạp chí Thơ (Hoa Kì) số Mùa Đông 2003 đăng lại. “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” là Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vào tháng 03 năm 2005, Tienve.org đăng ngày 17.03.2005 trong lúc ở trong nước không báo nào chịu in*.
– Về Ngựa Trời và phong trào thơ nữ cũng vậy, bài “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix ‘nữ’”, Talawas.org đăng ngày 18.04.2006, mãi một năm sau Tạp chí Nhà văn (tháng 03.2007) mới in lại.
– Tham luận tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25.8.2006 : “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần” không biết đăng ở đâu, tôi phải qua gởi nhờ ở báo không chuyên là Người Đại biểu nhân dân, số184 & 185, in vào tháng 07.2006. Vân vân và vân vân và vân vân…

Vậy đó, bảy năm sau hậu đổi mới, văn học TP Hồ Chí Minh có những bước đột phá quyết liệt. Sẵn sàng mở ra nhiều chân trời mới lạ, chưa từng có trước đó, hứa hẹn bao nhiêu thành quả tốt đẹp. Chính chúng lôi kéo công chúng chú ý đến văn chương nói chung, vài năm qua. Dù chúng mang tên trào lưu hậu hiện đại hay tân hình thức, dù nhóm thơ đó là Mở Miệng hay Ngựa Trời, và cho dù tất cả chúng chưa có thành tựu lớn như độc giả đòi hỏi, nhưng chính các trào lưu và nhóm thơ này đã mang luồng khí mới mẻ, dũng mãnh thổi vào khí hậu văn học Việt Nam hôm nay.
Nhưng sau thời hậu đổi mới, Sài Gòn không đẻ nổi cây viết phê bình, một phê bình dám nhập cuộc vào dòng chảy của văn chương đang xảy ra. Phê bình mà phải cứ khép nép trong căn chòi khuôn phép, không dám xông pha khai phá [và dũng cảm đánh giá] các hiện tượng văn học đương thời, cứ mải ru nhau ngủ dưới vài hệ thẩm mĩ đã được lưu kho từ thế kỉ trước, thì làm sao có nền phê bình đúng nghĩa?
Và làm sao văn chương Sài thành có cơ hội vươn vai lớn dậy?
Sài Gòn, 17.10.2007.
___________________________

Viết thêm sau Hội thảo: Vì thời gian có hạn (gói gọn trong một buổi) nên cả phần “Phát biểu” này – dù đã ghi trong chương trình – cũng không được chỉ định thảo luận. Ban tổ chức đã giới thiệu bằng văn bản sơ lược ý chính của tham luận của Inrasara như sau (nguyên văn):

“+ Nhà thơ, nhà nghiên cứu, giảng viên Đại học Inrasara (người Chăm):
Trong tham luận dài 9.000 chữ, anh có sự phân tích khá sâu sắc và không giống với nhiều người khác về sự xuất hiện của dòng thơ hậu hiện đại, về nhóm thơ nữ Ngựa Trời ở TP Hồ Chí Minh và phong trào nữ quyền trong văn chương, về lối thoát cho văn chương (Internet), về sự đòi hỏi chính đáng một Website riêng của Hội Nhà văn Thành phố, một hoạt động phê bình không ăn theo sáng tác mà gợi mở, thậm chí dẫn đạo cho sáng tác.”

* Về Mở Miệng và dòng thơ photcopy ở Sài Gòn, tham khảo thêm: Đoàn Cầm Thi “Một nền thơ mới Việt Nam” sự xuất hiện một dòng thơ mới tại Sài Gòn”, Tienve.org, tháng 04.2006; “Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu,…” – Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại”, Tienve.org, tháng 05.2007.

Xem thêm:
“Nhà quản lí và nhà phê bình đều… sợ

One thought on “Văn thơ trẻ Sài Gòn ở đâu?

  1. Chao anh!em rat muon duoc lam quen voi anh.em LengocLiem 32 tuoi o Da Nang,truoc day hoc su pham Hue hien dang that nghiep.khi em vao trang cua anh Mai Huu Phuoc,huu duyen the nao lai gap anh,em rat yeu van hoa champa anh a,tiec rang kho tim tai lieu de doc qua.Chung ta dang song tren dat cham,lay van hoa,di tich lam di san cho minh,nhung may ai biet ve nhung thang tram mat mat cua ho.Dac biet nhung nguoi o QN-DN.loi tai ai?dang le ra phai dua su cham vao giao duc phai ko anh.Hen gap anh luc khac,co phai so dt cua anh la 0913745764,so dt cua em 0168.8585985.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *